Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Minh Nguyễn và Iren Arutyunyan sắp ra mắt khán giả Little Saigon

Friday, 11/09/2015 - 09:04:11

Minh Nguyễn cũng nói thêm rằng để tạo cho mình một dấu ấn riêng, Minh chọn cách chơi guitar hướng tới sự nhẹ nhàng, thoáng đạt, lả lướt không quá nặng nề, mà thanh thoát, lấy nhu làm sức mạnh chứ không lấy cương. “Đó là sắc thái mà tôi chú tâm hướng đến khi chơi guitare cổ điển trong thời điểm này. Còn thời gian tương lai sau 5 năm nữa, có thể khi đó tôi sẽ thay đổi.”

Bài BĂNG HUYỀN

Chủ Nhật, ngày 20 tháng 9 năm 2015 sắp tới, vào lúc 5 giờ chiều tại Phòng Sinh Hoạt của báo Người Việt, hai nghệ sĩ guitar cổ điển Minh Nguyễn (Nguyễn Thái Minh) và Iren Arutyunyan (nghệ sĩ gốc Armenia) sẽ cống hiến cho khán giả những ngón đàn điêu luyện, tạo ra suối nguồn âm thanh độc đáo với không gian âm nhạc guitar cổ điển mang tên “Đêm hội ngộ Tây Ban Cầm” do Hội Guitar Cổ Điển Nam California tổ chức với sự bảo trợ của báo Người Việt.

Với khả năng chơi guitar cổ điển điêu luyện của Minh Nguyễn và Iren Arutyunyan, sự kết hợp của cả hai trong chương trình này hứa hẹn sẽ là một sự kiện âm nhạc đầy ấn tượng với sự đa dạng về cảm xúc và hội tụ nhiều màu sắc. Là cơ hội cho người nghe muốn thưởng thức vẻ đẹp của guitar cổ điển và hiểu thêm về những đỉnh cao mà người chơi guitar có thể đạt được. Ngoài màn độc tấu của mỗi người, cả hai còn phối hợp nhuần nhuyễn với những bài song tấu cùng nhau. Chương trình sẽ không có tiếng hát, cũng không có sự hỗ trợ của bất cứ nhạc cụ nào khác mà chỉ với guitar và những tác phẩm cổ điển, nhưng chắc chắn “Đêm Hội Ngộ Tây Ban Cầm” sẽ tạo nên không gian âm nhạc để lại nhiều ấn tượng và dư âm đẹp. Khán thính giả đến thưởng thức chương trình sẽ có những giây phút thăng hoa, lắng đọng qua các giai điệu ngọt ngào và êm dịu.

Hai nghệ sĩ guitar Minh Nguyễn (Nguyễn Thái Minh) và Iren Arutyunyan (Hình do Thái Minh cung cấp)



Cơ duyên của buổi nhạc
Giới thiệu đôi nét về nội dung của buổi diễn với nhật báo Viễn Đông, Minh Nguyễn cho biết, “Chương trình sẽ dài khoảng 70 phút, sẽ chiều được các khán giả đa dạng từ người có chơi và nghe guitare cổ điển chuyên nghiệp cho đến người không biết và chưa từng nghe guitare cổ điển cũng có thể thưởng thức và cảm nhận được. Sẽ có một vài bài nhạc Việt Nam và bài cổ điển dễ nghe như “Buồn Tàn Thu,” “Hẹn Hò,” Ticotico, Julia Florida, Suite del Recuerdo... và vài bài cổ điển khó nghe nhu Sonata for Guitar của Leo Brouwer... chỉ có người chơi guitare cổ điển lâu năm, mới nghe, mới biết.”

Tháng 12 năm ngoái, trong đêm “Hội Ngộ” do Hội Tây Ban Cầm Cổ Điển Nam California tổ chức, khán giả Nam California đã được thưởng thức tiếng đàn điêu luyện, tinh tế của Minh Nguyễn cùng với 2 Tây Ban Cầm Thủ tài hoa Hoàng Ngọc Tuấn (đến từ Úc châu) và Huỳnh Hữu Đoan (tại Nam California). Trong “Đêm hội ngộ Tây Ban Cầm” năm nay, lại là sự kết hợp mới mẻ của Minh Nguyễn và Iren Arutyunyan.

Nói về cơ duyên có sự kết hợp lần đầu tiên của mình với Iren Arutyunyan, Minh Nguyễn chia sẻ, “Tôi từng biết Iren trên you tube vì thấy bạn chơi guitar cổ điển rất hay, khi đó tôi vẫn chưa chơi guitare cổ điển chuyên nghiệp. Mãi đến khi chuyển về vùng Little Saigon này, tôi có đi xem những trường nhạc chung quanh đây, khi đó gặp Iren, và làm quen với bạn ấy. Iren cũng từng học guitare cổ điển ở USC và đã tốt nghiệp, đây là trường mà tôi đang theo học chuyên về biểu diễn guitar cổ điển. Tôi cũng đã có dịp được học hỏi rất nhiều từ Iren. Cả hai có chơi nhạc cùng nhau, thấy đồng cảm, hợp nhau, khi quyết định làm đêm nhạc này, tôi đã mời Iren cùng tham gia. Cô ấy có dạy guitar ở trường Blooming Academy (Thành phố Westminster) có học sinh là người Việt khá đông nhưng cô ấy chưa bao giờ có buổi diễn nào với khán giả Việt Nam. Vì vậy cô ấy rất hào hứng nhận lời. Tôi cũng đã gợi ý cho cô chơi độc tấu một vài bài Việt Nam, cô ấy rất thích thú tập luyện và sẽ diễn tấu lần này.”

Tài năng của hai nghệ sĩ trẻ
Với những khán giả yêu thích guitar cổ điển thì Minh Nguyễn và Iren Arutyunyan là hai nghệ sĩ trẻ rất thân quen, cả hai từng đạt giải cao trong các cuộc tranh tài dành cho guitar cổ điển.

Iren Arutyunyan bắt đầu học guitar cổ điển lúc 7 tuổi dưới sự hướng dẫn của ba, cô đã hoàn tất bằng cử nhân và cao học về âm nhạc tại trường Đại Học University of Southern California (USC). Tháng Mười Một năm 2011, Iren đã đạt giải 1 tại cuộc thi “Guitar Foundation of America Regional Pre-Professional Soloist Competition” toàn tiểu bang California. Iren Arutyunyan còn là một trong những nghệ sĩ chơi đàn guitar cổ điển trên YouTube của “Guitar Salon International” thu hút rất đông người xem.

Là một nghệ sĩ chơi guitar cổ điển và biểu diễn chuyên nghiệp, Iren còn tham gia dạy đàn cho giới trẻ. Từ năm 2010 đến năm 2012, Iren dạy tại “Youth Policy Institute” đây là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các hoạt động hỗ trợ học tập cho trẻ em. Mùa hè năm 2012, Iren tham gia vào dự án Volterra tại Ý, giảng dạy các lớp học về lý thuyết và biểu diễn âm nhạc. Từ năm 2012 đến nay, Iren tiếp tục biểu diễn và dạy đàn tại trường nhạc ở Nam California.

Minh Nguyễn (Nguyễn Thái Minh) trước khi đến Mỹ theo học tại University of Puget Sound cử nhân chuyên ngành Kinh doanh và Cử nhân nghệ thuật lĩnh vực âm nhạc (từ năm 2008 đến 2012), Minh Nguyễn đã học đàn guitar từ năm 13 tuổi với nghệ sĩ guitar Hải Thoại tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội). Sau đó học với nghệ sĩ guitar Phạm Tuấn Khang (ở Hà Nội) và nghệ sĩ guitar Châu Đăng Khoa (ở Sài Gòn). Minh Nguyễn đã học xong cao học âm nhạc chuyên ngành Guitar biểu diễn tại trường University of Wisconsin và hiện nay đang học nghệ thuật trình tấu (Artist of Performance) ở đại học University of Southern California - USC.

Anh cũng đã từng đoạt giải cao trong các cuộc tranh tài dành cho guitar cổ điển, đạt giải Ba cuộc thi guitar của đại hội guitar Đông Bắc nước Mỹ và Canada lần thứ 21 (Northwest Guitar Festival tổ chức tại trường ĐH Eastern Washington, tiểu bang Washington).

Giải Nhất cuộc thi Siera Nevada International Guitar Competition 2014 (Memphis IGC) Giải Nhì tại Memphis, Tennessee, 2014; Và Giải Ba Walnut Creek IGC (San Francisco, California, 2014); Chung kết tại Wilson Center IGC (Brookfield, Wisconsin, 2014)...

Tâm tình của nghệ sĩ trẻ Minh Nguyễn về tình yêu với guitar cổ điển
Lắng nghe những lời tâm sự không văn hoa của Minh Nguyễn, người viết cảm nhận được ở người nghệ sĩ trẻ này tình yêu với guitar, đặc biệt là guitar cổ điển luôn đầy ắp và sâu nặng. Đối với Minh Nguyễn, càng gắn bó với guitar, tình yêu của anh với cây đàn guitar càng đậm đà nồng ấm hơn. Anh chơi guitar không phải bằng kỹ thuật nữa, mà bằng những xúc cảm từ những trải nghiệm của bản thân và cảm nhận từ những tác phẩm âm nhạc.

Minh kể rằng con đường đến với guitare cổ điển của anh không được suôn sẻ. Anh học guitar rất tình cờ. “Lúc còn nhỏ thấy bố chơi đệm hát tài tử nhưng tôi không quan tâm nhiều đến guitar. Từ khi bố chuyển sang sống một mình, tôi có sang chơi với bố và thấy đàn guitar, bèn nói bố dạy con đàn đi, chỉ với ý định làm bố vui lòng thôi. Và khi bố vào Sài Gòn thì bố để lại cây đàn cho tôi tự chơi khi đó tôi đang học lớp 8. Rồi tôi chìm đắm vào guitar lúc nào không hay.”

Sau đó Minh đã tìm đến học với thầy Hải Thoại ở Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội) một thời gian, và học thêm những bài tập về kỹ thuật guitar cổ điển với thầy Tuấn Khang (nghệ sĩ guitar ở Hà Nội) thường hay biểu diễn tại quán cà phê Nhạc Tranh (là quán cà phê chuyên biểu diễn guitar cổ điển). Đến mùa hè năm 2006, sau khi tốt nghiệp lớp 12 và thi đậu vào đại học Bách Khoa Hà Nội ngành học Toán- Tin, Nguyễn Thái Minh đã vào Sài Gòn 3 tháng để thăm bố và tìm đến học thêm guitar cổ điển với thầy Châu Đăng Khoa (vốn là thầy của nghệ sĩ Tuấn Khang và được Tuấn Khang giới thiệu cho Thái Minh tìm học thêm về guitar cổ điển).

Minh tâm sự, “Thầy Khoa dạy cho tôi khái niệm về tiếng đàn đẹp, tiếng đàn sâu sắc, hơi thiên về triết học, dù khi đó tôi chưa hiểu hết, nhưng sự chơi nhạc của tôi đã thay đổi, nó đằm hơn, không còn nặng về kỹ thuật mà đã bắt đầu để ý những âm sắc, hơi thở trong tiếng đàn. Thầy Khoa dạy cho tôi những điều này.”

Khi người viết hỏi, “Dấn thân vào con đường chơi guitar cổ điển, Minh Nguyễn phải cần vượt qua những khó khăn nào?.” Minh Nguyễn cho biết, “Guitar cổ điển là niềm yêu thích của tôi, tôi chơi đàn trong những lúc mệt mỏi căng thẳng. Ngay từ lúc mới bắt đầu học đàn guitar tôi đã vượt qua được là vì niềm đam mê của mình, tôi biết con đường mình muốn đi, loại nhạc mình muốn chơi. Khi mình đã tìm được đam mê đó, tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, thì mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ thôi.

Tôi nghĩ chỉ khó khăn là khi mình làm việc gì đó mà bế tắc, tương lai không biết về đâu, mình không biết mình có thích nó hay không? Thì đó mới là khó khăn, còn những chuyện tôi trải qua để gắn bó với guitare cổ điển chỉ là những vất vả tạm thời mà thôi. Nhưng tôi biết tôi làm được điều mà tôi thích, đi đúng với con đường mà tôi chọn, biết được đường đi về sau của mình. Do đó tôi vượt qua được hết, vì tôi có thể sống được bằng đam mê của tôi. Cuộc sống thật sự với tôi rất nhẹ nhàng. Tôi thấy tôi là một người may mắn và hạnh phúc.”

Về sự khác nhau giữa guitare cổ điển và các nhạc cụ cổ điển khác như violin, piano, Nguyễn Minh cho rằng, “So với violin và piano, thì guitar cổ điển phát triển rất muộn chỉ chính thức có từ đầu thế kỷ 20. Đàn guitar về mặt âm thanh, nó trung dung ở giữa, nó không rung như violin, nhưng độ rung của nó hơn đàn piano. Âm sắc đàn guitar tương đối đa dạng, mỗi khi đánh piano, cường độ rất mạnh, nhưng nó chỉ có một âm sắc thôi. Tiếng đàn piano khi nó tạo ra không trực tiếp từ tay mình, mà là từ bộ gõ vào dây ở bên trong thùng đàn. Còn tiếng đàn của violin là một màu âm sắc từ cung vĩ kéo dây đàn. Chỉ có tiếng guitar vang lên là trực tiếp từ ngón tay người đánh đàn để tạo nên âm sắc. Tuy nhiên hạn chế của guitar là về mặt cường độ, độ to, nhỏ không bằng piano. Guitar còn có hạn chế về tốc độ không thể bằng được như violon. Về âm lượng không bằng, nhưng guitar có âm sắc thay đổi, hay nhất của guitar là khi ngón tay chạm vào dây đàn là trực tiếp tạo ra âm sắc. Tôi vẫn nghe nhạc cổ điển với các nhạc cụ violin và piano, vì nó đã phát triển vài trăm năm nay rồi, nó đã là nền tảng của nhạc cổ điển thì sự phát triển phải hơn guitare. Tôi nghe để học hỏi. Còn guitar là nhạc cụ mà tôi chơi từ ngày xưa, giúp tôi sống với những kỷ niệm về bố với cây guitar bố để lại, guitar đã trở thành nghiệp của tôi, vì vậy chủ quan tôi vẫn yêu nhất guitar.”

Nói về cảm xúc khi biểu diễn trong cộng đồng người Việt và khi diễn trong những buổi concert của người Mỹ, Minh Nguyễn bày tỏ, “Khi biểu diễn trong cộng đồng Việt, là sự chia sẻ với những người cùng chung dòng máu Việt Nam, cùng chung văn hóa. Luôn đem lại cho tôi cảm xúc rất thân thuộc, gợi tôi nhớ đến tôi thuở còn là cậu bé chơi đàn ở quán Nhạc Tranh (ở Hà Nội), quán Guitare Gỗ của thầy Châu Đăng Khoa tại Phú Nhuận (Sài Gòn) ngày nào, nó rất mộc mạc, giản dị. Còn khi biểu diễn trong những buổi concert của người Mỹ, thì lúc đó niềm tự hào của bản thân là nhiều hơn. Đó là quá trình tôi đã cố gắng và hòa nhập được và đạt được trình độ biểu diễn chuyên nghiệp trong những chương trình concert của người Mỹ hay trong những cuộc thi. Và khi nghe những bạn người Mỹ chơi thì tôi cũng học hỏi rất nhiều từ cách chơi, cảm nhận âm nhạc thuần túy.”

Để trả lời câu hỏi giữa kỹ thuật điêu luyện và cái hồn của tác phẩm khi trình diễn, điều nào đánh giá đẳng cấp của một nghệ sĩ guitar cổ điển, Minh Nguyễn cho biết, “Theo tôi, một nghệ sĩ guitar đẳng cấp là phải thoát ra ngoài những vấn đề về kỹ thuật, không đặt nặng kỹ thuật mà phải chơi thật tình cảm cả tiếng đàn, âm sắc. Khi chơi một tác phẩm, phải thể hiện tác phẩm đó có bố cục cấu trúc mạch lạc rõ ràng, không chỉ quá chú trọng tiểu tiết mà phải có sự dàn trải các đoạn với nhau. Người đó phải có sự phá cách. Tuy nhiên để có sự phá cách thì phải có chính cách trước thì mới phá cách được. Phải đặt phần hồn mình vào tác phẩm khi biểu diễn, luôn làm chủ cuộc chơi. Mình là người đặt ra luật chơi, nhưng cũng là người phá luật chơi đó, thì đó là nghệ sĩ guitar đẳng cấp, và đó chính là điều mà tôi luôn hướng đến về lâu về dài trong quá trình chơi nhạc của mình. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm chủ quan của riêng tôi vì âm nhạc rất rộng, mỗi người sẽ có một định hướng, một cách đi và quan điểm khác nhau. Có nhiều nghệ sĩ dù cách chơi của họ không phải cách tôi hướng đến, nhưng tôi vẫn lắng nghe để học hỏi. Mình chơi nhạc nếu không mở lòng thì cũng rất khó tiến bộ.”

Minh Nguyễn cũng nói thêm rằng để tạo cho mình một dấu ấn riêng, Minh chọn cách chơi guitar hướng tới sự nhẹ nhàng, thoáng đạt, lả lướt không quá nặng nề, mà thanh thoát, lấy nhu làm sức mạnh chứ không lấy cương. “Đó là sắc thái mà tôi chú tâm hướng đến khi chơi guitare cổ điển trong thời điểm này. Còn thời gian tương lai sau 5 năm nữa, có thể khi đó tôi sẽ thay đổi.”

Bên cạnh biểu diễn guitar cổ điển, Minh Nguyễn còn đệm hát, vì vậy bản thân Minh cũng có sử dụng những kỹ thuật fingerstyle guitar để đệm hát và dạy tại lớp nhạc trong cộng đồng, nhưng Minh Nguyễn vẫn yêu thích guiatare cổ điển hơn và theo đuổi để mỗi ngày thêm hoàn hảo nghệ thuật này.
Nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến độc giả lời mời của mình, Minh Nguyễn chân thành nói, “Kính mời các khan giả hãy đến thưởng thức “Đêm hội ngộ Tây Ban Cầm.” Tôi biết thực hiện chương trình như thế này hơi mạo hiểm, vì người nghe chương trình như thế này hiện nay vẫn chưa phổ biến. Bên cạnh những chương trình ca nhạc giải trí vui vẻ thì chương trình này giúp mọi người tĩnh lặng hơn là giải trí sôi động. Khi mọi người muốn tìm khoảng lặng của bản thân, tĩnh tâm lại thì hãy đến với chương trình này. Hy vọng khi mọi người yêu thích thì sẽ có những buổi diễn thường xuyên hơn.”

Buổi trình diễn “Đêm hội ngộ Tây Ban Cầm” bắt đầu lúc 5 giờ chiều ngày 20 -9-2015, tại phòng sinh hoạt báo Người Việt. Vé đã bán tại Tú Quỳnh (714-531-4284), Bolsa Tickets (714-418-2499) và Người Việt (714-892-9414). Giá vé: $20.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT