Văn Nghệ

Mời dự chiều nhạc thính phòng Trầm Tử Thiêng

Friday, 14/02/2020 - 05:04:45

Đã 20 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (sinh ngày 1 tháng 10, 1937, mất ngày 25 tháng 1, 2000) từ giã cõi tạm để đi về nơi xa.

 

 


Bài BĂNG HUYỀN

Đã 20 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (sinh ngày 1 tháng 10, 1937, mất ngày 25 tháng 1, 2000) từ giã cõi tạm để đi về nơi xa. Hai mươi năm có thể xem là khoảng thời gian vừa đủ để một con người sinh ra và đến tuổi trưởng thành. Ngần ấy thời gian, những tác phẩm âm nhạc trong gia tài nghệ thuật mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để lại vẫn chưa hề mai một với rất nhiều cung bậc cảm xúc, những nỗi niềm thổn thức, đi vào tâm thức và trái tim mỗi người yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật ở hải ngoại.
Như một dấu mốc nhằm nhìn lại 20 năm nền âm nhạc Việt hải ngoại vắng bóng người nhạc sĩ tài hoa Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ đã viết nhạc bằng cả tấm lòng và tâm hồn của mình. Chiều nhạc thính phòng Trầm Tử Thiêng, để tưởng nhớ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sẽ diễn ra vào lúc 2 chiều Chủ Nhật, ngày 23 tháng 2, 2020 tại Moonlight Restaurant & Banquet (địa chỉ 15440 Beach Blvd #118, Westminster).
Những khán giả yêu nhạc Trầm Tử Thiêng sẽ được thưởng thức miễn phí những giai điệu tuyệt đẹp của âm nhạc Trầm Tử Thiêng khi đến sự kiện này và ban tổ chức dự định sẽ live stream trên Youtube trực tiếp khi đang trình diễn. Ban tổ chức cũng sẽ thu hình để kỷ niệm và sau hôm diễn ra, sẽ đưa lên Youtube để khán giả xem lại.


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (Hình cung cấp)

 

Đây là dịp để những người yêu nhạc Trầm Tử Thiêng, có tấm lòng hướng về nhạc của ông cùng nhớ, hồi tưởng và sống lại trong không gian âm nhạc mênh mang và say đắm của những bản tình ca về Quê Hương, Tình Yêu, Thân Phận, Thiếu Nhi thật đời, thật sâu sắc đã làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ đã dành cả cuộc đời cống hiến cho âm nhạc.
Ca sĩ Trọng Nghĩa được ban tổ chức giao trọng trách thực hiện buổi chiều nhạc này cho biết, “Chương trình chỉ do một người thân của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tổ chức, cô xin được ẩn danh. Cô đã trên 80 tuổi rồi, nhưng cô còn rất minh mẫn, bén nhạy. Cô là người biết rất rõ những ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và sự ra đời của từng ca khúc.
“Khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nằm xuống, ông đã ủy quyền lại hết cho cô những ca khúc của ông viết, cùng những thủ bút bản nhạc của ông. Vì Trọng Nghĩa rất gần với cô, nên cô đã giao cho Trọng Nghĩa thay mặt cô để mời các ca sĩ, nhạc sĩ trong ban nhạc, MC, địa điểm trình diễn thực hiện chương trình. Lẽ ra tổ chức trong tháng 1, sẽ đúng ý nghĩa hơn. Nhưng ngày ông mất năm nay nhằm ngày Tết Nguyên Đán. Cho nên phải dời qua tháng 2, ngày 23. Chứ không thể dời xa hơn nữa, sẽ mất đi ý nghĩa việc tưởng nhớ ông ra đi đã 20 năm.”
Xuất hiện trong chiều nhạc có sự tham gia hai nữ ca sĩ Thanh Lan, Hương Lan là hai giọng ca ngọt ngào từng hát rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ trước 1975 cho đến khi ra hải ngoại, cùng các giọng hát nồng nàn Anh Dũng, Chung Tử Lưu, Trọng Nghĩa, em Hugo (giải nhì VSTAR- Kid 2015), các nhạc sĩ của ban nhạc Hoàng Thi Thi sẽ giúp các tiếng hát càng thêm thăng hoa. Nhà văn Quyên Di và ca sĩ Hương Thơ sẽ đảm nhận phần MC của chương trình, giới thiệu đến khán giả lịch sử và lý do ra đời những ca khúc được hát trong chiều nhạc, giúp khán giả hiểu và yêu hơn những tác phẩm này.


Ca sĩ Thanh Lan (Hình cung cấp)

 

Nét đặc sắc của chiều nhạc

Tiết lộ một vài tiết mục hứa hẹn sẽ tạo ra một không gian âm nhạc đặc sắc, giúp khán giả được đắm mình trong những giai điệu du dương, đầy mê hoặc của âm nhạc Trầm Tử Thiêng, ca sĩ Trọng Nghĩa bật mí, “Mở đầu chương trình sẽ là giọng đọc của Trọng Nghĩa đọc bản di chúc của Trầm Tử Thiêng. Bản di chúc này được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết từ cuối thập niên 1960 tại Sài Gòn khi nhạc sĩ còn rất trẻ. Lối viết rất lãng mạn, nhưng cũng rất cao siêu mang tính triết lý. Đặc biệt bản di chúc này được người nhà Trầm Tử Thiêng nhờ Trọng Nghĩa đọc để thu âm lại thành video clip và sẽ phát ra trong buổi diễn. Nhạc nền đệm cho giọng đọc của Trọng Nghĩa là giai điệu của bài Tưởng Niệm, là tiếng guitar khảy giai điệu bài Tưởng Niệm rất hay, mênh mang, man mác và bảng lảng lắm. Hình ảnh minh họa trong video clip này là những tấm hình nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lúc còn trẻ, là những hình ảnh chưa bao giờ phổ biến trên internet, hình do người thân của Trầm Tử Thiêng lưu giữ.”
Chương trình sẽ có phần đơn ca của các ca sĩ, song ca của Thanh Lan và Anh Dũng, Thanh Lan và Trọng Nghĩa, Hương Lan và Chung Tử Lưu, em Hugo Hiếu Nguyễn hát chính và giọng của ca sĩ Trọng Nghĩa hát bè cho em, các ca sĩ sẽ cùng hát hai ca khúc.


Ca sĩ Hương Lan (Hình cung cấp)

 


Ca sĩ Trọng Nghĩa nói, “Riêng Trọng Nghĩa chuyên về nhạc Pháp, nhưng với chương trình này, ban tổ chức đã đề nghị Trọng Nghĩa hát, nên Trọng Nghĩa chọn hai ca khúc là Gởi Em Hành Lý, là ca khúc khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vừa ra khỏi tù và định trốn đi vượt biên để gặp lại người yêu đang ở bên Mỹ, nhưng nhạc sĩ đã bị bắt. Bài hát này chỉ có tiếng đàn piano của Hoàng Thi Thi và tiếng vĩ cầm của Hoàng Công Luận mà thôi. Bài thứ hai là bài Chợt Nghĩ Về Hai Nơi. Theo như giải thích của người nhà của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khi đó ông đã qua Mỹ rồi. Cuộc đời đẩy đưa hai người hai hướng khác nhau. Người yêu ông đã có cuộc sống khác.”
Theo ca sĩ Trọng Nghĩa, “Một điều đặc biệt là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng không chỉ sáng tác nhạc về quê hương, thân phận, tình yêu… mà còn viết nhạc thiếu nhi rất hay. Những bài ca thiếu nhi của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trước 1975 được phổ biến rất nhiều trong các trường tiểu học tại miền Nam Việt Nam. Em Hugo Hiếu Nguyễn có giọng ca rất hay, thích hợp nhất để hát ca khúc nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
“Hai ca khúc mà Hugo hát là Hãy Hát Lên Tuổi Thơ và ca khúc Trên Quê Hương Đáng Yêu, Trọng Nghĩa sẽ hát bè, phụ họa cho bài hát có thêm màu sắc và tiếng hát Hugo sẽ nổi bật thêm. Hai ca khúc này rất hay, ca từ trong sáng, giai điệu rất hào hứng, gợi tình quê hương ý nghĩa lắm. Những ca khúc của NS Trầm Tử Thiêng viết cho thiếu nhi rất trong sáng, dễ hiểu, dễ ca, gợi nhớ về thời thơ ấu của chúng ta rất nhiều.”


Ca sĩ Anh Dũng (Hình cung cấp)

 

Dòng nhạc Trầm Tử Thiêng

Ca sĩ Trọng Nghĩa cho biết, “Người thân của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nói cô đã lớn tuổi rồi, không biết còn sống bao lâu nữa, nên quyết định thực hiện chương trình này để nếu cô có nằm xuống thì cô cũng mãn nguyện vì đã làm được gì đó cho ông. Cô mong muốn dòng nhạc Trầm Tử Thiêng được phổ biến rộng hơn, có thể cô sẽ tìm người nào đó mở ra trang nhạc chính thức để đưa lên những ca từ chính xác những bài ca của Trầm Tử Thiêng, để sau này những người trẻ có hát cũng sẽ chính xác hơn.
“Vì phần lớn lời ca của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết, qua thời gian và sự phổ biến trên mạng, có nhiều chữ phổ biến sai, làm lạc đi ý nghĩa bài hát. Ví dụ như ca khúc Trộm Nhìn Nhau, thay vì là giấc ngủ xanh xao thì những ca sĩ khác hát đổi thành giấc mộng xanh xao. Giấc mộng và giấc ngủ khác nhau. Tuy là một chữ sai, nhưng đã làm người hiểu rõ nhạc Trầm Tử Thiêng thấy kỳ quá.

“Hoặc những ca khúc ông viết về tâm trạng của ông nhớ về người yêu là người đàn bà. Nhưng khi nữ ca sĩ hát lại tự động chuyển lời hát thành đàn bà hát cho đàn ông, làm mất đi ý nghĩa bài hát. Cho nên trong chiều nhạc ngày 23 tháng 2 này, người nhà Trầm Tử Thiêng có nhờ các ca sĩ hát đúng lời từ các bản nhạc mà ban tổ chức cung cấp.”


Ca sĩ Chung Tử Lưu (Hình cung cấp)

 


Nhắc lại những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện chương trình, ca sĩ Trọng Nghĩa kể, “Tháng 10, người thân của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã lên kế hoạch để thực hiện chương trình, Trọng Nghĩa thay mặt ban tổ chức đi tìm nhà bảo trợ rất khó khăn. Vì tháng 11 có lễ Tạ Ơn, tháng 12 có Lễ Giáng Sinh, tháng 1 có Tết dương lịch và Tết nguyên đán. Các nhà bảo trợ đều nói bận chương trình Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, nên họ đề nghị qua Tết hãy trở lại. Nhưng sau Tết thì đâu có kịp nữa, vì dự định 23 tháng 2 tổ chức buổi diễn.
“Chúng tôi chọn nhà hàng Moonlight tổ chức, vì tìm nơi trình diễn khó khăn. Ban tổ chức dự định tìm nơi trình diễn khoảng 200- 300 người thôi. Nhưng không có rạp nhỏ vậy. Tình cờ duyên đưa đẩy, ban tổ chức biết được nhà hàng Moonlight từng tổ chức vài chương trình nhạc thính phòng rồi, nên ban tổ chức nhờ Trọng Nghĩa liên lạc Moonlight. Dù chiều nhạc diễn tại nhà hàng, nhưng show diễn lúc 2 giờ chiều, không có kèm ăn uống, mà nhà hàng xếp ghế ngồi hướng về sân khấu để khán giả ngồi thưởng thức buổi nhạc.
“Trong lúc ban tổ chức đang lo việc bán vé không được, thì tình cờ có ba, bốn mạnh thường quân xin được ẩn danh, vốn rất yêu thương nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và dòng nhạc của ông, đã hợp lại với nhau, mua tất cả 400 vé rồi tặng lại ban tổ chức. Nên chương trình này hoàn toàn không bán vé. Ban tổ chức cũng đã gửi vé mời ra, nay không còn vé nào. Những khán giả không có vé, hãy đón xem buổi diễn được quay live và phát trên You tube vào ngày 23 tháng 2, 2020.”


Ca sĩ Trọng Nghĩa (Hình cung cấp)

 

Bày tỏ tình cảm dành cho âm nhạc và con người Trầm Tử Thiêng, ca sĩ Trọng Nghĩa chia sẻ, “Trọng Nghĩa rất thích nhạc Trầm Tử Thiêng. Khi Trọng Nghĩa khoảng 15- 16 tuổi, đã nghe chị Hoàng Oanh ca Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy. Sau này qua đến Mỹ, có sinh hoạt văn nghệ, những hội họp của văn nghệ sĩ, Trọng Nghĩa cũng có gặp nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, đi vài đám tang người bạn nghệ sĩ, có gặp ông và chào hỏi ông. Ông là người hiền lành, trầm lặng ít nói. Trọng Nghĩa quen biết ông nhưng chưa thân thiết, nay có duyên thực hiện chương trình nhạc của ông, tìm hiểu sâu hơn về nhạc của ông, Trọng Nghĩa lại càng yêu hơn nhạc của ông. Rất mong vào ngày 23 tháng 2 này, những khán giả có vé sẽ đến dự đông đủ và những khán giả ở khắp nơi sẽ thưởng thức chương trình được phát trên youtube.”

Vài nét về nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Trên internet có một tài liệu phổ biến vài điều về âm nhạc của Trầm Tử Thiêng, xin được trích lại để thay phần kết cho bài viết này:
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là tác giả của nhiều bản tình ca tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ra tại vùng đất Quảng Nam.
Khi mới bắt đầu sáng tác, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thường viết về chủ đề người lính Quân Lực Việt Nam Cộng hòa. Các ca khúc tiêu biểu thời kỳ đầu như: "Quân Trường Vang Tiếng Gọi", "Đêm Di Hành", "Mưa Trên Poncho". Năm 1968, cầu Trường Tiền trên sông Hương bị giật sập, Trầm Tử Thiêng đã viết bài "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy" để ghi lại sự kiện này. Năm 1970 ông viết "Tôn Nữ Còn Buồn" về trận bão tàn phá miền Nam. Ngoài ra, ông cũng tham gia vào phong trào Du ca Việt Nam.


Hugo Hiếu Nguyễn (Hình cung cấp)

 

Sau nhiều lần vượt biên sang nước ngoài tị nạn nhưng bị bắt giam, cuối cùng Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng cũng đã sang Hoa Kỳ. Ông định cư tại Little Saigon, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tại đây, ông làm cố vấn ban chấp hành Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại từ năm 1996-2000 .
Cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư viện Việt Nam tại Little Saigon. Ngoài ra ông còn cộng tác với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia. Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác nhiều bản nhạc thích hợp cho thể loại nhạc đồng ca như Bước Chân Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh, Hẹn Nhau năm 2000...
Một số tác phẩm phổ biến khác của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng: Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Mười Năm Yêu Em, Tình Ca Mùa Đông, Mây Hạ, Đêm Nhớ Về Sài Gòn...
Ngày 25 tháng 1, 2000, Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng qua đời tại trung tâm y tế West Anaheim. Trong chương trình Paris By Night tưởng niệm ông do trung tâm nhạc Thúy Nga tổ chức, Khánh Ly đã hát lại ca khúc "Mây Hạ" cùng tiếng hát của ông được ghi âm trước đó.
Năm 2007, Trung tâm Asia thực hiện cuốn Bước Chân Việt Nam để vinh danh nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ.


Nhà văn Quyên Di làm MC chương trình (Hình cung cấp)


Ca sĩ Hương Thơ làm MC chương trình (Hình cung cấp)


Ban nhạc Hoàng Thi Thi (Hình cung cấp)

 
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (Hình cung cấp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT