Đời Sống Việt

Một đêm nhạc thính phòng..."đẹp"

Wednesday, 03/06/2015 - 07:52:28

Ôi, tới tuổi này rồi mà vẫn còn có người mê đòi theo kè kè một bên thì thiệt là “chuyện lạ 4 phương” rất đáng hân hạnh nha!

Viết để tặng chị N. và bạn hữu

Phượng Vũ

Thỉnh thoảng chị N lại mở một đêm nhạc tại tư gia,mời bạn hữu tới tham dự để nghe chị “tâm tình qua âm nhạc” với một chủ đề nào đó, rồi đến phần “hát cho nhau nghe”. Từ 6 giờ chiều, mọi người đã bắt đầu tề tựu, ai cũng mang thức ăn tới để ăn chung cho vui. Hình thức potluck này khá phổ biến ở Mỹ và khá phong phú. Giờ ăn bắt đầu, ai cũng rôm rả chuyện trò và thưởng thức các món ăn hấp dẫn. Có những người bạn lâu ngày mới gặp lại nhau vui vẻ hỏi han nhau, rồi dắt nhau ra vườn hoa sau nhà chụp hình. Chị V từ lúc gặp tôi là cứ xoắn xít, tíu tít:
- Lâu quá không gặp, nom em trẻ và đẹp ra hẳn. Tí nữa ngồi đâu nhớ cho chị ngồi cạnh bên nhé!
Thôi chí nguy rồi, thời gian này đi đâu sao cũng nghe khen hết, kiểu này chắc "tinh anh phát tiết ra ngoài" là dấu hiệu báo sắp đi gặp "người tình đặc biệt" ở miền miên viễn sao? Thôi "đừng khen tôi nhé" vì tôi còn "yêu quá đời này", tôi còn muốn tiếp tục đi nghe những đêm nhạc ấm cúng và dễ thương như vầy mãi...
Tưởng chị V nói đùa, ai dè thấy chị đang loay hoay xách giỏ, mang áo khoác theo, từ giã nhóm bạn bè để lên ngồi kế bên tôi thiệt. Tôi bèn cười đùa:
- Ôi, tới tuổi này rồi mà vẫn còn có người mê đòi theo kè kè một bên thì thiệt là “chuyện lạ 4 phương” rất đáng hân hạnh nha!
Mọi tiếng cười đùa lao xao chấm dứt, khi chị N lên micro bắt đầu chương trình:
- Thỉnh thoảng tôi lại tổ chức một buổi họp mặt mời bạn hữu cùng gặp gỡ nhau, cùng nghe hát và hát. Như các bạn cũng đã biết, thời gian qua tôi có nhiều chuyện không vui xảy đến với những cú sốc quá lớn... Tôi phải bình tâm nhìn lại và tự tìm ra cách để thoát khỏi "vũng lầy của muộn phiền" để lòng thấy bình an. Âm nhạc và bạn bè là một trong những cách giúp tôi rất nhiều trong việc tìm lại niềm vui của cuộc sống. Từ khi về nhà này tôi có nhiều nhóm cùng đến để sinh hoạt và nối kết với nhau: nhóm các bạn đồng nghiệp, nhóm tâm linh, nhóm bạn xưa, bạn "chữ nghĩa"... Tôi rất biết ơn các bạn. Mở đầu chương trình là nhóm Ngẫu Nhiên, gồm toàn những người bạn từ thuở trung học, bây giờ gặp nhau cùng tập hát cho đời thêm vui. Chúng tôi sẽ hát bài “Hôm Nay Tôi Nghe” của Trịnh Công Sơn, một bài hát thật dễ thương, vui tươi sống động và nhất là có những câu nói lên tình bạn "cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề, những con tim bạn bè bao la..." Tôi nghĩ TCS và PD là 2 người trời gửi xuống để cống hiến cho chúng ta những ca khúc tuyệt vời, có thể họ chưa sống được như những gì họ nói nhưng những bài hát của họ quả là thức ăn “nuôi dưỡng tâm hồn” cho những người yêu âm nhạc.
Sau bài hát “Hôm Nay Tôi Nghe” là phần Đạo Ca, những ca khúc Phạm Duy phổ thơ của thi sĩ , tu sĩ Phạm Thiên Thư. Chị N tâm sự:
- Ít ai hát những bài Đạo Ca này. Nhưng tôi và chị bạn lại cùng mê những bài này, nhất là chị bạn, ngày xưa đi du học không đem theo nhiều quần áo mà chỉ xách theo rất nhiều tập nhạc, trong đó có tập “Mười Bài Đạo Ca”. Và đêm nhạc hôm nay là một cái cớ để tôi phải tập hát những bài hát này thật nghiêm túc, thay vì chỉ nghêu ngao chơi cho vui. Nhưng hôm nay thay vì “bắt” các bạn nghe hết 10 bài hát thật “nặng nề”, chúng tôi xin hát chỉ 4 bài thôi.

Tôi nghĩ 4 bài Đạo Ca này là món quà tinh thần quý giá chị N muốn gửi tới bạn bè, đó cũng là 1 cách “cho đi” theo tinh thần văn nghệ. Xin trân trọng cám ơn tâm tình của chị. Trong 4 bài đạo ca chị hát hôm nay có bài “Một Cành Mai” nhắc đến vụ tự thiêu của Nhất Chi Mai. Thật đáng cảm phục khi người ta dám vượt qua sự sợ hãi của cái chết để vươn tới cái gì lớn lao hơn, để cầu nguyện cho Hòa Bình:
"Ôi máu đã thành sông. Xương người đã thành non. Đòi thù thì oán đời đời. Đền nhau chỉ có chút lệ thôi..." Chị N cho biết chị rất cảm động với hai câu này. Vâng, con người chỉ biết đền nhau bằng những giọt lệ, sau khi đã oán thù, giết chóc...
Nhất Chi Mai tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm, sát cạnh nhà tôi, nên tôi biết. Sau này nhóm NSCGGL chúng tôi còn hỗ trợ GS Nguyễn Ngọc Lan (lúc đó còn là linh mục DCCT) trong việc bí mật phổ biến tập sách nhỏ “Chết Mới Được Ra Lời” in một số bài thơ và tâm nguyện của NCM.
Phần hát Đạo Ca thành công là nhờ sự hỗ trợ của tiếng đàn piano thánh thót của Phương Lan và tiếng guitar rộn ràng của Phương Thảo, như giúp người nghe đến gần với suối nguồn tươi mát của Từ Bi. Những câu “Thương người như thương thân, thương người như thương mình” lập đi lập lại của bài hát “Đại Nguyện” cứ như âm vang mãi trong hồn tôi, nhất là khi nhớ lại vụ động đất lớn mới xảy ra ở Nepal.
Sau 4 bài Đạo ca, chị chuyển qua hát tình ca với bài “Anh Còn Nợ Em” của Anh Bằng, nghe sao mà ray rứt:
"Anh còn nợ em. Con tim bối rối, con tim bối rối. Anh còn nợ em.
Và còn nợ em. Cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ. Anh còn nợ em."
Nói tới tình yêu thì quả là "đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu" nên toàn là chuyện buồn, như lời trong một chương trình nhạc chủ đề nghe sao mà thấm thía: "Tình yêu tuy vô hình tướng nhưng nó làm ta rã tan hồn phách. Nhưng nếu không có nó thì ... cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết là dường nào! Thôi thì... đành có nó vậy!". Có lẽ để minh họa cho ý trên nên sau đó ban Hương Xưa gồm 4 người lên hát bài “Hãy Yêu Nhau Đi” khuyến khích mọi người:
"Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều"
Và nhóm đã hát thêm bản "Tiếng Hát Học Trò" của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Tựa bài hát khiến tôi nhớ tới hình ảnh nữ ca sĩ sinh viên Thanh Lan duyên dáng, xinh đẹp một thời đã làm say lòng biết bao nhiêu khán giả truyền hình và được mệnh danh là "Tiếng Hát Học Trò."
"Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ
Tà áo em xanh màu mắt ngây thơ
Nụ cười hồn nhiên không vương sầu nhớ
Lời ca vang bên gác nhỏ
Tiếng tơ êm đềm trong ngõ..."
Nó gợi nhớ lại cả một khung trời tuổi học trò lúc nào cũng thích "hát triền miên" và xem hát như là hơi thở của tuổi thanh xuân, hát hồn nhiên ở bất cứ nơi đâu. Tôi nhớ lại 1 kỷ niệm “sâu sắc” của mình: có lần 2 đứa đạp xe lo say sưa hát 1 bản tình ca mới của TCS đến nỗi vượt đèn đỏ ở một ngả ba mà không hay. Tới khi nghe cảnh sát thổi còi, bèn dừng lại ngây ngô ngó quanh cảm thấy mình vô tội, đến khi ngó lui thấy ai cũng dừng xe lại mới ngộ ra tội của mình. Thế là 2 đứa sợ quá, cắm đầu cắm cổ đạp miết, không dám quay đầu lại. May mà thời đó cảnh sát hiền và không có xe để đuổi theo!
Tiếp theo, chị Hồng Tước lên trình bày một bài hát mới toanh của nhạc sĩ Thanh Trang vừa sáng tác tuần trước, nội dung là một câu chuyện có thật về một mối tình chồng vợ vừa mới chia xa nhưng vẫn còn lưu luyến rất cảm động. Anh tuy “đi” rồi nhưng vẫn hiện về với chị trong mơ trả lời những câu hỏi của chị và sau đó trên màn hình điện thoại của chị hiện ra dòng tin nhắn của anh “I love you”. Như vậy là bên cạnh những chàng "nghịch duyên", những chàng "nắng quái", vẫn còn có những chàng "yêu ai yêu cả một đời...". Hay nói kiểu Từ Công Phụng: ""Nếu có điều gì vĩnh cửu được, thì em ơi đó là tình yêu chúng ta". May mà đời sống còn có những "tình yêu vĩnh cửu" để đời sống đáng yêu hơn, và để "tình yêu đẹp"mãi còn tiếp tục hiện diện trên thế gian này.
Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Trang, tôi chợt nhớ tới ý tưởng khá lạ của ông trong một show mới đây khi ông nhắc đến tinh thần “chúng ta đi luôn mang theo quê hương”. Ông cho biết không phải chúng ta chỉ mang theo tà áo dài, nón lá, món ăn hay phong tục tập quán... mà chính là mang theo giọng nói của từng miền: Saigon, Huế , Hà Nội... Một hôm nào trên phố nơi quê người bất chợt nghe được giọng rặt Saigon sao mà dễ thương chi lạ, hay giọng Huế với âm điệu nhỏ nhẹ, nhu mì của miền sông Hương núi Ngự, hoặc giọng Hà Nội duyên dáng cầu kỳ... Vậy là cả bầu trời quê hương nhanh chóng êm đềm trở về trong ta. Và chính "giọng nói" mới thực sự là quê hương chúng ta có thể luôn luôn mang theo trong mình. Xin cám ơn ý tưởng đầy sáng tạo nhưng thực tiễn của nhạc sĩ Thanh Trang.
Sau đó, nhóm “Cát Trắng” rồi nhóm tứ ca, song ca “Vương Lan - Như An” và các giọng đơn ca đã lần lượt cống hiến nhiều bài nhạc tuyệt vời cùng với tiếng đệm guitar réo rắt của Phương Thảo, cô nàng xinh xắn với dáng người mảnh mai nhưng tiếng đàn thì thật thu hút lòng người. Một số khách thưởng ngoạn thắc mắc “Sao không thấy giọng hát nam nào cả mà chỉ toàn là giọng nữ thôi” thì chị N cho biết ở đâu cũng vậy, các anh bao giờ cũng lười đi tập hát hơn các chị, nên lập nhóm có thêm các anh là hơi bị phiền, nên hôm nay các nhóm ca nữ nhiều hơn.
Nhưng để “gỡ điểm” giùm cho phái nam, một anh đã lên hát bài “Dừng Bước Giang Hồ” của Hoàng Trọng cùng với hiền thê. Tiếng đàn piano thánh thót của Phương Lan, nhất là những đoạn “vuốt” ngân dài... làm cho tâm hồn mọi người như rộn ràng theo lời hát, nên khá nhiều người hát theo:
"Tiếng ca xa xa lắng trong bao la, với tiếng ru khẽ rung lên trong chiều gió
Đã bao năm qua, sống nơi phương xa, về phương cũ đành dừng bước chân giang hồ.”
Ở quận Cam này, tôi thấy giới y sĩ có khá nhiều người chọn âm nhạc để xả stress cho công việc hằng ngày lúc nào cũng tiếp xúc với đau ốm bệnh tật. Đó là cách xả stress hay và lành mạnh thay vì nhiều thứ khác có thể làm tổn hại sức khỏe và cả tinh thần nữa. Không khí trong phòng bây giờ bắt đầu sôi động hẳn lên, một BS lên hát 1 bài rất xưa, gần như ai cũng biết là bài “Que Sera Sera”, hòa theo là tiếng piano rộn ràng của Phương Lan, người đẹp có suối tóc mơ, nên dáng ngồi trước piano là hình ảnh thật tuyệt!
”When I was just a little boy
I asked my mother, “What will I be?
Will I be handsome, will I be rich?”
Here's what she said to me”

Vậy là cả phòng đồng thanh hát trả lời rất đều:
“Que Sera, Sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que Sera, Sera
What will be, will be”

Điệp khúc này sau đó đã được “đồng ca” nhịp nhàng vài lần dưới sự điều khiển của “ca trưởng” N. Không khí trong phòng vui hẳn lên và đầy sự thân tình. Đúng là âm nhạc dễ mang con người đến gần với nhau và nó cũng là nơi để ta có thể trở về nương náu ủ ấp trái tim qua những cơn phiền muộn, để sau đó lấy thăng bằng đứng lên đi tiếp đoạn đời của mình. Có lẽ lấy hứng từ sự đồng ca của nhiều người, chị N lên điều khiển mọi người hát dân ca 3 miền để nhớ về quê hương yêu dấu.
Chị đứng trước micro xướng: “Đến đây không hát thì hò ( ali hò lờ...) Hổng phải con cò mà ngóng cổ ngồi nghe (hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hờ lờ hò lơ hó lơ...). Cứ thế cả phòng tiếp tục hát dân ca từ miền Nam qua Huế (hò hụi..., hết hụi rồi lại khoan...) tới dân ca Bắc (con cò bay lả bay la..., tình tính tang là tang tính tình...), không khí thật vui và ấm cúng. Càng về khuya mọi người càng được hâm nóng bầu máu yêu âm nhạc thành ra “ca sĩ” nhiều hơn “khán giả”, ai cũng hăng hái lên “sân khấu” để “hát cho nhau” nghe.
Khi ra về trời đã khuya, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy ấm vì có niềm vui: lâu lắm được dịp nghe những bài đạo ca, được dịp nhớ lại, hát lại những bài hát "một thời yêu dấu nay còn đâu", được dịp vui vẻ cùng nhau ngân nga những câu hò đầy tình tự quê hương... Cám đời, cám ơn người đã cho chúng tôi có một đêm nhạc ấm cúng quây quần bên nhau, được thấy những nụ cười, được thấy những tình người "cho đi" qua tiếng hát phục vụ, và lòng cảm thấy bình an.
"Cảm ơn cuộc sống cuồng quay
Để trân quý một phút giây yên bình"
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT