Thế Giới

Một lề lối kinh doanh ‘fast food’... chậm

Wednesday, 14/04/2010 - 03:30:13

SACRAMENTO – Trên trang mạng Lifestyle ngày 8-4-2010, ký giả Logan Miltztrey loan tin ba tiệm bán hamburger độc lập nổi tiếng tại thủ phủ Cali, đã trở thành một dây chuyền ...

FastFood.jpg


Pizza, một món "ăn nhanh" khoái khẩu của những trẻ em (và cả người lớn) - ảnh Khả Trương/ViễnĐông


Trần Phong/Viễn Đông



SACRAMENTO – Trên trang mạng Lifestyle ngày 8-4-2010, ký giả Logan Miltztrey loan tin ba tiệm bán hamburger độc lập nổi tiếng tại thủ phủ Cali, đã trở thành một dây chuyền độc lập, chuyên bán loại hamburger làm tại nhà, vừa ngon lành vừa tươi mát, đem lại một hương vị mới cho khách hàng. Đó là các tiệm Jim-Denny’s Hamburgers and Chili, J’s Cafe và The Habit Burger and Grill.

Tiệm Jim-Denny’s Hamburgers and Chili là tiệm bán burger có tiếng tại khu Sacramento. Tiệm ăn này khởi nghiệp từ năm 1934 và ngày càng đi lên vững mạnh. Burger của họ không có quá nhiều dầu mỡ, khi có khách đặt họ mới làm, để bánh ăn vào có cảm giác mới làm, mà vẫn phảng phất hương vị cổ điển. Tiếp theo là tiệm J’s Cafe là một tiệm ăn nhỏ, nhưng phẩm chất thức ăn của họ nổi tiếng không thua gì tiệm Jim-Denny. Và tiệm cuối cùng là The Habit Burger and Grill, khiến cho khách hàng ăn thành ghiền, xem đó như một thói quen cứ phải trở lại tiệm này để mua mới yên lòng. Nói chung cả 3 tiệm trên đều chú trọng vào phẩm chất của “fast food”, làm sao cho khách hàng vừa có thức ăn mau chóng, mà sản phẩm lại hợp vệ sinh không có hại cho sức khỏe, lại vừa ngon miệng, hợp khẩu vị khách hàng.


Nguồn gốc ngành kinh doanh ‘fast food’ tại Hoa Kỳ

Kể từ thập niên 1970, đồng lương tính theo giờ của người công nhân Mỹ cứ giảm dần đi. Hơn nữa, các bà mẹ tại Hoa Kỳ cũng phải ra bươn chải kiếm ăn ngoài xã hội. Năm 1966, có đến 1/3 bà mẹ Hoa Kỳ có con nhỏ phải đi làm. Sang đầu thế kỷ 21, tỷ lệ này đã tăng lên tới 2/3.

Cách đây ba thập kỷ, thông thường người ta dùng ba phần tư tiền lương kiếm được để mua thực phẩm đem về nhà nấu nướng. Nhưng ngày nay, người ta xài phân nửa số tiền đó tại nhà hàng – phần lớn là tại tiệm ăn ‘fast food’.

Năm 1969, công ty McDonald’s có đến 1.000 tiệm ăn và tính đến ngày nay, công ty này hiện có đến hơn 30.000 tiệm, trung bình mỗi năm họ mở thêm 2.000 tiệm.


Kỹ nghệ nước ngọt (soft drink)

Trong cuốn sách Fast Food Nation: The Dark Side of The All-American Meal xuất bản năm 2001, ký giả Eric Schlosser đã viết tường tận về ảnh hưởng to lớn của ngành kinh doanh fast food tại Hoa Kỳ. Ký giả Schlosser không quên nói tới các loại nước ngọt (soft drinks) đi kèm theo ‘fast food’ như hình với bóng, của các đại công ty như Coca-Cola, Pepsi và Cadbury-Schweppes. Các công ty này đã chi ra nhiều khoản tiền lớn lao tài trợ cho các trường học, để sản phẩm của họ được thiếu nhi Hoa Kỳ tiêu thụ nhiều. Trung bình một người Mỹ hàng năm uống tới 56 gallon nước ngọt. Riêng hãng Coca-Cola còn muốn nâng tỷ lệ, tăng mức tiêu thụ này thêm ít nhất 25% nữa.

Trong chương “Những người bạn đáng tin cậy” (Your Trusted Friends), ký giả Schlosser nghiêm khắc chỉ trích lối quảng cáo fast food và nước ngọt, cố ý nhắm vào trẻ em. Ông mô tả hiện tượng này bùng phát trong thập niên 1980 với mục tiêu là các em thiếu nhi. Cũng chính thời điểm này, một số phụ huynh vì tối ngày bận bịu mưu sinh, nên cảm thấy thiếu sót bổn phận không ngó ngàng đến con cái, đã bù đắp lại bằng cách tiêu xài nhiều hơn cho con mình. Một chuyên viên đã gọi thời kỳ thập niên 80 là “thập kỷ tiêu thụ của trẻ em”.


Fast food xâm nhập các trường học Hoa Kỳ

Dây chuyền fast food bỏ tiền ra quảng cáo ngay Channel One, đài thương mại này chiếu ngay trong hầu hết các trường học, với số lượng học sinh đệ nhất cấp và trung học hàng ngày xem lên tới 8 triệu em. Ký giả Schlosser vạch ra ý đồ của dây chuyền này là cung cấp các bữa ăn trưa tại học đường với giá hạ, lời ít để các học sinh nhớ lấy nhãn hiệu của họ.

Ví dụ như:

- Ít nhất 20 học khu tại Hoa Kỳ đang có các cửa tiệm Subway; và thêm 1.500 học khu khác đang có hợp đồng với Subway và có 9 xe bán sandwich Subway đang hoạt động.

- Taco Bell đang bán sản phẩm tại phòng ăn của 4.500 trường học. Các hãng Pizza Hut, Domino’s Pizza và McDonald’s đang bán thực phẩm trong các trường tại Hoa Kỳ. Cơ quan American School Food Service ước lượng rằng có đến 30% các trường công lập tại Hoa Kỳ cung cấp các loại fast food với các nhãn hiệu này cho học sinh.

- Hiện nay công ty Pizza Hut đang cung cấp thức ăn cho các trường sơ cấp (elementary) tại thành phố Fort Collins tại Colorado; còn công ty McDonald’s cung cấp các bữa ăn trưa đặc biệt.

Một quản trị viên trường học tại Colorado nói với phóng viên của tờ Denver Post: “Chúng tôi đang cố gắng biến học đường tương tự như những tiệm fast food mà học sinh thường hay la cà đến. Chúng tôi cũng muốn cho các em học sinh thấy rằng bữa ăn tại nhà trường cũng như phòng ăn tại đây, cũng là một nơi rất thú vị, thoải mái”.


Sự bành trướng của fast food trên toàn cầu

Cũng theo sự tường trình của ký giả Schlosser, kỹ nghệ fast food đang mở rộng thị trường trên toàn thế giới, từ Đông sang Tây. Các công ty này đang nhắm đến một thành phần khách hàng tiêu thụ dễ thu hút nhất: các em thiếu nhi. Cuộc nghiên cứu của ký giả này cho biết:

- Tại Úc Đại Lợi, số tiệm ăn fast food đã phát triển gấp ba trong thập niên 1990. Theo một kết quả thăm dò, có tới phân nửa số em trong độ tuổi từ 9 đến 10 tuổi cho rằng chú hề Ronald McDonald biết được khẩu vị của trẻ em muốn ăn gì.

- Tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh, tất cả trẻ em đều thích thú hình ảnh của chú hề Ronald McDonald.  Người ta phải công nhận rằng: “…chú hề này hiểu rõ lòng dạ con nít”. Còn Coca-Cola hiện nay là thức uống mà trẻ em Trung Cộng thích nhất, và McDonald’s cũng là loại thức ăn các em mê nhất.

- Ông Schlosser ghi nhận rằng Đức quốc hiện nay là một trong những thị trường hải ngoại sinh lợi nhiều nhất, với hơn một ngàn tiệm ăn. Nhãn hiệu Golden Arches (hình cung màu vàng) hầu như đã quá quen thuộc tại Đức, đến nỗi gần như trở thành vô hình. Công ty McDonald’s còn thành lập tiệm ăn ngay trong các cửa hàng Wal-Mart mới, vì họ cũng hy vọng rằng có yếu tố trẻ em lồng vào sẽ khiến cho khách hàng của họ tăng lên gấp bội.


Fast food và hệ quả béo phì

Trên thực tế, qua nhiều cuộc nghiên cứu lâu dài, người ta vẫn chưa hoàn toàn xác định được là có sự liên quan giữa bịnh béo phì và tình trạng tiêu thụ fast food trong nước. Tuy nhiên, ký giả Schlosser đoan chắc một điều rằng, “hình như bất cứ nơi nào có các cửa tiệm fast food bán thức ăn, là vòng eo của mọi người cứ phì ra”.

Ký giả Schlosser lý luận rằng, Hoa Kỳ là quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất trong số các nước đã phát triển. Hơn phân nửa số người lớn tại Hoa Kỳ và khoảng 25% trẻ em Mỹ được xếp vào loại béo phì hay quá kí. Trong vào thập kỷ vừa qua, hình như tỷ lệ này ngày càng tăng cao rõ rệt, song song với việc tiêu thụ fast food, với tỷ lệ béo phì ở thiếu nhi Hoa Kỳ ngày nay gấp đôi hồi cuối thập niên 1970.

Theo định nghĩa một người béo phì là một người mà chỉ số BMI (Body Mass Index) là 30 hay cao hơn. Ngày nay tại Hoa Kỳ có tới 44 triệu người Mỹ được xem là béo phì, và thêm 6 triệu người được xem là quá dư kí, nghĩa là họ cân nặng hơn bình thường là 100 pao.

Ký giả Schlosser đã phải bình luận rằng : “Trong lịch sử không có một quốc gia nào lại tiêu thụ nhiều chất béo đến như vậy, nhanh đến như vậy”.

Hồi đầu tháng 2-2010, chính Đệ Nhất Phu nhân Michelle Obama, cũng đưa ra một sáng kiến giúp cho thiếu nhi Hoa Kỳ sửa đổi lại cách thức ăn uống chơi đùa – tu chỉnh lại các bữa trưa tại học đường – tạo ra sân chơi với mục đích loại trừ tình trạng béo phì nơi trẻ em trong một thế hệ. Theo các con số thống kê, tỷ lệ béo phì của trẻ em tại Hoa Kỳ đã tăng lên gấp ba trong ba thập kỷ vừa qua, và tính đến nay, cứ 3 em thì có 1 em béo phì hay quá nặng kí. Các chuyên viên y tế đã quy cho bịnh béo phì là nguyên nhân gây ra các căn bịnh về tim, cao máu, tiểu đường, ung thư và suyễn.


Xe bán fast food của ông Choi

Trong tạp chí Time số ra ngày 29-3-2010, ký giả Joel Stein viết về ông Roy Choi, một người Đại Hàn, đã có sáng kiến bán ‘fast food’ bằng xe lưu động. Mới nghe qua, câu chuyện này cũng chẳng có gì mới mẻ, nhưng có hai điểm đặc biệt là ‘fast food’ của ông Choi bán thuộc loại ngon (gourmet) chứ không phải loại nhiều dầu mỡ xấu gây ra bịnh béo phì; hơn nữa, giá cả lại rất phải chăng, so với thức ăn trong tiệm sang trọng, thức ăn của ông Choi bán ra có phẩm chất tương đương, lại rẻ gấp đôi gấp ba, thì ai mà không thích.

Ông Roy Choi năm nay 40 tuổi, đã ghi danh học nấu ăn tại Viện Culinary Institute of America tại thành phố Hyde Park tiểu bang New York. Ông Choi từng làm đến chức bếp trưởng nhà hàng Beverly Hilton tại Los Angeles, rồi sau đó nghỉ việc và tự ra kinh doanh bán fast food bằng xe lưu động.

Ông Choi là người đầu tiên đã biết kết hợp khẩu vị Đại Hàn và Mexico, biến đổi đồ ăn fast food tầm thường nhiều chất béo, thành một loại thức ăn ngon, sang trọng, bổ dưỡng, với phẩm chất không thua gì các nhà hàng danh tiếng làm ‘thức ăn chậm’ (slow food, một từ ngữ được đặt ra để tương phản với ‘fast food’), như Alice Waters tại Berkeley.  

Trên thực tế, trước khi chiếc xe truck bán fast food loại ngon của ông Choi ra đời hồi tháng 11-2008, thì tại nhiều thành phố Hoa Kỳ, đã có nhiều xe tương tự đã xuất hiện. Nhưng điểm đặc biệt, là ông Choi muốn thay thế một món Taco-Bell tầm thường giá 2 Mỹ kim, hay một sandwich của McDonald’s, bằng một món ăn cùng giá do ông sáng chế ra, vừa ngon, vừa bổ, vừa tươi mát phục vụ cho khách hàng tiêu thụ. Giá cả ông Choi đưa ra rất hạ, hợp với túi tiền khách hàng bình dân: ví dụ một đĩa sà lách Caesar nhiều nơi bán tới 12 Mỹ kim, nhưng ông bật mí rằng làm ra món ăn này chỉ tốn 1,8 Mỹ kim mà thôi. Ước mơ của ông Choi là trong năm 2010, ông sẽ mở rộng mạng lưới bán ‘fast food’ loại ngon này, để phục vụ cho tất cả người dân thành phố Los Angeles và vùng lân cận.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT