Bình Luận

Mùng 4 Tháng Sáu

Wednesday, 29/05/2019 - 05:24:59

Cảnh xe tăng tràn vào rừng người đang tổ chức biểu tình đòi dân chủ, cán trên hàng trăm người và xác người, đàn áp dã man tại Thiên An Môn nghe như mới xảy ra năm ngoái, hoặc vài năm trước, nhưng thật sự nó là cuộc thảm sát lính Tầu bắn sinh viên Hoa cách nay 30 năm.


Luật sư Alan Leong (giữa) tranh đấu cho dân chủ, đã dự cuộc diễn hành tưởng niệm Biến Cố Thảm Sát 4 Tháng Sáu Thiên An Môn tại Hong Kong ngày Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019. (Philip Fong/AFP/Getty Images)


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Cảnh xe tăng tràn vào rừng người đang tổ chức biểu tình đòi dân chủ, cán trên hàng trăm người và xác người, đàn áp dã man tại Thiên An Môn nghe như mới xảy ra năm ngoái, hoặc vài năm trước, nhưng thật sự nó là cuộc thảm sát lính Tầu bắn sinh viên Hoa cách nay 30 năm.

Ngày mùng 4 tháng Sáu năm nay, trong quốc nội, ngoài hải ngoại, người Hoa âm thầm, hay rầm rộ, tổ chức ngày Thiên An Môn, bắt chước người Việt khóc hận mất nước đủ 44 lần, sau 44 năm thất trận, để ngày hôm sau lại tiếp tục nếp sống yên vui trên quê hương khác.

Một nhân chứng sống -cô trung úy Jiang Lin, thuộc Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc- chứng kiến cuộc tàn sát khiếp đảm đó. Sau 30 năm im lặng giữ kín cảnh quân đội thi hành lệnh của chính phủ cộng sản, giết người, Lin (xin Việt hóa thành Liên cho dễ đọc) thú nhận cảnh tàn sát đó cắn rứt lương tâm cô, và thái độ của chính cô - im lặng, không dám phản đối, ray rứt cô từng ngày.

Liên là phóng viên quân đội, phục vụ quân đội bằng cách viết bài tường thuật cho tờ Quân Đội Nhân Dân Nhật Báo.

Dĩ nhiên cô không được viết về cảnh tàn sát tại Thiên An Môn. Bố cô là một tướng lãnh trong quân đội nên cô được biết việc ông ta và nhiều tướng lãnh khác đã chống đối quyết định của chủ tịch Đặng Tiểu Bình.

Một số chính khách và tướng lãnh, vì chống đối cuộc tàn sát Thiên An Môn đã bị bắt, bị giam, và bị tước đoạt binh quyền, nhưng họ vẫn không thay đổi quan điểm là quân đội nhân dân Trung Quốc không cầm súng bắn nhân dân, không lái thiết giáp lủi và đám đông để giải tán họ.

Năm nay 66 tuổi, Liên không chịu đựng nổi sức ép của lương tâm cùng với nỗi ray rứt đã mặc quân phục Tầu -do đó đồng lõa với đơn vị thiết kỵ được điều động từ xa về thủ đô Bắc Kinh đem sức nặng hàng chục tấn của chiến xa nghiến nát xác chết của hàng trăm người Hoa, đa số là sinh viên trên dưới 20 tuổi.

Liên viết, "Năm đó, năm Quân Đội Nhân Dân tàn sát nhân dân, tôi là cô phóng viên gẫy bút, không dám tường thuật những điều mắt thấy, tai nghe, không dám viết lên những điều mình chứng kiến, vì nhiều tướng lãnh phản đối cuộc đàn áp Thiên An Môn (TAM) đã bị bắt, bị trừng phạt. Nhưng những điều mắt thấy, tai nghe đó, hành hạ tôi, dằn vặt tôi; thức hay ngủ tôi vẫn thấy khuôn mặt anh sinh viên nằm dưới xích sắt của chiếc chiến xa vừa cán trên cơ thể anh; cơ thể đã bị nghiền nát, nhưng cặp mắt chưa kịp chết vẫn nhìn tôi.

“Cặp mắt của anh sinh viên Trung Hoa, kinh ngạc vì bị chiếc chiến xa Trung Quốc cán nát thi thể theo tôi suốt 30 năm dài; tôi nhắm mắt lại để tránh cặp mắt đau khổ đó, nhưng cặp mắt vẫn hiển hiện trước mặt tôi, đeo đẳng, ám ảnh tôi.”

Cuối cùng Liên được phép xuất ngoại; trước ngày lên máy bay qua Mỹ, cô trả lời một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh. Cô xác nhận, "Niềm đau ẩn ức hành hạ tôi suốt 30 năm; tôi không được viết, không được kể lại những điều quan trọng nhất mà tôi chứng kiến. Tôi càng khổ tâm hơn vì những người lãnh đạo quốc gia, thay phiên nhau bóp méo sự thật, kể cả chủ tịch Tập Cận Bình."

Cô còn nói, "Tiếng nói của một mình tôi không đủ, tôi xin mọi người đã chứng kiến, đã tham dự cuộc vận động dân chủ sắt máu đó, cùng tôi lên tiếng. Đừng nghĩ là việc 30 năm trước là việc cũ."
Cô giải thích, "Những chứng nhân tham dự cuộc biểu tình hiện còn sống trong quốc nội, hay ngoài hải ngoại phải lên tiếng, vì đó là bổn phận của họ đối với những người bị giết, tại Thiên An Môn ngày mùng 4 tháng Sáu, 1989, hoặc bị bắt giam sau đó, và những đứa trẻ sinh ra trong thế hệ đó, năm nay đang trở thành sinh viên đại học.

“Mọi người cần biết rõ chi tiết về những cuộc tuyệt thực trong thời gian biểu tình tại Thiên An Môn, cần hiểu nguyên nhân nào thúc đẩy sinh viên làm tượng Nữ Thần Tự Do.”
Chi tiết mới cô Liên đóng góp là thái độ chống đối của nhiều tướng lãnh trong quân đội Trung Cộng vào thời đó.

Liên mô tả vai trò của cô trong việc bí mật loan truyền một bức thư do nhiều tướng lãnh ký tên khuyến cáo chính phủ không nên sử dụng quân đội vào việc đàn áp nhân dân. Lá thư cũng chống lại việc chính phủ dùng thiết quân luật martial law để giải quyết cuộc tranh chấp mang tính chất chính trị.

Cô Liên còn chỉ trích thái độ thụ động của giới trí thức người Hoa đang sống yên phận tại hải ngoại; cô trách là suốt 30 năm dài mà họ không viết được một quyển sách, không quay được một cuộn phim về cuộc đàn áp Thiên An Môn.

Thật ra vẫn có nhiều cá nhân, nhiều nhóm sử gia, văn nhân, nhiếp điện ảnh viên, thực hiện những cố gắng đơn lẻ, nhưng không tạo được tiếng vang tương xứng với nỗ lực vĩ đại của sinh viên đòi thay đổi chính sách từ độc tài cộng sản thành dân chủ tự do, và cái giá khiếp đảm mà họ phải trả.
Năm 1990 -một năm sau diễn biến Thiên An Môn- cô Liên , Jiang Lin, viết ,"Tôi thèm được mặc áo xô, chiết khăn tang lẻn vào Thiên An Môn, đặt giữa quảng trường một đóa bạch huệ, rồi gục xuống đó, không cần biết chuyện gì sẽ đến."

Một hình ảnh tuyệt vời, và cũng là một đoạn phim thời sự chống cộng vô giá! Nhưng đó vẫn chỉ là giấc mơ của cô Liên, và của những chiến sĩ chống cộng thiếu can đảm như tôi và một vài người gốc Việt vẫn chân tình yêu nước.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT