Người Việt Khắp Nơi

Môn tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam

Băng Huyền/Viễn Đông Thursday, 03/05/2012 - 08:55:31

Các em còn được làm phim theo nhóm bằng cách chuyển thể những truyện học trong sách ra thành phim hài kịch, bi kịch, có lời thoại…

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 18)
 
Băng Huyền/Viễn Đông

Khác với những ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Latin… đã có lịch sử giảng dạy lâu đời trong các trường trung học tại Hoa Kỳ, tiếng Việt là một ngôn ngữ chỉ mới được cộng đồng Việt Nam vận động đưa vào giảng dạy thành công từ năm 1999 tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach High School District - HBUHSD), trường Bolsa Grande và La Quinta vào năm 2002, và trường trung học Garden Grove (thuộc học khu Garden Grove) từ năm 2004. Chính vì thế, việc tìm kiếm giáo viên giảng dạy môn tiếng Việt trong trường trung học buổi đầu đã gặp không ít khó khăn.
Theo tiêu chuẩn của Quận Cam quy định để trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ cấp trung học thuộc hệ thống trường công lập, giáo viên đó phải có giấy phép dạy học chính thức (Teaching Credential) do Bộ Giáo Dục Tiểu Bang cấp. Ngoài ra, nhiều học khu còn đòi hỏi các giáo viên ấy lấy bằng Bilingual Teaching Credential. Giáo viên có bằng này có thể dạy một môn học bằng cả hai thứ tiếng. Như với giáo viên dạy tiếng Việt, để lấy được bằng Bilingual Teaching Credential, ứng viên phải học chương trình sư phạm và thực tập giảng dạy giống y các sinh viên sư phạm khác, ngoài ra phải lấy thêm một lớp về sư phạm song ngữ và một lớp về văn hóa Việt Nam, sau đó dự một cuộc thi lượng định khả năng và kiến thức về Việt ngữ, văn hóa, địa lý, lịch sử Việt Nam. Được biết hiện nay, giáo sư Quyên Di đang phụ trách giảng dạy hai lớp nói trên cho một số đại học thuộc hệ thống California State University, đồng thời cũng là người định tiêu chuẩn cho việc soạn đề thi lượng định khả năng nói trên cho Bộ Giáo Dục Tiểu Bang California.
Theo thầy Dzũng Bạch (trưởng bộ môn ngoại ngữ tại trường trung học La Quinta, kiêm giáo viên dạy tiếng Việt tại đây) cho biết, ngay sau khi ông tốt nghiệp giáo viên dạy tiểu học tại trường đại học Cal State Fullerton, học khu Garden Grove cần tuyển giáo viên dạy tiếng Việt tại trường trung học La Quinta và Bolsa Grande. Ông đã được nhận về trường La Quinta từ niên học 2004. Hai người bạn đồng môn với ông, cô giáo Quỳnh Trang cùng lúc đó về dạy tiếng Việt tại trung học Bolsa Grande, và cô giáo Thảo Ly về dạy tiếng Việt tại trung học Westminster High School. Thầy Dzũng Bạch cho biết, lúc đó, bản thân ông chỉ mới có giấy phép dạy học chính thức (Teaching Credential) cấp tiểu học, dạy tất cả các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 8, khi đó họ vẫn chưa có Bilingual Teaching Credential, vì Bộ Giáo Dục Tiểu Bang California lúc đó vẫn chưa có đề thi Bilingual Teaching Credential cho ngoại ngữ là tiếng Việt. Muốn dạy tiếng Việt trong trường, ông và hai bạn đồng môn của ông phải theo học lớp Sư Phạm Song Ngữ (Multiple Subject Credential Bilingual) và một lớp về văn hóa Việt Nam (CSET Vietnamese), rồi đợi một thời gian sau mới có đề thi để các giáo viên dạy tiếng Việt lấy Bilingual Teaching Credential.


Lớp tiếng Việt 1 của cô giáo Thảo Ly tại trường trung học Westminster High School
ảnh tài liệu do cô Thảo Ly cung cấp.

Chương trình tiếng Việt tại trung học Westminster từ buổi đầu đến nay
Riêng tại trường trung học Westminster High School, trước khi cô Thảo Ly về dạy tại đây, môn tiếng Việt đã được dạy thử nghiệm từ mùa Hè năm 1999, thầy Khang Bảo, dạy môn khoa học tại trường trung học Westminster High School, nói với nhật báo Viễn Đông. Ngay khi có lớp tiếng Việt này tại trường, thầy còn là học sinh của trường nên đã ghi danh học lớp tiếng Việt, lúc đó do thầy họ Phạm dạy môn lịch sử trong trường, kiêm giáo viên dạy tiếng Việt. Sau đó Khang Bảo tốt nghiệp trung học, và rời trường, nên không học tiếp tiếng Việt nữa, nhưng theo thầy biết trước khi cô Thảo Ly về trường và gầy dựng thành công các lớp học tiếng Việt, thì một số thầy cô gốc Việt dạy những môn học khác trong trường đã đảm nhận luôn việc dạy thêm môn tiếng Việt.
Cô giáo Thảo Ly kể với nhật báo Viễn Đông: “Thời gian đầu mới về trường, Thảo Ly dạy 4 lớp tiếng Việt trong một ngày, mỗi lớp có khoảng hơn 30 em. Đến năm sau các em ghi danh tăng thêm, nên Thảo Ly có 5 lớp dạy trong ngày. Có lúc các em ghi danh đông quá, một lớp có hơn 40 em, Thảo Ly không dám dạy chung các em một lúc, vì như thế sẽ không có kết quả tốt, nên Thảo Ly phải chia làm hai lớp trong cùng một tiết học, vừa dạy bên này, cho các em làm bài tập, rồi chạy qua lớp bên kia dạy…
“Khi đó, thầy hiệu phó là Newell Williams có đến xem lớp Thảo Ly dạy ra sao, đã đến gặp người phụ trách sắp thời khóa biểu trong trường nói rằng lớp tiếng Việt cần phải mở thêm lớp. Vì vậy, đến năm 2007 trường có mời thêm một giáo viên là cô Nguyễn Mộng Lan về dạy bán thời gian. Vài năm sau số học trò ghi danh học càng ngày càng đông, nên cô Lan đã trở thành giáo viên dạy toàn thời gian của trường. Hiện nay trường có tất cả 10 lớp tiếng Việt, mỗi lớp có trung bình khoảng 37 em”.
Cô giáo Thảo Ly cho biết, ngay buổi đầu, ngoài những trở ngại về sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, chương trình tiếng Việt của trường vẫn chưa được “UC approved”, nghĩa là khi các em học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong trường, khi các em lên đại học, các em chưa được hệ thống đại học công lập University of California nhận những credit (tín chỉ) này như các em học những tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp.
Cô giáo Thảo Ly nói: “Thảo Ly đã nhờ những thầy cô dạy ngoại ngữ trong trường hướng dẫn cách làm giấy tờ nộp lên để được UC approved, phải nộp lên đó giáo án… để xem chương trình của mình có đủ tiêu chuẩn cho UC nhận không. Sau khi mở được lớp Việt 1, Việt 2, Việt 3, và được UC approved, Thảo Ly soạn giáo trình và chọn sách giáo khoa để mở thêm lớp Việt 4 Honors, để các em học lớp này mà được điểm A, các em sẽ được 4 chấm, các em thi AP để có thêm credit ở các đại học, college”.
Được biết, hiện nay trường trung học Westminster High School có hơn 2.000 học sinh, có khoảng 30-40 phần trăm là gốc Việt. Trường có 3 ngoại ngữ: Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Việt. Trường có 4 giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, có 1 giáo viên dạy tiếng Pháp, và có 2 giáo viên dạy tiếng Việt.


Cô Mộng Lan và cô Thảo Ly, hai giáo viên tiếng Việt trường
trung học Westminster High School - ảnh tài liệu.

Vì vẫn chưa có sách giáo khoa dạy tiếng Việt viết riêng cho bậc trung học, nên hiện nay, các trường dạy tiếng Việt của bậc trung học tại quận Cam phải dùng sách của bậc đại học. Lớp tiếng Việt của trung học Westminster High School cũng không là ngoại lệ. Lớp tiếng Việt 1 và Việt 2 học sách Let's Speak Vietnamese của Lê Phạm Thúy Kim và Nguyễn Bích Thuần, và quyển Tiếng Việt của Nguyễn Minh Hồng như sách giáo khoa phụ. Lớp tiếng Việt 3 dạy sách Chúng Ta Nói củaLê Phạm Thúy Kim và Nguyễn Kim-Oanh, và Tiếng Việt Mến Yêu của East Side Union High School District, San Jose District, như là tài liệu phụ. Lớp tiếng Việt 4 Honors, dạy cuốn Ngôn Ngữ và Văn Hóa của Trần Trí và Minh Tâm Trần, và quyển Tiếng Việt Mến Yêu của East Side Union High School District, San Jose District cũng được dùng làm tài liệu giáo khoa phụ.
Theo lời cô Mộng Lan cho biết, vì tiếng Việt vốn là một ngoại ngữ khó với các em gốc Việt sanh ra và lớn lên tại hải ngoại, cũng như với những em thuộc sắc dân khác, nên dù cô đã có kinh nghiệm dạy Việt Văn cho học trò trước năm 1975, nhưng tại Việt Nam, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, còn tại Hoa Kỳ, tiếng Việt chỉ là ngoại ngữ, vì vậy ngay từ lớp Việt 1, Việt 2, cô phải dùng tiếng Anh (ngôn ngữ các em đã biết) để dạy lại tiếng Việt (ngôn ngữ các em chưa biết), cô còn áp dụng nhiều bài học dạy cho các em bậc tiểu học tại Mỹ mà cô được học, để dạy cho các em học môn tiếng Việt. Cô nói: “Đây là một phương pháp rất hay. Ví dụ khi học xong một bài, các em có thể làm ngay một bài tập để thực hành, dạy các em từ dễ đến khó. Luôn luôn ôn tập lại trước khi tôi dạy bài mới. Suốt năm học, cứ ôn lại hoài cho các em, nên các em rất tiến bộ trong việc học tiếng Việt”.
Cô giáo Thảo Ly nói rằng nếu so với các ngoại ngữ khác trong trường, sách giáo khoa của tiếng Việt không phong phú bằng và các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc tự tìm tài liệu để hấp dẫn các em yêu thích môn tiếng Việt, nhưng chương trình học tiếng Việt thì không thua kém, mà rất phong phú. Vì các em không chỉ học trong sách, mà cô còn dạy các em học hát. Ví dụ khi dạy bài vần “ai”, thì sử dụng bài hát “Mây Lang Thang” dạy cho các em, vì ca khúc này có rất nhiều vần “ai”, để các em học vần trong bài này và cùng hát chung. Các em còn được xem phim trên lớp. Các em còn được làm phim theo nhóm bằng cách chuyển thể những truyện học trong sách ra thành phim hài kịch, bi kịch, có lời thoại…
Các em còn được cô giáo khuyến khích ra giúp Tổng Hội Sinh Viên ngay trong Làng Việt Nam của Hội Chợ Tết Sinh Viên vào dịp Tết, để được điểm phụ trội. Đây cũng là cách để các em học thêm trong môi trường của cộng đồng. Tết Trung Thu thì cô Thảo Ly và cô Mộng Lan cho các em thi làm lồng đèn với cộng đồng; các em từng đoạt giải nhất, giải nhì. Các cô cũng từng cho các em tham gia thi giải viết Văn như cuộc thi viết văn 30 tháng 4… để các em có thêm kinh nghiệm.
Ngoài ra, để nâng cao khả năng học tiếng Việt của các em, cô Thảo Ly còn thực hiện chương trình đi “field trip” du ngoạn ngoài trời, theo từng lớp học trong một ngày học bằng xe bus. Lớp Việt 2 các em có bài học ở nhà hàng và ở chợ, các em được đi Phước Lộc Thọ để mua đồ ăn, hỏi giá tiền, đặt món ăn… thường chương trình này diễn ra vào dịp Tết, nên các em còn được đi chợ hoa tại Phước Lộc Thọ và được học thêm về ngày Tết của người Việt Nam.
Cô Thảo Ly kể lại với nhật báo Viễn Đông, bắt đầu từ năm 2007, khi nhận được thư mời từ Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF) (đại hội này tổ chức 2 năm một lần), có ngày High School Day, và các em được miễn phí vé vào xem phim, cô đã đưa các em học lớp tiếng Việt 3 đến xem phim của những đạo diễn gốc Việt khắp nơi trên thế giới thực hiện. Thông thường những bộ phim được ViFF chọn để chiếu trong ngày dành cho học sinh trung học là những phim ngắn, có độ dài từ 2 phút đến dưới 30 phút là cơ hội để các em học hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa của người Việt sống khắp nơi trên thế giới. Sau khi xem phim về, các học sinh sẽ ghi lại những điều mình đã xem bằng bài cảm nhận, rồi cùng chia sẻ trước lớp.
Hiện nay, chương trình này dành luôn cho những em học Việt 2, Việt 3 đi cùng với các em Việt 4.
Riêng lớp Việt 4, trong bài học có bài về tôn giáo, vì vậy chương trình “field trip” cho các em đi chùa Đài Loan, được ăn chay tại đây. Vì chùa này có người hướng dẫn nói tiếng Việt, nên giúp các em học cách nghe và hỏi lại các hướng dẫn viên những điều thắc mắc bằng tiếng Việt.
Dù đến Mỹ định cư khi mới 13 tuổi, nhưng vì yêu thích tiếng Việt, văn hóa Việt nên cô giáo Thảo Ly đã luôn luôn giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình và có hơn 10 năm dạy tiếng Việt cho trường Việt ngữ thuộc nhà thờ Tam Biên. Đôi mắt lấp lánh niềm vui, cô giải thích về việc tạo ra những chương trình học tiếng Việt gắn kết với cộng đồng vì: “Chúng ta may mắn sống ngay tại cộng đồng Việt rất đông, không lẽ dạy các em học tiếng Việt mà chỉ bó buộc các em trong lớp học thôi. Mà cần phải cho các em biết đến văn hóa Việt ngay trong cộng đồng từ bài học thực tế. Nhờ những chương trình này, đã có nhiều em học lớp tiếng Việt càng yêu tiếng Việt hơn, đã tham gia câu lạc bộ tiếng Việt trong nhà trường. Khi lên đại học hoặc college lại tiếp tục học tiếp tiếng Việt…”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT