Đạo và Đời

Môn đệ của tình thương

Thursday, 19/02/2015 - 08:42:47

Vâng, người bị bệnh phong cùi trong Tin Mừng hôm nay có tư cách khá đặc biệt. Anh không mặc cảm, không la to như mọi khi, nhưng anh tự ý đến gặp Chúa Giêsu, và khi đến trước mặt Ngài, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc1,40).

Bài LM JOSEPH NGUYỄN THÁI

Ở miền Trung có hai trại cùi lớn: Trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hòa ở ngoại ô thị xã Qui Nhơn. Đức Cha Gioan Cassaigne, sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Saigon, đã xin tình nguyện sống với anh em dân tộc KHor ở Di Linh bị phong cùi thêm 18 nữa, rồi ngài bị lây bệnh và qua đời năm 1973.
Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài. Cha Phaolo Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi, đến sống giữa những người cùi ở Quy Hòa cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi nơi những anh chị em ngài thương yêu nhất.
Đối với người Do Thái, bệnh phong cùi xem ra là một hình phạt của Thiên Chúa. Họ cho rằng những người mắc bệnh phong cùi là những người bị Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại trừ. Họ bị liệt vào thành phần tội lỗi và không được tham dự bất cứ nghi lễ gì trong các hội đường. Họ phải sống xa xã hội và sống thành từng nhóm nơi các mồ mả thâm sâu cùng cốc. Họ phải la lên “nhơ bẩn” để mọi người nghe mà tránh xa. Do đó, chúng ta hiểu hoàn cảnh của một người bị bệnh phong hủi trong Tin Mừng của thánh Marco, Mc 1, 40-45 hôm nay.
Vâng, người bị bệnh phong cùi trong Tin Mừng hôm nay có tư cách khá đặc biệt. Anh không mặc cảm, không la to như mọi khi, nhưng anh tự ý đến gặp Chúa Giêsu, và khi đến trước mặt Ngài, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc1,40).
Anh cùi nại vào lòng thương xót của Chúa. Anh ta không dám xin, nhưng để quyền tự do của Chúa, chữa hay không chữa tùy ý Ngài. Anh phó thác hoàn toàn vào Chúa. Anh tin tưởng và hết sức muốn Chúa chữa bệnh cho anh. Nên, chính sự đơn sơ phó thác và niềm tin mãnh liệt vào Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương, cứu vớt, chữa lành cho anh. Lòng tin đã giúp anh: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mc1, 42). Phép lạ đã xảy ra từ niềm tin vào lòng thương xót của Chúa.
Đứng trước bệnh nhân đang đau khổ. Chúa Giêsu đã vượt qua mọi trở ngại của lề luật. Người không ngần ngại chạm đến thân thể lở loét hôi hám của bệnh nhân để yêu thương chăm sóc họ. Bởi sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để chữa lành con người cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi đối xử với những người cùng khổ trong xã hội như thế, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại một tấm gương về lòng nhân bản tuyệt vời. Để rồi từ đây, các môn đệ, các thế hệ Kitô hữu tiếp nối truyền thống nhân bản này để ra đi chăm lo cho những người đau khổ nghèo hèn, đặc biệt những người bị xã hội bỏ rơi, sống vất vưởng không nơi nương tựa, dẫn đưa họ hòa nhập vào cộng đồng.
Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ…Chúa đã sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui. Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta phản tỉnh về thái độ ứng xử của chúng ta đối với những anh em đồng loại đang gặp những khổ đau về thể xác cũng như tinh thần.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT