Hoa Kỳ

Mỹ đạt thỏa thuận với Phi Luật Tân, hoàn thành vòng vây Trung Cộng

Thursday, 02/02/2023 - 09:37:38

Mỹ đã được bảo đảm quyền sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân, địa điểm then chốt cho phép Hoa Kỳ...


Trong hình chụp ngày 23 tháng 12, 2022, các ngư dân Phi Luật Tân đang hành nghề chài lưới trong lúc bị tàu vệ binh Trung Cộng theo dõi tại bãi cạn Scarborough Shoal ở Biển Đông. (Getty Images)

 

MANILA - Mỹ đã được bảo đảm quyền sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân, địa điểm then chốt cho phép Hoa Kỳ được theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động của quân đội Trung Cộng trong vùng Biển Đông và chung quanh đảo quốc Đài Loan.

Với thỏa thuận này, Hoa Kỳ có thể kết nối những khoảng trống trong một vòng cung các quốc gia đồng minh của Mỹ trải dài từ Nam Hàn và Nhật Bản ở phía bắc đến Úc ở phía nam.

Các căn cứ của Phi Luật Tân nằm ở giữa vòng cung chiến lược này, vốn giáp ranh với hai điểm nóng tiềm tàng lớn nhất là Đài Loan và Biển Đông, mà Manila gọi là vùng biển Tây Phi Luật Tân và Việt Nam gọi là Biển Đông.

Hoa Kỳ đã có quyền sử dụng giới hạn tại năm địa điểm chiếu theo thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Enhanced Defense Cooperation Agreement (EDCA). Nay với quyền sử dụng thêm bốn căn cứ, Hoa Kỳ “sẽ có khả năng hỗ trợ mau chóng trong vấn đề cứu giúp nhân đạo và ứng phó thiên tai liên quan đến thời tiết cùng những thử thách được chia sẻ với Phi Luật Tân,” một lời ám chỉ mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực này.

Hoa Kỳ đưa ra lời tuyên bố trên sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin gặp Tổng Thống Phi Luật Tân Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr tại Manila hôm thứ Năm tuần qua, ngày 26/1.

Hoa Kỳ không cho biết bốn căn cứ mới trong thỏa thuận, nhưng gần như chắc chắn ba căn cứ nằm trên đảo Luzon nằm ở phía bắc Phi Luật Tân, một đảo lớn duy nhất gần Đài Loan, nếu không tính nội địa Trung Quốc.

Phi Luật Tân là lãnh thổ trọng yếu mang đến một vị trí giám sát trực diện Trung Quốc tại Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Một thỏa thuận với Phi Luật Tân, một phần đảo ngược việc Mỹ rút khỏi thuộc địa của Mỹ cách đây hơn 30 năm không phải là chuyện nhỏ.

“Không có tình huống bất ngờ nào xảy ra trên Biển Đông mà không cần phải tiếp cận Phi Luật Tân,” ông Gregory B Poling, Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - Centre for Strategic and International Studies (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn cho biết.

“Mỹ không tìm kiếm các căn cứ mang tính cách vĩnh viễn. Quan trọng là địa điểm, không phải căn cứ,” ông Poling nói.

Điều này có nghĩa Mỹ đang tìm cách tiếp cận đến những nơi mà các hoạt động “nhẹ nhàng và linh hoạt” bao gồm vấn đề cung ứng và giám sát có thể tiến hành, và khi cần thiết, thay vì các căn cứ gồm một số lượng binh sĩ lớn đồn trú.

Nói cách khác, điều này không phải là sự quay trở lại những năm 1980, khi Phi Luật Tân là nơi có 15,000 quân nhân Mỹ đồn trú và hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Á Châu, tại Clark Field và gần Vịnh Subic.

Sau đó vào năm 1991, chính phủ Phi Luật Tân kêu gọi chấm dứt việc đồn trú quân nhân. Người dân Phi Luật Tân đã lật đổ nhà độc tài bị chê bai Ferdinand Marcos, và việc đẩy thời thực dân ra khỏi nơi đây đã củng cố cho nền dân chủ và độc lập.

Chiến Tranh Việt Nam đã kết thúc từ lâu trước đó, Chiến Tranh Lạnh thì đang đi đến hồi kết thúc, quân đội Trung Cộng cho đến khi đó vẫn còn yếu kém. Vì vậy vào năm 1992, Mỹ quyết định rút quân và để lại một số ít binh lính.

Đến 30 năm sau khi mà một Marcos khác - Ferdinand Marcos Jr, con của nhà độc tài Ferdinand Marcos và phu nhân Imelda Marcos, còn có tên phổ biến là Bong Bong - quay trở lại Cung Điện Malacanang.

Quan trọng hơn là quân đội Trung Cộng không còn yếu như trước, và đang đe dọa cửa ngỏ nhà Phi Luật Tân. Chính quyền Manila đã dõi theo - kinh sợ nhưng không có sức mạnh để ngăn chặn - khi Bắc Kinh đã vẽ lại bản đồ Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã xây dựng 10 căn cứ trên các đảo nhân tạo, gồm cả một căn cứ ở Mischief Reef, mà Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân (EEZ).

Cho đến khi đó, mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã không có những vấn đề lớn, ông Herman Kraft, Giáo Sư Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Phi Luật Tân giải thích.

“Chúng tôi đã chấp nhận tình hình như thế tại Biển Đông. Thế nhưng vào năm 2012 thì họ [Trung Cộng] tìm cách giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Rồi sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các hòn đảo. Việc Trung Quốc giành đất đã làm thay đổi mối quan hệ.”

“Chúng tôi có khả năng rất hạn chế để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc,” cựu Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ, ông Jose Cuisia Jr nói.

Ông cho biết Trung Quốc đã thường xuyên phá vỡ lời hứa không quân sự hóa các căn cứ mới trên Biển Đông.

“Trung Quốc đã quân sự hóa những phần đất đó và đe dọa đến lãnh thổ của chúng tôi. Chỉ có Mỹ mới có sức mạnh để chấm dứt họ. Phi Luật Tân không thể làm điều này một mình.”

Thế nhưng lần này thì sẽ không có hàng ngàn lính thủy quân lục chiến và không quân của Mỹ một lần nữa đến các quận ăn chơi ở Olongapo hay thành phố Angeles.

Lịch sử về bạo động và phạm pháp của các binh sĩ Mỹ ở Phi Luật Tân vẫn còn là vấn đề nhạy cảm. Ước tính có khoảng 15,000 trẻ em bị để lại với những người mẹ Phi Luật Tân khi những người cha Mỹ đi về nước.

“Chúng tôi đã có một lịch sử kéo dài về sự bất bình đẳng trong mối quan hệ của chúng tôi,” Renato Reyes, Tổng Thư Ký Liên Minh New Patriotic, một nhóm cánh tả nói. “Phi Luật Tân đã bị bắt buộc phải gánh vác chi phí xã hội. Có một lịch sử hãm hiếp, lạm dụng trẻ em và chất thải độc hại.”

Việc Mỹ trở lại Phi Luật Tân bị các nhóm cánh tả của Phi Luật Tân cật lực phản đối.

Trong khi không có nhiều binh sĩ như trước đó, Hoa Thịnh Đốn hiện đang yêu cầu tiếp cận một số địa điểm mới, một số đối diện với Biển Đông, số khác thì đối diện về phía bắc, hướng tới Đài Loan. Các báo cáo không chính thức chỉ đến các lựa chọn ở các tỉnh như Cagayan, Zambales, Palawan và Isabela.

Nơi đầu tiên đối diện với Đài Loan, nơi thứ hai là bãi cạn Scarborough, và nơi thứ ba là Spratly Islands, mà phía Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa. Bất cứ căn cứ mới nào của Mỹ cũng sẽ nằm bên trong các căn cứ hiện tại ở Phi Luật Tân. Quân đội Mỹ sẽ đến theo các nhóm nhỏ và theo hình thức luân phiên.

Mục tiêu mà theo ông Poling nói, sẽ là ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ nào xa hơn của Trung Cộng ở Biển Đông, trong khi cũng cấp một nơi cho Mỹ để theo dõi các di chuyển quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan.

“Phi Luật Tân không có cách nào khác để ngăn chặn Trung Quốc bên ngoài liên minh này,” ông nói. “Quốc gia này đang mua hỏa tiễn BrahMos từ Ấn Độ. Mỹ muốn huy động hỏa tiễn hành trình Tomahawk. Cùng nhau họ có thể kiểm soát tàu của Trung Quốc.”

Với sự lo ngại ngày càng gia tăng liên quan đến một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan, Phi Luật Tân có thể mang đến “một vùng tiếp cận rìa” cho các hoạt động quân sự của Mỹ, hoặc thậm chí một nơi để sơ tán người tị nạn.

“Mọi người quên là có khoảng từ 150,000 đến 200,000 người Phi Luật Tân đang sống tại Đài Loan,” ông Poling nói.

Thế nhưng Manila sẽ không trở thành một thành viên toàn diện trong liên minh của Mỹ để thách thức hoặc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, Giáo Sư Kraft cho biết.

“Phi Luật Tân đang không làm những điều như Úc và Nhật, đó là trực tiếp thách thức các quyền lợi của Trung Quốc trên Biển Đông hoặc Biển Đông Á. Tổng Thống Marcos muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Nhưng ông cũng muốn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc vì quyền lợi kinh tế.”

Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu là không có ý định cho phép một thỏa thuận căn cứ mới giữa Manila và Washington làm cản trở mối quan hệ với quốc gia láng giềng.

Trong một bài xã luận được đăng trùng hợp với thời điểm Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ ở Manila, báo Global Times của nhà nước Trung Cộng đã cáo buộc Mỹ “lập một cái bẫy cho Phi Luật Tân” và “tìm cách đẩy Phi Luật Tân vào thế đối đầu trực diện với Trung Quốc.”

“Chúng tôi một lần nữa bị mắc kẹt ở giữa,” ông Reyes nói, người tin rằng Trung Cộng cũng là thế lực đế quốc tư bản như Mỹ. “Phi Luật Tân vẫn có tinh thần thực dân - và nhìn Mỹ như một người anh lớn.”

(Nguồn BBC)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT