Xe Hơi

Mười điều răn của tài xế (bài 2)

Friday, 04/09/2015 - 07:50:52

Vì thế, mỗi khi thay nhớt máy, xin để ý liếc cái Air Filter một chút xem nó còn sạch không. Nếu không thì thay ngay để đầu máy có thể chạy được điều hòa, và bảo vệ cho đầu máy khỏi những thứ vẩn cặn bẩn thỉu từ ngoài trời thổi vào.

Bài HAO SMITH

Trong “mười điều răn của tài xế,” lần trước đã nói đến hai điều: Nhớt và Hệ thống coolant. Hôm nay, chúng ta nói tiếp điều 3 - giữ cho đầu máy thở; điều 4 – tìm chỗ rò rỉ, và điều 5 – đừng để bình xăng quá cạn.

3. Giữ cho đầu máy thở

Hãy tưởng tượng như bạn đang luyện chạy marathon. Bạn luyện tập thể lực, tập chạy mỗi ngày, hoạch định kỹ càng một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đúng mức. Nhưng tất cả những nỗ lực nầy chẳng ăn thua gì khi mà bạn không hề biết cách điều tiết hơi thở trong lúc chạy marathon. Chiếc xe cũng vậy: Nó cần đến một luồng khí liên tục chảy vào. Ngoài nhiên liệu, thì không khí là thành phần thiết yếu kế tiếp giúp cho đầu máy chạy. Không khí cần được tiếp liên lỉ vào cho đầu máy, không bị kẹt tắc và không có vẩn cặn. Ở đây, chúng ta cần tới một bộ phận khiêm nhường nhỏ bé: Cái màng lọc khí (air filter). Đây chính là bộ phận giúp cho luồng khí trong sạch không vẩy cặn được đưa vào trong máy.

Màng lọc khí (air filter) có nhiều kiểu – hình chữ nhật, hoặc hình tròn…., nhưng bạn phải dùng đúng kiểu có sẵn tùy theo nhà sản xuất



Bộ lọc giữ lại tất cả những cặn bẩn và những tác nhân “báo hại” từ luồng không khí ngoài trời mang lại, như sâu bọ, lá, cỏ, và bụi bẩn… không cho chúng đi vào trong đầu máy xe. Có thể nói, nó là quán trọ của những tác nhân báo hại ấy. Trải qua thời gian, “quán” đã chứa đầy những khách trọ đến rồi ở lì không chịu di chuyển. Đối với xe, điều cần làm là phá cái quán trọ đã ô nhiễm kẹt tắc ấy đi, bởi vì việc thay vào một quán mới thật là dễ dàng đơn giản và rẻ tiền.
Tùy theo thói quen lái xe và tình trạng đường xá, thời gian phục vụ của bộ lọc có thể thay đổi, nhưng nói chung một cái air filter có thể phục vụ được rất lâu, rất dai, dai đến nỗi mà người ta quên khuấy cả sự hiện diện của nó. Vì thế, thường xuyên xảy ra tình trạng chủ xe để cho màng lọc quá dơ bẩn và không thể hiện đúng chức năng của mình. Đáng tiếc, sự lơ là này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: Một là máy xe thiếu khí không “thở” được, hai là để quá nhiều chất cặn vào trong máy.
Vì thế, mỗi khi thay nhớt máy, xin để ý liếc cái Air Filter một chút xem nó còn sạch không. Nếu không thì thay ngay để đầu máy có thể chạy được điều hòa, và bảo vệ cho đầu máy khỏi những thứ vẩn cặn bẩn thỉu từ ngoài trời thổi vào.


                                               Đổ xăng khi vẫn còn chừng 1/3 bình.


4. Tìm chỗ rò rỉ

Không cần phải là người có tay nghề thợ máy mới kiếm ra được chỗ rò. Thậm chí, có khi chẳng cần phải xem thấy, bạn vẫn có thể đánh hơi được, tức là ngửi thấy: Nhớt máy và nước coolant là 2 thứ chất lỏng chính có mùi đặc biệt mà bạn phải kiểm tra gắt gao, tuyệt đối không để cho chúng bị rò rỉ ra bên ngoài.
Nên biết rằng máy và các bộ phận phụ tùng hoạt động dưới những điều kiện rất ngặt nghèo, như sức nóng ghê hồn và áp suất cực lớn. Các ống dẫn trong máy - đa số làm bằng cao su - sớm muộn cũng sẽ bị hư, để cho không khí, dầu nhớt rò rỉ cách này cách khác. Các điểm nối hai bộ phận với nhau, thường là bằng keo dán silicon hoặc bằng cao su, cũng là những điểm yếu, dễ bị nứt, dòn, vỡ… dưới sức nóng trải qua thời gian, khiến dầu nhớt… rỉ từ trong máy, chảy ra ngoài, hoặc tệ hơn nữa là vào trong các bộ phận không thể dung nạp chúng.
Để đề phòng hậu quả này, chúng ta có thể làm một công việc rất đơn giản và dễ dàng là thỉnh thoảng nâng nắp đậy đầu máy (hood) lên để nhìn vào bên trong, xem có nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi dầu nhớt rò rỉ hay không. Hoặc, kiểm tra dưới gầm xe, xem dầu nhớt có để lại những vết loang lổ trên sân hay không.
Nếu phát giác dấu hiệu rò rỉ, thì dù xe có còn chạy được, bạn cần phải ra tay ngay và có biện pháp thích ứng để ngăn chặn những điều tệ hại lớn hơn có thể xảy ra.


Đừng chạy xe tới mức không còn một giọt xăng, với kim xăng chỉ dưới vạch E như thế này



5. Đừng để bình xăng quá cạn

Công việc phổ thông nhất mà chủ xe phải làm, nhưng chẳng ai thích làm, đó là đi đổ xăng. Đa số thường hay trì hoãn, chạy cố được đến đâu hay đến đó, và chờ cho đến khi bình xăng cạn kiệt mới đi đổ. Đi đổ xăng, không ai hiểu là dốc ngược bình cho xăng đổ ra ngoài, mà thực ra là đi mua xăng. Móc tiền ra cũng thấy ngại, nhưng nếu cứ thường xuyên căn cho đến lúc kim xăng chỉ tới vạch E (empty, cạn kiệt) mới đi đổ, vậy là bạn đang hút xăng từ đáy bình cùng với tất cả những thứ cặn dơ đã lắng chìm trong đó từ bao lâu nay để đưa vào trong máy rồi.
Không thể chối cãi được rằng, dù có lọc kỹ càng đến đâu, số xăng mà chúng ta nạp vào bình chắc chắn phải có một chút cợn bẩn, nhiều ít tùy theo phẩm chất từng loại. Chút cợn bẩn này lắng xuống đáy bình xăng. Gom lại số năm lái xe và hằng trăm lần đổ xăng, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng, lượng cợn bẩn lắng xuống đáy bình quả thật không nhỏ. Bộ lọc xăng (fuel filter), hàng rào phòng thủ đầu tiên, sẽ cản lại phần lớn số cặn này, không cho nó đi tới trên đường dẫn nhiên liệu vào máy.
Tuy nhiên, nếu luôn luôn chạy xe cạn bình mới đi đổ, tức là bạn đang thử thách màng lọc này quá đáng. Một là nó sẽ bị nghẹt, làm xăng không còn lưu thông được, hai là nó có thể “bắt sẩy” và để cho một vẩy cặn nào đó lọt qua và đi vào máy, gây ra rất nhiều phức tạp nhức đầu sau này.
Một số người đề nghị nên đi đổ xăng ngay khi xe còn nửa bình. Nếu bạn thấy như vậy là quá sớm cũng không sao, nhưng đừng bao giờ chờ cho đến lúc bình cạn đáy rồi mới đến trạm xăng. Đầu máy xe sẽ rất cám ơn chúng ta về sự biết điều này. (còn tiếp)

haosmith@yahoo.com
Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6+$2 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 400 1849 (Lưu ý: Số mới). Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT