Hoa Kỳ

Mùa mưa của Haiti gây ra lũ lụt, dịch tả làm nhiều người chết

Bạch Vân/Viễn Đông Saturday, 12/05/2012 - 10:03:30

Có nhiều cuộc họp giữa chính phủ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức hợp tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nhưng những giải pháp cụ thể thì không bao nhiêu”.

Bạch Vân/Viễn Đông

PORT AU PRINCE, Haiti – Haiti đã bắt đầu vào mùa mưa hàng năm, gây ra lũ lụt làm chết hàng chục người, và khiến cho hàng ngàn người phải tản cư chạy lụt, phá hủy mùa màng và làm hại đất đai, trong một quốc gia nghèo nhất ở Tây Bán Cầu.
Kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa mưa ở Haiti làm cho người ta càng thêm lo ngại, sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,0 độ Richter tại nước này trong tháng 1 năm 2010. Theo những con số vẫn còn gây tranh cãi của chính phủ Haiti cho biết, ngoài hơn 316.000 người thiệt mạng vì trận động đất, còn có trên 1,5 triệu người bị mất nhà cửa, nếu có chỗ tạm cư thì cũng rất ít, để cho họ yên ổn náu thân tránh mưa lũ.
Góp thêm phần gây ra quan ngại như vậy, trong tháng 10 năm 2010, dịch tả lan tràn khắp nước, mà theo tin tức cho biết, đã giết chết ít nhất 7.000 người và làm cho hơn 500.000 lây bệnh. Vì dịch tả được biết là truyền nhiễm qua đường nước, nên lũ lụt trở thành bãi nuôi nhung nhúc vi khuẩn, được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mô tả như là nguyên nhân gây ra “nhiễm trùng đường ruột”, dẫn đến chứng “tiêu chảy” và nôn mửa, nhanh chóng làm cho bệnh nhân bị “khô nước”, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được kịp thời điều trị.
Mặc dù các phương tiện truyền thông chính lưu đưa tin rằng số người chết vì dịch tả đã giảm bớt, nhưng một hãng truyền thông ở Haiti là Haiti Libre cho biết tỉ lệ chết vì dịch tả của Haiti đang tăng lên, cùng với số lượng những người lây nhiễm tả lị. Hãng tin này cho biết thêm rằng các trung tâm điều trị ở một số vùng đã đạt đến mức không còn chỗ chứa người bệnh nữa, trong khi đó một số viên chức y tế đã không nhận tiền lương, tính từ tháng 1 năm 2012.
Haiti Libre tiếp tục đưa tin rằng khi mùa mưa chấm dứt, thì ngân khoản tài trợ cũng giảm bớt đi, và nếu có nhấn mạnh thì người ta cũng rất ít nhấn mạnh vào việc phòng chống dịch tả, khiến cho dân chúng dễ bị tổn thương khi trận dịch bệnh tái phát.
Bên trong những túp lều trại, nơi mà gần 500.000 người vẫn còn sống sau khi phải di tản vì trận động đất năm 2010, theo tin tức cho hay, có chưa tới một phần ba trong số những người này có nước uống đầy đủ, và chỉ có 1 phần trăm trong số ấy đã nhận được xà phòng, theo Haiti Libre cho biết. Nguồn tin này trích dẫn lại lời ông Gaetan Drossart, người cầm đầu đoàn cứu trợ nhân đạo của tổ chức Thầy Thuốc Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières – MSF), nói: “Điều gây ra lo ngại là chuyện chính quyền đã không được chuẩn bị sẵn sàng hơn, và họ cứ tiếp tục những bài diễn văn trấn an không phù hợp chút nào với thực tế. Có nhiều cuộc họp giữa chính phủ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức hợp tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nhưng những giải pháp cụ thể thì không bao nhiêu”.

Lược sử Haiti
Haiti nằm ở trên vùng biển Caribbean, phía Tây của nước Cộng Hòa Dominica. Cả hai quốc gia này đều chung nhau một hòn đảo, được gọi là Hispaniola khi thực dân Tây Ban Nha đến đây chiếm đất làm thuộc địa vào năm 1492. Chế độ thực dân Tây Ban Nha đã giết chết phần lớn số dân của người Taino bản địa ở Hispaniola, bằng cách đem vào hòn đảo này những chứng bệnh từ ngoại quốc, những cuộc chiến tranh, và chế độ nô lệ. Để bổ túc lực lượng lao động xây dựng một vùng thuộc địa, người Tây Ban Nha đã mang nhiều người Phi Châu sang Hispaniola để làm nô lệ.
Người Pháp cũng đến ở mạn Tây hòn đảo Hispaniola, cạnh tranh giành giật với Tây Ban Nha. Năm 1697, hòn đảo này được chia thành hai phần: miền Tây, hoặc vùng của người Pháp, là khu vực hiện nay được gọi là Haiti, còn miền Đông, tức vùng thuộc Tây Ban Nha, là khu vực bây giờ gọi là Cộng Hòa Dominica.
Những cuộc nổi dậy của số người da đen tự do cũng như nô lệ, nổ ra trong khu vực ngày nay được gọi là Haiti, đã làm cho tất cả các vùng thuộc địa của Pháp phải bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1794. Mặc dù Pháp mưu toan tái lập chế độ nô lệ trong khu vực nay được gọi là Haiti, quốc gia này đã tuyên bố độc lập vào năm 1804, nhưng mãi cho đến năm 1825 thì người Pháp mới chịu công nhận nền độc lập của Haiti.
Một phần của sự thừa nhận của Pháp sẽ có nghĩa là Haiti phải trả tiền bồi thường cho nước Pháp, đền bù cho những sự mất mát của Pháp về “tài sản”, bao gồm cả những người nô lệ, đất đai, và máy móc dụng cụ. Cho dẫu việc Haiti trả tiền bồi thường như vậy đã làm bãi bỏ một lệnh cấm vận thương mại do Pháp, Anh, và Hoa Kỳ áp đặt trên nước này, nhưng Haiti đã gánh chịu những khoản lãi suất cao để có thể trả tiền bồi thường cho đầy đủ. Điều này Haiti phải làm mãi cho tới năm 1947, và đến nay Haiti vẫn ngập đầu dưới những món lưu cữu ấy.

Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ
Khi trận động đất 2010 xảy ra, các tổ chức viện trợ nhân đạo từ khắp nơi trên thế giới đổ xô vào Haiti, đưa thức phẩm khô, dụng cụ vệ sinh, học cụ và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, vì Haiti là một nước vốn đã nghèo ngay từ trước khi xảy ra trận động đất, nên có những thôn làng dù không bị động đất tàn phá, nhưng dân làng vẫn cứ quả quyết rằng họ bị thiệt hại, để họ có thể lãnh được hàng cứu trợ mà họ đã cần từ nhiều năm nay, theo một phóng viên Viễn Đông biết tin được về chuyện này, từ các tổ chức cứu trợ nhân đạo, trong một chuyến đi sang Haiti hồi tháng 3 năm 2010.
Trước khi Mục Sư Kene Panas – thuộc hội thánh Thân Hữu Cộng Đồng Duyên Hải (Coastal Community Fellowship) của thành phố Fountain Valley – nghe kể những câu chuyện như vậy, ông đã giúp mở một cuộc lạc quyên thực phẩm được đóng gói và gởi sang cho trẻ em Haiti, thông qua tổ chức Trẻ Em Quanh Thế Giới (Kids Aroudn The World).
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Panas nói với nhật báo Viễn Đông rằng cộng đồng tín đồ của ông là một trong nhiều nhóm đứng ra tổ chức những cuộc vận động cứu trợ như thế, cố gắng đóng gói gởi sang Haiti 1 triệu phần ăn trong tháng năm 2012. Dịp lạc quyên này sẽ gồm có một buổi duy nhất kéo dài hai tiếng đồng hồ, với khoảng 200 người giúp đóng gói những loại thực phẩm sấy khô, trị giá 25.000 Mỹ kim, trong đó có chứa chất đạm protein và rau quả sấy khô, theo Mục Sư Panas cho biết. Ông nói thêm rằng số thực phẩm ấy sẽ được đóng thành dạng gói, rồi sắp những gói đồ khô ấy vào thùng, mỗi thùng chứa 36 gói, đủ để nuôi một đứa trẻ Haiti trong chừng bảy tháng.
Mặc dù Mục Sư Panas cho biết rằng hội thánh của ông sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn, thông qua những kế hoạch cứu trợ nhân đạo của mình trong tương lai, nhưng ông cảm thấy rằng việc đóng gói đồ ăn khô, rồi gửi sang cho Haiti, sẽ giúp cho những người trong cộng đoàn của ông và cộng đồng nói chung “suy nghĩ vượt ra bên ngoài bản thân của họ”.
Ông mời gọi cộng đồng tham gia vào việc đóng gói thực phẩm cứu trợ vào ngày 19-5-2012, từ 10 giờ sáng tới 12 giờ trưa, tại bãi cỏ nhà thờ Coastal Community Fellowship, nằm bên cạnh Tòa Thị Chính Fountain Valley, ở địa chỉ 10460 Slater Ave, Fountain Valley, CA 92708. - (BV)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT