Tiêu Thụ

Một kinh nghiệm mua kính

Friday, 12/05/2017 - 07:28:20

Đúng $9.00, không hơn. Đây là chuyện thật, không phải hư cấu, bạn nào có nhu cầu tiết kiệm như tôi, xin ra ngay Walmart trên đường Trask, góc Beach nhé (ở thành phố Westminster).

Bài ERIC TRẦN


Cách đây ít lâu, chúng tôi có trình bày về vấn đề mua kính. Hôm nay nhận được phản hồi từ một người bạn về kinh nghiệm mua kính. Nhận thấy câu chuyện của anh khá lý thú và có thể có ích lợi cho nhiều người, chúng tôi xin dành trang báo này để anh chia sẻ cùng các bạn.

Thưa chú Eric, tôi vốn đeo kính từ khi còn trẻ, lớn lên thì đeo kính tuổi hai tròng để đọc sách và lái xe, ngồi computer lại có kính riêng, gọi là computer reader. Không may, những cái kính cứ theo nhau mà đi, trước tiên tôi mất cái kính hai tròng, ít lâu sau lại thêm cái kính làm việc computer. Bây giờ thì có mắt cũng như mù, làm gì tôi cũng phải nhướng mắt nhăn mặt lên mới được, rất là khổ sở.

Đọc những lời chú căn dặn về việc mua kính, tôi cũng định đi làm kính mới, nhưng nghĩ tới nghĩ lui lại thấy tiếc tiền. Vì hiện tại bảo hiểm của tôi không có cover mắt kính. Tôi tính chờ một năm nữa có Medicare thì sẽ làm vì nghe chú nói là có chương trình HMO Medicare nào đó có thể cấp kính miễn phí mỗi năm. Nhưng không có kính để vào Internet xem tin tức, và đi lại ngoài đường trong mấy ngày vừa qua đã quá là khổ sở, nói gì đến việc phải chờ cả một năm nữa.

Vì thế, tôi quyết định đi kiếm tạm một cặp kính, xoàng xoàng cũng được, để xài trong khi chờ đợi Medicare. Tôi mất cả nửa ngày để tìm kiếm, và cuối cùng đã tìm được một giải pháp tốt đẹp mà tôi nghĩ rằng những người đang cần kính mà không có bảo hiểm nên biết.


Cửa hàng bách hóa Walmart, là nơi mà gần như thứ gì cũng có.



Tôi chỉ nói về những người không có bảo hiểm thôi, chứ với quí vị có bảo hiểm mắt, hoặc với những nhà “quí tộc” Mêđi-Mêđi, tức là vừa có Medicare lại có MediCal mà cái gì cũng được hưởng gần như miễn phí, thì tôi tuyệt đối không dám lên mặt thầy đời:

Kính tại Walmart: Gọng kính $9

Trước tiên, tôi đến Walmart vì cho rằng cái gì cũng có mà giá lại rẻ. Quả thật vậy, Walmart rất xứng danh là nơi cái gì cũng có. Ở đây, họ có hai nơi bán kính: Một là phòng khám chuyên môn, hai là mua kính tự do ở Pharmacy.

Đầu tiên, tôi vào phòng khám mắt chuyên môn, gọi là Optometry, có bác sĩ trực đàng hoàng. Ngoài quầy họ có bày một số cặp kiếng để đọc sách (reading glasses), khách hàng có thể mua tự do không cần toa bác sĩ. Ngặt một nỗi họ chỉ có kính đọc sách, chứ không có kính computer.

Chúng ta cần biết rằng hai loại kính đọc sách và đọc computer khác nhau vì khi đọc sách thì khoảng cách từ mắt tới trang sách vào khoảng 14” tới 15”, trong khi đó, khoảng cách từ mắt tới khung hình computer xa hơn, vào khoảng 20” tới 24”, nên kính đọc sách và kính computer phải ứng với hai khoảng cách khác nhau theo từng trường hợp.


Gọng kính trông thật đẹp, nếu không tự mình khai ra thì ai mà biết rằng chỉ có …. 9 đô một cặp!

Một điểm bất tiện khác nữa là những cặp kính bán tự do thì cả hai tròng kính đều có độ cận giống nhau, một điều mà rất ít người có được trong thực tế. Thông thường, cặp mắt của chúng ta không đều về độ cận (hoặc độ viễn/loạn), người thì mắt phải nặng hơn, người khác lại mắt trái nặng hơn, có khi chênh nhau tới cả 1 độ, hoặc 1 độ rưỡi. Mặc dầu kính bán tự do rất rẻ, chỉ có khoảng $15 hoặc $20 là mua được rồi, nhưng tôi không thể chọn được cặp nào vì hai điều kiện không phù hợp đó.

Tôi hỏi cô y tá là có thể “place an order,” tức là đặt hàng để mua theo nhu cầu riêng của mình được không. Cô gái có sóng mũi cao, nhọn, bờ môi hơi cong kết hợp với đôi mắt sắc, có thể nói là đẹp, nhưng … dữ. Có hề gì, tôi là khách hàng mà, cô làm sao dám dữ với khách hàng chứ. Mặc dầu cô chỉ bằng tuổi đứa con gái thứ hai của tôi, nhưng vì cô không thực là con gái tôi, nên tôi vẫn cảm nhận niềm vui y như một anh thanh niên đang được nói chuyện với người con gái đẹp…. Cũng may, tiếng Mỹ không phân biệt giai cấp, chứ không thì chắc chắn tôi sẽ cụt hứng khi cô gái phân biệt thứ hạng, gọi tôi bằng “chú” và xưng “con” một cách ngọt ngào lễ phép. (Ở đây, xin mở một ngoặc đơn, điều đó không có nghĩa là tôi luôn luôn thích được xưng hô “anh, em” dù người đối diện chỉ là những cô gái trạc tuổi con hoặc cháu ngoại mình đâu nhé. Bởi vì, ngôn ngữ có đặc tính riêng đi liền với văn hóa. Trong tiếng Mỹ, bạn có thể xưng hô “I, you” với người đối diện, bất kể tuổi tác thứ hạng mà không cảm thấy ngượng. Nhưng nói tiếng Việt mà nghe cháu gái nào đó xưng hô “anh, em” một cách tự nhiên với mình thì thú thực tôi cảm thấy rất mắc cở).

Trở về với cô gái xinh đẹp ở Walmart, cô đòi tôi phải có prescription (toa bác sĩ). Có ngay, tôi có mang theo cái toa của cặp kính mới bị mất đây mà. Cô bảo như vậy là được rồi, tròng kính giá $29, bây giờ tôi có thể ra chọn gọng kính trong số cả ngàn kiểu hiện trưng bầy trong tiệm. Với chủ trương chọn một gọng kính thật là xoàng cho đỡ hao địa để cầm cự đến ngày có Medicare, tôi mừng húm khi nhìn thấy ở một góc quầy là những gọng kính giá … $9.00.

Đúng $9.00, không hơn. Đây là chuyện thật, không phải hư cấu, bạn nào có nhu cầu tiết kiệm như tôi, xin ra ngay Walmart trên đường Trask, góc Beach nhé (ở thành phố Westminster).

Tôi chắc rằng khi bạn đọc những dòng chữ này thì món hàng $9 vẫn còn đó, và…. cả “cô cháu gái” xinh đẹp của tôi nữa. Tôi không biết các cửa hàng Walmart khác có như vậy không, bởi vì dường như phòng khám mắt Optometry chỉ thuê địa điểm ở đây, chứ không hẳn là dịch vụ của Walmart.

Vậy là tôi chỉ mất gần $40 là có ngay được cặp kính (cả tròng và gọng) thay thế. Tôi tự diễu mình: “Có vậy thôi mà cứ phải gắng gượng khổ sở cả năm trời chờ đến ngày có Medicare!”

Trở lại gặp cô gái, tôi nói mình chọn gọng kính $9, và đưa cái toa kính mà bác sĩ đã cấp cho tôi trước đây. Cô gái ngồi xuống ghế, dở đồ nghề ra để đo độ PD (pulpillary distance), nhưng khi nhìn vào toa thì cô từ chối, vì toa của tôi đã cũ quá. Cô nói:

- Trong hạn 2 năm thì “em” xài được, còn cái của “anh” đã quá hạn đó rồi.
Tôi dùng chữ “anh em” mà không thấy mắc cở, bởi vì cô ấy nói tiếng Mỹ, có phải tiếng Việt đâu. Lẽ ra tôi phải dịch là: “Trong hai năm thì tao nhận, chứ cái của mày đã quá hạn đó rồi” giống như lối nói mày tao chúng ta vẫn thường dùng khi dịch Anh - Việt. Nhưng từ hồi nào tới giờ, tôi chúa ghét cái lối nói mất dạy làm nghèo tiếng Việt đó. Nên, xin các bạn tạm chấp nhận chữ “anh em” trong phần còn lại của câu chuyện nhé.
Tôi trả lời cô gái:

- Nhưng mà…. anh tự order mà!
- Cũng không được đâu anh. Phải có toa hợp lệ.
- Vậy là anh phải chờ gặp bác sĩ? Anh không thể chờ được.
- Đâu có anh. Bác sĩ ở đây mà, anh vào gặp ngay được mà.
- Giá bao nhiêu?
- Tiền công khám có $58 thôi.
Eo ơi, nhằm người “keo” như tôi mà nói có $58 đô thôi. Nỗi đau sắp mất tiền làm tôi chẳng còn hứng thú nói chuyện nữa. Tôi chào cô gái rồi ra về. Ra tới bãi đậu xe, tôi chưa đành lòng bỏ cuộc, muốn thử một keo nữa xem sao. Tôi xem lại toa kính, học thuộc lòng những chi tiết ghi trên đó, rồi vào gặp cô gái:
- Vậy có cách nào em cho anh Order mà không cần toa được không?
- Không được đâu anh. Cho anh mà không có toa thì em bị đuổi việc đấy. Anh có đi đâu cũng vậy thôi.
Vậy là hết. Cảm nhận sự thất vọng của tôi, cô gái nói vớt:
- Anh cứ đi lấy toa, rồi lại đây, em giữ … cho anh.
Cứ y như hẹn hò, đó là tôi nghĩ thế. Nhưng tôi không biết cách nào lấy được toa để trở lại xem cô gái còn giữ cho mình không.
Về tới nhà, vào mạng, tôi gặp được một dịp may khác: Khám mắt miễn phí, hoàn toàn không mất tiền!...”
(còn tiếp)
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT