Đời Sống Việt

Một thời tha hồ “nổ”

David Nguyễn/Viễn Đông Tuesday, 26/06/2012 - 09:19:36

Có lẽ người ta cần khoe khoang, khoác lác để cảm thấy tự tin hơn, hay “nổ” để đạt được mục đích, một nhu cầu nào đó.

Việt kiều về quê cưới vợ (kỳ 10)

David Nguyễn/Viễn Đông



Anh không biết bơi cho chìm luôn - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Bệnh “nổ” không biết có từ khi nào. Nhưng từ khi hiểu biết cuộc sống đến nay hơn nửa đời người, tôi vẫn thường nghe người Việt mình hay “nổ”. Nhiều người cho rằng đó là đặc tính của dân tộc Việt Nam, tôi thì không nghĩ vậy. Có lẽ người ta cần khoe khoang, khoác lác để cảm thấy tự tin hơn, hay “nổ” để đạt được mục đích, một nhu cầu nào đó.


Việt kiều lãng mạn - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Những năm trước, “Việt kiều bán nước” về nước đã được nhà cầm quyền cộng sản đổi thành "Việt kiều yêu nước". Nhóm chữ này nói ra có bằng thừa vì “làm người” ai mà không yêu nước. Nhưng yêu nước không có nghĩa là yêu một chế độ độc tài, độc đảng. Việt kiều về Việt Nam thăm thân nhân, du lịch và hợp tác làm ăn. Hành trang về nước lúc nào cũng đầy ắp những va-li và thùng hàng. Xuống phi trường, họ đã có người đón chờ, có cả hoa tươi và khăn ướp lạnh, có người đứng sẵn, đẩy hành lý ra xe. Nhưng trước khi ra được cổng kiểm tra hành lý thì họ cũng đã có ít đô la lót tay cho hải quan cửa khẩu để không bị làm phiền. Việt kiều đi tới đâu là rềnh rang tới đó. Nhà nào có Việt kiều nhìn vào biết liền. Nhà cửa khang trang hơn, có đồ Mỹ xài. Thậm chí là mồ mả cũng sạch đẹp hơn, tường nhà mồ cao, có cổng sắt.


Bơi thuyền vui vẻ - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Cũng vì nhìn thấy những điều đó mà Việt kiều dẫu sao được người ta cho là có giá hơn dân phèn trong nước. Cách ăn chơi của Việt kiều cũng mạnh bạo hơn, nhất là những buổi tiệc gia đình thết đãi bà con, bạn bè. Nhưng đó chỉ là một thời gian ngắn. Chứ không dám so đường dài với các “đại gia” nội địa.
Việt kiều về nước nói ra ai cũng giỏi hết, trình độ toàn là kỹ sư, bác sĩ, doanh nghiệp, chuyên viên… làm cho nhiều người khâm phục ngơ ngác. Lời nói không mất tiền mua, lựa nghề mà nói cho “mầy chìm luôn”. Thật ra, đã bỏ xứ đi lâu như vậy, nay về nước tiền đô đầy túi, chẳng lẽ lại khai "cắt cỏ" hay "làm móng tay" thì kỳ quá. “Nổ” chút cho vui nhà vui cửa “có chết thằng Tây nào đâu”. Chỉ có chính họ hơi tốn tiền hơn một chút. Nhưng như vậy cũng làm nở mày nở mặt thân nhân tại Việt Nam. Qua những tin tức trên các phương tiện truyền thông, người ở Việt Nam càng biết thêm về sự thành đạt của nhiều người Việt ở Mỹ. Có người từng làm chỉ huy quân sự cấp cao, làm kỹ sư chế bom, làm trong ngành kỹ nghệ không gian, kỹ sư bác sĩ danh tiếng và dạy tại các trường đại học danh giá. Ngày nay, lớp trẻ Việt Nam ở Mỹ phần lớn học rất giỏi. Có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp hạng tối ưu trong nhiều lãnh vực, ngành nghề.


Nàng chở Việt kiều du ngoạn - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Người dân Việt Nam, nhất là những nông dân nghèo ở các vùng nông thôn, sống bao đời nay với kiểu “tay làm hàm nhai” có đồng nào ăn đồng nấy. Khi gặp bạo bệnh hay tai ương thì bán đất, cầm cố nhà cửa… đó là những gì khác hẳn cuộc sống của những Việt kiều ngày trước khi về Việt Nam. Từng có thời, người Việt làm nail thôi cũng kiếm được 2, 3 trăm đô một ngày. Số tiền ấy bằng cả 4, 5 tháng làm mướn của một người lao động. Chưa kể là có nhiều gia đình làm chủ hãng, tiệm ăn… thì việc kiếm tiền còn gấp mấy chục lần.


Mát-xa tha hồ nổ - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Vì cái mác Việt kiều mà đa phần quý ông về Việt Nam tìm vợ hay ăn chơi tha hồ mà “nổ” với các cô. Không chỉ hứa suông mà có thưởng liền tay nếu được “yêu” nồng nhiệt, phục vụ tận tình. Mãnh lực tiền đô không những thu hút các cô gái thôn nữ mà ngay cả những cô chân dài ở phố thị. Vì có quá nhiều cơ hội lựa chọn nên là Việt kiều, họ nghĩ sao lại không hưởng chút đỉnh tại “ao nhà”. Dưới mắt một số người ở Việt Nam, đã là Việt kiều thì người nào cũng thấy có tiền đô. Và hễ đã là Việt kiều thì tiền bạc chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Trong vòng hào quang “con thỏ” đó, một số Việt kiều cũng “nổ tới bến”, từ cụ già gần đất xa trời muốn hưởng thụ cho tới thanh niên thiếu nữ choai choai.


Cho dù là người mẫu hay hoa hậu miệt vườn cũng mong ước lấy chồng Việt kiều - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Trong mục Phong trần Quán, báo Ngày Nay, xuất bản tại Hoa Kỳ hôm 15-2-2009 có bài thơ về chuyện Việt kiều hồi hương:
“Trông xa cứ tưởng bác già
Lại gần mới biết chỉ là chú thôi
Cầm tay đích thực anh rồi
Vật nhau xuống nệm là tôi với mình”.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT