Chuyện Nước Pháp

Một ngày la cà khám phá nơi trung tâm phố lớn (kỳ 1)

Monday, 17/07/2017 - 09:58:48

Trung tâm thành phố nơi chúng tôi cư ngụ có công trường Stanislas nổi tiếng vì được xung vào di sản thế giới bởi cơ quan quốc tế UNESCO.

Bài NGỌC DIỄM

Nhờ ông bạn Mỹ gốc gác tiểu bang California quen biết đã gần 30 năm tới thăm với “hồ sơ” đặc biệt hơn 20 trang in mực màu của ông ghi tên thắng cảnh hay dinh thự đáng thăm viếng mà chúng tôi được dịp này. Các thân nhân khác cũng từng nói, và hầu như là hoàn cảnh chung cho mọi người là khi có khách phương xa đến thăm viếng thì chúng ta mới có dịp chịu khó tìm hiểu phong cảnh nơi mình sinh sống lâu nay. Từ sáng đến chiều là chương trình viếng thăm sắp hạng nhất vì đây là nơi quan trọng cần xem ngay. Đầu tháng Bảy trời khá nóng nhưng ông bạn phải lãnh mưa lâm râm sau những ngày hè oi ả nắng nóng không thua gì Sài Gòn năm xưa.

Trung tâm thành phố nơi chúng tôi cư ngụ có công trường Stanislas nổi tiếng vì được xung vào di sản thế giới bởi cơ quan quốc tế UNESCO. Kiến trúc sư (KTS) của công trường tên là Emmanuel Héré. Nơi đây có sinh hoạt đầu tiên vào thế kỷ thứ 18 những năm 1751-1755. Kích thước không lớn nhưng khá rộng cho người lớn và trẻ em đi bộ là 124 x 106 mét. Kỹ thuật xây dựng của KTS dựa trên vật liệu Hy Lạp và La Mã, gọi là tân sinh cổ điển.

Theo dòng thời gian, lịch sử chia ra từ năm 1500 cho tới năm 1800 là thời đại tân kỳ, trước đó là thời Trung Cổ; từ năm 1800 cho tới 1900 thuộc thế kỷ thứ 19. Năm 1751 ông vua xứ Ba Lan tên là Stanislas Leszczynski muốn xây dựng một dinh thự lớn lao để tuyên dương và vinh danh tài năng của ông vua Pháp lúc đó là Louis XV vốn là con rể của ông. Khi cầu thân như vậy, vua Ba Lan được phong chức là Hầu Tước cả vùng đất Lorraine danh tiếng ở miền Đông nước Pháp.

Trên vùng đất này, KTS Héré đã xây một loạt dinh thự vĩ đại chung quanh bốn cạnh của hình gần như vuông vức dài 124 và rộng 106 thiếu 18 mét là bằng nhau, không biết vì sao lại có so le như vậy. Các cao ốc chính gồm Dinh Đô Trưởng, Dinh Hoàng Hậu, Rạp Kịch-Ca Vũ Nhạc Cổ Điển, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật là nơi chúng tôi chọn lựa vào thăm, Khải Hoàn Môn Héré. Nối liền các dinh thự là những hàng rào sắt cao ngất ngưỡng được sơn kim nhũ thứ tốt chói lọi như vàng thật và một cảnh sơn thủy có hình tượng điêu khắc với vòi phun nước hữu tình mang tên Amphitrite (nữ thủy thần biển cả Hy Lạp) và Neptune (vị thần La Mã).

 

Sơ đồ cấu trúc công trường Stanislas thuộc trung tâm thành phố Nancy.

 

Bức tượng vua Ba Lan Stanislas Leszczynski, ra lệnh xây dựng công trường mang tên ông.

KTS Héré còn xây dựng thêm nhiều lâu đài khác tuyệt mỹ chung quanh thành phố lớn giờ vẫn còn, nhưng ông nghe lời vua Ba Lan định làm giàu thêm nữa bằng cách nhảy qua làm thương mại. Ông mở nhà máy làm bột mịn với loại hạt dẻ - trái marron Ấn Độ mọc đầy trên xứ Pháp và... thất bại rồi qua đời lặng lẽ lúc 57 tuổi.

Khải hoàn môn của Héré được sắp hạng 10 trên 57 công trình kiến trúc đáng xem nơi tỉnh nhà. Chúng tôi qua đây biết bao nhiêu lần rồi mà không hề biết nó tên gì, là công trình kiến trúc của ai! Ông bạn Hoa Kỳ rất thích chiêm ngưỡng đền đài Châu Âu, nhất là các nhà thờ kiểu Gô-Tích vì ông là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Vì vậy, trên đường vào xem Bảo Tàng Viện Thẩm Mỹ Musée des Beaux Arts từng có rất nhiều fan đến xem, chúng tôi la cà vòng quanh bên ngoài công trường Stan trước hết.

Quả thật, khám phá Khải Hoàn Môn Héré là xứng đáng làm… công dân xứ Lò-Rèn, tên ngày xưa đám sinh viên Việt quèn gọi vùng đất mình ở như gọi dân Á Rập là Rệp và tự xưng mình là Mít. Chúng tôi ngóc cổ lên coi và đọc được hàng chữ Hostium Terror, Foederum Cultor, Gentisque Decus et Amor. Trời ạ, ở đây mấy chục năm bây giờ mới khám phá công trình kiến trúc tuyệt mỹ! Bao nhiêu lần, với vốn liếng tiếng Anh ba xí ba tú, chúng tôi nói cảm ơn ông bạn nhờ ông mà thấy... đời lên hương quá mức cho mùa hè năm nay.


Tượng mạ vàng lớn của ba nhân vật trên đài chính, hai đài phụ cửa qua nhỏ hơn có tượng thường.

Ba hàng chữ “Hostium Terror, Foederum Cultor, Gentisque Decus et Amor” có nghĩa là “Quân thù ghê sợ, người dựng xây hòa ước, chiến thắng và tình thương dân chúng.” Bức chân dung nhỏ chính giữa ba nhân vật là vua Louis 15. Nữ thần Minerve và thần Hòa Bình cùng nhau giữ hình tượng vua, bên trên là nữ thần Fama cầm kèn dài thổi mừng chiến thắng với tay trái và tay mặt cầm cành nguyệt quế. Lúc đứng xem chúng tôi chẳng hiểu gì cả, giờ xem tài liệu thật rõ ràng và xứng đáng chiêm ngưỡng công trình do KTS Héré thực hiện dựa trên chủ đề Chiến Tranh & Hòa Bình. Tượng đứng trên hai bên cửa nhỏ cũng là những nhân vật thần thoại La Mã ngày xưa trông rất hài hoà nhưng có màu trắng không mạ vàng.
Thế mới biết Khải Hoàn môn Héré cùng với hai công trường Stan và Carrière (đi ra xa hơn nên chúng tôi không đến liền hôm ấy) được UNESCO chấm điểm đưa vào Kho Tàng Nhân Loại. Loại “Patrimoine mondial” này chứng tỏ công trình tuyệt mỹ được tạo thành do tài năng sáng tạo cao cấp của nhân loại, thứ đến là nó làm nhân chứng hùng hồn cho một thời kỳ có ý nghĩa trong lịch sử loài người. Đó là vào năm 1983, vào buổi họp lần thứ bảy của Hội Đồng Thế Giới nói trên.

Thật tình, nước Pháp xứng danh là nơi có nhiều du khách đến viếng nhất thế giới vì nó có đến 45 công trình nằm trong danh sách Unesco chấp nhận. Việt Nam chỉ có 8 nơi là Huế, Hạ Long, Mi Sơn, Hội An, Phong Nha Kê Bằng, Thăng Long Hà Nội, thành phố cổ triều đại nhà Hồ và Tràng An. Từ A đến Z, Unesco đã sắp hạng cao các nước Pháp 45, Tây Ban Nha 46, Đức 42, Ý 53 thuộc Châu Âu. Nước Ý và Tây Ban Nha đặc biệt có nhiều Gia Tài Thế Giới hơn cả Pháp nhưng du khách thích chọn Pháp hơn vì còn bị hấp dẫn bởi nhiều yếu tố khác như Ẩm Thực. Rất nhiều quốc gia khác chỉ có lèo tèo vài công trình ít ỏi.
Vào năm 2014, Pháp chỉ có 39 công trình tuyệt mỹ được vinh hạnh ghi vào danh sách Gia Sản Thế Giới do Unesco lập ra, đến nay 2017 lên đến 45 cái. Gần như một trên hai tỉnh lớn trong số 100 tổng cộng có một công trình hay một phong cảnh tuyệt vời được chú ý đến và sắp hạng bởi Unesco. (Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT