Thế Giới

Một ông đem 890 ký tiền xu đến trả cho vợ cũ

Friday, 24/08/2018 - 08:34:25

Trong khi đó, luật sư của ông Dwi nói rằng số tiền xu được bạn bè và gia đình quyên góp cho thân chủ mình, và ông Dwi không có ý định xúc phạm ai cả, bởi "đó là tất cả những gì ông ấy có.”

INDONESIA – Một người đàn ông ở Trung Java, Indonesia, đã mang số tiền xu trị giá 155 triệu rupiah (khoảng $10,600 Mỹ kim) đến Tòa án tôn giáo Karanganyar để trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ. Trước đó, tòa án đã yêu cầu ông Dwi Susilarto, 54 tuổi, trả 178 triệu rupiah tiền cấp dưỡng cho vợ cũ Hermi Setyowati, sau khi ông này bị vợ cũ kiện "bỏ bê nghĩa vụ tài chính" suốt 9 năm. Vào thứ Năm, ông Dwi – một viên chức chính phủ - đã mang 14 bao tải đựng số tiền xu nặng 890 ký đến Tòa án tôn giáo Karanganyar. "Tôi chỉ là một nhân viên cấp thấp, làm sao tôi có được 178 triệu rupiah? Bạn bè của tôi đã giúp đỡ bằng cách quyên góp tiền nhưng hầu hết đều là tiền xu," ông Dwi nói.
Trong 3 tháng kể từ tháng 5, sau khi nhận được yêu cầu của tòa án, ông Dwi nói rằng ông đã gom được 155 triệu rupiah bằng tiền xu và 23 triệu rupiah còn lại bằng tiền giấy mệnh giá từ 2,000 đến 100,000 rupiah. Người đàn ông mang tiền đến tòa án bằng chiếc xe đẩy tay với sự giúp đỡ của 2 người bạn. Tuy nhiên, cả ông Dwi lẫn bà Setyowati đều không chịu đếm số tiền xu và xảy ra tranh cãi, buộc tòa án phải cử nhân viên làm việc này. Cuối cùng, bà Setyowati đồng ý nhận tiền, nhưng tức giận cho biết bà cảm thấy bị sỉ nhục: "Ông ta đang ám chỉ tôi là kẻ ăn xin.” Trong khi đó, luật sư của ông Dwi nói rằng số tiền xu được bạn bè và gia đình quyên góp cho thân chủ mình, và ông Dwi không có ý định xúc phạm ai cả, bởi "đó là tất cả những gì ông ấy có.”

Hóa thạch 228 triệu năm của tổ tiên của loài rùa
QUÝ CHÂU - Viện Hàn lâm Khoa Học Trung Quốc (CAS) vừa công bố phát hiện bộ xương hóa thạch 228 triệu năm tuổi của loài rùa không mai thời tiền sử, ở huyện Quan Lĩnh, tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc. Đây là hóa thạch rùa lâu đời nhất từng được phát hiện từ trước đến nay, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của rùa biển. Hóa thạch rùa mới được phát hiện dài gần 2.5 mét, có một chiếc mỏ không răng giống như rùa hiện đại, nhưng có thân ngắn và không có mai. Chúng được đặt tên là Eorhynchochelys sinensis, có nghĩa là "loài rùa đầu tiên có mỏ ở Trung Quốc.”
Hóa thạch được xác định có niên đại từ cuối kỷ Tam Điệp, cùng thời với những loài khủng long đầu tiên thống trị Trái Đất. Rùa Eorhynchochelys được cho là từng sống ở các vùng ven biển thời tiền sử. Việc phát hiện rùa Eorhynchochelys đem lại những bằng chứng rõ ràng hơn về nguồn gốc tiến hóa của rùa hiện đại. Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn rằng, liệu rùa hiện đại có phải tiến hóa từ một loài bò sát hay không.
Hầu hết các loài bò sát như cá sấu, thằn lằn và rắn đều có một lỗ hổng đặc biệt ở hộp sọ được gọi là fenestra, cho phép các cơ quai hàm gắn vào hộp sọ, nhưng đặc điểm này lại không xuất hiện ở các loài rùa ngày nay. Điều này dẫn đến những ý kiến cho rằng tổ tiên của rùa hiện đại thuộc một nhánh xa hơn với các loài bò sát. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy lỗ hổng fenestra ở hộp sọ của rùa Eorhynchochely, bên trong hóa thạch được tìm thấy ở Trung Quốc. Phát hiện này là bằng chứng cho thấy sự tiến hóa của rùa có liên quan tới loài bò sát.

Nhật muốn lấy kim loại trong điện tử làm huy chương
TOKYO – Nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường, nhà chức trách Nhật đã mở chiến dịch dùng vàng, bạc và đồng, lấy từ các thiết bị điện tử cũ như điện thoại, để đúc các huy chương dùng cho Thế vận hội Tokyo 2020. Bộ Môi Trường Nhật Bản đang hợp tác với các chính quyền địa phương để thu thập đồ điện tử cũ. Tuy nhiên, theo kết quả thu gom tính đến hết tháng 6 vừa qua, lượng bạc thu thập được sẽ không đủ để dùng cho việc sản xuất 5,000 huy chương cho toàn bộ các bộ môn thi đấu tại Olympic và Paralympic.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng do bạc là kim loại cần thiết nhất, nhưng lại có số lượng rất nhỏ trong các thiết bị điện tử như điện thoại. Ít người biết rằng, ngay cả với huy chương vàng thì số lượng bạc ở bên trong cũng chiếm tỷ trọng lớn. Thậm chí có thể nói rằng, huy chương vàng chính là "huy chương bạc mạ vàng.” Mục tiêu hiện nay của Bộ Môi Trường Nhật Bản là cố gắng thu thập tất cả kim loại cần thiết để có thể hoàn thành dự án vào năm 2019.
Trong khi việc thu gom vàng và đồng đang diễn ra thuận lợi, quá trình thu gom bạc lại đang cần đẩy mạnh và mở rộng địa điểm thu gom. Các điểm thu gom - hiện đặt tại các bưu điện và chi nhánh của hãng NTT Docomo (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản) – nay sẽ bao gồm cả các trường công lập trên toàn nước Nhật. Ngoài việc thu gom kim loại, chính quyền cũng hy vọng hành động này sẽ giúp các học sinh và phụ huynh quan tâm nhiều hơn tới sự kiện thể thao sắp diễn ra. Chiến dịch này được sự ủng hộ của nhiều người Nhật, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, thay vì thu gom đồ điện tử, chính phủ chỉ cần đơn giản dùng ngân sách của chiến dịch này để đi mua bạc về đúc huy chương.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT