Đạo và Đời

Mục tử và con chiên

Wednesday, 22/04/2015 - 07:52:55

Còn Chúa Giêsu đích thực là Mục Tử duy nhất, chân chính, tốt lành. Ngài tự mô tả về người mục tử ấy như sau: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như tôi biết Chúa Cha và Chúa Cha biết tôi, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Bài LM TRỊNH NGỌC DANH

Chúa nhật thứ IV sau Phục sinh năm nào Giáo Hội cũng dành để nói về Chúa Kitô, Mục tử nhân lành, đồng thời cũng dành Chúa nhật này để cổ vũ cho ơn thiên triệu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, trước mặt người Do thái, Chúa Giêsu đã tự xưng mình Mục tử nhân lành. Đối nghịch với mục tử nhân lành là người làm thuê, kẻ chăn thuê. Chúa Giêsu đã nêu bật những đặc điểm của người mục tử chân chính và người chăn thuê như sau: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên.”
Còn Chúa Giêsu đích thực là Mục Tử duy nhất, chân chính, tốt lành. Ngài tự mô tả về người mục tử ấy như sau: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như tôi biết Chúa Cha và Chúa Cha biết tôi, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Người Mục Tử ấy không những chăm sóc, hy sinh vì chiên của mình mà còn có nhiệm vụ quy tụ và phát triển đàn chiên để chỉ còn một đàn chiên duy nhất: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử.”
Người chăn thuê, vì nghĩ đến tính mạng của mình hơn tính mạng của con chiên, nên anh tháo chạy khi gặp nguy hiểm; anh bỏ mặc đoàn chiên cho sói dữ vồ lấy chiên để thoát thân, vì anh nghĩ đến sự an toàn cho bản thân mình hơn là bảo vệ chiên, vì đàn chiên không thuộc về anh ta.
Sách Êdêkien nói về các mục tử Israen như sau: “Hỡi các ngươi, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Israen, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho lành mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.”(Ed 34: 2-6) Đó là những nét tiêu cực của những mục tử giả hiệu.
Ngược lại, người mục tử chân chính đồng hóa mình với con chiên, không xem con chiên của mình thấp kém hèn hạ; người mục tử ấy biết con chiên của mình và con chiên biết chủ chăn. Biết ở đây không phải thuần túy về nhận thức, nhưng biết bao hàm một ý nghĩa rộng hơn là bằng trí óc và con tim, nghĩa là bằng nhận thức và bằng tin yêu. Chúa Giêsu đưa ra một so sánh “như tôi biết Chúa Cha và Chúa Cha biết tôi” để nói lên mối quan hệ thân thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con trong tinh thần kính phục, yêu thương và làm theo thánh ý Chúa Cha.Cả hai Ngôi Vị có một sự hòa đồng và đồng cảm. Biết ý của Chúa Cha là muốn cứu thoát con người khỏi sự hủy diệt của tội lỗi, muốn đưa con người về sự sống hạnh phúc vĩnh cửu, nên Chúa Con đã chấp nhận xuống thế làm người để thí mạng sống mình để giải thoát con người.
Cũng thế mục tử biết chiên và chiên biết mục tử là dấu chỉ của một sự hài hòa trong tư tưởng và tình cảm. Chúa biết những khát vọng của con người, biết những vất vả khốn cực của con người, thì ngược lại con người biết và nhận ra được lòng thương xót của Chúa, biết được sự quan phòng chăm sóc của Chúa đối với con người. Một đặc điểm nổi bật giữa người mục tử chân chính và người chăn thuê là hy sinh, hiến mạng sống vì con chiên. Chỉ người mục tử chân chính mới thực sự biết chiên của mình và dám hy sinh thí mạng sống mình vì chiên, vì chiên thuộc về người chăn chiên. Người mục tử còn có một khát vọng nữa là phát triển đàn chiên, đem những con chiên lạc và những con chiên chưa thuộc về đàn trở về để làm thành một đàn chiên duy nhất.
Về phần mình, là những con chiên trong đàn, chúng ta phải biết mình là ai, phải biết chủ chăn là ai và nghe theo tiếng của chủ chăn như thế nào. Thánh Gioan đã cho chúng ta biết: “Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa- mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sỡ dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”(1 Ga 3: 1) và biết chủ chăn của mình là ai để nghe theo tiếng chủ chăn kêu gọi như
Thánh Vịnh 22 đã cảm nhận: “Chúa là mục tử chăn đắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu cho qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 22: 1-4) Nhưng cũng có những con chiên bướng bỉnh tìm cách tách rời đàn chiên bằng những ý riêng, sở thích của mình, không nghe tiếng của chủ chăn nhưng lại chạy theo tiêng nói của người chăn thuê.
Để hoàn tất công việc quy tụ và phát triển đàn chiên thành một đàn duy nhất, Chúa Giêsu lại cần đến sự cộng tác của con người, cần những mục tử tiếp nối công việc chăm sóc và phát triển đàn chiên như hai ông Phêrô và ông Gioan trước Thượng Hội Đồng đã mạnh dạn tuyên bố: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”(Cv 4:12). Hàng giáo sĩ và giáo dân, cha mẹ trong gia đình, những thành viên trong cộng đoàn đều là những người được kêu gọi tiếp nối nhiệm vụ mục tử của Chúa Kitô.
Công đồng Vatican II hiểu ơn thiên triệu theo nghĩa rộng, nghĩa là tất cả mọi người đều được ơn gọi để quy tụ những chiên chưa thuộc về đàn chiên duy nhất là làm con Thiên Chúa và đều được kêu gọi nên thánh. Đây là ơn gọi phổ quát cho tất cả mọi người theo ý định của Thiên Chúa. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 40, Cồng đồng nói: “Tất cả các tín hữu, dù ở cấp bậc nào, đều được mời gọi đạt tới sự thánh thiện.” Chính vì thế, không chỉ có giám mục, linh mục và tu sĩ mà cả giáo dân, tất cả đều được mời gọi đạt tới sự thán thiện (LG 39).
Mỗi ngươi Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành mục tử theo gương Mục Tử Giêsu, đồng thời cũng là phải những con chiên tuân phục, nghe tiếng của chủ chăn, và phải cộng tác với Mục Tử chân chính là Chúa Giêsu để quy tụ tất cả thành một đàn chiên duy nhất.
Bao lâu chưa tập họp được tất cả các chiên lạc hay chiên chưa thuộc về đàn về một đàn chiên duy nhất, Chúa vẫn cần chúng ta cộng tác với Ngài.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT