Hôm Nay Ăn Gì

Món bò né miền Nam

Monday, 09/05/2022 - 07:08:31

Có lẽ, nhắc tới Sài Gòn, và hỏi tôi rằng đất Sài Gòn còn sót lại mùi vị gì trong tâm tưởng của tôi, sau hơn mười năm...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Có lẽ, nhắc tới Sài Gòn, và hỏi tôi rằng đất Sài Gòn còn sót lại mùi vị gì trong tâm tưởng của tôi, sau hơn mười năm thằng trầm, lang bạt rồi cuốn gói về quê với hai bàn tay trắng, với đầy ắp kỉ niệm và ngậm ngùi… Tôi sẽ không ngần ngại nói rằng mùi Sài Gòn trong tôi là mùi bò né, món bò né ở nhà hàng bà Chín Mập, một bà đầu bếp người gốc Quảng, tính nóng như lửa nhưng cũng vô cùng tốt bụng. Và nhắc tới bà, tôi lại nhớ món bò né, mà nói tới món bò né, tôi lại rưng rưng một niềm nhớ rất đỗi con nít, rất đỗi Sài Gòn!

Thời kỳ những năm cuối thập niên 1990, có lẽ đây là thời kì khổ nhất của sinh viên. Khổ bởi đất nước bắt đầu phát triển, khổ bởi thành phố năng động trở lại, khổ bởi chẳng mấy ai thông cảm cho sinh viên nghèo, nói thì nghe vô lý nhưng đó là thật. Những ai là sinh viên nghèo từ quê lên phố học vào giai đoạn này, có lẽ cũng có ký ức giống tôi mà thôi, không hơn không kém.

Khổ bởi vì kinh tế mới phát triển, thời giá tăng vùn vụt, con nhà nông cũng không còn thuần nông như trước, bạn nào vào thành phố học thì cha mẹ bán đất, vay ngân hàng, rồi thêm anh chị làm công nhân hỗ trợ đôi đồng, tuy con nhà nông nhưng lại có đời sống rất đỗi sinh viên “cô chiêu cậu ấm.” Bù cho những đứa sinh viên con nhà nghèo, chỉ đủ tiền đóng học phí, còn lại mọi thứ phải cày bừa như tôi. Mà thời tôi đi học, nếu không có được chiếc xe máy thì khó kiếm việc làm thêm, dạy thêm.

Thêm nữa, khổ vì chẳng mấy ai thông cảm cho cảnh sinh viên quê, thậm chí như thầy giáo tôi, người rất thương tôi nhưng hè về, ngồi trò chuyện thầy trò, ông nói rằng thời của tôi quá sướng, thời của ông phải ăn khoai độn, sắn độn. Tôi chỉ biết im lặng mà không dám cãi rằng thời của thầy ăn khổ gì cũng có nhà nước bao cấp, giá cả phải chăng, thời của em thì mọi thứ cày toét mắt ra vẫn không đủ, tiền trọ tăng, tiền phí ăn ở tăng, học phí cũng tính bằng tiền triệu… Thời nào rồi cũng có cái khổ!

Khổ bởi thời trăm hoa đua nở, nhà nào có điều kiện thì cho con đi học thành phố, còn sinh viên nghèo cũng mơ thành phố, bởi thành phố đổi đời. Nhưng rồi khi bước vào thành phố, mới hiểu rằng mọi thứ khó khăn chồng chất, chỉ riêng việc tìm một công việc đi làm thêm không thôi cũng rớt nước mắt, có nhiều bạn nhịn đói nộp tiền cho trung tâm giới thiệu việc làm, làm vài bữa lại bị đuổi, bởi trung tâm đã ăn rơ với chủ nhà, cứ làm vài bữa lại cho nghỉ, chỉ có trung tâm là hái ra tiền, còn sinh viên nghèo thì chỉ nuốt nước mắt. Một cái thời như vậy, mà sinh viên nghèo tụi tôi được ăn một bữa bò né thì chắc chắn là phải nhớ lắm rồi.

Chuyện là tôi và một thằng bạn nhà thơ đi làm thuê cho một nhóm nấu tiệc cưới, nhóm bà Chín Mập, thằng bạn học văn khoa, tôi học luật, ở chung phòng trọ và gần chỗ trọ lại có dịch vụ nấu cưới, vậy là sang đó làm thuê, cứ bưng bê từ nồi niêu xong chảo, chén bát cho đến thức ăn, từ 11g30 trưa cho đến 11g30 tối thì về phòng, mỗi buổi, nói tiếng là buổi chứ mất đứt 12 tiếng đồng hồ, được chủ trả 20 ngàn đồng. Hai chục ngàn hồi đó tương đương với 200 ngàn đồng bây giờ.

Lạ ở chỗ thời đó 20 ngàn đồng thì mua gần được bảy dĩa cơm bình dân, giờ 200 ngàn đồng mua hơn bảy dĩa cơm bình dân một chút. Nhưng hồi đó một đô la đổi được 17 ngàn đồng, còn giờ chỉ tăng lên 23 ngàn đồng. Như vậy, tiền trượt giá so với mọi đồ vật, trừ đô la, mức trượt không đáng kể. Lạ! Và cái thời đó, sinh viên quê vào thành phố thì tránh được cái nạn bị chủ trọ đuổi khỏi phòng vì chậm tiền tháng là quí lắm rồi, cơm nước thì miễn bàn.


(Tom/ Viễn Đông)

Hồi đó nhiều bữa đi bưng thức ăn cho đám cưới nhưng thằng nào cũng chân run lẩy bẩy vì đói, làm từ 11g30 trưa đến 5 giờ chiều, chủ cho ổ bánh mì là cứ như thiên đường. Bữa đó trời mưa, tôi nhớ là làm tiệc cho một đám cưới ở huyện Hóc Môn, đến khuya, chủ nhà cho một bàn để anh em phục vụ ngồi ăn, trên bàn còn một cái lẩu Thái và một loạt bò né, hình như bò né của ba bốn bàn gì đó dồn lại. Thấy chủ mời, bà chủ tiệc chưa kịp nói thì thằng bạn văn khoa của tôi bảo, “Mi lo ngồi vào đi, mau không thôi người ta đổi ý!”

Tôi vẫn chưa hiểu nó đang nói gì thì nó kéo tôi ngồi vào bàn, kéo thêm mấy đứa bưng bên kia, cũng là sinh viên của trường khác ngồi vào, vậy là ăn tới, đứa thì ăn lẩu, đứa ăn bò né. Thú thực là chưa có cảnh “quần hùng tranh thực” nào ly kì và hoành tráng như cảnh sinh viên đói ngồi vào tùng xèo cái bàn tiệc. Bà chủ nhìn cả bọn ăn, hình như thấu hiểu ra nhiều điều, chép miệng, những ngày làm việc sau, bà cho tụi tôi ăn bánh mì thoải mái hơn, mỗi đứa được hai ổ thay vì một ổ, và cũng thành thói quen, hễ cứ dư món gì thì bà gọi tụi tôi lấy bao nilon gói mang về nhà, không còn như trước (bà mang về đổ).

Và bữa đó, giữa cảnh quần hùng tranh thực, tôi cũng tranh thủ ăn được chén bò né, phải nói chưa bao giờ món ăn gây ngon đến độ như vậy, cái mùi vị của mè rang, của bơ thực vật, của bò tẩm ướp sả, sa tế, ớt, tiêu hành tỏi, dầu hào nó quyện từng chút một đi vào bụng đói của tôi. Và quan trọng nhất là lúc ăn, hình như tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhớ câu dạy của bà ngoại tôi ở quê, có rách cũng phải giữ lấy lề, nên tôi cứ thỏa sức mà nhâm nhi theo nguyên tắc chậm mà chắc, ăn ít no lâu. Không biết hôm đó có no lâu hay không nhưng nhớ lâu thì có đó, nhớ tới bây giờ. Cho đến khi bà xã tôi được cô giáo chủ nhiệm của con tôi tặng mấy ký thăn bò, không hiểu mối quan hệ bạn bè, chị em của họ thân thiết cỡ nào mà thỉnh thoảng là chị mang cho em, rồi em mang cho chị. Vậy là chị mang cho em hai ký thăn bò, em chưa biết làm gì thì tôi lại nhớ ra món bò né, bởi không có thịt nào làm bò né ngon hơn thăn bòn, phần thịt có thớ đều, mềm và thơm.

Vậy là xắt mỏng theo thớ ngang, ướp một chút xíu muối bột, sau đó cho sả bằm vào, rồi một chút sa tế ớt, sa tế sả, mấy muỗng canh dầu hào, một muỗng canh dầu phụng phi hành tỏi để nguội và nửa chén tỏi giã nhuyễn, tẩm, ướp cho kĩ, cho vào tủ lạnh chừng nửa giờ. Phần còn lại là cho một chảo dầu với ba, bốn muỗng canh dầu và một cục bơ thực vật vào giữa, chờ dầu tới thì cho bò vào mà đảo tới đảo lui, gọi là né. Khi nước thịt bò quyện với bơ, dầu thành một lớp sốt dẻo và thịt bò vừa chín thì tắt bếp, việc còn lại là cho ra dĩa, rắc mè rang lên trên và múc ra chén, ăn với bánh mì…

Một dĩa bò né với bánh mì hoặc bún, giữa một bữa trưa hè oi bức hay một chiều đông se lạnh đều có cái thú vị riêng của nó.

Chúc quý vị có một bữa ăn ngon bên gia đình và bè bạn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT