Thế Giới

Mexico tiếp tục tìm kiếm người sống sót

Thursday, 21/09/2017 - 07:51:20

Nhân viên sở này được chọn là do họ có những thiết bị hạng nặng, chuyên dùng để cứu nạn tại các tòa nhà bị đổ sập.



Vào hôm thứ Năm, các đội cứu nạn tại Mexico City vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm người sống sót, vào 2 ngày sau khi trận động đất 7.1 độ Richter xảy ra tại đây, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tại một trường học bị sụp đổ, nhà chức trách cho biết, 1 nhân viên trường vẫn còn bị kẹt dưới đống đổ nát, 19 trẻ em và 6 giáo viên đã thiệt mạng, và 11 người khác đang được chữa trị tại bệnh viện. Một bác sĩ cho biết, mối nguy cơ lớn nhất hiện nay của những người sống sót, nhưng chưa được giải cứu, là tình trạng hạ thân nhiệt.
Tính đến chiều thứ Năm, số người chết tại Mexico là 273 người, bao gồm cả 137 người ở thủ đô. Trong cùng ngày, Cơ quan hỗ trợ thảm họa ở nước ngoài của Hoa Kỳ đã gởi một đội gồm 67 nhân viên tìm kiếm-cứu nạn, và 5 chó cảnh khuyển tới Mexico, cùng 62,000 pound thiết bị y tế và dụng cụ chuyên dụng, để hỗ trợ nhà chức trách địa phương. Các nhân viên được gởi đi thuộc Sở cứu hỏa LA County. Nhân viên sở này được chọn là do họ có những thiết bị hạng nặng, chuyên dùng để cứu nạn tại các tòa nhà bị đổ sập.

Kim: Trump sẽ phải trả giá cho bài diễn văn LHQ
Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un hôm thứ Năm tuyên bố, Tổng Thống Donald Trump sẽ phải “trả giá” cho bài diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào đầu tuần này. Kim cũng nói rằng, Bắc Hàn đang cân nhắc cách hồi đáp mạnh mẽ nhất, cho điều mà ông ta gọi là sự khiêu khích của Tổng Thống Trump. “Tôi muốn khuyên Trump nên học cách chọn từ ngữ cẩn thận, và nên nhớ rằng ông ta đang nói về người nào, khi đọc bài diễn văn trước thế giới,” Kim nói.
Trước đó, vào thứ Ba, ông Trump từng đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Bắc Hàn, và gọi Kim là “Rocket Man – người hỏa tiễn.” Trong lời đáp trả dài dòng, Kim gọi ông Trump là “tâm thần” và nói tổng thống Hoa Kỳ đã “tuyên chiến.” “Tôi sẽ bắt người nắm quyền lãnh đạo Hoa Kỳ trả giá cho lời tuyên bố của ông ta về việc tiêu diệt Bắc Hàn,” Kim nói. “Bất kể Trump dự đoán điều gì, ông ta sẽ nhận được hậu quả nặng nề hơn tưởng tượng.”

Syria, Thổ bắn pháo kích lẫn nhau
ANKARA – Vào ngày thứ Năm, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn đạn pháo vào lãnh thổ Syria, sau khi một trái đạn pháo được bắn từ một khu vực do chính quyền Damacus kiểm soát, rơi trúng tỉnh Hatay, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện chưa có báo cáo về thương vong, sau khi trái đạn pháo rơi trúng vào một khu vực nông thôn tại vùng Yayladagi, Hatay.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria luôn căng thẳng vì vấn đề chủ quyền ở biên giới. Chính quyền Ankara cáo buộc Damacus cung cấp các căn cứ và hỗ trợ các tay súng thuộc đảng Công nhân Người Kurd (PKK), lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật. Hồi tháng ba, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kết thúc chiến dịch Euphrates Shield, kéo dài 7 tháng, nhằm vào phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo và PKK, nhưng những mâu thuẫn nhỏ vẫn diễn ra ở biên giới.

Iraq: Tổng thống Kurd thề trưng cầu dân ý về độc lập
IRAQ – Tổng Thống người Kurd Masoud Barzani hôm thứ Tư tuyên bố sẽ vẫn thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, về việc tuyên bố độc lập cho khu vực người Kurd, bất chấp việc Tối Cao Pháp Viện Iraq đã ra lệnh đình chỉ cuộc bỏ phiếu, vốn dự kiến diễn ra vào tuần tới. Trong thông báo đăng trên mạng, ông Barzani nói, khu vực Kurdistan sẵn sàng đàm phán với Baghdad vào sau cuộc bỏ phiếu, và sẽ là một người láng giềng tốt của Iraq.
Với dân số 30 triệu người, cộng đồng người Kurd chiếm tỷ lệ khá lớn tại một số nước Trung Đông, với 10% ở Syria, 19% ở Thổ Nhĩ Kỳ, và từ 15 đến 20% ở Iraq. Tuy nhiên, cộng đồng này chưa bao giờ có một quốc gia của riêng họ, khiến phong trào lập quốc người Kurd đã được thành lập và lan rộng khắp khu vực. Khu định cư người Kurd ở phía bắc Iraq là một phần lãnh thổ của quốc gia này, nhưng là khu bán tự trị và chủ yếu chỉ có người Kurd sinh sống.
Cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd dự kiến diễn ra vào 25 tháng 9, nhưng đã bị tòa án Iraq ra lệnh đình chỉ hồi đầu tuần này. Phán quyết của tòa dựa trên đơn kiện của Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi và 4 thành viên Quốc Hội, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là vi hiến. Ý định trưng cầu dân ý của người Kurd cũng bị phản đối bởi Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Anh quốc, và các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng thế giới cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây bất ổn trong khu vực, và ảnh hưởng đến cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo.

LHQ chuẩn bị thu thập bằng chứng tội ác của ISIS
NEW YORK - Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm đã đồng ý thành lập một nhóm điều tra, để thu thập và bảo tồn các bằng chứng tội ác của Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq, vì các hành động của tổ chức này có thể sẽ bị coi là tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, hoặc diệt chủng. Mười lăm thành viên của Hội Đồng đã cùng đồng ý về một nghị quyết do Anh quốc soạn thảo, yêu cầu Tổng Thư Ký Antonio Guterres thành lập một nhóm điều tra viên, để buộc ISIS chịu trách nhiệm về các tội ác của tổ chức này. Nghị quyết của Anh cũng đã được sự chấp thuận từ phía Iraq.
Nhiều chuyên gia của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái đã cáo buộc ISIS đang thực hiện hành động diệt chủng nhắm vào dân tộc thiểu số Yazidis tại Syria và Iraq, để xóa bỏ hoàn toàn cộng đồng tôn giáo thiểu số này, thông qua việc giết hại, nô lệ tình dục, và nhiều tội ác khác. Bộ Ngoại Giao Iraq đã chính thức yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ điều tra ISIS, trong lá thư gởi Hội Đồng Bảo An vào tháng trước. Chế độ cai trị của Nhà Nước Hồi Giáo đã sụp đổ vào tháng 7 vừa qua, khi lực lượng Iraq do Hoa Kỳ hỗ trợ tái chiếm thành phố Mosul, nơi được ISIS coi là thủ đô.

Nga phóng thử ICBM thứ hai trong 10 ngày
MOSCOW – Bộ Quốc Phòng Nga hôm thứ Năm đã công bố video vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars, từ bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Plesetsk, miền bắc nước này vào ngày 20 tháng 9. Đây là vụ phóng ICBM lần thứ hai của Nga trong vòng 10 ngày. Ngày 12 tháng 9, một hỏa tiễn Yars cùng loại cũng được phóng từ hầm phóng ở Plesetsk, và nhắm trúng mục tiêu định sẵn tại thao trường Kura, bán đảo Kamchatka.
RS-24 Yars là mẫu ICBM ba tầng mới nhất của Nga. Hệ thống này được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2007. RS-24 Yars có thể mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch với sức nổ 300 kiloton (tương đương 300,000 tấn thuốc nổ TNT) với tầm bắn tối đa lên đến 12,000 cây số. RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn và có giai đoạn phóng ngắn hơn so với các thế hệ hỏa tiễn khác. Nó có khả năng xuyên qua lá chắn tên lửa. Đầu đạn hạt nhân của RS-24 Yars có tính cơ động, khiến nó khó có thể bị đánh chặn.
Tổng Thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 4 thông báo, quân đội nước này đang chuyển sang sử dụng hệ thống hỏa tiễn Yars, với tỉ lệ điều động trong đơn vị hỏa tiễn chiến lược dự kiến đạt 72% vào cuối năm nay.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT