Thế Giới

Một sinh viên từ Hồng Kông gây tranh cãi dữ dội với khối sinh viên Trung Quốc

Tuesday, 04/06/2019 - 07:21:01

Ngồi trên một chiếc xe buýt ở Boston, cách xa nhà hàng ngàn dặm ở Hồng Kông, cô Frances Hui, một du học sinh ở Boston chạm mặt với một ông hành khách Á Đông nhìn cô với ánh mắt đầy tò mò. “Bạn từ đâu đến?” Vị hành khách gặng hỏi.


Có tới 180,000 người dự đêm thắp nến tại Công Trường Victoria Park tại Hong Kong đêm thứ Ba, 4 tháng Sáu, tưởng niệm 30 năm ngày Trung Cộng tàn sát người dân tham gia phong trào dân chủ tại Công Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Trong cùng đêm, nhiều buổi cầu nguyện tương tự cũng được tổ chức khắp thế giới, để tưởng nhớ hàng ngàn người dân Trung Hoa đã bị quân đội cộng sản tiêu diệt ngày 4 tháng Sáu, 1989. (Anthony Kwan/Getty Images)



Ngồi trên một chiếc xe buýt ở Boston, cách xa nhà hàng ngàn dặm ở Hồng Kông, cô Frances Hui, một du học sinh ở Boston chạm mặt với một ông hành khách Á Đông nhìn cô với ánh mắt đầy tò mò. “Bạn từ đâu đến?” Vị hành khách gặng hỏi.

Cuối cùng khi cô trả lời rằng cô đến từ "Hồng Kông," người đàn ông bắt đầu trở nên hung dữ, Hui kể lại. Ông ta nhấn mạnh rằng cô nên xác định rằng cô "đến từ Trung Quốc" bởi Trung Quốc được trao quyền kiểm soát Hồng Kông (thuộc địa cũ của Anh) từ năm 1997.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Washsington Post, cô Hui, một sinh viên du học tại trường Emerson College, kể lại rằng, "Ông ta cứ nói với tôi, 'Bạn là người Trung Quốc, bạn cần phải sửa lại căn cước tính của mình'.”

Cô nói rằng cô cảm thấy thực sự bị xúc phạm. Bởi căn cước tính là vấn đề cá nhân. Và đó là chuyện của cô, do cô tự quyết định.

Cô Hui sau đó viết một bài báo ngắn đăng trên tờ báo của trường Emerson, với tiêu đề “Tôi đến từ Hồng Kông, không phải Trung Quốc.” Cô mở đầu bằng dòng, “Tôi đến từ một thành phố thuộc sở hữu của một quốc gia mà tôi không thuộc về.”

Bài báo giải thích quá trình từ khi Hồng Kông tách khỏi Anh quốc, sau đó chuyển giao chủ quyền lại cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chỉ ra rằng giá trị cốt lõi của Hồng Kông là tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí được bảo đảm bởi Luật Cơ Bản.

“Tôi và nhiều người Hồng Kông đều cảm thấy tự hào vì sự phân tách với chính trị Trung Quốc ở một mức độ nhất định, bởi Trung Quốc bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc cai trị, kiểm duyệt internet và bắt giam những người bất đồng chính kiến.”

Trong bài báo ngắn này, cô có nói rằng ở trường thiếu đi tiếng nói của sinh viên đến từ Hồng Kông và Đài Loan, trước đây khi tham gia các hoạt động của trường, cô cũng bị nhà trường gắn cái mác “Hồng Kông, Trung Quốc”, cô cho rằng nhà trường không nên tránh những đề tài nhạy cảm có liên quan đến chính trị của Trung Quốc và nên bảo đảm các sinh viên đều có quyền lên tiếng.

Bài viết của cô nhanh chóng nhận vô số chỉ trích dữ dội và lời đe dọa từ các sinh viên Trung Quốc đại lục đang theo học tại trường của cô.

Cuộc xung đột ở rất xa Hồng Kông, nhưng lại phản ánh những câu hỏi về vấn đề căn cước tính ở Hồng Kông trong bối cảnh vùng lãnh thổ này đang dần mất đi quyền tự trị, cũng như lời hứa hẹn “một quốc gia, hai nhà nước.”

Năm năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố ở Hồng Kông nhằm phản đối sự kiểm soát của Bắc Kinh, Trung Quốc đã dần dần siết chặt vùng lãnh thổ này và phong trào dân chủ của giới trẻ. Giờ đây, nhiều người lo lắng rằng họ đang chứng kiến hồi kết của Hồng Kông về quyền tự do chính trị và kinh doanh.

Và họ tự hỏi làm thế nào để đối phó lại, nâng cao khả năng phản đối nhiều hơn.
Bởi các điều khoản bàn giao thuộc địa của Anh là phải bảo đảm cho Hồng Kông có được mức độ tự trị cao, cho phép lãnh thổ này giữ các hệ thống chính trị, tư pháp và kinh tế của riêng mình cho đến năm 2047.

Nhưng sự kiểm soát của Bắc Kinh đã tăng lên sau cuộc “Cách Mạng Dù” vào năm 2014 khi hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trong nhiều tháng tháng vì sự tự trị của Hồng Kông. Đây được xem là một trong những hành động thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Người biểu tình hy vọng sẽ mở rộng quyền dân chủ và chấm dứt kế hoạch người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu đặc khu trưởng theo danh sách ứng cử viên phải được ủy ban bầu cử chấp thuận mà quốc hội Trung Quốc khẳng định vào ngày 21 tháng 9 năm 2014.
Trong những tháng gần đây, tòa án Hồng Kông đã buộc tội và giam cầm các nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ trong 16 tháng mặc dù các cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa. Một phiên tòa phúc thẩm hôm thứ Năm phán quyết rằng Joshua Wong, 22 tuổi, một trong những biểu tượng của phong trào Cách Mạng Dù, sẽ phải trở lại nhà tù.

Năm ngoái, Đảng Dân Tộc, tổ chức tranh đấu cho Hồng Kông độc lập đã bị cấm hoạt động và một biên tập viên cao cấp của tờ Thời báo Tài chính đã bị trục xuất. Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra cho việc trục xuất biên tập viên Victor Mallet của tờ Financial Times, đồng thời là phó chủ tịch Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài (FCC), người đã quyết định tổ chức buổi nói chuyện với người sáng lập đảng độc lập đó chỉ vài tuần trước đó tại trụ sở FCC.

Chính phủ Hồng Kông cũng đang thông qua một dự luật bỏ tù những ai sỉ nhục quốc ca Trung Quốc. Trên khắp Hồng Kông, quảng cáo và áp phích quảng cáo phát triển Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area), một kế hoạch do Bắc Kinh điều hành với tham vọng kết nối Hồng Kông, Macau và 9 thành phố khác ở phía Nam Trung Quốc, đưa thành phố gần hơn với đất liền.

Một trong những động thái tranh cãi nhất gần đây là việc chính phủ Hồng Kông đang thúc đẩy một dự luật dẫn độ bất chấp sự chống đối ngày càng tăng ở địa phương và quốc tế. Vào hôm 21 tháng 5, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói rằng chính quyền của bà quyết tâm thông qua dự luật dẫn độ, theo đó các cá nhân có thể được đưa về lại Hoa lục để bị xét xử. Dự luật này cho phép dẫn độ những người chạy trốn được chuyển từ vùng đất này sang bất kỳ khu vực tài phán nào trên thế giới, ngay cả khi không có thỏa thuận chính thức - mở rộng quyền lực của Bắc Kinh vào Hồng Kông.

Trước đó không lâu, Cơ Quan Lập Pháp của Hồng Kông rơi vào hỗn loạn vào ngày 11 tháng 5 khi các nhà lập pháp thân dân chủ và phe trung thành với Bắc Kinh lao vào ẩu đả khiến một người phải đến nhà thương. Một ủy ban Quốc Hội ở Washington cho biết luật dẫn độ, nếu được thông qua, "có thể tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ trên lãnh thổ này" và có thể vi phạm một đạo luật Hoa Kỳ - Hồng Kông cho phép Washington coi thành phố là đặc khu riêng biệt với Trung Quốc.

"Trọng tâm của mỗi một trong những dự án và nỗ lực này là một tính toán chính trị từ phía Bắc Kinh, họ đang tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì để kìm hãm Hồng Kông như một địa phương," Jeffrey Ngo, một nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và nghiên cứu sinh tại Đại học Georgetown nói. "Thật đáng buồn, nhưng nó chắc chắn đã thúc đẩy mọi người khẳng định một cách mạnh mẽ hơn nữa căn cước tính Hồng Kông của mình.”

Vào đầu tháng này, một phiên điều trần quốc hội tại quốc hội Mỹ đã thảo luận về tương lai của nền độc lập Hồng Kông và phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ. Phiên điều trần được phát trực tiếp trên Youtube và nhận được nhiều bình luận ủng hộ quyền tự do của Hồng Kông như "Hồng Kông không phải là Trung Quốc" và "tự do cho Hồng Kông.”

Trong bối cảnh đó, bài báo của Hui được xuất bản vào cuối tháng 4 trên trang web “The Berkeley Beacon” của trường Đại Học Emerson đã trích dẫn kinh nghiệm của những sinh viên như cô đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và những nơi khác đã đấu tranh để khẳng định mình chống lại Trung Quốc.

Bởi không chỉ riêng người Hồng Kông, mà nhiều người Đài Loan cũng cho là bị xúc phạm khi bị gọi là người Trung Quốc. Đối với những người không chấp nhận chế độ Trung Cộng, họ tự nhận mình là người Hồng Kông, Đài Loan chứ không phải là Trung Quốc.

Như một cô bạn Đài Loan viết rằng, cô cảm thấy bắt buộc phải chấp nhận danh tính một người “Trung Quốc" mặc dù tình quê hương của cô dành cho Đài Loan, cô quá sợ hãi để "chiến đấu vì căn cước tính của mình" với những người bạn Trung Quốc.

Thường thì các bài viết của sinh viên chỉ nhận được khoảng từ 20 đến 40 lượt xem. Nhưng bài viết của Hui nhanh chóng gây sốt, thu hút hàng trăm bình luận và hàng ngàn độc giả.
"Tôi nhận được rất nhiều sự chú ý, điều mà tôi thực sự không ngờ tới," Hui nói.
Các sinh viên từ Hồng Kông, Đài Loan và những nơi khác như Singapore đã tiếp cận thông điệp như một sự khuyễn khích, hỗ trợ. Trong số đó có Natalie Law, một sinh viên Hồng Kông 22 tuổi tại Đại học Boston, người đã kết nối với Hui qua Instagram. Họ đã trở thành bạn bè.
"Cô ấy có thể lên tiếng cho tất cả chúng tôi, hoặc có thể là đa số chúng tôi (những người lo lắng về Hồng Kông)," Law nói.
Bài viết bắt đầu xuất hiện trên khắp các diễn đàn Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, được chia sẻ trên các trang Facebook và Instagram và được lan truyền giữa các sinh viên ở xa Boston. Nhưng các sinh viên Hoa lục lại bắt đầu gắn thẻ các tài khoản truyền thông xã hội của Hui và để lại những lời chửi mắng với các bình luận như "xấu hổ về bạn" và "cha mẹ bạn nên xấu hổ về bạn.”

Một thành viên trong nhóm WeChat với hơn 200 sinh viên Trung Quốc gọi cô là "kẻ tâm thần", và một người khác nói rằng họ đã nhìn thấy cô quanh trường và nhận thấy cô là "một cô gái thấp bé" không có sức mạnh thực sự.

"Nó làm tôi cảm thấy thực sự khó chịu, giống như tôi đang bị theo dõi", cô nói.
Bình luận đáng sợ nhất đến từ một sinh viên Trung Quốc tại cùng trường Emerson, người đã công khai các bài đăng trên Facebook cá nhân của Hui.

Trong một bài đăng, cậu sinh viên này đã viết một bình luận với nội dung là, “Bất cứ ai phản đối Trung Quốc vĩ đại nhất của tôi, bất kể họ ở đâu, đều phải bị xử tử.”
"Tôi thực sự đã hoảng loạn," cô nói.
Rất may, cô Hui đã không bị tổn hại về thể chất dưới bất kỳ hình thức nào kể từ khi xuất bản bài báo của mình.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của cô một lần nữa phản chiếu lại việc những người Hồng Kông khác tại các trường đại học ở nước ngoài đã từng gặp phải.
Kacey Wong, một nghệ sĩ thị giác ở Hồng Kông, nhớ những phản đối mà anh gặp phải tại một triển lãm mà anh tham gia vào năm ngoái tại Đại học Essex, ngoại ô London.
Các tác phẩm được trưng bày xoay quanh cuộc “Cách mạng Dù 2014” của Hồng Kông, cuộc cách mạng được đặt theo những chiếc dù được nhiều người biểu tình mang theo và trưng bày những bức ảnh về hành vi trấn áp đầy bạo lực của cảnh sát.

"Họ nói triển lãm của tôi thiên vị. Họ hỏi tại sao chúng tôi chỉ cho thấy các sinh viên bị cảnh sát đánh đập chứ không phải là gì khác", Wong nói. "Họ đã tạo ra các nhóm Facebook trong các cuộc phản đối. Có vẻ như thủ tục khá chuẩn."
Hui là một nhà hoạt động sinh viên khi cô ở Hồng Kông, cùng với vô số những người trẻ tuổi khác, những người được truyền cảm hứng bởi Joshua Wong, người chỉ mới 17 tuổi vào thời điểm biểu tình.
"Đó là thời điểm phục hưng", Wong nói.

Tuy nhiên, áp lực đối với Hồng Kông và nhiệm vụ đòi tự do ngày càng lớn thêm.
"Nó giống như việc cố gắng chống lại thời tiết", Wong nói. "Bạn có thể làm gì? Có lẽ bạn có thể mang theo một chiếc ô hoặc mặc áo mưa, nhưng bạn không thể hét lên trên bầu trời và bảo nó ngừng mưa."

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT