Bình Luận

Một nỗ lực đáng ca ngợi

Monday, 25/07/2016 - 10:37:59

Nỗ lực của tờ New York Times mặc dù đáng khen nhưng lại vô bổ và có thể tạo trở ngại trong việc tìm giải pháp cho tình trạng căng thẳng giữa cảnh sát Mỹ Trắng và cư dân Mỹ Đen, nếu thiên phóng sự này ngừng ở đây.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong số báo phát hành hôm thứ Bảy, 23/7/2016, tờ The New York Times đăng một thiên phóng sự lớn -phóng sự One Police Shift: Patrolling (Một Phiên Tuần Tiễu của Cảnh Sát). Tờ báo vận dụng 10 phóng viên và thông tín viên, đặt họ lên 10 chiếc xe cảnh sát tại 10 địa phương trong 10 tiểu bang khác nhau, để theo cảnh sát đi tuần tiễu, ghi nhận mọi diễn biến trong phiên làm việc của anh cảnh sát, và viết về Một Phiên Tuần Tiễu của Cảnh Sát. Mười phóng viên ghi nhận được 10 góc cạnh của một phiên tuần tiễu, với nhiều đặc điểm khá lý thú.

Một trong 10 phóng viên ghi nhận là trong phiên tuần tiễu, một cảnh sát viên có thể được một người không quen biết mời một bữa ăn tối ngon lành, để tỏ lòng biết ơn cảnh sát bảo vệ công chúng; nhưng cũng có thể anh ta không đủ thì giờ mua một bữa fast food, đã phải chạy vội ra xe, vì trước cửa tiệm McDonalds có người quát lớn Black Lives Matter (Mạng sống của người Mỹ Đen cũng quan trọng).
Anh cảnh sát ra đến chiếc xe tuần tiễu của mình, thì anh Mỹ Đen đã rồ máy xe mô tô bỏ chạy, sau khi đá móp cửa xe cảnh sát.

Một phóng viên khác ghi nhận một hình ảnh khá đặc biệt và mô tả một phiên tuần tiễu của anh cảnh sát là “vài tiếng đồng hồ nghe đứa con gái 8 tuổi gọi điện thoại nhiều lần để chỉ hỏi bố có một câu are you all right?” Câu hỏi nói lên tâm trạng âu lo của gia đình người cảnh sát đang đi tuần đường.

Một phóng viên khác lại viết phiên tuần tiễu công lộ của anh cảnh sát là việc làm nguy hiểm khiến bà mẹ anh buồn khổ, ao ước anh có cơ hội cởi bỏ sắc phục cảnh sát, trở lại cuộc sống dân sự vô lo.

Nhận xét của một phóng viên về phiên tuần tiễu của anh cảnh sát lại là những nụ hôn tạm biệt anh hứa với vợ con sẽ không là những nụ hôn lần cuối. Thêm một nhận xét chính xác nữa là: cảnh sát thủ thế trọn đời, giao tranh vài phút -lối mô tả cuộc chiến tranh du kích tại Việt Nam, lính Việt, lính Mỹ chết dí trong thế thủ, trao thế chủ động chiến trường cho du kích Việt Cộng.
Mười phóng viên The New York Time , và 10 cuộc tuần đường họ tham dự là:
- Jess Bidgood tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Prince George's County, Md.
- Alan Blinder tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Paulding County, Ga.
- Damien Cave tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Coventry, Conn.
- Monica Davey tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Milwaukee
- Manny Fernandez tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Houston
- Kirk Johnson tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Seattle
- Ian Lovett tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Compton, Calif.
- Rick Rojas tháp tùng cảnh sát tuần đường tại New York
- Katharine Q. Seelye tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Cambridge, Mass.
- Mitch Smith tháp tùng cảnh sát tuần đường tại Park Forest, Ill.
Tổng số cảnh sát Hoa Kỳ là 477,000 cảnh sát viên hữu thệ, phục vụ tại trên dưới 12,000 quận cảnh sát trên toàn quốc; lực lượng này làm việc trực tiếp với chính quyền quận và thành phố, có cộng tác với FBI -cơ quan cảnh sát liên bang, nhưng không trực thuộc.

Trước hai cuộc phản công của người Mỹ Đen tại Dallas và Baton Rouge, nhiệm vụ “tuần đường” an toàn đến mức gần tuyệt đối; tình hình khác hẳn, đòi hỏi người lính cảnh sát phải võ trang nhiều hơn, mạnh hơn, để tự vệ, khi bị tấn công.

Phóng viên Kirk Johnson ghi nhận hành động đầu tiên của cảnh sát viên Michael Virgilio trước khi bắt đầu cuộc tuần đường tại Seattle là mở tủ lấy ra khẩu AR 15 anh mới được cấp phát; tháng trước, anh chạy quanh thành phố trong những giờ dài tuần tiễu mà bên hông chỉ có khẩu súng lục, khẩu súng tượng trưng quyền lực cảnh sát.

Giờ này trước nguy cơ chạm súng trong một cuộc phục kích của một người Mỹ Đen thiện xạ, như Gavin Long hay Micah Johnson, Michael Virgilio có nhu cầu bắn nhanh hơn, chính xác hơn, do đó anh tạm yên lòng với khẩu súng trận AR 15 đặt bên cạnh.


Phóng viên Kirk Johnson


Phóng viên Kirk Johnson ghi nhận cảnh sát viên Michael Virgilio lấy súng trước khi lên xe đi tuần đường.

Trung sĩ Thomas Glynn ngừng xe cạnh chiếc bus đậu trước một cột tính tiền parking tại Harvard Square, đồng hồ đã chỉ hết giờ, nhưng chiếc bus vẫn còn đó nên bị một cảnh sát viên khác ghi giấy phạt; anh tài xế không rành Anh ngữ, lọng cọng lui xe ra thì đụng phải chiếc mô tô cảnh sát đậu gần đó.
Anh hỏi cảnh sát, "Anh hết ngạc nhiên về việc cảnh sát giết thường dân chưa?" Glynn giải thích anh tài xế bus đặt câu ngược; thật ra câu anh ta muốn hỏi anh cảnh sát đã phạt anh mà lại còn ác ý đậu chiếc mô tô quá gần khiến anh không lui xe lại được là: “Anh cư xử như vậy mà vẫn ngạc nhiên vì công chúng muốn giết cảnh sát à?”


Trung sĩ Thomas Thynn, người cảnh sát có mũ, đứng bên phải

Thynn nhận định, “Thái độ và ngôn ngữ của công chúng sau vụ cảnh sát viên nổ súng giết anh Alton B. Sterling tại Baton Rouge, và giết anh Philando Castile tại Falcon Heights, Minnesota, đang trở thành thô lỗ, cọc cằn hơn."


Họng súng cảnh sát viên giết anh Alton B. Sterling tại Baton Rouge


Và súng cảnh sát giết anh Philando Castile tại Falcon Heights, Minn, chỉ cách mục tiêu không đầy một thước.

Thynn nói, “Trước đó, công chúng lễ độ với cảnh sát hơn.”
Thẩm phán Kerry Neves, ngồi xử tại Galveston cũng đồng ý với trung sĩ Thynn. Trong lúc cả nước bối rối trước vấn đề da trắng, da đen, ông Neves một mình đứng ra giải quyết vấn đề trong quyền năng của ông: ông viết trên Facebook, “Có thể tôi chỉ là một cá nhân, một chánh án, nhưng tôi sẽ làm những gì tôi có thể làm để ngăn chặn thái độ vô lễ và tấn công nhân viên cảnh sát.”

Điều ông sẽ làm là không chấp nhận quyền bị can thương lượng với công tố viện, xin nhận tội để không bị trừng phạt nặng, nếu bị can vi phạm vào cấm điều của ông Neves là vô lễ và tấn công nhân viên cảnh sát.

Đồng ý hay phản đối thái độ chống cảnh sát của nhiều người Mỹ Đen là một thái độ chính trị -thái độ mà bất cứ ai -kể cả thẩm phán Neves- cũng có quyền chọn; tuy nhiên việc không cho những người biểu tình hưởng quyền plea bargain (quyền mặc cả) vì họ nhục mạ, tấn công cảnh sát lại là một quyết định tư pháp có thể vi hiến, chà đạp quyền của bị can lựa chọn cách đối phó với quyền lực tư pháp.
Luật sư Susan Criss -nguyên là một thẩm phán- cho là thẩm phán Neves đã vượt qua giới hạn quyền lực của một thẩm phán.


Nguyên thẩm phán Susan Criss


Đương kim thẩm phán Kerry Neves

“Tỏ thái độ ưu ái đối với cảnh sát, không phải là việc một vị thẩm phán nên làm,” bà Criss nói. “Tôi thông cảm với cái nửa nhân đạo của thái độ, nhưng tôi lo ngại những hậu quả của thái độ đó trong những phiên xử sắp đến.”

Quyết định của thẩm phán Neves đặt ra một ngoại lệ là ông có thể chấp nhận quyền plea bargain nếu người cảnh sát viên liên hệ cũng chấp nhận và nếu bị can viết một lời xin lỗi người cảnh sát mà anh ta nhục mạ hay tấn công, rồi đọc lớn lời xin lỗi đó trước tòa.

Công tố viên Jack Roady tại Galveston nhận định, lệnh của thẩm phán Neves quả là bất bình thường, “... tuy nhiên, ông Neves vẫn tỏ thiện chí xét xử từng trường hợp một, nên cũng không vì vậy mà đòi giải nhiệm ông ta được.”

Độc giả Facebook đã đọc 11,000 lần quan điểm của ông Neves. Một phụ nữ viết, “Cảm ơn thẩm phán Neves, con trai tôi là một cảnh sát viên; gia đình tôi biết ơn ông;” trong lúc một người đàn ông thắc mắc hỏi ông -cũng trên Facebook- “Ông có viết thêm một pháp lệnh nữa để bảo vệ người công dân khi một cảnh sát viên vượt quyền, hành hung công chúng không?”

John Convery -chủ tịch Hội Đồng Luật Sư Biện Hộ Hình Sự- cho là thẩm phán Neves quá đáng; Convery nhận định, “Lệnh của ông Neves vi phạm điều căn bản của pháp luật là công bằng, ban phát đặc quyền là thiên vị, thiếu công bằng.”

Nỗ lực của tờ New York Times mặc dù đáng khen nhưng lại vô bổ và có thể tạo trở ngại trong việc tìm giải pháp cho tình trạng căng thẳng giữa cảnh sát Mỹ Trắng và cư dân Mỹ Đen, nếu thiên phóng sự này ngừng ở đây.

Tác phẩm của 10 phóng viên tháp tùng cảnh sát trong 10 cuộc tuần tiễu đưa ra góc nhìn một chiều, khiến độc giả chỉ thấy những khó khăn, những thiệt thòi của cảnh sát; độc giả còn cần thấy hiện trường cảnh sát nổ súng giết thường dân, trong lúc nạn nhân chỉ cách mũi súng không đầy một thước, trong tay không có vũ khí, như hai anh Philando Castile, và Alton Sterling.

Hai sự kiện quan trọng mà bài phóng sự The New York Times không nêu lên được: MỘT LÀ cuộc bắn giết Mỹ Đen không tiếp tục một chiều nữa, người Mỹ Đen đã 2 lần bắn trả lại và giết nhiều cảnh sát, và HAI LÀ thủ phạm giết hai anh Philando Castile, và Alton Sterling, không bị trừng phạt; hoặc nếu có, thì sự trừng phạt đó cũng chưa được công bố.

Giải quyết điều thứ nhì là giải quyết cuộc khủng hoảng, và chánh quyền không thể không giải quyết nếu tờ The New York Times hay một tờ báo lớn nào khác nghiêm chỉnh nêu lên vấn đề.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT