Đời Sống Việt

Một quan điểm về đồng tính (kỳ 2)

Wednesday, 29/07/2015 - 09:21:05

Ngày chúa nhật (28/6/15) hằng trăm ngàn dân LGBT đã đổ xuống đường làm một cuộc diễn hành xuyên nước Mỹ từ New York tới Seattle, từ San Francisco tới Chicago để chào mừng phán quyết mới của Tối cao pháp viện, nhưng sự phản đối của những “phe chống lại” vẫn còn khá mạnh với những hình thức khác nhau như thống đốc tiểu bang Texas, tiểu bang Missipsipi, hay Alabama và có một số người còn cho đây là “một sai lầm thảm thương” của nước Mỹ và quyết định của Tối Cao Pháp Viện là một “quyết định tội lỗi”!

Phượng Vũ

Tối cao pháp viện Mỹ đã thông qua luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ thứ 6 (26/6/15) trong sự mừng vui của giới LGBT. Tổng thống Obama vui mừng tuyên bố đây là bước đầu tiên để nước Mỹ có thể tiến tới sự bình đẳng. Sự kiện này là chiến thắng mang tính lịch sử của những người trực tiếp đấu tranh cho hôn nhân đồng giới, đánh dấu mốc quan trọng trọng trong lịch sử cộng đồng LGBT Mỹ và toàn thế giới.
Ngày chúa nhật (28/6/15) hằng trăm ngàn dân LGBT đã đổ xuống đường làm một cuộc diễn hành xuyên nước Mỹ từ New York tới Seattle, từ San Francisco tới Chicago để chào mừng phán quyết mới của Tối cao pháp viện, nhưng sự phản đối của những “phe chống lại” vẫn còn khá mạnh với những hình thức khác nhau như thống đốc tiểu bang Texas, tiểu bang Missipsipi, hay Alabama và có một số người còn cho đây là “một sai lầm thảm thương” của nước Mỹ và quyết định của Tối Cao Pháp Viện là một “quyết định tội lỗi”!
Thực ra trước đây tôi cũng thường có cái nhìn méo mó về người đồng tính, tôi cứ nghĩ họ thuộc giới ít học, là loại người "bất thường" với giọng nói "eo éo" và cái dáng đi "ẹo qua, ẹo lại", hay làm những trò khó coi, nên ngó thiệt khó cảm tình. Nhưng sau này tôi mới nhận ra điều suy nghĩ của mình là sai, vì giới trẻ làm "những trò khó coi" đâu phải chỉ riêng dân đồng tính mà cả dân bình thường cũng vậy thôi. Rồi dần dần qua trải nghiệm cuộc sống, tôi được biết có những người đồng tính sống rất tốt, tình nghĩa hơn những người "bình thường" rất nhiều. Nói tới đây tôi chợt nhớ lại V, 1 nữ sinh cũ của lớp tôi chủ nhiệm. Em thường nghỉ học mà không xin phép, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không có kết quả, tôi bèn hạ 1 bậc hạnh kiểm của em tháng đó. V im lặng không nói gì, một lần tình cờ sau giờ học tôi gặp T, ở gần nhà V, bèn hỏi thăm. T mới tiết lộ: “Cô ơi, nhà V nghèo lắm, 2 chị em V chỉ có 1 cái quần dài đen xài chung, hôm nào chị V mặc đi công chuyện, bữa đó V phải nghỉ học vì không có quần mặc đi học...” Tôi nghe mà đau lòng đến sững sờ, tự trách mình quá thiếu sót trong việc quan tâm đến hoàn cảnh học sinh trước khi đánh giá hạnh kiểm các em. Để chuộc lại lỗi lầm, sau giờ dạy tôi chạy ra chợ mua 2 quần đen, 2 áo sơ mi trắng, về nhà gói lại như 1 món quà, bỏ trong 1 túi nhỏ kín đáo. Hôm sau vào lớp tôi nhờ T đem về nhà tặng V, nhưng V tự ái, nhất định không nhận. Tôi đành phải hẹn V gặp tôi sau giờ học: “Cô xin lỗi em về những vô tâm và thiếu sót...”, nhưng tôi năn nỉ cách nào V cũng không chịu nhận quà rồi bỏ chạy. Tôi áy náy quá, sau phải hẹn nhờ T dẫn tôi đi tìm nhà V để trao quà cho má V, bà vui vẻ nhận và xin tôi địa chỉ để khi nào mấy đứa em V cần quần áo, tập vở, bà sẽ đến tìm tôi. Thời gian này V giận tôi đến độ không muốn nhìn mặt, vì tôi đã vô tình làm tổn thương em, nhưng dần theo thời gian có lẽ em hiểu ra tấm lòng của tôi, nên hay đến nhà chơi. Sau này khi ra trường, hết học em vẫn đến chơi, rồi không biết tự lúc nào tôi lờ mờ nhận ra hình như em "thương" tôi theo kiểu không bình thường. Có lúc em nhìn tôi với ánh mắt tha thiết và "đăm đắm" làm tôi sợ, phải né tránh ánh mắt em. Trong những lần nói chuyện vu vơ, nếu tôi vô tình nói ra một món đồ nào , hay kiểu áo tôi thích, lập tức ngày mai bằng mọi cách, em sẽ tìm và mang món đồ đó đến tặng tôi, hoặc mua vải về may áo theo kiểu tôi thích vì em rất khéo tay... Rồi ngày tôi đi Mỹ, em bỏ ăn uống khóc mấy ngày, mắt sưng húp. Nhìn em cứ bụm mặt khóc nức nở ai cũng có cảm tưởng em đang tiễn người thân yêu nhất ra mộ phần. Sau này lúc rảnh nhìn lại video quay cảnh tiễn biệt gia đình tôi ở phi trường, ai cũng thắc mắc cô bé nào mà khóc dữ vậy, cứ ôm góc cột khóc, chắc thấy bị quay phim, lại chạy qua ôm góc cột khác khóc tiếp? Tôi không biết trả lời sao. Dần dần tôi mới hiểu ra em là dân đồng tính và tình yêu của người đồng tính cũng thật mãnh liệt. Sau này khi má tôi bịnh về thăm, tôi mới biết những ngày má nằm bịnh viện V bỏ hết tất cả công việc, vô ở trong BV chăm sóc má, kể cả ngủ lại tối, dù phải trải chiếu nằm dưới sàn nhà hôi hám. V nói với má tôi: “Cô không có ở đây, con thay cô chăm sóc bà là con vui rồi”. Khi biết chuyện, tôi nói với nhà: “Mọi người phải thay phiên vô chăm sóc má, nếu cần thì mướn người, chứ không thể để V làm vậy”. Nhà cho biết đã từng nói nhưng V không nghe lời, hôm sau V gặp tôi năn nỉ: “Cô ơi, làm được bất cứ chuyện gì cho cô là niềm hạnh phúc của em. Cô đừng sợ em cực, em vui vẻ tự nguyện mà. Cô đừng "đuổi" em về nhà nha cô!". Tôi không biết phải làm sao nữa. Nhìn cảnh V chăm sóc, nhẹ nhàng lau rửa, thay đồ, rồi ân cần đút từng muỗng cháo, đưa từ viên thuốc.. cho má với tất cả sự ân cần yêu thương, hơn nữa đâu phải 1,2 ngày mà là túc trực cả tháng.Tôi cảm nhận phải có 1 tình yêu lớn lao lắm mới có thể làm được chuyện đó với sự thiết tha. Thú thiệt tôi là con,được mọi người xếp loại “con có hiếu” nhưng tôi xin chào thua, tôi không làm được như V đang làm. Vậy động lực nào đã giúp V làm được chuyện đó? Nếu nói đó là “tình yêu đồng tính” thì quả đó là 1 tình yêu quá cao thượng, quá tốt lành đáng ngợi ca, 1 tình yêu cho đi tuyệt đối mà không đòi lại chút xíu nào, vì đã từ lâu rồi, tôi không hề làm điều gì cho V cả. Ở trên đời, những người yêu bình thường có làm được chuyện đó không? Tôi nghĩ làm cho "người yêu" như vậy cũng là hiếm rồi, huống hồ là với người thân của họ.
Ngoài ra khi ở Mỹ, theo học 1 lớp về Xã hội, tôi mới biết vị nữ giáo sư ( Ph.D.) dạy môn “vai trò giới tính” (Sex Roles) là 1 người đồng tính. Bà can đảm công nhận mình là người đồng tính, thời đó ít người dám công khai thân phận mình. Bà là vị giáo sư rất được cảm tình của sinh viên, không chỉ vì chuyên môn giỏi, mà còn là người tận tụy hết lòng giúp đỡ những ai cần đến. Bà là người lịch lãm đẹp về dáng dấp và cả về trang phục, bà mở laptop cho sinh viên xem hình ảnh đám cưới của bà và 1 nữ giáo sư trẻ khác trong trường. Thật là một đám cưới “lạ” khi nhìn thấy 2 “nữ lưu” trong trang phục áo đầm trắng xinh đẹp trao nhẫn và những lời thề ước cho nhau. Tôi thấy với một cặp đồng tính, hỏi ai là vợ, ai là chồng thật không cần thiết, cũng giống như cầm đôi đũa mà muốn xác định xem đâu là đũa phải, đũa trái vậy.
Qua những giờ học về giới tính, chúng tôi mới biết con người khi sinh ra có 4 khuynh hướng về dục tính: Dị tính ( Nam- nữ) chiếm đa số, Đồng tính (Nam- nam; nữ - nữ), Song tính (thích cả nam và nữ), và Chuyển giới (có nhu cầu thay đổi giới tính cho phù hợp với ý muốn thôi thúc từ bên trong). Đúng là Ông Trời cũng phức tạp thiệt, chơi cắc cớ chi để nhiều người chịu cảnh u sầu "dở khóc, dở cười". Đúng là :
**"Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán"
Chết đuối người trên cạn mà chơi” (CONK)**

Như vậy nếu có trách là trách ông Trời. Có lẽ điều này đã xảy ra từ xưa, nên ông bà mình mới có câu "bà mụ nặn lộn" để chỉ những người đồng tính. Qua lớp học, chúng tôi cũng được nghe kể về những trường hợp thương tâm dẫn đến trầm cảm và tự tử rất đáng thương vì gia đình và xã hội không chấp nhận họ. Mới đây, tôi vừa nhận được email, sau khi đọc bài viết về “Câu chuyện đồng tính” từ 1 người bạn thời trung học: “Chính tao đã thấy co worker tao chết và gia đình tan nát vì xã hội chưa sẵn sàng cách đây 18 năm. Bà chị cả tao có một đứa giống vậy, nó có hiếu nhất nhà nhưng có mấy anh chị em nó là minister của Methodist và Presbyterian không chịu chấp nhận nó”
Quả thật kiến thức là chìa khóa cần thiết để mở cánh cửa "cảm thông". Từ đó cái nhìn của tôi về những người đồng tính hoàn toàn thay đổi. Và khi xã hội cởi mở hơn, càng về sau tôi càng phát hiện có những người đồng tính thuộc giới khoa bảng, tốt nghiệp từ những đại học nổi tiếng của Mỹ (Havard. MIT...), họ giữ những chức vụ cao trong chính phủ, quốc hội, trong những ngành nghệ thuật... Một số là những người nổi tiếng, tôi nhớ tới Elton John, vì tôi rất yêu quý Công nương Diana của nước Anh. Sau khi Công nương qua đời Elton John đã sáng tác bài “Goodbye England's Rose” mà tôi rất thích, nhất là câu hát đã chinh phục tôi:
“And it seems to me you lived your life
Like a candle in the wind.”
Vì không chỉ riêng công nương Diana, tôi thấy trong cuộc đời cũng có rất nhiều phụ nữ có cuộc sống “ Like a candle in the wind”.
Sau này tôi ngạc nhiên khi hay tin Elton John công bố mình là dân đồng tính.” Sau 12 năm hẹn hò, cặp đôi đồng tính nổi tiếng Elton John và David Furnish kết hôn vào 21/12/2005 tại dinh thự Windsor nổi tiếng với sự chứng kiến của hơn 700 quan khách. Giáng sinh vừa qua, Elton John và anh “chồng” David Furnish đã chào đón con của mình chào đời với sự trợ giúp của một người phụ nữ mang thai hộ. Bé trai có tên là Zachary Jackson Levon Furnish-John.”
Nhưng câu chuyện cặp đồng tính làm tôi cảm động nhất là: cuộc tình của cặp đôi John Darby (86 tuổi) và Jack Bird (84 tuổi) đã sống với nhau hơn nửa thế kỷ. Họ đang viết nên một thiên tình sử của những người đồng giới, rất khác với suy nghĩ của nhiều người về tình yêu trong giới thứ 3.
Họ đã chính thức sống với nhau từ 1960 và họ cũng đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian truân, bệnh tật (năm 1972, ông Darby bị phản ứng với thuốc trong một lần điều trị bệnh nhiễm trùng khiến mất khả năng nghe). Nhưng họ vẫn trung thành sống với nhau đến tận bây giờ. Sau gần 50 năm chung sống, họ chuyển đến sống tại San Francisco khi nơi đây cho phép kết hôn đồng giới và tổ chức một lễ cưới ấm cúng vào năm 2008. Darby chia sẻ “Chúng tôi đặt làm nhẫn cưới trong vòng có hai ngày. Có những thay đổi thật tuyệt vời! Có 1 góa phụ già - người mà tôi nghĩ thậm chí không biết từ 'gay' có nghĩa là gì - đã gửi tặng chúng tôi một chai rượu sâm panh. Ôi tình người thật cảm động."
Trước những thực tế trên, tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm: “LGBT không có lỗi, vì tạo hóa đã sinh họ ra như vậy. Thừa nhận hôn nhân đồng tính là khẳng định sự tồn tại của họ trong cuộc đời."
Đừng bắt ép một người vào khuôn khổ bạn muốn họ phải thế. Con người tuyệt vời nhất khi là chính họ: Hai anh em sinh đôi tuổi teen đến từ Los Angeles đã trở thành ngôi sao trên You Tube sau khi đăng tải một video thú nhận với cha rằng mình là người đồng tính. Cặp song sinh đã thực hiện một video ghi lại cảnh gọi điện báo tin “con là người đồng tính” cho người cha sống tại bang Ohio. Sau đó họ đăng video dài hơn 8 phút đầy cảm động lên Internet. Trong vòng chưa đầy 24 giờ sau, video đã có hơn bốn triệu lượt xem trên You Tube.
“Chúng tôi đã thú nhận mình là người đồng tính với cả gia đình, ngoại trừ bố”, hai anh em giải thích lúc mở đầu đoạn clip. Khi điện thoại reo, cả hai cố gắng giữ bình tĩnh trước khi nghe giọng của bố. “Con chỉ không muốn bố biết được điều này qua YouTube”, Austin thú nhận. “Con muốn bố ủng hộ chúng con 100%. Con không muốn bố ngừng yêu thương chúng con.”
Khi biết sự thật, người bố của cặp sinh đôi nói: “Mọi việc đã là như vậy. Cứ sống cuộc sống của các con, đó là tất cả những điều các con có thể làm”. Vào những giây cuối của cuộc gọi, Aaron nức nở. Chàng trai bảo: “Tôi cảm thấy như vừa cởi bỏ khỏi vai gánh nặng hơn 10 triệu pound”.
Cuối cùng, cặp song sinh nói: “Đây là năm 2015, chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng đây là lúc được làm chính mình. Hy vọng từ những việc chúng tôi làm hôm nay, các bạn có thể cảm nhận nguồn khuyến khích và động viên sau khi xem xong clip này”.
Nói về vấn đề “chuyển giới”, thật là 1 thiếu sót lớn nếu không nhắc tới sự kiện vừa mới xảy ra làm chấn động trong làng thể thao - giải trí và truyền thông của Mỹ khi William Bruce Jenner (1949) vận động viên thể dục điền kinh đại diện Mỹ thi đấu ở các trận quốc tế và đoạt nhiều huy chương vàng Olympic. Jenner trở thành “người hùng của nước Mỹ” và là vận động viên tài năng nhất của Olympic thế giới. Anh cũng đã nhiều lần phá những kỷ lục thế giới về bộ môn điền kinh khi tham dự ở nước ngoài ( Canada, Pháp, Đức, Liên xô...). Chưa hết Jenner còn rất thành công khi tham gia đóng nhiều bộ phim nổi tiếng ( kể cả phim hài) và những “talk show” trên các chương trình TV Mỹ. Bên cạnh đó Jenner là tay đua xe thành công có hạng và là 1 thương gia thành đạt với những công ty của riêng mình, thu nhập hằng năm của anh ước độ 100 triệu $US. Anh đã lập gia đình 3 lần và có 6 con với quá trình 22 năm sống đời sống hôn nhân. Cuộc hôn nhân cuối với Kris đã chấm dứt vào 12/2014 (lý do Kris ghi khi đệ đơn ly hôn là “có những khác biệt không thể hòa giải”).
Jenner quả là hội đủ những điều kiện của một “người đàn ông chánh hiệu” thứ thiệt 100%.Vậy mà tháng 4/2015 vừa rồi trong buổi phỏng vấn của chương trình TV 20/20, mọi người sững sờ ngạc nhiên đến độ không tin vào mắt mình khi Jenner xuất hiện với tính cách 1 người phụ nữ chuyển giới. Jenner cho biết đã phải “đối phó” với vấn đề giới tính của mình từ khi còn nhỏ với nhiều lý do, nhiều khó khăn (sợ bị xem thường,chê bai, mang tiếng...) Và bây giờ Jenner đã có thể khẳng định “Tôi là đàn bà”. Tháng 6/2015 Jenner chính thức “ra mắt” công chúng với hình dáng phụ nữ mới và tên mới Caitlyn trên tạp chí “Vanity Fair”. Jenner muốn mọi người: “Call me Caitlyn”. Bà đã để lại lời nhắn trên Twitter: “Sau một cuộc đấu tranh thật dài lâu, tôi rất sung sướng khi bây giờ có thể sống với con người thật của chính mình” và chỉ sau 4 giờ đã có hơn 1 triệu Twitter followers, bà đã tạo 1 kỷ lục thế giới mới, vượt qua TT Mỹ Obama, người mà 1 tháng trước đây đã hoàn thành 1 “chiến tích” như vậy trong 4 giờ 30'. Nhưng chỉ 4 ngày sau, Cait đã nhảy vọt lên 2.37 million followers, cộng với 1.5 million followers trên Instagram. Jenner đã trở thành vận động viên LGBT nổi tiếng nhất và cũng là người LGBT được nhiều người nhận biết nhất thế giới.
Caitlyn cho biết qua cuộc phỏng vấn của TV 20/20, một trong những lý do mà bà muốn mang vấn đề này ra công khai là để mang sự chú ý tới vấn đề “chuyển giới” (vì có nhiều bạo lực nhằm chống đối việc “chuyển giới”). Bà cũng muốn đẩy mạnh hơn việc thảo luận đang tranh cãi gay go về LGBT ở tầm mức rộng rãi hơn.
Nhiều bậc cha mẹ đầy hiểu biết đã sẵn sàng chấp nhận con là đồng tính như mẹ của ngôi sao Twilight - Jules Stewart - lên tiếng chúc phúc cho cô con gái của mình. Trả lời phỏng vấn với The Sun Mirror, Jules, người còn được biết đến với vai trò giám sát kịch bản tại Hollywood, chia sẻ: “Tại sao lại không chấp nhận con gái bạn có bạn gái? Nó đang rất hạnh phúc mà”.
Bên cạnh đó xã hội cũng bắt đầu chú ý tới LGBT qua những dịch vụ phục vụ cho đối tượng này vì họ chiếm tới 15% dân số: Nhãn hàng trang sức lâu đời của Mỹ - Tiffany, vừa tung ra chiến dịch quảng cáo nhẫn cưới mới và đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm của hãng xuất hiện một đôi đồng tính. Đồng thời, họ vốn là những tình thân ngoài đời thật. Rồi những chuyến cruise dành cho LGBT bắt đầu xuất hiện nhiều.
*Người Việt Nam nghĩ gì về đồng tính?
Chúng ta đã nói nhiều về LGBT trên thế giới, bây giờ chúng ta hãy quay về xem người VN nghĩ gì về đồng tính? Xin mời các bạn nghe ý kiến của NBT đăng trên VB: “...Suy cho cùng, người đồng tính cũng là một con người! Họ cũng khao khát yêu và được yêu, họ cũng cần có một mái ấm gia đình riêng của mình như bao nhiêu người bình thường khác. Họ cũng đi làm và đóng góp công sức cho xã hội, thiết tưởng xã hội cũng nên mở một cánh cửa để họ bước vào thế giới này một cách trọn vẹn. Cũng nên nhắc lại cái thế giới mà chúng ta đang sống luôn diễn ra những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để đòi hỏi quyền con người! Trong đó phải kể đến quyền tự do tín ngưỡng, quyền bình đẳng của người da màu, quyền bình đẳng của phụ nữ và ngày nay là quyền bình đẳng hôn nhân của người đồng tính. Tình yêu là điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người và không hề phân biệt giới tính, thì cớ sao con người lại phân biệt đối xử lẫn nhau.".
Nói tới Việt Nam ta không thể quên một cặp đôi đồng tính rất gần gũi với người Việt Nam, đó là Đại sứ Mỹ Ted Osius và bạn đời của ngài Đại sứ, chuyên viên ngoại giao Clayton Bond. Nhìn hình họ đang cùng nhau chung tay làm bánh chưng, chuẩn bị cho lần đầu tiên đón Tết ở Việt Nam cùng gia đình (2015), chúng ta sẽ thấy rất có cảm tình với một “gia đình đồng tính” hiền lành, trí thức và lịch lãm ( dân ngoại giao Mỹ mà!). Vậy mà trước đây với kiến thức “ít xịt”, hễ cứ nghe đồng tính là tôi chỉ nghĩ tới mấy người “pê đê” hay “bóng” ngồi lê lết ca hát dai dẳng tới khuya lơ, khuya lắc trong mấy đám ma ở những khu xóm lao động nghèo bên VN. Bây giờ tôi mới biết kiến thức mình thuộc loại “biết 1 mà không biết 10”, nên cần phải mở rộng tầm nhìn bao quát hơn, mở cái đầu và mở cả trái tim để đón nhận nhiều điều “mới lạ” mà mình chưa biết đầy đủ, trước khi vội xét đoán hay kết luận về bất kỳ ai!
Khi nói về LGBT ở VN, nhạc hiệu của họ ở Saigon là: “Dân ta hằng anh dũng, dân ta rất oai hùng” và người anh dũng đầu tiên là chuyên gia trang điểm Nguyễn Thái Tài, khi báo chí phỏng vấn anh mạnh dạn công khai tên tuổi, địa chỉ và nói cứ ghi tên thật người thật, không cần gì phải giấu giếm, mình đâu có làm gì sai hay tội lỗi mà phải sợ. Thái Tài cũng là 1 trong những người đầu tiên công khai chuyện chuyển giới ở Việt Nam. Sau khi “chuyển giới” cô có thêm tên mới Cindy. Cô từng tâm sự cô đã cảm thấy mình là một người nữ ngay từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên biết yêu, cô may mắn gặp được người đàn ông yêu thương và chấp nhận mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cindy không muốn sống trong một thân xác vay mượn và quyết định đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Cô cho biết việc đổi giới tính không đơn giản như việc đổi xe, đổi nhà, hay nhiêu khê như đổi 1 đất nước cư ngụ..., mà là cả một quá trình rất phức tạp. Họ phải chịu nhiều đau đớn, chịu giảm thọ..., nhưng họ chấp nhận tất cả để được sống là chính mình, nên đây hoàn toàn không phải là 1 trò đùa, 1 ý thích nhất thời, 1 a dua... Trước hết họ phải trải qua nhiều xét nghiệm tâm lý để các bác sĩ khẳng định đích thực họ thuộc về giới tính mà họ muốn chuyển đổi. Sau đó họ phải trải qua nhiều “công đoạn” khác nhau từ việc chích hormone tới giải phẫu..., vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Cindy cho biết phải trải qua 2 năm đi, về Thái Lan và tốn khoảng 30 ngàn $US cho việc hoàn thành sự chuyển đổi này. Nghe vậy, chúng ta mới thấy mình thật là may mắn khi không rơi vào “thiểu số” LGBT, để phải chịu nhiều nỗi đau từ tinh thần tới thể xác như vậy. Do đó chúng ta phải thông cảm, thương yêu và ủng hộ họ nhiều hơn thay vì chống đối, ghét bỏ hay kỳ thị họ.
Sau khi Cindy công khai hóa thân phận mình thì từ từ nhiều ca sĩ, nhà thiết kế.. nhiều người thuộc giới LGBT cũng mạnh dạn công khai thừa nhận thân phận mình và đám cưới đồng tính Việt Nam đầu tiên đã xuất hiện ở Mỹ Tho: 18h ngày 7/5/2014, có rất nhiều người hiếu kỳ đến xem một đám cưới giữa hai chàng trai. Đây là đám cưới đồng tính nam đầu tiên được tổ chức linh đình tại Tiền Giang. Theo ghi nhận của phóng viên, gần 17h, hàng trăm thực khách của đám cưới đã ùn ùn đổ về nhà hàng. Những thực khách đến dự đám cưới đa số là người đồng tính. Trước sảnh lớn đãi tiệc có một tấm ảnh được dựng lên rất to chụp ảnh “cô dâu, chú rể” là hai chàng... trai. Đúng 18h, nghi thức lễ cưới được tổ chức tại một nhà hàng ở phường 3, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) dưới sự dẫn chương trình của MC và có cả họ hàng hai bên lên sân khấu. Chú rể và cô dâu cũng trao nhẫn cưới, dây chuyền... cho nhau. Người được giới thiệu là cha chú rể cũng bày tỏ lòng cảm ơn đối với thực khách đã đến dự lễ cưới con mình.
Tiếp theo đó, ngày 12/5/2014, hàng loạt cặp đôi đồng tính cầu hôn giữa phố Sài Gòn: 13 cặp đôi tập trung ở công viên cạnh nhà thờ Đức Bà để cầu hôn trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Các bạn trẻ chuẩn bị cho màn cầu hôn có một không hai này cho biết, hiện đã được gia đình chấp nhận và đang sống, làm việc cùng nhau. Ước mơ về một đám cưới đồng tính của họ không còn là xa vời. Về phía luật pháp, nhà nước Việt Nam đưa ra Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014, bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” từ 1-1-2015 Tuy nhiên, theo Điều 8 về “Điều kiện kết hôn” có ghi “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Theo báo chí phương Tây, bãi bỏ lệnh cấm kết hôn của LGBT ở Việt Nam, liên quan đến quyền lợi LGBT thì ít mà nhiều hơn về lượng khách du lịch. Ông chủ Gay Hanoi Tours cho biết Việt Nam đã và đang đón lượng khách LGBT quốc tế ngày càng tăng. Lượng khách đặt tour bên Gay Hanoi Tours đã tăng 50% trong năm 2014. Điều này phù hợp với với nghiên cứu của Comunity Marketing Inc về cộng đồng LGBT Mỹ: 29% đi du lịch ít nhất 5 lần/1 năm. 48% các hộ gia đình đồng tính có thu nhập hằng năm trên 75,000$US. Là một cộng đồng dễ gặp kỳ thị, nên ưu tiên hàng đầu của giới LGBT là đến những nơi “thân thiện”(VĐ)
Tôi nhớ lại sau 75, dân VNCH đi tới đâu cũng bị “kỳ thị” trong chuyện “lý lịch” từ chuyện đi xin việc làm, tới việc con cái thi vô đại học, tới việc mua hàng hóa...Ai ai cũng rất căm ghét chuyện kỳ thị. Qua Mỹ, người Việt Nam trở thành thiểu số, khi bị đối xử kỳ thị ta cũng vô cùng bực bội và nếu có dịp, ta sẽ không ngần ngại lên tiếng để chống lại kỳ thị và đòi hỏi pháp luật phải bảo vệ sự công bằng cho mình. Như vậy đáng lẽ người Việt Nam dù trong nước hay ngoài nước phải là những người đi đầu trong việc chống lại sự kỳ thị LGBT, vì hơn ai hết chúng ta đã thấu hiểu nỗi đau buồn của những người “thiểu số” bị coi thường, bị rẻ rúng, bị kỳ thị. Tiếc thay một số trong chúng ta đã vội quên nỗi đau đã từng bị kỳ thị và lại hăng hái trong việc kỳ thị “thiểu số” LGBT
Việc công nhận LGBT là xu hướng chung của thời đại, chúng ta hãy mở rộng tầm nhìn, đừng như con đà điểu lo vùi đầu trong cát để khỏi nhìn thấy hiện thực chung quanh. Dù biết rằng “kỳ thị giới tính” là điều đã bám rể rất sâu trong tâm trí con người qua bao thế hệ, chúng ta không hy vọng qua một đêm (với phán quyết mới của TCPV Mỹ về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính) thì mọi chuyện sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng nếu mỗi con người đều biết mở rộng tấm lòng tử tế của mình cho:

**"Vòng tay yêu thương có thể rộng mở
Bóng mây muộn sầu có thể dần tan"**
thì cuộc sống sẽ đẹp hơn biết bao lần vì "Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc".
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT