Mẹo Vặt

Món quà quí nhất mùa Giáng Sinh

Tuesday, 19/12/2017 - 07:43:29

Quần áo, thực phẩm, đồ dùng, đồ chơi. Gần như chẳng thiếu thứ gì! Thử nghĩ lại những món quà mà chúng ta đã nhận được: Có lẽ giá trị của nó không hơn những miếng giấy bọc xanh đỏ để trang trí gốc cây Noel?

Bài VŨ HẰNG

Không thể phủ nhận rằng quà tặng là ngôn ngữ tình yêu, biểu hiện sự quan tâm hoặc đòi hỏi sự quan tâm. Thông thường chúng ta tặng quà cho người mình thích, và mong được… thích lại. Nhưng giữa hàng hà sa số sản phẩm được bày bán trong mùa lễ, ai có thể chỉ cho chúng ta món quà nào quí nhất? Gần như không ai có khả năng đó. Ngay cả chính bản thân mình, chúng ta cũng khó có thể trả lời được rằng mình đang ao ước cái gì nhất. Bởi vì cuộc sống của đa số chúng ta, ngay cả những người nghèo nhất trên xứ Mỹ này cũng đã quá đầy đủ: Quần áo, thực phẩm, đồ dùng, đồ chơi. Gần như chẳng thiếu thứ gì! Thử nghĩ lại những món quà mà chúng ta đã nhận được: Có lẽ giá trị của nó không hơn những miếng giấy bọc xanh đỏ để trang trí gốc cây Noel?


Có ai nghĩ rằng “rửa xe” cũng là một món quà hay không nhỉ?

Vậy ai có thể làm “thầy đời” cho ai về câu hỏi: Món quà gì quí giá nhất trong mùa Noel này? Không ai! Hằng lại càng không dám. Nhưng em có “chôm” được của thầy Bob Hope câu nói sau đây: “Khi nhớ lại những mùa Giáng Sinh đã qua, thì chúng ta thường thấy rằng những gì đơn giản nhất - chứ không phải những gì long trọng nhất - sẽ đưa đến niềm hạnh phúc sâu đậm nhất.”

Xem ra triết lý của các thầy cô là: Đơn giản và … đơn giản hơn nữa.
Nhà văn Leo Babauta có viết một đoạn mà Hằng rất thích, trong đó ông nói rõ rằng, “Tôi thích lễ Giáng Sinh với không gian trắng một màu tuyết. Tôi thích ông thánh Santa Claus cỡi xe hươu chạy giữa trời băng giá với những khúc nhạc vui. Tôi thích ông già tuyết với những cây gậy chống làm bằng kẹo ngọt. Tôi thích lắm cái không khí giáng sinh kéo dài từ tháng 12 năm cũ cho đến hết tháng Giêng năm mới. Nhưng trên hết, tôi yêu không khí ấm áp của sự đoàn tụ gia đình trong mùa lễ - ăn bánh Giáng Sinh, đi lễ với nhau, và thưởng thức những bài thánh ca đặc biệt của mùa lễ. Nhưng tôi không thích cảnh đua chen đi mua sắm trong mùa lễ: Tiêu thụ hơn mức cần thiết, tiêu chết bỏ đến mức nợ nần ngập cổ, phí phạm thời gian gói quà, tích lũy những sản phẩm không cần thiết, và cuối cùng là lo liệng bỏ, làm đầy thùng rác lớn thùng rác bé, làm tổn hại môi trường thiên nhiên.”


Những hộp quà, thường lớn gấp đôi món quà, cùng với giấy gói… là đồ “trang điểm” rốt cuộc dành cho sọt rác


Xong rồi, thầy Babauta đưa ra mấy nhận xét cụ thể để chứng minh việc mua sắm không làm ích lợi gì cho tinh thần chúng ta, nếu không muốn nói rằng làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của mùa Giáng Sinh:

1. Chúng ta chỉ lo mua, mà ít khi nghĩ tới chia sẻ: Tặng quà cho những người mình thương mến vốn là điều hay. Nhưng trong không khí mua bán càng ngày càng nhiệt náo, ý nghĩa thương yêu đã bị giản lược rất nhiều. Chúng ta lo mua cho vội, cho nhiều, gửi món quà đi hôm nay, và quên ngay ngày mai…

2. Trao tặng là quí, nhưng không phải chỉ có mua mới có tặng: Chúng ta thường nghĩ rằng “mua, mua, mua…” là cách thức giải quyết mọi vấn đề. Nhưng suy nghĩ ấy đơn giản quá, mà để lại hệ lụy là những “ông bà Chúa Chổm” ngập mặt nợ nần, và đầy nhà những sản phẩm không cần thiết. Trong khi đó, chúng ta có nhiều cách để trao tặng và bầy tỏ sự quan tâm săn sóc. Thí dụ: Các ông có bao giờ tình nguyện đi rửa xe cho vợ lấy một lần không? (hay quanh năm chỉ có vợ lo rửa xe cho các ông?); Dành giờ giữ em bé cho ba má mình có thời giờ rảnh rỗi đi chơi riêng với nhau vài lần trong mùa lễ; Sẵn sàng làm “công quả”, vui lòng giúp đỡ.


Ông Bob Hope, nhà danh hài Mỹ, sống thọ 100 tuổi, đã nhận xét, “Khi nhớ lại những mùa Giáng Sinh đã qua, thì chúng ta thường thấy rằng những gì đơn giản nhất - chứ không phải những gì long trọng nhất - sẽ đưa đến niềm hạnh phúc sâu đậm nhất.”

3. Rác và rác: Giải quyết vấn đề rác thải trong mùa lễ là một vấn nạn khá lớn: Hộp quà chắc chắn phải lớn gấp đôi món quà, nhưng hộp quà là thứ vất đi sau khi đối tượng đã nhận quà. Từ những thùng cạc tông, thùng plastic, giấy gói xanh đỏ, nơ buộc… tất cả đều theo nhau vào sọt rác trước. Rồi sau đó… là chính món quà, nếu không theo vào sọt rác thì cũng nằm đâu đó trong góc nhà, hoàn toàn bị lãng quên.

Ông thầy Babauta dẫn giải cũng có lý. Xem ra ông thầy không ủng hộ việc mua sắm. Nhưng nếu không mua sắm thì lấy gì tặng nhau? Và món gì là quí nhất? Chà, thắc mắc ấy vẫn chưa có câu trả lời. Hứa với các bạn, Hằng sẽ tham khảo thêm với các thầy cô khác để có một vài ý hay.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT