Thế Giới

Miến Điện: Tổng thống bất ngờ từ chức

Wednesday, 21/03/2018 - 08:28:19

Hiến Pháp Myanmar không cho bà Suu Kyi giữ chức tổng thống, vì những người con của bà có quốc tịch nước ngoài.


Tổng Thống Htin Kyaw được Chủ Tịch Tập Cận Bình tiếp đón tại Bắc Kinh tháng Tư, 2017. (Yohei Kanasashi - Pool/ Getty Images)

NAYPYIDAW - Văn phòng Tổng Thống Myanmar hôm thứ Tư thông báo trên Facebook rằng, Tổng Thống Htin Kyaw sẽ từ chức ngay lập tức để "nghỉ ngơi.” Văn phòng này không cho biết lý do sự việc. Tuy nhiên, phát ngôn viên Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung Shin cho biết, ông Htin Kyaw, 71 tuổi, từ chức vì lý do sức khỏe. Phó Tổng Thống Myint Swe sẽ trở thành tổng thống lâm thời của Myanmar, cho tới khi quốc hội bầu ra nhà lãnh đạo mới trong vòng 7 ngày làm việc.
Đảng NLD cho biết, “Tổng thống kế nhiệm sẽ là một thành viên của NLD hoặc một người thích hợp với các chính sách của NLD. Phó tổng thống hiện tại không thể trở thành tổng thống theo quy định của hiến pháp.” Ông Htin Kyaw nhậm chức tổng thống Myanmar hồi tháng 3, 2016 và trở thành lãnh đạo dân sự đầu tiên trong hơn 50 năm ở quốc gia này.
Tổng thống là người đứng đầu chính phủ ở Myanmar và có nhều quyền hạn. Tuy nhiên, vai trò của ông Htin Kyaw được cho là chỉ mang tính tượng trưng, bởi bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo NLD – mới là người nắm thực quyền. Ông Htin Kyaw trước đây là phụ tá thân tín của bà Suu Kyi. Hiến Pháp Myanmar không cho bà Suu Kyi giữ chức tổng thống, vì những người con của bà có quốc tịch nước ngoài.

Anh: Vụ đầu độc có liên quan tới bầu cử Nga
LONDON - Lên tiếng tại Hạ Viện Anh hôm thứ Tư, Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố "các trách nhiệm" trong vụ đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal và con gái Yulia, ở thành phố Salisbury hồi đầu tháng, có liên quan trực tiếp đến Điện Kremlin và Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Khi được hỏi vì sao ông Putin quyết định hành động vào lúc này, Ngoại Trưởng Anh cho rằng nó có thể "liên quan tới cuộc bầu cử mới đây tại Nga.”
Anh cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh quân sự để đầu độc cựu gián điệp Skripal và con gái, khiến hai người rơi vào tình trạng nguy kịch suốt 2 tuần qua. Anh đã thông báo trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và Nga đáp trả với hành động tương tự. Điện Kremlin phủ nhận liên quan đến vụ ám sát, khẳng định Anh cần cung cấp bằng chứng cho cáo buộc, hoặc phải xin lỗi Nga. Ông Johnson hôm 16 tháng 3 cũng nêu cáo buộc tương tự nhằm vào Tổng Thống Putin. Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, bất cứ tuyên bố nào nhắc đến Tổng Thống Nga trong sự việc đều là “xúc phạm và không thể tha thứ" đối với nguyên tắc ngoại giao.

Afghanistan: Bom tự sát, ít nhất 29 người chết
KABUL – Một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra hôm thứ Tư tại một ngôi đền ở thủ đô Kabul, Afghanistan, khi người dân đang tổ chức lễ hội năm mới Nawroz. Thông tin ban đầu cho biết vụ tấn công khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và 52 người bị thương. Con số thương vong có thể còn tăng. Kẻ đánh bom được cho là đã nhắm vào một đám đông gồm hàng trăm người, đang tụ tập để ăn mừng lễ Nowruz, lễ hội năm mới theo lịch Ba Tư cổ. Rất nhiều nạn nhân là người Hồi giáo Shiite.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đã nhận trách nhiệm sự việc. Bộ Nội Vụ Afghanistan cho hay, kẻ tấn công đi bộ tới đền Sakhi, và kích nổ khối bom trên người khi bị cảnh sát phát hiện. Vụ nổ diễn ra bên ngoài bệnh viện Ali Abad, gần Đại học Kabul, phía tây thành phố. Đền Sakhi từng là mục tiêu tấn công trước đây. Ít nhất 14 người đã chết trong vụ tấn công nhằm vào ngôi đền này hồi tháng 10, 2016, giữa lúc những người Hồi giáo Shiite đang chuẩn bị cầu nguyện trong lễ hội Ashura. Năm 2011, một vụ đánh bom khác nhằm vào đền Sakhi cũng khiến 59 người chết.

Nam Hàn muốn hội nghị 3 bên với Mỹ, Bắc Hàn
SEOUL – Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm thứ Tư cho biết, một hội nghị 3 bên với Bắc Hàn và Hoa Kỳ là điều có thể xảy ra. Ông Moon đang dự định gặp gỡ Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào tháng tới, sau một loạt các hoạt động ngoại giao tại châu Á, châu Âu, và Hoa Kỳ. Tổng Thống Donald Trump cũng nói rằng, ông có thể sẽ gặp ông Kim vào cuối tháng 5. Trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống ở Seoul, ông Moon nói, cuộc họp Bắc Hàn – Hoa Kỳ sẽ là một sự kiện lịch sử, sau hội nghị liên Triều. Tổng thống Nam Hàn thêm rằng, tùy theo tình hình, một hội nghị 3 bên giữa Nam-Bắc Hàn và Hoa Kỳ có thể sẽ diễn ra.
Các viên chức Seoul đang cân nhắc việc dùng làng đình chiến Panmunjom làm nơi tổ chức hội nghị 3 bên. Tổng Thống Moon và Chủ Tịch Kim cũng dự kiến sẽ gặp mặt tại đây trong 1 ngày vào tháng tới. Các tiến triển ngoại giao gần đây đã giúp làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tổng Thống Moon nói, mục tiêu của các hội nghị sắp tới sẽ là giải trừ hạt nhân và đàm phán hòa bình cho bán đảo. Ngoài ra, vào hôm thứ Ba, truyền thông Bắc Hàn cũng lần đầu tiên lên tiếng về các hoạt động ngoại giao gần đây. Hãng KCNA của Bắc Hàn bác bỏ thông tin cho rằng, các lệnh trừng phạt của quốc tế đã buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán. Ngược lại, Bắc Hàn nói rằng, các hành động giảm căng thẳng gần đây là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng rất tự tin vào sức mạnh quốc gia, do đã có được mọi thứ mà nước này muốn.

Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ Đài Loan
ĐÀI BẮC – Phó phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Alex Wong, hôm thứ Tư tuyên bố, sự ủng hộ của Hoa Kỳ giành cho Đài Loan chưa bao giờ ở mức cao như hiện nay, và hòn đảo này là niềm cảm hứng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông Wong được đưa ra trong chuyến thăm Đài Bắc, trong bối cảnh sự thù hằn giữa Đài Loan và Trung Quốc đang gia tăng, và chỉ 1 ngày sau khi Chủ Tịch Tập Cận Bình đưa ra những lời đe dọa mạnh mẽ đối với ý định ly khai của Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh phản loạn, và Chủ Tịch Tập vào hôm thứ Ba nói rằng, hòn đảo này sẽ đối mặt với sự trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử nếu có ý định ly khai.
Đảo Đài Loan là một trong các vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc, và có thể trở thành một điểm xung đột quân sự. Vào thứ Tư, Đài Loan đã phải gởi chiến hạm và chiến đấu cơ đến để theo dõi một hạm đội hàng không mẫu hạm Trung Quốc đi qua eo biển giữa 2 nước. Trong lễ đón tiếp với sự có mặt của Tổng Thống Thái Anh Văn, ông Alex Wong nói, “Đài Loan không thể tiếp tục bị loại trừ một cách không công bằng khỏi các diễn đàn thế giới. Tôi bảo đảm rằng, chính phủ Hoa Kỳ và các lĩnh vực tư nhân sẽ thực hiện phần việc của họ để giúp Đài Loan hiện diện nhiều hơn trước cộng đồng quốc tế.” Các thông điệp của ông Wong được cho là sẽ khiến Trung Quốc tức giận. Nước này trước đó đã bày tỏ sự bất bình, khi Tổng Thống Donald Trump phê chuẩn đạo luật cho phép các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ và Đài Loan qua lại thăm hỏi lẫn nhau.

Trung Quốc sắp hợp tác tìm dầu với Phi Luật Tân
BẮC KINH - Sau cuộc họp với Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Alan Cayetano, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị hôm thứ Tư cho biết, Bắc Kinh sẽ hợp tác một cách thận trọng với Manila để thăm dò khai thác dầu và khí đốt trên biển Đông. Lên tiếng trong cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh, ông Vương nói, “Việc thăm dò dầu và khí đốt sẽ được thực hiện một cách từ từ và thận trọng. Các tranh chấp về biển Đông sẽ dần dần được biến thành một khởi điểm của tình hữu nghị và sự hợp tác.” Đáp lại, ông Cayetano cho biết, ông tin rằng hai nước sẽ tìm ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp để thực hiện các cuộc thăm dò và nghiên cứu chung.
Vào tháng Hai vừa qua, Trung Quốc và Phi Luật Tân đã đồng ý thành lập một hội đồng đặc biệt, để thương lượng cách hai nước có thể cùng hợp tác thăm dò khai thác tài nguyên, trong vùng biển mà cả hai đều tuyên bố sở hữu, mà không cần phải đụng chạm đến chủ đề nhạy cảm là chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc tuyên bố sở hữu phần lớn biển Đông, tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng ở châu Á, và cũng được cho là có trữ lượng dầu thô và khí đốt rất lớn. Cùng với Trung Cộng, nhiều phần của biển Đông cũng được tuyên bố chủ quyền bởi Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam, và Phi Luật Tân.

Hơn 40 nước Phi ký hiệp ước thương mại tự do mới
RWANDA - Hơn 40 quốc gia đã đồng ý ký kết thỏa thuận thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), thay thế một hiệp ước hiện tại có nhiều thiếu sót. Theo đó, các thành viên AfCFTA cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai. Tổng Thống Rwanda Paul Kagame, đồng thời là chủ tịch Liên Minh Châu Phi, cho rằng việc thành lập một thị trường châu Phi hợp nhất sẽ có lợi cho các nước thành viên.
Hiệp ước này vẫn còn cần được chính phủ của mỗi nước phê chuẩn, và chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 22 quốc gia chấp thuận. Theo ước tính, giao dịch thương mại trong nội bộ các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 16% tổng giao dịch thương mại của châu lục. Con số này là khá thấp nếu so sánh với tỷ lệ 19% ở các quốc gia Nam Mỹ hoặc 51% ở các nước châu Á. Hội đồng Kinh tế Liên Minh Châu Phi tin rằng, AfCFTA sẽ giúp tăng gấp đôi lượng giao dịch thương mại nội lục địa. Tuy nhiên, lãnh đạo một số quốc gia đã không tham dự lễ ký kết, gồm tổng thống các nước Nigeria, Uganda, và Burundi.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT