Người Việt Khắp Nơi

Một người con tìm về câu chuyện của bố mẹ, của cộng đồng

Brian Đinh (gửi cho Viễn Đông)* Sunday, 29/04/2012 - 09:41:48

Là một người con trai của cha mẹ tị nạn, tôi hy vọng sẽ tìm thấy được những câu trả lời như vậy, được đan dệt bên trong Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt, và tôi trông mong rằng các thế hệ quá khứ và tương lai đều cũng có thể tìm ra được như vậy.

Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt

Brian Đinh (gửi cho Viễn Đông)*


Trong tháng Hai vừa qua, tôi tham gia Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt của Giáo Sư Thúy Võ Đặng, với tư cách là một sinh viên UCI trong lớp Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt do bà phụ trách. Tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Bảo, phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Học Khu Garden Grove, và câu chuyện mà ông kể cho tôi nghe là về một cuộc biểu tình, mà ông đã tổ chức để giáo dục cộng đồng người Việt về một từ ngữ có tính cách kỳ thị chủng tộc. Nhưng rồi một chuyện xảy ra gây nhiều thất vọng cho ông và bạn bè của ông, đó là rốt cuộc họ đã làm cho nhiều bậc cao niên người Việt tức giận. Thông qua câu chuyện này, ông nhắc nhở tôi rằng chúng tôi là con cái của cha mẹ tị nạn, và chúng tôi “phải có bày tỏ sự mẫn cảm, tinh tế đối với kinh nghiệm của mọi người, đặc biệt là nếu đó là một kinh nghiệm gây chấn thương tâm lý”, một kinh nghiệm đau thương như Chiến Tranh Việt Nam. Bài học này làm tôi quay trở lại suy nghĩ về cha mẹ mình, chấn thương của họ vốn là người tị nạn Việt Nam, về sự thờ ơ của tôi đối với kinh nghiệm của cha mẹ mình khi tôi còn là một thiếu niên nổi loạn ở độ tuổi trung học, và về mức nhạy cảm của tôi đối với cha mẹ hiện nay, lúc này vẫn tiếp tục phát triển vì tôi hiểu rõ thêm được về lịch sử và căn cước của chính mình, cũng như hiểu về chuyện họ đã hình thành như thế nào những cách thức tôi tham gia vào trong cộng đồng Việt Nam của chính mình. Giống như ông Bảo, bản thân tôi chưa bao giờ trải qua cuộc chiến tranh, và nay sắp đến dịp kỷ niệm ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm, tôi tự hỏi rằng cuộc chiến tranh Việt Nam có ý nghĩa gì với tôi? Tháng Tư Đen có ý nghĩa gì với tôi? Những kinh nghiệm của ông bà cha mẹ tôi có ý nghĩa gì đối với tôi, với thế hệ tương lai, và với Cộng Đồng Việt Nam hiện nay? Những câu hỏi như vậy lại nêu ra thêm một thắc mắc khác nữa: Tại sao Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt lại là quan trọng?
Trước khi học hỏi biết được những câu chuyện của cha mẹ mình, tôi đã hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách mà dòng chính lưu Hoa Kỳ hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam: Đó là một sai lầm khủng khiếp, một câu chuyện dùng để khuyến cáo cho người ta về cuộc chiến tranh Iraq, hoặc đó là một câu chuyện của các cựu chiến binh Mỹ anh dũng. Bị đẩy sang một nơi nào đó ở bên lề là những người thực sự bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến tranh ấy: những người Việt tị nạn. Không ai muốn nhìn đến họ, vì họ quá bi thảm đến nỗi lòng người không thể nào chịu đựng nổi, hoặc không có ai cần nhìn vào họ, vì chẳng qua họ cũng chỉ là một nhóm thiểu số Á Châu bình thường khác đang làm ăn sinh sống khả quan. Việc nhớ đến ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm, cho dù đó là do ông bà cha mẹ của tôi nhớ lại kinh nghiệm của họ, hoặc là do chính bản thân tôi nhớ lại câu chuyện của họ, là một cách thách thức lối thảo luận chính lưu về cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là một cách để chống lại việc tẩy xóa sạch sẽ dân tộc, lịch sử và văn hóa của chúng tôi, trong một xã hội không muốn nhớ đến chúng tôi nếu không có những dịp kỷ niệm như vậy.
Tôi đã hỏi cha mẹ về kinh nghiệm của họ khi mất Sài Gòn, và trong khi cha tôi ít khi nói về kinh nghiệm riêng của mình, thì chắc chắn mẹ tôi có thể nói thay cho ông, bảo tôi rằng: “Cha của con xuất thân từ một gia đình giàu có nổi tiếng, chính vì vậy mà khi vào chiếm Phan Thiết thì cộng sản vơ vét hết mọi thứ từ gia đình này. Bà nội của con đã tự thiêu ngay trong ngôi nhà của mình, vì tuyệt vọng và để phản kháng. Chính vì chuyện này mà người ta càng biết tiếng cha của con và gia đình nội nhiều hơn. Nếu con trở về lại Phan Thiết và hỏi những người chung quanh về bà nội hoặc cha con, thì mọi người đều sẽ có thể nói cho con biết ít nhất một điều gì đó về bên nội. Hồn bà nội con vẫn lẩn khuất nơi ngôi nhà, nơi mà bà đã tự thiêu. Từ đó đến nay chưa từng có ai, kể cả bộ đội cộng sản, sống trong ngôi nhà ấy, vì họ biết chuyện này”.
Giai thoại ngắn này đã chất chứa đầy nỗi đau thương, niềm hãnh diện, và văn hóa, và nó chỉ có một phần nhỏ nhoi trong số những câu chuyện mà cha mẹ tôi kể lại về sự sống sót và tính kiên trì. Không có sách giáo khoa lịch sử nào có thể chứa đựng lịch sử của chúng tôi, và những câu chuyện của chúng tôi, hoặc những ý nghĩa của những câu chuyện ấy đối với chúng tôi. Các sách giáo khoa không thể nói cho chúng tôi biết về các giá trị và bài học mà cha mẹ của chúng tôi truyền lại, chính vì vậy mà tại sao chúng tôi nhớ kỹ. Quá khứ tồn tại không phải chỉ trong ký ức, hay trong vài trang của một cuốn sách giáo khoa lịch sử mà chúng tôi cứ cho là thật. Đương nhiên, trong khi sách vở giáo khoa bị đơn giản hóa quá mức, thì ký ức hoài niệm lại có tính cách phức tạp nhiêu khê. Ký ức vừa bị phân tán mảnh mún và xung khắc trái ngược, vừa có nội dung phong phú và quý báu. Mặc dù có thể tôi có được một số câu trả lời, nhưng hiểu biết tầm quan trọng của Tháng Tư Đen và những câu chuyện của cộng đồng chúng tôi là một tiến trình liên tục kéo dài suốt đời. Là một người con trai của cha mẹ tị nạn, tôi hy vọng sẽ tìm thấy được những câu trả lời như vậy, được đan dệt bên trong Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt, và tôi trông mong rằng các thế hệ quá khứ và tương lai đều cũng có thể tìm ra được như vậy.

(*) Tác giả là sinh viên năm thứ tư trường đại học UC Irvine.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT