Người Việt Khắp Nơi

Món quà hy vọng

Friday, 08/09/2006 - 01:59:57

An Phuong Nguyen  (09-06-2006) .- Thật là một diễm phúc khi tôi trở lại thăm Việt Nam sau 20 năm và được chứng kiến tận mắt những việc làm của ...

SapVn09062006.jpgBà con đang chờ mổ ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

LTS: Dưới đây là bài viết của chị An Phương Nguyễn, người Mỹ gốc Úc, vợ anh Nguyễn Ngọc Thành,

Chủ Tịch Ban ĐiềuHành của hội SAP-VN, một hội thiện nguyện chuyên giúp các trẻ em tật nguyền ở Việt Nam bằng cách dàn xếp những cuộc giải phẫu mắt cườm, sứt môi, tay chân khoèo... do các BS ở VN đảm trách. Vào 4 giờ chiều ngày Chủ nhật 10 tháng 9, 2006 sắp tới, SAP-VN sẽ tổ chức buổi Văn Nghệ và Dạ Tiệc gây quỹ hoạt động tại nhà hàng Regent West với sự góp mặt của ca sĩ hàng đầu Tuấn Ngọc và các ca sĩ nổi tiếng khác.



An Phuong Nguyen 

(09-06-2006) .- Thật là một diễm phúc khi tôi trở lại thăm Việt Nam sau 20 năm và được chứng kiến tận mắt những việc làm của hội thiện nguyện SAP-VN qua những mối liên hệ hội có được với các bác sĩ và các nhân viên địa phương. Kể từ khi hội thành lập, tôi luôn sát cánh ủng hộ những việc làm này qua sự tham gia của chồng tôi (anh Nguyễn Ngọc Thành, chủ tịch hội). Dẫu vậy, tôi thấy mình chưa cảm nhận thấy đủ sự dấn thân của những thiện nguyện viên luôn tích cực góp phần vào những việc làm  phục vụ người nghèo tại Việt Nam. Giờ đây, ngay tại Việt Nam, tôi hiểu rằng mỗi chương trình mà hội hỗ trợ, mỗi cá nhân mà hội giúp đỡ và mỗi nỗ lực hội đang cố gắng đã buộc chặt chúng tôi với cộng đồng mà không cách nào tháo rời ra được. Chúng tôi đã trở thành một phần trong  cuộc đời họ. Gây tác động lên cuộc đời của họ một cách rất thực tế, chính chúng tôi cũng được tác động thật sâu đậm bởi cuộc đời họ.

Tôi nghĩ điều kỳ diệu nhất trong chuyến đi này là được thấy sự tái sinh của niềm hy vọng đến với những người tưởng đã tuyệt vọng vì hoàn cảnh của họ. Câu chuyện làm tôi rất cảm động là của một người vừa nhận được xe lăn tại tỉnh Thanh Hóa. Một buổi sáng còn ướt mưa, khoảng 20 gia đình tập trung về trung tâm cộng đồng để nhận xe lăn do hội SAP-VN tặng. Trong số đông đồng bào đang đứng chờ, cảnh tượng đập ngay vào mắt tôi là một người cha trên tay bồng đứa con 18 tuổi. Đứa bé khi sinh ra đã có tật bẩm sinh nên lúc lớn lên không đi lại được. Tình cha con được thể hiện rất rõ qua sự gắn bó giữa hai người. Đôi mắt người đàn ông chứa đầy ắp tình thương của người cha dành cho con và tôi có thể mường tượng trong đầu suốt 18 năm qua, ông đã phải lo chăm sóc cho con mình ra sao. Và đứa con chắc cũng thấu hiểu được tình thương mà người cha đã dành cho mình. Trong lòng tôi thầm tạ ơn bởi vì chúng ta đã gây tác động đến cuộc đời của họ cho dù rất nhỏ nhoi.

Chiếc xe lăn giúp tạo thuận tiện cho người cha chăm sóc con mình nhiều thêm nữa và bớt đi gánh nặng phải bồng bế thường xuyên. Thật rất dễ quên rằng đời sống sẽ vất vả biết chừng nào nếu không thể đi lại được. Tại một địa điểm khác, nếu tôi nhớ không lầm là Đà Lạt, tôi gặp một người mẹ không đi làm nghề may được vì không biết bỏ con cho ai giữ và một người phụ nữ chưa bao giờ có dịp đưa con mình ra ngoài vì thật khó khăn khi lúc nào cũng phải bồng nó. Giờ đây, có chiếc xe lăn, đời sống họ sẽ  tốt đẹp hơn. Một chiếc xe lăn chỉ tốn 80 đô la  nhưng có thể mang lại sự tự do di chuyển,  giúp họ làm được nhiều việc để cải thiện chính đời sống của mình và cảm thấy họ hữu ích cho xã hội.

Một trong những điểm nổi bật của chuyến đi là tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với cả trẻ em lẫn người lớn, những người được trợ giúp phẫu thuật. Ở tỉnh Sơn Tây, chúng tôi viếng thăm một Trung Tâm Chỉnh Hình nơi bác sĩ xương thực hiện phẫu thuật cho các em do hội SAP-VN bảo trợ. Chúng tôi tiếp xúc với 33 em đã được mổ hoặc đang đợi mổ. Đối với các em đã được mổ thì cha mẹ các em cảm thấy rất vui sướng và hài lòng với kết quả của ca mổ. Nhiều khi một ca mổ đòi hỏi sự hy sinh lớn của gia đình. Có một vài trường hợp, gia đình không thể đưa các em đi mổ vì như vậy sẽ phải cần người nhà đi cùng và sẽ phải mất đi một phần thu nhập không cách nào bù đắp lại được. Ở các nước phương Tây thì chuyện này rất dễ để giải quyết, nhưng ở Việt Nam mọi chuyện đều phải được cân nhắc xem có thực hiện được hay không.

Ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi có dịp quan sát các bác sĩ Liêm, Lý, Sử và Hưng thực hiện các ca mổ mắt cườm. Nếu ở các nước Tây phương thì bác sĩ Liêm sẽ được gọi là “bác sĩ đồng quê”. Ông có mối liên hệ đặc biệt với mọi người và  rất tử tế với bệnh nhân bên giường bệnh. Ông là một phẫu thuật viên tài giỏi và có lòng tấm lòng bác ái. Tôi lấy làm thán phục khi xem ông mổ mắt. Được tận mắt nhìn thấy những ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao và sự vui sướng trên gương mặt của bệnh nhân ở độ tuổi từ 24 đến 90 quả là một điều tuyệt vời. Tôi gọi BS Liêm là “bàn tay vàng” vì tài nghệ mổ mắt cườm của ông. Ông cũng là một người thầy tận tụy đối với những bác sĩ trẻ, y tá và các nhân viên phòng mổ. Nhìn gương mặt phúc hậu của BS Liêm, bạn sẽ thấy rằng khi phẫu thuật ông không chỉ thuần túy làm tròn trách nhiệm của một phẫu thuật viên mà ông còn thực hiện một sứ mạng là làm cho đời sống những bệnh nhân được tốt đẹp hơn.

Lúc ghé Bảo Lộc, chúng tôi gặp một em trai độ 12 tuổi bị phỏng nặng khi em mới sanh ra được 37 ngày. Chiếc đèn dầu để trong mùng do sơ ý quơ đổ đã gây hỏa hoạn. Em đang học lớp 8 và đã được phẫu thuật vào năm ngoái, nay đi lại được khá tốt. Có nhiều em nay đi đứng vững vàng hơn, tay cầm được chén cơm hoặc có thể ngồi xổm. Thường thì chúng ta ít coi trọng những chức năng rất đơn thuần đó nhưng đối với những em khuyết tật nhờ phẫu thuật hồi phục những chức năng này thì đây là một điều vô cùng trân quý.

Tôi tin chắc rằng những việc làm của hội SAP-VN đã thay đổi cuộc đời của những người được hội giúp đỡ. Tôi nhận thức được điều hiển nhiên rằng những thiện nguyện viên đã bỏ ra nhiều thời gian để giúp đỡ những người nghèo khó ở Việt Nam. Mỗi chương trình mà hội SAP-VN bảo trợ đều được cân nhắc thật kỹ lưỡng, và khi hội quyết định thực hiện thì chương trình đó được tiến hành rõ ràng. Tôi nghĩ món quà mà hội SAP-VN mang đến Việt Nam là món quà của hy vọng và tự quyết. Mỗi khi hội SAP-VN bảo trợ một chương trình, hội không chú trọng nhiều là phải tốn kém bao nhiêu, cần bao nhiêu thời gian mà quan trọng hơn cả là liệu chương trình có gây tác động tốt và tạo hiệu quả cao cho người được trợ giúp không. Mỗi khi một người được tặng chiếc xe lăn, được trợ giúp mổ, hay nhận một món quà từ SAP-VN, họ đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kèm theo là những giọt nước mắt cảm phục.

Trong tâm trí tôi chứa đầy những hình ảnh cụ thể về các chương trình của hội SAP-VN đã mang niềm hy vọng đến những người nghèo ở Việt Nam. Nhưng nếu viết xuống hết thì tôi sẽ phải viết một cuốn sách dày. Điều tôi mong mỏi mỗi người trong chúng ta hãy nhớ là chúng ta có liên hệ với những người ở Việt Nam như thế nào. Cái cách mà tôi ghi nhớ về mối liên hệ đó là nghĩ đến những người nông dân làm việc cực khổ trên những đồng lúa. Mỗi khi tôi ăn một bát cơm tôi sẽ không quên công khó nhọc của họ. Chúng ta cũng có thể nhớ đến mối liên hệ với những người nghèo đang cần trợ giúp tương tự như vậy. Chúng ta có thể mang đến cho họ những gì họ cần, và trong lúc giúp họ chúng ta cũng học để biết bớt đi tính ích kỷ và bớt cái tôi trong tâm mình.

Sau hết, tôi cảm ơn hội SAP-VN và những thiện nguyện viên, những người làm việc cho hội tại Việt Nam, đặc biệt là chú Thiệu, những nhân viên ủy ban dân số, những bác sĩ và nhất là những người đã chia sẻ với chúng tôi những mẩu chuyện về cuộc đời họ, để chúng tôi có thể cảm thông những nỗi đau và chung vui với những thành tựu của họ. Niềm hy vọng của tôi là hội SAP-VN sẽ tiếp tục dấn thân vào những công việc đầy tình nhân ái đó hầu giúp cải thiện cuộc sống cho những người kém may mắn tại Việt Nam.

Sau đây là cảm nghĩ của con gái tôi, Monica An Nguyễn:

Mùa hè đáng nhớ

Mùa hè này, tôi có dịp may được cùng đi với bố tôi về Việt Nam và thấy được những việc làm của hội SAP-VN. Suốt chuyến đi chúng tôi phải di chuyển đến nhiều nơi nhưng cũng thật đáng giá vì chúng tôi thăm được nhiều trẻ em và gia đình của họ. Khi tôi gặp các bạn khuyết tật đã được SAP-VN giúp đỡ, tôi nghĩ đến việc phẫu thuật đã mang lại kết quả to lớn chừng nào cho đời sống của các bạn.

Điều đáng nhớ nhất là tôi cảm nhận được lòng biết ơn của các bệnh nhân sau khi được mổ mắt cườm và của trẻ em sau khi được phẫu thuật chỉnh hình. Kể từ khi còn bé, tôi đã thấy được sự nhiệt tâm của bố tôi đối với SAP-VN. Nay tôi được dịp chứng kiến bố làm việc ở Việt Nam. Những việc làm của các tình nguyện viên SAP-VN thật đáng kính phục. Đời sống của trẻ khuyết tật sẽ mãi mãi tốt đẹp hơn vì có những tấm lòng nhân ái của các tình nguyện viên.

Tôi rất cám ơn bác Đương đã cho tôi có cơ hội đi Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chúng ta thường dễ quên rằng đồng bào ở Việt Nam không có điều kiện để được chăm sóc sức khỏe như chúng ta ở đây. Mặc dầu tôi không nói tiếng Việt được nhiều, tôi cảm thấy rất vui khi ở Việt Nam vì đó là một phần truyền thống văn hóa của tôi. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ bố tôi trong các việc làm từ thiện với hội SAP-VN. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ có thể trở về Việt Nam với bố tôi để giúp đỡ những việc bố đang làm.

Xin chúc mừng các tình nguyện viên SAP-VN, những người đã và đang tạo những thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống những người kém may mắn ở Việt Nam.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT