Xe Hơi

Mười điều căn bản tài xế cần lưu ý (kỳ 4)

Friday, 18/09/2015 - 09:20:05

Xe được chế ra để chạy, nhưng nó sẽ chạy tốt hơn và phục vụ lâu dài hơn nếu chúng ta luôn luôn cho nó di chuyển ở một vận tốc đều đặn. Điều này cũng dễ hiểu khi áp dụng với chính bản thân con người: Hãy tưởng tượng như trong một cuộc chạy đua, đa phần người lực sĩ giữ một vận tốc đều đặn, và chờ đến khi sắp tới đích mới huy động hết sức lực, vọt lên như tên bắn để vượt qua vạch đích.

 Bài HAO SMITH


                                         Hạn chế thắng vội, vì nó sẽ gây sốc cho máy xe

 
Biết lái xe, tận dụng sự tiện lợi của xe, và thưởng thức niềm vui lái xe, chúng ta không cần lo lắng nhiều quá về tình trạng “sức khỏe” của xe. Bởi vì những vụ “đau bệnh” nặng nề đã có thợ máy chuyên nghiệp săn sóc. Nhưng chúng ta cần giữ ít nhất 10 điều căn bản, có thể gọi là “10 điều tâm niệm” hoặc “10 điều răn”, giúp xe phục vụ lâu dài và biến thời gian ngồi sau tay lái thành những giờ khắc thực sự thú vi. Trong 3 bài trước, chúng ta đã lượt qua 8 điều, hôm nay, xin nói đến hai điều cuối:



                                Chạy với vận tốc đều đặn và duy trì kim RPM ở mức độ ổn định

9. Lăn bánh đều đặn, hạn chế dọt lẹ thắng vội

Xe được chế ra để chạy, nhưng nó sẽ chạy tốt hơn và phục vụ lâu dài hơn nếu chúng ta luôn luôn cho nó di chuyển ở một vận tốc đều đặn. Điều này cũng dễ hiểu khi áp dụng với chính bản thân con người: Hãy tưởng tượng như trong một cuộc chạy đua, đa phần người lực sĩ giữ một vận tốc đều đặn, và chờ đến khi sắp tới đích mới huy động hết sức lực, vọt lên như tên bắn để vượt qua vạch đích. Nhưng ngay sau đó đương sự coi như hết sức, anh ta/chị ta sẽ bước đi mệt lả, hoặc ngã nhoài vào vòng tay một người bạn. Nếu cứ vài phút một lần trên đường đua mà anh ta lại làm như vậy: Vọt lên rồi khựng lại, vọt lên rồi khựng lại…. thì chỉ cần chừng hai, ba lần là đương sự sẽ kiệt sức ngay giữa đường, không bao giờ về tới đích.

Đối với máy xe cũng vậy, không gì làm cho máy xe mau chóng rệu rã hoặc kiệt quệ trước thời hạn bằng kiểu lái xe vọt nhanh, thắng gấp. Phải lăn bánh trên những con đường đông đúc trong thành phố, là nơi bạn phải vừa chạy vừa dừng….., cũng không có lợi cho xe. Nếu là chuyện bất đắc dĩ thì đành chịu. Nhưng nếu có thể đổi đường, đưa xe ra xa lộ, để xe có thể bon bánh thênh thang và máy xe có thể vận hành được ở một vận tốt đều đặn được thì tốt hơn. Một cách dễ dàng nhất để nhận định là quan sát cây kim trên đồng hồ RPM (chỉ số vòng quay của máy trong một phút): Xe chạy nhanh, kim RPM sẽ nhích cao, và ngược lại, kim sẽ hạ xuống khi xe chạy chậm; Dù xe chạy nhanh hay chậm, bạn cần cố gắng duy trì cây kim này ở vị trí ổn định.

Chính vì thế, bất cứ khi nào có thể được, chúng ta nên dùng xa lộ để xe có thể được di chuyển thoải mái. Dù đường có xa hơn, nhưng máy chạy bền hơn, và phí tổn xăng nhớt cũng nhẹ hơn. Nếu bắt buộc phải di chuyển trên các tuyến đường thành phố, nên tìm những con đường vắng vẻ, ít xe. Trên một lộ trình mà xe lâm vào cảnh “stop and go” càng nhiều thì càng bất lợi cho máy. Tuyệt đối không bao giờ nên tranh hơn thua với xe đồng hành bằng cung cách hung hăng như dọt gấp, thắng vội….

                Hiệu đèn cảnh báo thường kèm theo màu sắc để chỉ mức độ quan trọng và khẩn thiết

10. Để ý hiệu đèn cảnh báo

Đó là những hiệu đèn cảnh báo (warning signs) trong bảng theo dõi trước mặt tài xế. Kể ra cho đầy đủ, chúng ta phải nói tới trên 150 hiệu đèn cảnh báo. Càng những xe đời mới, hệ thống càng trở nên nhậy cảm để nhận được những bất thường xảy ra trong hệ thống. Mặc dầu mức độ khẩn thiết của hiệu đèn khác nhau, nhưng tất cả đều là quan trọng và tài xế không thể bỏ qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa về màu sắc của hiệu đèn để có phản ứng thích hợp:

- Màu đỏ (Red): Chỉ một trục trặc có thể là trầm trọng, hoặc một vấn đề về an toàn, đòi hỏi phải xem xét ngay.

- Màu vàng hoặc màu cam (Yellow/Orange): Chỉ một vấn đề hoặc một trục trặc nào đó đang cần phải xem xét, điều chỉnh và sửa chữa trong một thời gian ngắn nhất.

- Đèn chớp nháy (flashing): Báo hiệu cho tài xế cần phải liên lạc với đại lý hoặc người sửa xe ngay.
Với những tín hiệu quan trọng cần bạn để ý ngay, xuất hiện qua màu đỏ, như hiệu đèn về Thắng (brake), về nhiệt độ nước Coolant, về Nhớt Máy…, tài xế cần dừng xe ngay và tìm cách đưa xe về nhà hoặc tới một cơ sở sửa chữa gần nhất.

Nhưng không phải hiệu đèn nào cũng đòi hỏi sự phản ứng tức thời như vậy. Có những dấu hiệu khác cho biết về nước rửa kính xe, về bánh xe non hơi, về việc cài seatbelt, hay về một cái cửa chưa đóng chặt…. Điều cần thiết là chúng ta phải hiểu ra ý nghĩa của hình vẽ, và màu sắc hiển thị qua hình vẽ.
 
Tóm lại, bất kể bạn có là người biết sửa chữa hay không, nhưng làm chủ xe, bạn cần phải nhớ 10 điều căn bản, bao gồm: 1. Nhớt, 2. Coolant, 3. Giữ cho đầu máy thở, 4. Tìm chỗ rò rỉ, và điều 5. Đừng để bình xăng quá cạn, 6. Cài lại dây nịt, 7. Thay bộ lọc xăng, 8. Thay dàn Spark Plugs, 9. Lăn bánh đều đặn, và 10. Để ý đèn báo động. Nhớ săn sóc chiếc xe của mình qua 10 điều trên, bạn sẽ trở thành một người chủ xe hạnh phúc nhất, và cái xe sẽ sẵn sàng phục vụ bạn cả triệu dặm đường hoặc hơn nữa.

haosmith@yahoo.com
Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6+$2 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 400 1849 (Lưu ý: Số mới). Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT