Bình Luận

Một thời kỳ mới tăm tối trong quan hệ Mỹ-Trung

Thursday, 06/08/2020 - 06:35:09

Một cuộc bầu cử chưa đủ để chấm dứt thời kỳ mới tăm tối trong quan hệ Mỹ-Trung.


Ông nào la lớn hơn chống Trung Quốc, Joe Biden hay Donald Trump? (Getty Images)

(Bài này đăng trên báo The Economist với tựa đề “Would a Biden administration be softer than Trump on China?” ngày 30 tháng 7, được Phạm Vũ Lửa Hạ dịch đăng trên báo Tiếng Dân ngày 3 tháng 8. Viễn Đông viết tựa khác.)

Vào tháng 12 năm 2018, những nhân vật hiếu chiến bài Trung trong chính quyền Trump thúc giục áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới trong tuần lễ được một số người gọi trong nội bộ với nhau là “Tuần Lễ Đả Phá Trung Quốc” (“F... China Week”), theo một cuốn sách mới của Bob Davis và Lingling Wei. Nhưng chuyện đó chẳng nhằm nhò gì so với những diễn biến trong tháng 7 năm 2020.

Trong những tuần vừa qua, Mỹ đã áp dụng chế tài với một số quan chức cao cấp Trung Quốc, trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị, vì họ có can dự vào những trò tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; đưa thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương Mại Mỹ, vì đồng lõa trong những trò tàn bạo đó; tuyên bố rằng những tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp; tước quy chế đặc biệt của Hong Kong về ngoại giao và thương mại; thông báo các cáo buộc hình sự đối với bốn công dân Trung Quốc bị giới chức Mỹ cho là gián điệp của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân [của Trung Quốc]; và ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bị cho là một ổ hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng - đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái như vậy kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. (Trung Quốc trả đũa bằng cách đóng lãnh sự quán của Mỹ tại Thành Đô).

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy có biến ở Houston là khi các video xuất hiện trên mạng cho thấy các nhà ngoại giao Trung Quốc vội vàng đốt tài liệu trong sân lãnh sự quán - một ẩn dụ thích hợp về chuyện hơn 40 năm bang giao tan thành mây khói.

Tất thảy những chuyện này xảy ra trong thời một tổng thống Mỹ, Donald Trump, tỏ vẻ ưa thích chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, và (theo lời của cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông John Bolton) từng nói với Tập Cận Bình rằng xây dựng các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ là “chuyện đúng nên làm.” Tổng Thống Trump chẳng tỏ vẻ thích thú đánh nhau với Trung Quốc ngoại trừ về thương mại và về đại dịch, để đánh lạc hướng chỉ trích về cách ông ứng phó với COVID-19. Nhưng khi sắp hết thời gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông - và có lẽ chức tổng thống của ông - các viên chức hiếu chiến xung quanh ông đang cố gắng xác lập một lập trường có tính đối đầu hơn cách Mỹ đã áp dụng kể từ trước khi Richard Nixon sang Trung Quốc cách đây gần nửa thế kỷ.

Hôm 23 tháng 7, tại Thư Viện Tổng Thống Nixon ở California, Ngoại Trưởng Mike Pompeo kết thúc loạt bốn bài phát biểu trong bốn tuần của các viên chức hàng đầu khắc họa chế độ Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho tự do và dân chủ toàn cầu. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Robert OBrien, Giám Đốc FBI Christopher Wray, Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr, và Ngoại Trưởng Pompeo lập luận rằng Trung Quốc muốn xuất khẩu ý thức hệ và “tư tưởng kiểm soát” ra khỏi biên giới của mình. Họ mắng các lãnh đạo công ty và các hãng phim Hollywood vì đã quỵ lụy Bắc Kinh, cảnh báo về hoạt động gián điệp Trung Quốc rộng khắp ở Mỹ và cho rằng Tập Cận Bình đang tiến hành cuộc chinh phạt mấy thập niên để giành “quyền bá chủ toàn cầu.” Ngoại Trưởng Pompeo nói rằng Mỹ và các đồng minh của mình phải thúc ép Trung Quốc thay đổi, bằng không sẽ có nguy cơ nhượng thế kỷ 21 cho viễn kiến chuyên chế độc tài của Tập Cận Bình. “Mẫu hình can dự mù quáng với Trung Quốc chẳng thể đạt được điều đó,” ông nói. “Nếu chúng ta nay quỳ gối, con của con chúng ta có thể bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn.”

Không được nêu tên trong những bài phát biểu này - nhưng là một tấm phông tất yếu cho chúng - là Joe Biden và chiến dịch tranh cử tổng thống. Chiến dịch tranh cử của ông Trump muốn khắc họa ứng cử viên được cho là sẽ do Đảng Dân chủ đề cử là người nhu nhược về Trung Quốc, cho rằng ông Biden khi làm phó tổng thống đã đánh giá thấp mối đe dọa này.

Một viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói rằng một phần của các tính toán dẫn tới những hành động gần đây là để đẩy quan hệ Trung-Mỹ vào một quỹ đạo mà sẽ khó đảo ngược bất kể ai đắc cử vào tháng 11 sắp tới. Một số quan chức tin rằng họ đã sắp đạt mục tiêu này, nhờ sự đồng thuận của cả hai đảng nhìn chung có tính hiếu chiến ở Quốc Hội; Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật cứng rắn để phản ứng lại cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và Hong Kong. Những hành động của chính Đảng Cộng Sản Trung Quốc - biến Tân Cương thành một trại tập trung và tước chế độ pháp trị của Hong Kong - đã gần như chắc chắn bảo đảm rằng Mỹ không thể quay lại trọn vẹn với mối bang giao cũ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhân vật hiếu chiến bên ngoài chính quyền, trong đó có một vài người nói họ sẽ bầu ông Biden, lo ngại rằng ông sẽ ít đối đầu hơn với Tập Cận Bình do ông muốn Trung Quốc hợp tác về các vấn đề như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Nhiều người trong những cố vấn chính sách đối ngoại của ông hẳn nhiên là các nhân vật kỳ cựu từ chính quyền Obama. Giới hiếu chiến chế nhạo như vậy là quá dễ dãi tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vươn lên chỉ vì những thứ như Hiệp Định Paris chẳng hạn. Nếu thắng cử, liệu chính quyền Biden cũng sẽ nhu nhược hơn?

Không còn là nhân vật nhu nhược

Các cố vấn của ông Biden phản bác theo nhiều cách. Trước tiên, họ lập luận rằng ông sẽ khôi phục uy quyền luân lý (moral authority) bằng cách lên án Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền. Thứ hai, họ nói ông dự định phối hợp với các đồng minh để thúc ép Trung Quốc thay đổi hành vi của Trung Quốc. Thứ ba, ông sẽ đầu tư tại nội địa để nước Mỹ trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh hơn trong các lãnh vực như 5G.

Họ cho rằng ông Trump đã làm suy yếu vị thế của nước Mỹ so với Trung Quốc trên cả ba mặt trận: bật đèn xanh cho các vi phạm nhân quyền; phá hoại các đồng minh trong khi xun xoe nịnh nọt các nhà độc tài; và để cho các thiết chế và cơ sở hạ tầng của nước Mỹ mục rữa. “Chúng ta yếu đi và Trung Quốc mạnh lên nhờ Tổng thống Trump,” Tony Blinken, một cố vấn của ông Biden, nói.

Các viên chức của ông Trump nhấn mạnh tới các hành động của họ, chứ không phải lời lẽ của tổng thống. Trước khi ra đòn liên tiếp hồi tháng 7, các quan chức đã quyết định cắt nguồn cung ứng công nghệ Mỹ cho Huawei, một phần của chiến dịch chống lại tập đoàn viễn thông Trung Quốc mà đã được các đồng minh ủng hộ phần nào: Anh Quốc nay đã loan báo là sẽ cấm Huawei tham gia mạng [5G] của mình (Úc đã cấm trước Mỹ).

FBI có cách tiếp cận còn mạnh bạo hơn khi điều tra hoạt động gián điệp của Trung Quốc - trong bài phát biểu về Trung Quốc, giám đốc Wray cho biết, cứ mười giờ ông mở một vụ điều tra mới. Bộ Ngoại Giao Mỹ gần đây quyết định hủy thị thực [chiếu khán] của khoảng 3,000 sinh viên cao học có liên hệ với các tổ chức quân sự ở Trung Quốc; đây là đợt mới nhất tăng cường rà soát công dân Trung Quốc sang Mỹ du học hoặc nghiên cứu. Và Bộ Quốc Phòng Mỹ đã cương quyết hơn trong việc tiến hành các hoạt động bảo đảm quyền tự do đi lại ở Biển Đông và Eo Biển Đài Loan.

Có lẽ có tính khiêu khích nhất là những hành động bày tỏ ủng hộ bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, hòn đảo được Trung Quốc cho là của mình. Điều này đã nêu ra câu hỏi liệu họ có thể đi xa tới đâu trong việc thử thách một trong những khía cạnh nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Một quan chức cao cấp nói rằng sau mấy thập niên bang giao có tính ngại rủi ro, chính quyền Mỹ quyết tâm bắt Trung Quốc chịu tổn hại vì hành vi của họ.

Các cố vấn của ông Biden đuối lý khi họ tuyên bố rằng chính quyền Obama đã cứng rắn với Trung Quốc. Một lập luận có tính thuyết phục hơn là, mặc dù ông tập hợp quanh mình những nhân vật hiếu chiến bài Trung, bản thân ông Trump không phải là người hiếu chiến, và có thể thình lình phá hoại các chính sách của chính quyền ông. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, ông thừa nhận rằng ông đã trì hoãn chế tài các quan chức Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương vì ông không muốn gây nguy hại cho một hiệp định thương mại. Và chính sách mà ông thiết tha nhất, đánh thuế nhập cảng, đã thất bại, chỉ đạt được một thỏa thuận hời hợt từ Trung Quốc chịu mua thêm nông sản (mà ông Bolton nói rằng Tổng Thống Trump đã yêu cầu Tập Cận Bình đồng ý để giúp ông tái đắc cử).

Cử tri không phục cho lắm. Trong một cuộc thăm dò dư luận do Đại Học Suffolk và báo USA Today tiến hành hồi cuối tháng 6, có 51% người trả lời cho rằng ông Biden sẽ xử lý Trung Quốc tốt hơn, so với 41% cho tổng thống Trump.

Liệu Tổng Thống Trump có muốn áp dụng thêm nhiều biện pháp cực đoan đối với Trung Quốc, do những nhân vật hiếu chiến xung quanh ông hô hào thúc giục? Trong những ý tưởng được cấp dưới của ông cân nhắc gần đây có lệnh cấm toàn bộ 92 triệu đảng viên Trung Cộng và thân nhân của họ nhập cảnh Mỹ, hoặc chế tài các ngân hàng Trung Quốc ở Hong Kong. Với ông Trump hiện nay, những biện pháp này có thể có tính quá khiêu khích - nhưng có lẽ sẽ bớt có tính khiêu khích hơn khi cận ngày bầu cử.

Giới chức ở Trung Quốc cho tới nay đã phản ứng với thái độ tương đối kiềm chế. Họ cũng có thể đọc các kết quả thăm dò dư luận, và nhiều người muốn biết liệu quỹ đạo bang giao hiện nay có tiếp tục sau tháng Giêng hay không. Một số nhà tuyên truyền đã nói rằng họ muốn ông Trump đắc cử, với lý lẽ, giống như lý lẽ của ông Blinken, rằng ông Trump đã làm suy yếu vị thế chiến lược của Mỹ và củng cố vị thế chiến lược của Trung Quốc.

Có thể họ chỉ hô hoán ầm ĩ. Hoặc có thể họ cũng xem ông Biden là người sẽ nói là làm khi phát biểu cứng rắn về những vấn đề như nhân quyền, thay vì biến những vấn đề nguyên tắc thành lá bài đổi chác trong đàm phán. Về khoản đó ngay cả những người hiếu chiến lo ngại về ông Biden cũng không nghi ngờ sự thành thật của ông. Trung Quốc đã thay đổi từ khi ông là phó tổng thống, và sự đồng thuận của giới chóp bu ở Washington đã thay đổi. Một cuộc bầu cử chưa đủ để chấm dứt thời kỳ mới tăm tối trong quan hệ Mỹ-Trung. 




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT