Bình Luận

Một niềm tin vĩ đại

Wednesday, 27/07/2016 - 10:53:14

Bà Harbury ước lượng số phụ nữ Mễ đi làm khai sinh cho con sẽ lên đến vài ngàn người, cô Hiram Ramirez là một; 28 tuổi, sinh quán tại Reynosa, Mexico, cô vượt biên vào Mỹ sống từ nhiều năm nay, và sinh được 3 đứa con gái; hai đứa lớn lên 3 và 14.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Ai cũng biết nghề chánh án là một trong những nghề "cù không cười", do đó vị viên chức hộ tịch của tiểu bang Texas đã chưng hửng khi chánh án Robert L. Pitman nói đùa, chọc cười ông.
Nhân danh tiểu bang ông ra hầu toà vì Texas bị bà Nancy Hernandez và gần 30 người đàn bà Mễ kiện về tội không cấp khai sinh cho con họ.

Tất cả những sản phụ này đều có giấy chứng nhận của nhà bảo sanh là họ sinh nở tại đó; bà Hernandez nói 2 lần trước bà cũng đã xin được khai sinh cho con chỉ với giấy chứng nhận của bảo sanh viện, nhưng lần này văn phòng hộ tịch quận đòi bà phải có giấy thông hành vào Mỹ, với visa thuận của Mỹ.

Là di dân lậu, dĩ nhiên bà không có cái chiếu khán đó; ông viên chức bảo bà là tờ khai sanh cũng chẳng quan hệ gì vì con bà cũng vẫn còn được hưởng vô số quyền lợi tiểu bang dành cho thiếu nhi nghèo.
Chánh án Pitman nghiêm chỉnh bảo ông, "Phải có một niềm tin lớn lắm mới tin được điều ông nói;" trước vẻ mặt ngạc nhiên của ông viên chức, Pitman giải thích, "ông vừa nói là 'tờ khai sanh cũng chẳng quan hệ gì'.”

Câu nói đùa không những không chọc cười, mà còn là một bản án dứt khoát. Dù chỉ chủ toạ một phiên hearing, chánh án Pitman vẫn bác bỏ quan điểm của tiểu bang Texas, và dứt khoát xử là mọi đứa trẻ sơ sinh đều có quyền được khai sinh hợp pháp, dù cha mẹ chúng có là những người di dân bất hợp pháp.
Bà Hernandez sinh ra một bé gái tại một bệnh viện Texas từ năm 2013, việc xin khai sinh cho con trục trặc trong suốt 2 năm dài, nên bà mới đi kiện tại toà liên bang. Thứ Sáu 7/22/2016 vừa rồi tiểu bang mới dàn xếp và cho các sản phụ được miễn xuất trình chiếu khán nhập khẩu mà chỉ cần trình thẻ cử tri Mễ, do toà đại sứ Mễ cấp cho họ.

Luật sư Efrén Olivares, giám đốc pháp lý của tổ chức Nhân Quyền Nam Texas, và cũng là luật sư đứng đầu vụ kiện này nhận định, "trọng tâm của vấn đề là những đứa trẻ sơ sinh chào đời tại Hoa Kỳ bị ngăn cấm không được khai sinh, dù đó là hiến quyền của đứa bé, cái quyền được coi là công dân Mỹ, quyết định ngăn cấm của tiểu bang đặt căn bản trên tình trạng di dân bất hợp pháp của cha, mẹ chúng.
Cũng từ 2013, văn phòng các quận thuộc Texas bắt đầu từ chối không nhận matrículas -giấy căn cước có hình mà các toà lãnh sự Mễ cấp phát cho người Mễ sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, như chứng minh thư để làm khai sinh cho con.

Các luật sư nguyên cáo ca tụng kết quả của vụ kiện là giúp đổi đời cho một thế hệ "Mỹ con Mễ", để những đứa trẻ vô tội không bị trừng phạt vì tội ác của người lớn: bố mẹ chúng.

Tuy nhiên, tiểu bang Texas cho là không có thay đổi nào cả trong luật hộ tịch của họ cả, mà luật chỉ cho phép người sản phụ dùng thêm một trong hàng loạt chứng từ nữa thay thế cho dấu triện chiếu khán nhập cảnh. Việc đòi người sản phụ phải xuất trình giấy nhập cảnh bắt đầu từ năm 2013, năm có phong trào thiếu nhi nhập cảnh ồ ạt vào lãnh thổ Hoa Kỳ, khiến Texas phải gửi vệ binh xuống ngăn chặn biên giới.

Texas đã từng lãnh đạo 26 tiểu bang trong vụ kiện năm 2014 để ngăn chặn chương trình che chở di dân bị trục xuất, và toà đã xử thắng cho các tiểu bang, chấm dứt những chương trình liên bang; ứng cử viên Donald J. Trump hứa nếu đắc cử, ông sẽ huỷ bỏ hiến quyền trở thành công dân Mỹ của những đứa trẻ sinh tại Hoa Kỳ mà cha hay mẹ là di dân bất hợp pháp.

Cha mẹ những đứa trẻ được quyền khai sinh cho con, nói giấy khai sinh là tờ thông hành cho phép con họ bước qua ngưỡng cửa học đường, dưỡng đường, và cho đứa trẻ quyền trở lại Hoa Kỳ, sinh quán của nó. Người Mễ thắng kiện, người Nam Mỹ cũng được hưởng chung kết quả; từ đây các sản phụ El Salvador, Guatemala và Honduras cũng chỉ cần trình giấy của lãnh sự quán để xin cấp khai sinh cho con.
Quyết định này còn có hiệu lực hồi tố cho những trường hợp bị bác bỏ từ trước, và tiểu bang mở lớp huấn luyện cho 450 viên chức hộ tịch để biết cách làm khai sinh cho những đứa trẻ chào đời hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ.

Chánh án Pitman ấn định một thời gian 9 tháng để theo dõi Texas thực hiện việc họ dàn xếp khai sinh cho trẻ sơ sinh con Mễ.

Bà Juana Gomez, 34 tuổi, người Mễ di dân bất hợp pháp đã sống trên đất Mỹ từ 20 năm nay, nói bà sẽ đi khai sinh cho 2 đứa con gái chào đời tại một dưỡng đường South Texas. Bà nói bà liều lĩnh đứng đơn kiện tiểu bang, chấp nhận ra mặt là một người di dân lậu, hy sinh cho tương lai của con, mặc dù bà rất sợ bị trục xuất.

Gomez nói, "Hiến pháp Hoa Kỳ thật là tuyệt vời; hàng trăm, hàng ngàn bà mẹ cũng đang sung sướng, hạnh phúc như tôi." Hiến pháp, hay nói tách bạch hơn là tu chính án số 14 đã ấn định việc những đứa trẻ chào đời trên đất Mỹ được tự động trở thành công dân Mỹ. Nhiều tiểu bang khác vẫn tuân hành tu chính án này, trừ Texas.

Tại California bà mẹ Mễ chỉ cần trình thẻ căn cước Mễ matricula để xin giấy khai sinh cho con, tại Arizona dự luật tạo khó khăn cho người di dân bất hợp pháp khai sinh cho con bị quốc hội tiểu bang bác bỏ.
Chỉ riêng Texas tạo khó khăn cho việc khai sinh từ 3 năm nay. Luật sư Jennifer Harbury thuộc tổ chức Texas RioGrande Legal Aid Inc., nhận định, "Quả là một chiến thắng lớn cho những đứa bé sơ sinh, nhưng chúng tôi cũng còn phải theo dõi việc thi hành thoả ước."

Bà Harbury ước lượng số phụ nữ Mễ đi làm khai sinh cho con sẽ lên đến vài ngàn người, cô Hiram Ramirez là một; 28 tuổi, sinh quán tại Reynosa, Mexico, cô vượt biên vào Mỹ sống từ nhiều năm nay, và sinh được 3 đứa con gái; hai đứa lớn lên 3 và 14.

Mẹ 28, con 14, thì Ramirez phải lấy chồng năm 13, để một năm sau có đứa con đầu lòng; và chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã đủ để ông chồng cô bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, không ai ra toà, và cũng không ai ở tù cả; hàng vài chục triệu thước khối nước đã chẩy qua chân cầu Fred Hartman Bridge từ ngày cô dâu Mễ lấy chồng năm 13 tuổi tại Houston.

Giờ này, vợ chồng cô Ramirez thắng kiện; họ sẽ dắt díu bồng bế nhau đến văn phòng quận hành chánh để làm khai sinh cho 3 đứa con Mỹ, và vợ chồng cô cũng lên chức bố Mỹ, mẹ Mỹ.

Có thể vì thể diện, Texas vẫn không chấp nhận giấy căn cước matriculas của lãnh sự quán Mễ, nhưng thay vào đó, họ nhận một lô giấy thế vì căn cước ít trị giá hơn như bill điện, nước, giấy chuyển trường học, giấy bảo hiểm xe hơi, giấy mướn nhà, license săn bắn, giấy hôn thú, giấy biên lai tiền điện thoại, hoặc thẻ thư viện.

Cuối cùng câu nói đùa của thẩm phán Pitman "Phải có một niềm tin lớn lắm mới tin được điều ông nói;" vẫn được hiểu đúng: tờ khai sinh là giấy thông hành của đứa trẻ sơ sinh bước vào cuộc sống mới.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT