Người Việt Khắp Nơi

Mời dự đêm nhạc Biệt Ly do CLBVN Viện Việt Học tổ chức

Monday, 17/08/2015 - 02:45:46

Sau đó, ông Lân nhường lời để nhạc trưởng Trần Chúc và các thành viên trong phái đoàn trình bày chi tiết buổi văn nghệ mang tên “Biệt Ly.” Nhạc trưởng Trần Chúc nói về những tiết tấu, giai điệu của từng nhạc phẩm, nhất là hai nhạc phẩm chính được toàn ban hợp xướng trình bày: “Những Dòng Sông Chia Rẽ” và “Hội Trùng Dương.”

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Vào lúc 1 giờ chiều thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015 ông Nguyễn Minh Lân, Ban Điều Hành Viện Việt Học đã hướng dẫn phái đoàn Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học đến thăm nhật báo Viễn Đông để qua bổn báo kính mời quý đồng hương đến tham dự buổi Văn Nghệ Đặc Biệt với chủ đề “Biệt Ly.”
Ngoài ông Nguyễn Minh Lân còn có nhạc trưởng Trần Chúc, và các cô Tuyết Dung, Lâm Dung và An Hảo là những thành viên trong ban truyền thông của CLBVN Viện Việt Học.

Phái đoàn CLBVN Viện Việt Học thăm báo Viễn Đông. Từ bên trái là nhạc trưởng Trần Chúc, các ca sĩ An Hảo, Tuyết Dzung, Lâm Dung, và ông Nguyễn Minh Lân. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Tiếp xúc với phóng viên Viễn Đông, ông Nguyễn Minh Lân giới thiệu qua chương trình, theo đó, Đêm Văn Nghệ Biệt Ly sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 tối thứ Bảy, ngày 12 tháng 9, 2015 tại Viện Việt Học ở địa chỉ 15355 Brookhurst St, Suite 222, Westminster, CA 92683 (trên lầu khu nhà hàng Seafood World).
Sau đó, ông Lân nhường lời để nhạc trưởng Trần Chúc và các thành viên trong phái đoàn trình bày chi tiết buổi văn nghệ mang tên “Biệt Ly.” Nhạc trưởng Trần Chúc nói về những tiết tấu, giai điệu của từng nhạc phẩm, nhất là hai nhạc phẩm chính được toàn ban hợp xướng trình bày: “Những Dòng Sông Chia Rẽ” và “Hội Trùng Dương.”
Theo nhạc trưởng Trần Chúc, trình bày một nhạc phẩm qua lối hợp xướng thật không đơn giản, vì thế ông phải mời mỗi ca viên hát thử cho ông nghe giọng mỗi người xem giọng cao, thấp, ấm áp hay trong trẻo, màu sắc thế nào để ông có thể xếp vào bốn bè, như bè nam cao, bè nam thấp, bè nữ cao, bè nữ thấp, v.v. gồm 40 ca viên đã phải tập ròng rã ba tháng rưỡi nay, mỗi buổi tập, ông để khoảng 30 phút luyện giọng, chỉnh sửa từng người để có thể đem đến sự mãn nguyện, thích thú cho khán giả, để khi rời khỏi khán phòng Viện Việt Học, âm vang của những lời ca, tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng bên tai, vẫn còn nuối tiếc, mong được dịp thưởng thức trở lại.
Nhạc trưởng Trần Chúc đã nói khá nhiều chi tiết về nhạc phẩm Hội Trùng Dương của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một nhạc phẩm mà theo ông, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thể hiện được những nét nổi bật của ba dòng sông Hồng Hà, Hương giang và Cửu Long Giang, một nhạc phẩm rất “phong phú” về lịch sử và “địa danh”; cả ba con sông cùng đổ ra biển để hòa chung vào một dòng nước biển mặn mà như lời nhắn của cả nhạc sĩ Phạm Đình Chương: “Tất cả con dân Việt Nam ở cả ba miền rồi sẽ có ngày mở Hội Trùng Dương.”
Người thứ hai, ca viên Tuyết Dzung trình bày về chủ đề. Chị nói, với chủ đề Biệt Ly, CLBVN Viện Việt Học đã chọn chủ đề này vì mỗi người trong chúng ta, ít nhất cũng đã có một lần, hoặc sẽ có một, hai lần chứng kiến cảnh biệt ly khi người thân ra đi. Nhưng dân tộc Việt Nam, một dân tộc bị quá nhiều đau thương, chia lìa, từ thời Lạc Long Quân với bà Âu Cơ đã khiến trăm con, người lên núi, kẻ xuống biển, đến hồi Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi thời chia đôi đất nước khiến cho bao nhiêu người phải chia lìa người thân, kẻ Bắc, người Nam, rồi đến 30 tháng Tư, 1975 chúng ta lại ly biệt bao nhiêu người, có những người chồng từ giã vợ con vào tù rồi không trở lại, có người vượt biển, vượt biên đến nay chưa tìm thấy xác, kể ra thì không biết bao nhiêu cảnh Biệt Ly đau đớn.
Vì thế ban Hợp Xướng CLB Viện Việt Học đã chọn ra những nhạc phẩm thích hợp với chủ đề như bài Hận Sông Gianh, một bài thơ quen thuộc sẽ do nhà thơ Phi Loan và tiếng sáo Ngọc Nôi trình bày, bài “Thu Bồn Ơi!”. Thu Bồn, một dòng sông ở Quảng Nam đã chứng kiến cảnh một người sinh ra, lớn lên ở đó nhưng rồi vì hoàn cảnh phải biệt ly, cũng như bài Tiễn Chân Anh Khóa Xuống Tàu là màn hát Xẩm do ca sĩ Xuân Mai trình bày, một lối hát của người miền Bắc xa xưa nay ít còn thịnh hành và không mấy ai biết hát, và một bài hát nổi tiếng “Tống Biệt Hành” thơ của Thanh Tâm, và còn nhiều, nhiều nhạc phẩm khác như “Người Tình Không Chân Dung” hay “Anh là Ai?” Và cuối cùng , sau khi đã biệt ly rồi cũng đến lúc Hội Trùng Dương, đem lại cho mọi người phấn khởi, vui mừng khôn tả của ngày đoàn tụ.
Ca sĩ Lâm Dung, người điều hành Ban Hợp Xướng Viện Việt Học chia sẻ, “Dung chăm sóc ban hợp xướng Viện Việt Học lần đầu tiên ra mắt, còn Ban Hợp Ca Viện Việt Học đã ra đời cách đây vài năm, có khoảng 10 anh chị em. Trong chương trình này, ngoài Ban Hợp Xướng, Ban hợp ca sẽ trình bày bài Bà Mẹ Quê và “hững Nẻo Đường VN và Về Miền Nam của nhạc sĩ Trọng Khương. Đặc biệt bài này, ban hợp ca sẽ không hát hết bài mà sẽ dừng ở đoạn; Sông nào cắt đứt đôi nơi, sông nào xé nát tim tôi? để nói lên nỗi biệt ly và sau đó là bài Trương Chi Mỵ Nương.
Ca sĩ An Hảo cho biết, “Hảo có cơ duyên sinh hoạt với Viện Việt Học được vài năm nay, càng lúc sinh hoạt với Viện VH, An Hảo càng nhận được con đường hoạt động của Viện Việt Học là đứng đắn, là góp phần tô điểm văn hóa Việt Nam nên Thảo đồng cảm với những chủ trương của Viện, và với nhạc trưởng Trần Chúc. Hảo học được rất nhiều ở ông, và sẽ cố gắng để tham gia chương trình này.”
Theo ông Nguyễn Minh Lân, buổi Văn Nghệ với chủ đề Biệt Ly chỉ bán ra 40 vé mà thôi, vì chỗ ngồi có hạn. Xin liên lạc qua email: info@viethoc.com hay điện thoại (714) 270-8110. Trước khi ra về, phái đoàn đã ngỏ lời cám ơn và mời ban giám đốc nhật báo Viễn Đông đến tham dự buổi văn nghệ đặc biệt tối 12 tháng 9, 2015 tại Viện Việt Học.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT