Gỡ Rối Tơ Lòng

Mới biết yêu nhưng không cùng tôn giáo

Friday, 20/10/2017 - 08:17:28

Ở tuổi này, cháu hy vọng rằng Cô Ba không cho là cháu vẫn còn bồng bột. Tuy nhiên, dù cháu yêu anh tha thiết, giữa chúng cháu vẫn có một rào cản to lớn: đó là tôn giáo.

Lần sau bà đá còn mạnh hơn, nhớ nha! (Getty Images)

Đầu thư, cháu xin gởi lời chúc sức khỏe tới Cô Ba và gia đình. Tiếp theo, cháu xin làm phiền Cô Ba với câu hỏi đầy trăn trở của cháu. Năm nay cháu 33 tuổi, và đây là lần đầu trong đời cháu biết yêu, mặc dù anh ấy và cháu chỉ gặp nhau cách đây một tháng. Ngay từ giây phút đầu tiên, cháu biết anh ấy là "người đàn ông tuyệt vời" của cháu. 

Ở tuổi này, cháu hy vọng rằng Cô Ba không cho là cháu vẫn còn bồng bột. Tuy nhiên, dù cháu yêu anh tha thiết, giữa chúng cháu vẫn có một rào cản to lớn: đó là tôn giáo. Gia đình anh ấy rất sùng đạo còn cháu thì không theo đạo nào. Ngay từ đầu, anh ấy đã khuyên cháu về sự "không bền vững" của mối quan hệ nếu chúng cháu không cùng đạo.
Bất kể điều đó, tình yêu của chúng cháu mạnh mẽ theo thời gian. Chúng cháu giống nhau ở nhiều điểm, và thực sự muốn chia sẻ với nhau tất cả mọi điều trong cuộc sống. Khác biệt duy nhất là cháu không tin Chúa, hoặc Đức Mẹ. Anh ấy nói đó là điều rất xúc phạm với anh ấy. Cháu phải giải thích rằng cháu sẽ đi nhà thờ với anh ấy, đồng ý nuôi dạy con của chúng cháu dưới mái nhà của người Công Giáo, nhưng khi chúng lớn lên, chúng được phép có những quyết định riêng về cuộc sống của chúng. Và thế là anh ấy tức giận rồi bỏ đi.
Thưa Cô Ba, cháu cảm thấy mình trong tâm trạng "tiến thoái lưỡng nan," phân nửa muốn buông vì cháu không thích tình yêu phải kèm theo điều kiện (nhất là điều kiện về tôn giáo), phân nửa muốn chạy theo và giữ anh ấy lại, vì cháu thật lòng yêu anh ấy. Bây giờ cháu phải làm sao đây? Cháu có nên tiếp tục cuộc chiến này không? Xin Cô Ba trả lời giúp cháu với.

Cô Ba trả lời
Chào cháu ở Texas. Cô Ba cảm ơn lời chúc của cháu. Cô Ba không hiểu cháu muốn nói tới "cuộc chiến" gì. Ý cháu muốn nói là "chuyển sang tôn giáo của anh ấy" và "dành hết thời gian cho tôn giáo" như anh ấy đang làm? Nếu thực sự như vậy thì cháu nên cẩn thận trước "cuộc chiến" đó.
Trong khi anh ấy đáng được khen ngợi vì sự sùng đạo, thì anh ấy lại áp đặt tín ngưỡng lên các con (của cháu và anh ấy), không cho chúng quyền tự quyết định và được sống theo ý muốn của chúng. Đó không phải là một tấm gương đáng noi theo, cháu ạ.
Theo Cô Ba nghĩ, sự khác biệt đó là quá lớn, và anh ấy không muốn có một người vợ mà muốn có một bản sao về tín ngưỡng. Cháu không thể làm hài lòng anh ấy được đâu, thôi cứ để anh ấy đi luôn đi, cháu nhé.

Có nên chào gọn lỏn theo thời đại mới?
Công ty mà tôi đang làm việc gần đây chuyển sang điện thoại kỹ thuật số, tức là trên màn hình hiển thị tên và vị trí của người gọi bất kể họ ở đâu trong tòa nhà. Nhiều năm trước, tôi hình thành thói quen tự giới thiệu mỗi khi thực hiện cuộc gọi, "Xin chào, đây là Sơn từ phòng quảng cáo. Anh khỏe không, Trung? Tôi gọi anh vì tôi muốn thông báo..." Tuy nhiên, gần đây, tôi được thông báo rằng các thủ tục mà tôi đang làm là lỗi thời, không cần thiết, và lãng phí thời gian của mọi người.
Thưa Cô Ba, công ty tôi giới thiệu một phương pháp mà họ cho là hiện đại, tức là đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi mà không cần tự giới thiệu. Chỉ nói, "Xin chào, tôi muốn thông báo với anh rằng ...," vì khi nhìn vào màn hình, người bên kia đầu dây biết ai đang gọi tới. Đối với tôi, điều này quả thực là bất lịch sự, đặc biệt khi nói chuyện với những người tôi ít giao tiếp.
Tôi không thể không băn khoăn về bầu không khí làm việc trong văn phòng, nếu tất cả mọi người đều nói với nhau những câu gọn lỏn như vậy. Mặt khác, nhiều đồng nghiệp trẻ của tôi sẽ không còn muốn nói chuyện qua điện thoại nữa, chỉ muốn nhắn tin hoặc sử dụng email. Từ nay, bất cứ cuộc trò chuyện nào cũng gây khó chịu cho họ, vì những câu nói cộc lốc và không đầu không đuôi. Họ bắt đầu chọc ghẹo khi nghe tôi nói câu, "Xin chào, đây là Sơn từ phòng quảng cáo."
Thưa Cô Ba, làm sao để trung hòa hai thái độ? Tôi nên làm gì để giữ cho giọng điệu vẫn hòa nhã lịch sự, mà không làm mất thời gian của người nghe (tức là đồng nghiệp)? Tôi muốn biết ý kiến của Cô Ba. Chân thành cảm ơn Cô Ba rất nhiều.

Cô Ba trả lời
Thân chào anh "Sơn từ phòng quảng cáo" ở California. Câu hỏi của anh vô cùng tế nhị, vì có liên quan tới nhiều đồng nghiệp trong cơ quan. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể đưa ra ý kiến để anh tham khảo. Trong môi trường làm việc, có nhiều cách rất hay giúp phần giao tiếp qua điện thoại giữa hai người thêm thú vị.
Trong khi anh không được phép nói "Đây là Sơn từ phòng quảng cáo," anh có thể đưa đẩy bằng phép lịch sự thông thường "Chào cô X, cô khỏe không?" Hoặc "Chào anh Y, mọi chuyện bình thường chứ hả?" trước khi đi vào vấn đề chính. Vì hiện nay phương pháp mới còn đang thử nghiệm, anh có thể tới trưởng phòng hoặc giám đốc để biết thêm thông tin về phương pháp mới. Thân chúc anh không cảm thấy mình bất lịch sự nữa.


Lỡ ngoại tình, bị cha mẹ vợ ghét ra mặt
Tôi có vợ được 15 năm nay và yêu vợ tôi rất nhiều, nhưng rồi dường như cảm thấy ngọn lửa tình yêu bắt đầu nguội, tôi làm một chuyện ngu ngốc là ngoại tình với một phụ nữ khác. Tôi đi lại với người này chỉ vì xác thịt, xin lỗi Cô Ba, nhưng đúng là như vậy. Chuyện ngoại tình chỉ kéo dài trong vài tuần lễ ngắn ngủi, và sau đó tự tay tôi cắt đứt với cô này.
Sau khi ly dị một thời gian, tôi muốn quay về với vợ tôi và nàng đồng ý tha thứ cho tôi. Hiện thời chúng tôi đang tìm cách hàn gắn mọi sự đổ vỡ. Tôi biết mình sai, nhưng đó là quá khứ, là cách đây 12 tháng rồi. Tôi nhận thấy cũng nhờ lầm lỗi này mà vợ chồng tôi gần gũi nhau hơn.
Rắc rối mà tôi muốn nhờ Cô Ba gỡ giùm, không đến từ nàng, mà đến từ song thân nàng. Sau khi biết chuyện tôi ngoại tình và ly dị vợ, họ ghét tôi ra mặt. Tôi tin chắc nếu họ có cơ hội lái xe lao thẳng vào người tôi, họ sẽ làm điều đó không chút nao núng. Họ còn kể những điều xấu xa của tôi cho các con tôi nghe. Họ cấm cửa tôi và không biết hiện giờ chúng tôi đang quay lại với nhau. Cứu tôi với, Cô Ba ơi! Tôi phải làm gì đây?

Cô Ba trả lời
Thân chào anh "vẫn còn yêu vợ" ở Iowa, tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của anh, muốn giúp anh quay lại với vợ, nhưng không biết anh và vợ anh đang tìm cách hàn gắn mọi sự đổ vỡ bằng cách nào. Theo tôi nghĩ, cha mẹ vợ không phải là rắc rối, mà sự ngại ngùng không muốn nói ra sự thật của vợ anh mới là rắc rối.
Nàng không dám nói chuyện với song thân như một người lớn, cũng không dám tuyên bố rằng anh muốn hòa giải và nàng đồng ý. Cha mẹ nào không giận dữ khi biết "thằng rể" phản bội con gái mình, đi ngoại tình với một phụ nữ khác. Chuyện họ muốn giới thiệu "những chàng rể tương lai" cho con gái họ cũng là điều bình thường.
Tôi khuyên anh nên tìm một văn phòng cố vấn về hôn nhân và gia đình (hoạt động có giấy phép), để họ không chỉ giúp anh hòa giải với vợ, mà còn sửa chữa sai lầm trong quá khứ của anh với cha mẹ vợ. Thân chúc anh tìm được một văn phòng có tiếng, và thành công.

Còn sống bám cha mẹ, khổ quá!
Xin Cô Ba giúp cháu với! Năm nay cháu 26 tuổi nhưng hầu như mọi chuyện trong đời cháu đều thất bại. "Công không thành mà danh chẳng toại," vì vậy cháu đâm ra ghen tức với mọi người trong nhà. Anh chị em ruột lẫn anh chị em họ đều có việc làm tốt, và họ ra riêng, sống tự lập. Chỉ còn mình cháu chưa tìm được việc làm, phải sống bám vào cha mẹ. Được cha mẹ nuôi ăn cũng đâu có sung sướng gì, lúc nào cũng bị tra vặn "Mày đi đâu vậy?" hoặc "Mày đi chơi với con nào vậy?" hoặc "Mày lấy tiền đâu bao gái?"
Thưa Cô Ba, cháu rất yêu thương và biết ơn cha mẹ cháu, nhưng thỉnh thoảng cháu có cảm giác mình không phải là chàng thanh niên 26 tuổi, mà chỉ là một cậu bé lớp Mười. Mỗi khi cháu tâm sự điều này với anh chị em ruột lẫn anh chị em họ, cháu được nghe khuyên rằng đây là con đường mà Chúa vạch ra cho cháu. Con đường đó chắc chắn sẽ dẫn đến một nơi tốt đẹp. Cháu viết thư này xin Cô Ba giúp cháu tìm một con đường khác được không ạ, vì cháu không thích con đường kia một chút nào. Cháu cảm ơn Cô Ba rất nhiều.

Cô Ba trả lời
Thân chào cháu ở Austin, Texas. Con đường đi khác của cháu nằm trong miệng cháu và trong hồ sơ xin việc của cháu. Cô Ba đề nghị điều thứ nhất: Cháu không nên ghen tức với anh chị em ruột lẫn anh chị em họ, mà nên nhờ giúp đỡ để cháu có một việc làm ổn định cuộc sống. Một khi thấy cháu "xuống nước" như vậy, chắc chắn họ sẽ giúp cháu.
Điều thứ hai: Cháu nên liên lạc với các văn phòng tìm việc, hỏi xem hồ sơ xin việc của cháu có thiếu chi tiết gì không, hỏi họ có thể giúp cháu có việc làm không. Cô Ba đồng ý với cháu rằng tuổi 26 không còn là tuổi sống nhờ vào tiền bạc của cha mẹ nữa. Thân chúc cháu sớm có việc làm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT