Người Việt Khắp Nơi

Mục sư đi bộ kéo thuyền kêu gọi tình thương cho người tị nạn

Thursday, 20/03/2014 - 10:28:50

Trong mấy ngày qua, một người Úc gốc Việt đã được giới truyền thông địa phương chiếu cố, phỏng vấn và đăng tin vì ông đang làm một việc làm rất khác thường. Đó là ông thực hiện một chuyến đi bộ rất xa, lên tới hàng trăm cây số, vừa đi vừa kéo theo một chiếc thuyền gỗ nhỏ ở sau lưng.



Mục sư Nguyễn Trí và chiếc thuyền nhỏ do cha của ông đóng. (Hình: The Age)



Ông Trí và vài người đi bộ ủng hộ ông. (Hình: SBS)

MELBOURNE – Trong mấy ngày qua, một người Úc gốc Việt đã được giới truyền thông địa phương chiếu cố, phỏng vấn và đăng tin vì ông đang làm một việc làm rất khác thường. Đó là ông thực hiện một chuyến đi bộ rất xa, lên tới hàng trăm cây số, vừa đi vừa kéo theo một chiếc thuyền gỗ nhỏ ở sau lưng. Ông làm như vậy để tạo chú ý về trường hợp các thuyền nhân đang cần được chính phủ Úc cho phép tị nạn chính trị.

Theo giới truyền thông Úc, người đang làm một chuyến du hành là ông Nguyễn Trí, 42 tuổi. Ông đang đi bộ từ Melbourne ở miền đông nam Úc đến thủ đô Canberra ở phía bắc, kéo theo một chiếc thuyền gỗ do chính cha của ông đóng dựa theo hình ảnh chiếc thuyền mà người tị nạn Việt Nam từng dùng để vượt biển tìm tự do hơn hai thập niên trước. Cuộc đi bộ diễn ra trong sự lặng lẽ nhưng mang một thông điệp gây vang động, thỉnh cầu sự đối xử tử tế hơn đối với những người tị nạn đang sống trong những trại tạm giam.

Vào giữa tuần này, bên cạnh những dòng xe cộ ầm ầm chạy ngang qua, trên xa lộ Northern Highway giữa Wallan và Kilmore, ông Trí bình thản kéo chiếc thuyền gỗ mà không phiền hà gì đến xe chạy ở chung quanh.

Vào năm 1980, khi được 8 tuổi, ông còn nhớ nỗi sợ hãi thực sự của nhóm thuyền nhân Việt Nam bị đe dọa bởi những người đàn ông cầm súng bắt giữ chiếc ghe tị nạn chở họ thoát khỏi Việt Nam. Nhóm 68 người tị nạn đã được đưa tới một hòn đảo của Mã Lai và được cho ở trong một khu nhà có hàng rào bao bọc.

Mỗi ngày họ được cho ăn một chén cơm, và ban đêm thì họ bị lột quần áo để bị lục soát. Sau đó chú của ông nói với ông rằng các phụ nữ tị nạn đã bị hãm hiếp. Nay ông Trí là một vi mục sư thuộc Hội Thánh Baptist ở Brunswick. Ông nói có nhiều chuyện đã phai mờ dần từ kinh nghiệm hãi hùng, nhưng ông còn nhớ mình đã nghe tiếng khóc la.

Ông cũng nhớ lại rằng sau khi đến Úc, lòng tử tế của người địa phương đã được bày tỏ cho cha ông tên là Năng, cho ông, và em gái là Trang, 11 tuổi. Họ sống trong nhà tạm cư Midway ở Maribyrnong vào năm 1982, nơi đó không có hàng rào kẽm gai.

Dân chúng địa phương đã dạy tiếng Anh cho họ, tặng họ quần áo và cho các bữa ăn, cũng như giúp ông Năng tìm được một công việc tại Bưu Điện Úc. Một nhóm người từ Hội Thánh Baptist Moonee Ponds đã giúp mẹ và hai người em trai của ông đến Úc cách tám năm sau đó. Lúc 2 giờ sáng, 60 người khách lạ đến chào đón họ tại phi trường Melbourne.

“Chúng tôi đã bị chấn thương tâm lý và đã có một cuộc hành trình thực sự gian nan, nhưng đã được đón nhận trong tình yêu thương và lòng hiếu khách,” ông nói với nhật báo The Age.

Để cám ơn dân chúng Úc, và để quyên tiền cho Sanctuary, chương trình Baptcare giúp nơi ăn chốn ở cho những người đang xin tị nạn, mục sư Nguyễn Trí đang đi bộ tới Canberra trong 35 ngày, và trong mấy ngày qua ông đã đi qua các thị xã Benalla, Wodonga, và Wagga Wagga.

Mục đích của ông là đến Canberra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tặng chiếc ghe nhỏ cho Quốc Hội, sau đó tham dự một nghi lễ đại kết vào sáng Chủ Nhật Phục Sinh, trên bờ hồ Lake Burley Griffin.

Chiếc ghe nhỏ mà ông Trí kéo theo sau lưng là do ông Nguyễn Năng, 70 tuổi, cha của ông Trí làm. Cụ Năng lấy cảm hứng cho chiếc thuyền gỗ và người kéo thuyền một phần từ một bức tranh biếm họa của họa sĩ Leunig người Úc, vẽ một người đàn ông và một con vịt kéo theo một chiếc xe đẩy. Chiếc thuyền đã vẽ hình hai con mắt ở trước mũi.

Ông Trí cho biết ông không phải là một người tranh đấu chính trị, nhưng sau khi nghe nói về những điều kiện sinh hoạt dành cho những người tị nạn trên đảo Manus và đảo Christmas ở miền tây nước Úc, ông muốn làm một gì đó cho những người muốn đến tị nạn ở xứ Úc. Hai đảo trên đang giam giữ hàng trăm người mà phần lớn từ Trung Đông và Nam Á như Pakistan, Iraq, Iran. Ngoài ra cũng có một số ít người Việt Nam còn bị kẹt trên các trại này vì chính quyền Úc không xem họ có lý do chính đáng để được tị nạn chính trị.

Ông nói, “Tôi cảm thấy thực sự tức giận và rất buồn về chuyện những người tị nạn ấy bây giờ không nhận được sự đón tiếp như tôi nhận được trước đây.”

Ông nói rằng người Úc nay cần thay đổi thái độ tiêu cực về người tị nạn.

Làm việc với những người tị nạn Iran tại nhà thờ của ông ở Brunswick, và làm tình nguyện viên ở St Albans, ông ngạc nhiên khi thấy ước vọng của họ là muốn được hạnh phúc và muốn được góp phần vào xã hội, và ông buồn vì chuyện họ bị ngược đãi và cô đơn tại nơi giam giữ, và không có khả năng để làm việc hoặc đoàn tụ với gia đình của họ.

Ba người trong số những người Iran ấy đang đi theo ông Trí trong cuộc đi bộ hiện nay. Từ khi khởi hành từ nhà thờ vào ngày Chủ Nhật 16 tháng Ba vừa qua, họ đã trao đổi những câu chuyện với dân chúng địa phương. Mục đích là để chuyển tải các khía cạnh con người của những người tị nạn, hơn là chỉ xem đó là một vấn đề mà thiếu tình người.

Ông Trí nói, “Điều chúng ta cần làm là bày tỏ lòng từ bi và làm việc cho công lý giúp những người bị áp bức.”

“Đó là điều tốt nhất ở nước Úc. Tôi hy vọng trong 30 năm, chúng ta có những người tị nạn muốn nói lời cám ơn, còn hơn là có chúng ta muốn nói lời xin lỗi,” ông nói.

Khoảng cách giữa Melbourne và Canberra là hơn 660km.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT