Xe Hơi

Mua xe cũ: Lái thử… chủ xe

Friday, 01/01/2016 - 09:25:03

Bạn có thể xóa tên chiếc xe ra khỏi danh sách ngay lập tức, vì qua câu chuyện đã khám phá ngay được điều “vi phạm”. Nhờ đó, bạn tiết kiệm được nhiều thời giờ và công sức.

Bài HAO SMITH

Chúng ta đang nói về việc tìm mua xe cũ. Sau khi nhắm được vài chiếc xe vừa ý rồi thì bước kế tiếp là gì? Lấy điện thoại, địa chỉ và hẹn giờ đi xem xe và lái thử? Đúng, việc lái thử là quan trọng, bạn cần lái thử trước, nhưng không phải là lái thử chiếc xe mà là lái thử … chủ xe, tức là phỏng vấn đương sự một cách rất kỹ càng trước đã. Cho dù đó là xe bán tại đại lý hoặc xe tư nhân, bạn cũng không thể bỏ qua giai đoạn lái thử này. Có hai lý do để bạn làm như thế:

- Bạn có thể xóa tên chiếc xe ra khỏi danh sách ngay lập tức, vì qua câu chuyện đã khám phá ngay được điều “vi phạm”. Nhờ đó, bạn tiết kiệm được nhiều thời giờ và công sức.

Nhưng làm sao biết được chiếc xe là tốt hay xấu?



- Nếu vẫn muốn coi xe, bạn có thể đối chiếu những gì được nghe từ người chủ và những gì được thấy tận mắt, để từ đó suy ra người chủ có thành thực ngay từ ban đầu hay không. Và nếu biết rằng người bán không thành thực với mình, liệu bạn có muốn tiếp tục mua bán với họ không?
Sau đây là những điều bạn cần hỏi:

Hỏi về chủ quyền và quyền sử dụng là điều tiên quyết, bởi vì chúng ta không muốn mất quá nhiều thời giờ và công sức với một người tự xưng là “chủ nhân”nhưng thực tế không có chủ quyền hợp pháp. Phần này bao gồm những câu hỏi cụ thể:

1. Ông có chủ quyền trên chiếc xe không? Có còn ai khác cùng đứng tên không?
Phải hỏi rõ như vậy để biết rằng mình đang nói chuyện với ai. Có thể chủ quyền chiếc xe là của nhiều người, hoặc người chủ vẫn còn nợ tiền ngân hàng, và đương sự chưa thực sự là chủ nhân.

2. Ông có phải là người lái chiếc xe này nhiều nhất không?
Tốt nhất chúng ta cần phải nói chuyện với người sử dụng xe để xem họ có phải là một tài xế có trách nhiệm hay không? Cũng có thể chiếc xe được đứng bán bởi người chủ không sử dụng, chẳng hạn, người cha đứng chủ quyền nhưng con gái ông ta là người sử dụng. Biết được như vậy, bạn mới có thể quyết định cần nói chuyện với ai nhiều hơn. Nếu mua xe từ đại lý, bạn vẫn nên hỏi: “Vậy, ông (salesman) có biết gì về người chủ cũ của chiếc xe không?” Về chuyện lái nhiều hay lái ít, chúng ta sẽ đề cập trong phần tình trạng chiếc xe.

3. Ông có phải là người chủ đầu tiên không?
Nói chung, nếu đương sự là đời chủ đầu tiên, đó là điều tốt nhất. Bằng không, bạn cũng có thể biết được chiếc xe đã được chuyền tay như thế nào. Đặc biệt để ý khi chiếc xe được chuyền tay nhiều lần trong một thời gian ngắn chỉ có vài năm. Chắc chắn phải có lý do gì khiến những người chủ này muốn chia tay nhanh như vậy.

4. Tại sao ông muốn bán xe?
Chẳng có người chủ nào lại trả lời: “Bởi vì cái xe đáng cho vào nghĩa địa rồi!” để cho người mua cúp máy ngay. Ai cũng sẽ nói một câu gì đó làm tăng giá trị chiếc xe. Vì thế, câu hỏi này nghe như có vẻ thừa. Vả chăng, dù người chủ nói sao chăng nữa, chúng ta cũng đâu có thể phối kiểm lại xem có chính xác không. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn cần được đặt ra, và câu trả lời có thể tiết lộ nhiều điều quan trọng về tình trạng chiếc xe. Biết đâu câu trả lời sẽ là một bất ngờ. Hoặc người bán tỏ ra lúng túng vì không kịp nghĩ ra một nguyên do “nghe được” để trả lời cho người mua. Tất cả những chi tiết không phải là ít giá trị để cho bạn một phán đoán.
Kế tiếp, bạn cần hỏi về vấn đề tai nạn:

5. Chiếc xe có bị tai nạn bao giờ không?
Đây là một câu hỏi quan trọng. Chiếc xe đã bị đụng dù được sửa chữa rồi vẫn dễ xảy ra những trở ngại sau này, trừ khi đó là sự va chạm nhẹ. Nếu người chủ nói “không” qua điện thoại, mà khi đến xem bạn lại khám phá ra dấu vết thiệt hại đã được sửa chữa, bạn sẽ có thêm chi tiết để phán đoán về tư cách người bán ở tầm mức nào: có phải họ cố tình giấu diếm không? Hay, chỉ là vì bản thân đương sự cũng không hiểu lắm về chiếc xe? Vậy bạn có nên tin vào những điều khác họ đã nói về chiếc xe hay không?
Chiếc xe chưa bị đụng bao giờ vẫn là một “ứng cử viên” sáng giá nhất. Nhưng đi mua xe cũ, bạn không thể cầu toàn, và buộc phải chấp nhận một sự dung hòa nào đó. Chiếc xe đã bị đụng vẫn có thể là good deal, với điều kiện bạn cần hỏi thêm chi tiết về mức độ thiệt hại, tốn phí sửa chữa, nếu có thể được thì đòi xem bản kê khai sửa chữa, và hỏi tên của tiệm sửa chữa. Đừng để ý quá nhiều nếu đó chỉ là những va chạm trầy trượt nhẹ. Nhưng nếu chiếc xe đã bị đụng nặng, tốn kém sửa chữa lớn, đó là một vấn đề khiến bạn phải suy nghĩ lại cho kỹ càng.
Lần sau chúng ta sẽ nói về những chi tiết cần hỏi về tình trạng chiếc xe.
Haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT