Chuyện Nước Pháp

Một ngày và đêm nơi thủ đô Paris tráng lệ (kỳ 1)

Monday, 18/12/2017 - 10:37:49

Vì thế, tôi có đủ thì giờ và tìm ra nguồn gốc các tác phẩm thường hay được ban chấp hành nhà ga SNCF (công ty quốc gia đường xe lửa Pháp) thay đổi hàng năm cho khách hàng đỡ nhàm chán.

Bài NGỌC DIỄM

Một ngày cuối tuần, thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017, tôi làm chuyến du lịch địa phương bằng cách đi bộ qua hai quận X và III của thủ đô Paris. Quận X (10ème arrondissement de Paris) là nơi có nhà ga miền Đông đã được nhắc đến trong hai bài viết trước đây vào tháng 11 vừa qua. Thật ra, chương trình của tôi đã bị thay đổi vào phút chót bất ngờ khi Chợ Giáng Sinh Paris hàng năm ở đại lộ đẹp nhất thế giới Champs-Elysées đóng cửa! Ông chủ điều khiển Chợ Giáng Sinh (viết tắt GS) đã vác chiếu ra tòa thưa kiện tòa Đô Sảnh (ĐS) thủ đô nhưng ông thua to.

Quan tòa về phe ĐS, lấy lý do hợp đồng ký năm rồi năm nay không được gia hạn lần nữa. Cho dù ông chủ Chợ GS đã chọn lựa phẩm chất hàng hóa tốt đẹp hơn trước khi có tiếng chê năm 2014 nhưng vẫn bị cho ra rìa. Chính dân thủ đô cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao tòa ĐS lại quá khe khắt đến thế: làm mất du khách, mất lợi tức của nhà buôn lẻ, mất cảnh đẹp ấm cúng chợ búa phồn thịnh đêm GS ai cũng thích ghé qua xem dù không mua sắm gì đi nữa. Nên tôi không đến Champs-Elysées mà sẽ đi bộ ngắm cảnh.

Nỗi khổ của khách bộ hành đi lâu trên những con đường dài dằng dặc là cứ phải kéo khăn quàng bảo vệ phổi. Không phải khí lạnh rất dễ chịu vì người ấm áp nhờ áo choàng dầy cộm rồi, mà là phải cản bớt khí thải độc hại phát ra từ đủ loại xe hơi và xe buýt bao trùm hai bên lề đường. Dân thủ đô hoa lệ đi xe điện ngầm hàng ngày còn lãnh thêm các phân tử siêu vi gây ô nhiễm không khí làm bộ phổi yếu đi từ từ.

Vì thế, tôi có đủ thì giờ và tìm ra nguồn gốc các tác phẩm thường hay được ban chấp hành nhà ga SNCF (công ty quốc gia đường xe lửa Pháp) thay đổi hàng năm cho khách hàng đỡ nhàm chán. Chi tiết bức tranh vẽ chân dung một trong tứ quái Beatle là John Lennon đã tái hôn với một phụ nữ Nhật Bản Yoko Ono được gắn trên nóc nhà ga thuộc về chương trình triển lãm văn hóa xứ hoa anh đào. Tất cả những tác phẩm trong nhà ga đều là của các tác giả Nhật Bản lúc này.

Họa nhân Keiichi Tanaami sinh năm 1936 tại thủ đô Tokyo (82 tuổi) là một nghệ sĩ làm việc từ năm 1960 sau khi tốt nghiệp đại học nghệ thuật Musashino. Ông còn làm thêm phim, vẽ tranh hình bộ, sáng tạo ảnh bích chương. Bức vẽ John Lennon ăn trái dâu Tây từng được chưng bày trong thương xá hội họa Nanzuka cùng với nhiều nghệ sĩ khác tại thủ đô Tokyo, thuộc khu vực nổi tiếng về bán tranh đáng giá tên là Shibuya. Tuổi đời của tranh với tựa đề Oh Yoko! là 44 (1973-2017). Có lẽ tác giả muốn so sánh Yoko như trái dâu ngon lành được John thưởng thức. Chàng đã từng khen phu nhân Nhật Bản rất hài hước rằng nàng là một đại nghệ sĩ vô danh tiểu tốt không ai biết tới! Yoko lắm tài, vừa là ca sĩ, họa sĩ, làm phim, sáng tác nhạc, viết sách chi đó v.và mà quả thật không ai biết tới cho đến khi trở thành bạn đời của John.

 

Nguồn gốc các tác phẩm ở nhà ga được ghi lại trên tấm bích chương màu nâu. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)


Bức tranh phóng lớn của Keiichi Tanaami treo trên nóc nhà ga miền Đông. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Hiện giờ, bà Yoko Ono, 84 tuổi, đến thời kỳ bệnh nặng và đã chuẩn bị cho cuộc từ trần của mình. Trước khi ra đi, có tin đồn bà muốn hòa giải với Paul McCartney và Ringo Starr vì quả thật năm 1970 ban nhạc tan rã vì sự có mặt của Yoko cặp đôi với John. Yoko luôn luôn chen vào các cuộc thu thanh của họ làm căng thẳng mọi việc và kết cuộc là đường ai nấy bước.
Bên ngoài nhà ga lần này, nhiều tấm ảnh đặc sắc của tác giả nội địa được trưng bày dọc theo hàng rào sắt. Tựa đề là Phong cảnh nước Pháp (Paysages francais), kéo dài từ ngày 9 tháng 11 cho đến 31 tháng 12 năm 2017.
 

Trong vòng 33 năm, phong cảnh nước Pháp thể hiện qua ảnh chụp đa dạng. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong khi tôi đang chăm chú chụp hình, một toán lính gác gồm bốn vị đi ngang qua. Tôi sẵn thế, bấm ngay một pô chụp sau lưng những người hùng của “opération Sentinelle”, quân cảnh phòng vệ. Họ là 10,000 lính có nhiệm vụ canh chừng rải rác toàn quốc, ở thủ đô có 2,500 người. Hầu như hơn một năm nay họ đã trở thành nền phông quen thuộc với cư dân, nhất là ở những nơi đông người lui tới như nhà ga xe lửa.
Có khi, họ cũng đi qua trường học, nhà thờ, chợ búa lộ thiên. Mỗi ngày, nhà nước tốn một triệu đồng Tây như thế để đề phòng ngăn ngừa nạn khủng bố. Quân cảnh đi bộ hàng ngày khoảng 25 cây số với 15 ký lô đồ đạc trên người, họ giúp dân chúng cảm thấy an toàn hơn trước rất nhiều. Trong ảnh, chúng ta thấy họ đội bê-rê màu đen, đây không phải lính đường bộ thiện chiến (bê rê xanh lá cây) mà là lực lượng đặc biệt thiên về cách đánh du kích địa phương.

 

Toán lính gác mang áo giáp chống đạn màu vàng nhạt vừa qua một góc nhà ga (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong số 14 bức ảnh treo trên cánh cổng sắt trước và bên trong nhà ga, tôi phải chọn những cái đẹp nhất theo thiển ý vì khá nhiều. Bức đầu tiên mà tôi ưa thích là hình ảnh đô thị ngất ngưởng cao ốc vẫn có chỗ cho chú ngựa nhà kéo đồ đạc cho chủ xuyên qua đồng cỏ trống. Nhìn kỹ, định thần, mới thấy có thêm con chó đi theo, nó tên là Dakodak, ông chủ tên là Roger des Prés. Tên bức ảnh là 'Le cheval de trait de Roger des Prés sur le grand axe'. Khá bất ngờ, nhưng đúng vậy; nước Pháp có cả chục triệu mèo chó nuôi làm thú cưng trong nhà. Tấm hình này rất ý nghĩa và hợp thời vô cùng nên nó được chọn đăng phía bên trái trong tờ quảng cáo lớn bên trên.


Có lẽ ngựa kéo một cây thông thì phải, chó đi bên phía kia với chủ. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
 

Ảnh nguyên bản của tác giả Cyrille Weiner chụp lại nơi nhà ga miền Đông. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Quả nhiên, điều mà tôi thích thú nhận xét đã được nhấn mạnh bởi một nhóm chủ trương le collectif la Ferme du Bonheur-Trang trại Hạnh phúc, là đô thị vẫn có nét thiên nhiên ngự trị dù nhỏ bé. Trong lòng quận 14 của thủ đô Paris là thế, và điểm nhấn này trở thành lý thú để được chọn lựa chưng bày cho khách nhà ga chú ý. Dân ngụ cư nếu chán phố phường xanh đỏ quá quen thuộc, có thể đổi không khí bằng cách đến Trang Trại Hạnh Phúc gốc ở tỉnh Nanterre lên đóng đô tạm một tháng trong lòng Paris hoa lệ năm vừa qua 2016.
Ý kiến bắt nguồn từ truyện ngắn của nhà văn Jean Giono viết năm 1953 ca tụng mẫu mực thành phố trong thiên nhiên. Điều này quá ư cấp bách và thiết thực vì trái đất đang bị hiểm họa hâm nóng nhà kính gây ra. Gần 70 hiệp hội vừa kỹ nghệ vừa thương mại mang tên Hàng Xóm Lớn cùng nhau họp lại thực hiện dự định này: mang thiên nhiên vào đô thị để tái quân bình vòng sinh thái! Đúng lúc quá rồi còn gì hơn thế nữa.
Trong khi tiến tới để vào xem các tấm ảnh phong cảnh còn lại, tôi thấy quảng cáo chợ GS vùng đất Alsace. Chà, hấp dẫn quá dù nó nhỏ xíu xìu xiu nằm trong góc trái của nhà ga khổng lồ. (nd)
 

Quảng cáo chợ Giáng Sinh Alsace bên trong khuôn viên nhà ga từ 1 đến 16 tháng 12. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT