Xe Hơi

Mười Điều Răn của Chủ Xe (kỳ 1)

Friday, 28/08/2015 - 07:50:48

Chu trình vận chuyển của coolant cứ như thế liên tục: được bơm vào máy, nóng lên, trở về két nước, rồi lại được bơm vào máy….

Bài HAO SMITH

Đa số chúng ta chỉ biết đến cái xe khi cần sử dụng, với những động tác đơn giản là nhảy vào xe, tra chìa khóa, chờ nghe tiếng xình xịch quen thuộc, rồi vù đi. Thường chẳng mấy khi nghĩ đến máy xe. Chúng ta chỉ chủ ý đến khi có trục trặc, hoặc khi nghe những âm thanh lạ phát ra từ đầu máy. Việc giữ gìn máy xe, hay nói cho có chuyên môn một chút là bảo trì máy xe, là công việc chủ xe phải biết.
Nói săn sóc máy xe chỉ có nghĩa là: Bạn thỉnh thoảng nên mở nắp đầu xe ra, nhìn vào bên trong một chút, và thực hành những công tác bảo trì căn bản. Mặc dầu đa số công việc bảo trì xe là việc có thể tự làm, nhưng không có nghĩa là bạn cũng phải “lem luốc” dầu nhớt như những người thợ. Bạn có thể đưa xe ra tiệm cho thợ làm, nhưng điều quan trọng bạn phải biết là khi nào mang xe đi.
Theo giới chuyên gia bảo trì, công tác săn sóc máy có thể gồm tóm trong 10 điều, có thể coi như “Mười điều răn của chủ xe” như sau: 1. Thay nhớt máy, 2. Bảo đảm hệ thống nước mát hoạt động đều đặn, 3. Giữ cho đầu máy được thở, 4. Kiểm tra rò rỉ, 5. Đổ đầy bình xăng trước khi quá cạn, 6. Cài dây belt vào, 7. Để ý khi đèn cảnh báo, 8. Thay màng lọc xăng, 9. Lái đều đặn, tránh dọt hoặc thắng gấp, 10. Thay Bu-gi và dây nối bu-gi.

Thay nhớt và lọc nhớt từ 5,000 dặm trở lên



Chúng ta sẽ nói thêm chi tiết về từng “điều răn”:
1. Thay nhớt máy: Nhớt máy (Oil) là thành phần quan trọng giúp cho các bộ phận máy chuyển động không bị ma sát, nhờ đó máy không bị overheat (hiện tượng đầu máy quá nóng do nhiệt tăng cao, vượt quá sức chịu đựng của máy). Thay nhớt thường xuyên, và thay bộ lọc mỗi lần thay nhớt, là một trong những việc quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ máy. Sở dĩ phải thay bộ lọc (oil filter) cùng lúc thay nhớt là vì, nếu nhớt đã dơ tới mức phải thay thì bộ lọc nhớt cũng không thể nào còn sạch sẽ, vì bộ lọc nhớt chính là nơi giữ lại những cặn bẩn, không để cho chúng đi theo dòng nhớt lưu thông vào trong máy.
Nếu không biết làm gì khác hơn, ít nhất bạn phải biết điều này: Thay nhớt và lọc nhớt. Không có nhớt, đầu máy sẽ không hoạt động được đến 2 giây. Và nếu xài nhớt quá lâu, quá cũ, các bộ phận trong máy sẽ bị tổn thương.
Hiện nay, với phẩm chất nhớt được cải tiến, chúng ta có thể nới rộng thời gian giữa 2 lần thay nhớt, nghĩa là thay nhớt sau 5,000 dặm đường, thay vì 3,000 dặm như trước đây vẫn thường được khuyên. Đầu máy trong các kiểu xe đời mới có thể dùng nhớt lâu hơn, tới 7,000 dặm hoặc 10,000 dặm mới phải thay. Đầu máy trong các kiểu xe cũ không xài nhớt lâu được như vậy, nhưng cũng không cần thay trước mức 5000 dặm. Tuy nhiên, nếu sách cẩm nang có chỉ thị rõ ràng, bạn phải theo sát chỉ thị này.
2. Bảo đảm hệ thống nước coolant hoạt động đều đặn:
Bên cạnh việc bảo đảm đủ nhớt và thay nhớt thường xuyên, chúng ta không thể bỏ qua một việc khác: Bảo đảm có đủ nước Coolant lưu thông đều đặn trong máy, nếu không máy sẽ bị overheat. Thế nhưng, để coolant có thể lưu thông đều đặn, những bộ phận liên quan, tạo thành hệ thống làm mát máy (cooling system), phải hoạt động hiệu quả. Hệ thống làm mát máy bao gồm 4 bộ phận:
- Két nước (Radiator): Bể chứa nước coolant. Đeo bên cạnh két nước là một bình mủ, gọi là Overflow Tank.
- Điều nhiệt kế (Thermostat): Máy đo nhiệt độ và điều hòa sự lưu thông của coolant.
- Máy bơm nước (Water Pump): Máy bơm, tạo sức đẩy để đưa coolant đi.
- Và nước Coolant.
- Hệ thống cooling còn có một cái quạt (fan), nhưng quạt này khó hư mà chúng ta cũng chẳng có thể làm gì để “bảo trì” quạt, nên tạm thời không kể đến nó.

                         Bình mủ đeo ngang hông Radiator, giúp chủ xe kiểm soát mực nước.

Nước coolant lưu thông qua các ngõ ngách trong máy, và trở nên nóng hơn sau khi đã thâu hút nhiệt độ từ đó. Khi bộ phận điều nhiệt (thermostat) cảm nhận coolant đã lên nóng lên tới một mức ấn định, cần phải được giải tỏa cho bớt nóng, thì liền mở “cổng” cho coolant nóng chảy về két nước (Radiator) để được làm mát trở lại. Khi coolant đã hạ nhiệt, nó lại được máy bơm (water pump) hút lên đưa vào làm việc tiếp trong đầu máy.
Chu trình vận chuyển của coolant cứ như thế liên tục: được bơm vào máy, nóng lên, trở về két nước, rồi lại được bơm vào máy….
Theo dõi chu kỳ hoạt động của hệ thống cooling system, người sử dụng xe chỉ cần quan sát mức coolant nằm trong bình nước phụ (overflow tank). Đây là một cái bình mủ trong, đeo dính vào bên cạnh két nước chính (radiator). Mực nước coolant, có màu xanh hoặc màu vàng, có thể quan sát được từ bên ngoài: Điều cần thiết là mực nước ấy phải nằm trên vạch tối thiểu (minimum) và dưới vạch tối đa (maximum) ghi trên bình mủ. Có khi bình được ghi dấu Cold Level (tương đương Minimum) và Hot Level (tương đương Maximum).


                       Hệ thống làm mát máy gồm: Radiator, Thermostat, Water Pump, và Coolant

Nếu nhận thấy bình có đủ nước mà máy xe vẫn Overheat, chúng ta biết rằng sự trục trặc có thể xảy ra ở Radiator, ở Water Pump hoặc ở Thermostat. Nếu không muốn động chân động tay, bạn cứ đưa xe ra thợ máy. Kết quả chẩn bịnh sẽ cho biết vấn đề nằm ở đâu trong hệ thống làm mát máy.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, đúng, chi phí bỏ ra lúc này để điều chỉnh lại sự trục trặc ở đâu đó trong cooling system chắc chắn là nhẹ hơn nhiều, so với sự thiệt hại một khi đầu máy đã bị Overheat. (Xem tiếp bài 2)

haosmith@yahoo.com
Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6+$2 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 317 0625. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT