Chuyện Nước Pháp

Một ngày la cà khám phá nơi trung tâm phố lớn (kỳ 2 và hết)

Tuesday, 18/07/2017 - 08:03:06

Vài ngày ghé vùng đất trứ danh Lò-Rèn sẽ qua nhanh nhưng khách đã nhớ mãi công trường Stan rộng rãi với những gốc cột đèn mạ vàng lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời hay về đêm lung linh huyền ảo. Phố cổ lúc chúng tôi băng ngang để tới trung tâm thành thị tân thời cũng vô cùng quyến rủ vì ít khi nào có lúc đặt chân đến.

Bài NGỌC DIỄM

Khi đã đi qua một vòng công trường Stanislas, nói tắt là Stan, suốt buổi sáng đã qua và buổi ăn trưa sắp tới. Ông bạn trong lúc tà tà băng ngang qua quán ăn rộng lớn nhất tại đây có hàng trăm chiếc ghế ngồi bao quanh những cái bàn nhỏ cho hai người ngoài ngoài sân đã chú ý và ngỏ lời muốn sẽ trở lại ăn trưa nơi đây. Chúng tôi cả bọn cùng gật đầu chiều quý khách từng băng qua Đại Tây Dương cả mười mấy ngàn cây số để tới thăm. Vài ngày ghé vùng đất trứ danh Lò-Rèn sẽ qua nhanh nhưng khách đã nhớ mãi công trường Stan rộng rãi với những gốc cột đèn mạ vàng lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời hay về đêm lung linh huyền ảo. Phố cổ lúc chúng tôi băng ngang để tới trung tâm thành thị tân thời cũng vô cùng quyến rủ vì ít khi nào có lúc đặt chân đến.


Một góc phố với đỉnh cao nhà thờ chính nhô lên và hình thú chạm trỗ trên tường cao. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Khác với cảm tưởng đầu tiên khi chúng tôi đã có dịp qua California là nhà thấp từng căn, bên Tây phố lớn đầy dẫy cao ốc thế này như trong hình vì đất chật người đông và không có nạn động đất thường xuyên. Nhớ lại lúc qua Mỹ thăm gia đình, chiếc ghế tôi ngồi nó lắc lư kỳ lạ làm hết hồn tưởng có… ma. Về sau mới biết là do động đất, có thân nhân kể chiếc tủ lạnh chạy từ đầu này qua đầu kia làm mọi người lé mắt và nước trong piscine-hồ tắm- văng tung toé dù không ai tắm trong đó! Không đâu, bên Tây này thật yên ắng, tôi chưa hề nếm mùi đất đai rung động như vậy.


Sạp bán trái cây như đào và dưa melon Tây, cerise và nấm khô (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong phố chính, ngoài ngôi chợ lớn tên là Marché central bán đủ thứ hàng hóa thập vật, những người làm nghề sản xuất nhỏ về trái cây và rau cải vẫn có đất dụng võ. Đó là danh xưng maraichers - những người sản xuất trái cây và rau cải đủ loại tầm vóc nhỏ quanh năm suốt tháng - và primeurs phân biệt những chủ nông trại tung ra sản phẩm thực vật đầu mùa bán rất chạy.


[3]
Táo vàng và đỏ, cam ngọt không chất bảo quản, chuối, thơm, xà lách và trái melon. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).


Xe lưu động bán phô-mai và hủ sữa chua tươi mát trong quầy kính (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong khuôn viên rộng lớn của công trường, có nhiều quán ăn với bàn ghế để bên ngoài nhiều hơn bên trong và khách ngồi lai rai, chúng tôi bước vào quán Café du Commerce. Ông bạn nói muốn vào đây vì bị… bia Pháp thu hút lúc đi ngang qua liếc nhìn vào. Quả thật từ ngoài nhìn vào khách thấy ngay quầy rượu thật sạch bóng và đẹp mắt với các chai rượu và chai bia sắp hàng trên kệ thủy tinh song song trên dưới phía dựa vào tường. Màu sắc tươi vui của các sản phẩm này đã câu được du khách Mỹ. Từ từ, chúng tôi mới biết được đặc biệt ông bạn lâu năm này rất thích nhậu bia y như người Việt Nam.


Quầy thức uống trông thật đẹp mắt, sắp xếp gọn gàng bóng lưỡng. (Ảnh của quán)


Các chai bia và ly kiểu có thêm vào cành lá thực vật có hương thơm ngâm lâu trong dung dịch rượu.


Các chai rượu mạnh, trong đó có một loại saké Nhật.

Thấy chúng tôi vào nhiều người, các chiêu đãi viên cười tươi tắn mời vào. Nghe giới thiệu có khách Hoa Kỳ, họ tò mò nhìn xem ông khách da trắng đi với một đám da vàng và những mầm non lai Eurasiens cao nhòng nhòng. Vừa an tọa chừng năm phút, cô hầu bàn chạy tới hỏi uống gì trước tiên. Cả bọn đang xem bản thực đơn để sẵn trên bàn. Khách Mỹ cao hứng đòi ngay bia mát giải khát sau cả buổi lang thang xem công trường và băng qua nhiều đường phố khác nhau rộng thênh thang cấm xe vào chỉ dành riêng cho khách bộ hành.
Ông xã nhà tôi cũng còm măng theo, phe còn lại muốn nước suối Perrier nổi tiếng của Tây và mấy chai coca quen thuộc mát lạnh. Hai ông bạn già lâu năm không gặp nhau nói chuyện ỏm tỏi làm khách Tây ở một góc nhà hàng cứ liếc qua vì lọt tai họ tiếng Hoa Kỳ giọng mũi ồ ề vang lên không ngớt. Tôi hỏi cô hầu bàn khi không ai biết ly bia thật đẹp như trong hình trên vừa được mang tới, té ra là bia của... Bỉ quốc nhập sang!
Ông bạn sau khi ngà ngà và cụng ly chúc sức khoẻ trỏ mấy cái hình tài tử xi-nê-ma Hoa Kỳ, nhóm Beatles và nhân vật hình tượng anh hề Sạc-Lô nhắc chúng tôi nhìn xem ai là ai. Thì ra trên tường quanh đây có nhiều tranh vẽ chân dung họ trông rất có hồn. Tưởng sao, chúng tôi lại nói qua chuyện tài tử da đen O.J. Simpson mướn luật sư chống lại tòa án tranh cãi cả tháng để rồi phải tha tội ông ta giết hai người mà không nhằm nhò gì! Ông bạn có kiến thức rộng tha hồ nói cho đám con nít theo ngồi nghe về chiếc găng tay duy nhất tìm ra của OJ, không ai buộc tội được đó là găng dùng để giết người vì sao mà chỉ có một cái thôi.
Thế rồi cô hầu bàn đến lấy còm-măng. Chúng tôi ngồi nói dóc thêm nữa trong khi chờ đợi thức ăn được mang tới. Hết OJ Simpson, người lớn nói chuyện chính trị về ông Trump. Giống như dân Hoa Kỳ nhận xét chung về vị Tông Tông của họ và độc giả báo Viễn Đông đọc nhiều về tin truất phế tổng thống do chuyên gia bình luận Nguyễn Đạt Thịnh viết, bàn nhỏ chúng tôi xoay quanh chủ đề này. Ông bạn Mỹ cũng nói rất khó hạ bệ một vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ, nhưng câu chuyện còn diễn biến thêm nữa theo thời gian. Nếu ông Trump phạm lỗi ngày càng nhiều thì có thể cũng sẽ bị văng khỏi Nhà Trắng.

Trong lúc sắp sửa ra khỏi tiệm ăn, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng vừa vào. Té ra là bạn chơi thể thao đã nghỉ vì đau đầu gối. Tay bắt mặt mừng, họ cho biết cũng có con cháu sống bên California. Nói chung, người Pháp có thân nhân sống khắp nơi bên Mỹ khá nhiều khi con số công dân nước họ khoảng 200,000 năm 2012. Tại Los Angeles, đông đảo dân Pháp với 17,000 người sắp thứ ba sau New York và San Francisco. Chào nhau từ giã, chúng tôi đến ngay Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật Musée des Beaux-Arts sát bên tiệm ăn.

 

Viếng thăm nơi lịch sử kiến trúc phố chính, phó nhòm chụp giúp.


Tranh sơn dầu vẽ chân dung bà Bá Tước Elisabeth-Charlotte dOrléans vùng Lorraine.

Ngay tầng lầu số một, trong căn phòng lịch sử vua chúa vùng đất Lorraine, chúng tôi thấy nhiều bức tranh sơn dầu vẽ chân dung họ. Một trong các bức có hình bà Elisabeth-Charlotte và con gái với chú chó trung thành đang đứng lên ngó chủ chăm chú. Tác giả là họa sĩ Pierre Gobert, sinh tại Fontainebleau năm 1662 mất ở Paris năm 1744. Thời gian ông vẽ tranh là vào thế kỷ thứ XVIII, phần tư thứ nhất. Ông đã thực hiện nhiều bức tranh sơn dầu khác với chủ đề chân dung các nữ nhân vật trong hoàng tộc thời đó. Hiện thời, vẫn có những cuộc bán đấu giá các tác phẩm tuyệt mỹ của ông.

Trong một góc phòng phụ thuộc chia nhánh tranh lịch sử, tôi rẽ vào và lần đầu tiên chứng kiến chuyện mới lạ. Quả thật, năm nay trở lại thăm viện Bảo tàng, ban điều hành đã cho áp dụng các kỹ thuật mới mẻ của thế kỷ 21 vào một bức tranh mà thôi!


Các tấm ảnh chụp sự thay đổi trong cử chỉ của thiếu phụ trong tranh. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).

Trong căn phòng khá nhỏ này, chỉ có vài người đang đứng xem. Tôi tò mò ngó vào bức tranh vẽ một thiếu phụ đang làm gì đó. Ô! Thật bất ngờ, cô gái khép áo ngủ lại rồi nhẹ cúi xuống chút xíu cầm lên tay chiếc đèn nhỏ. Cử chỉ thật nhẹ nhàng, chậm rãi như trong phim ảnh. Tôi chú ý theo dõi hành vi của cô gái, nín thở luôn. Cô từ từ đưa đèn nến lên gần miệng và phồng má thổi tắt nó! Chao ôi, ánh đèn tắt phụp theo cú thổi, bức ảnh đen thui. Rồi nó hiện lên như cũ, cô gái ngồi sửa soạn đi ngủ và tắt đèn thắp bằng nến. Thật vô cùng quyến rủ, tôi cứ đứng nhìn mãi không thôi.

Cuối cùng, tôi đến gần hơn nữa và khám phá tấm bảng con nhỏ xíu xìu xiu giải thích vì sao tranh lại có cử động của nhân vật được vẽ trong đó. Thì ra, cả bức tranh có gắn kèm hệ thống quay video ngắn thế nào mà nó biến thành đoạn “tranh xi-nê-ma” kết hợp lại! Người viết bài chụp được bốn lần khác nhau khi cô gái cử động. Thôi rồi, chiếc đinh của cả ngày đi thăm hôm nay dành cho hiện tượng kỹ thuật mới lạ này.
Trên các tầng còn lại là nhiều chủ đề khác nhau mà chúng tôi đã bị tiếng phát ngôn viên báo động đến giờ đóng cửa rồi. Trời, chưa kịp xem gì nhiều mà đã hết giờ. Chỉ vì cả nhóm phân tán mỏng ra mạnh ai nấy xem, nhất là ông bạn Hoa Kỳ đi coi xét cẩn thận đủ thứ rất kỹ lưỡng. Mỗi tầng rộng mênh mông và còn chia nhánh nữa nên chúng tôi phải ra về mà còn tiếc rẻ. Trẻ con cho biết có chui vào một phòng tối om ở tầng trệt xem hiệu quả kính lắp vạn thiên trên nền đất soi rọi lại hình ảnh phản chiếu rất đặc sắc mà tôi không vào vì thấy cái đuôi sắp hàng dài thườn thượt. Những ngày hè năm sau sẽ lại vào xem nữa thôi mà. (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT