Thế Giới

Mỹ, Tây Âu theo dõi trong lúc hải quân Tàu tập trận với Nga ở vùng Baltic

Friday, 21/07/2017 - 09:25:51

Một văn bản từ Bộ Tư Lệnh Âu Châu Hoa Kỳ nói, “Chúng tôi theo dõi chặt chẽ những cuộc diễn tập của Nga với những nước khác tham gia, như Trung Quốc.


Chiếc khu trục hạm Viễn Thành (Yuncheng) đang tập trận ở vùng Baltic thuộc Âu Châu


Các tàu chiến Trung Quốc tham gia với lực lượng hải quân của Tổng Thống Nga Vladimir Putin trong vùng Biển Baltic vào hôm thứ Sáu, trước khi diễn ra các cuộc tập trận đang được các cường quốc phương Tây theo dõi chặt chẽ.

Những cuộc tập trận ấy là dấu hiệu cho thấy phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc đang gia tăng, cũng như những mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Những cuộc tập trận ấy mở đầu một mùa hè bận rộn với những cuộc diễn tập của Nga ở Đông Âu, gây ra báo động tại Hoa Thịnh Đốn.

Chiếc khu trục hạm mang hỏa tiễn đạn đạo tân tiến nhất của Trung Quốc đã đến vùng Kalingrad của Nga vào hôm thứ Sáu, trước khi ra khơi cùng với một hạm đội Nga vào ngày thứ Hai, để tham gia cuộc tập trận kéo dài cho tới ngày 31 tháng Bảy.

Khu trục hạm Trường Sa đã được giới truyền thông Trung Quốc mô tả là “khu trục hạm mang hỏa tiễn đạn đạo tân tiến nhất” của Trung Quốc. Trong khi đó, tàu Viễn Thành cũng được coi là một chiếc tàu hộ vệ có khả năng lớn nhất, trong kho vũ khí của hải quân Trung Quốc.

Ông Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, nói với báo Global Times của Trung Cộng, “Bằng cách phái những chiếc khu trục hạm mang hỏa tiễn đạn đạo tân tiến nhất, Trung Quốc đang bày tỏ lòng chân thành cho Nga thấy, và cũng gửi tín hiệu mạnh mẽ tới những nước khác dự định khiêu khích chúng tôi.”

Trong khi Trung Quốc phái một số tàu chiến cao cấp nhất tới tham gia cuộc tập trận chung, thì số lượng tàu chiến thuộc hạm đội Baltic của Nga sẽ nhỏ hơn nhiều. Chỉ có hai chiếc tàu chiến đấu, tức hai chiếc tàu hộ tống mới thuộc hạng Steregushchy, sẽ được nhập đoàn bởi một chiếc tàu kéo yểm trợ, những chiếc máy bay trực thăng hải quân Ka-27, và những chiếc oanh tạc cơ Su-24 trên đất liền, để làm yểm trợ trên không.

Maxim Shepovalenko là cựu thuyền trưởng hải quân Nga và chuyên gia tại Trung Tâm Phân Tích Chiến Lược Và Công Nghệ (CAST) ở Moscow. Ông nói rằng lý do cho thấy một cuộc phô trương lực lượng nhỏ bé, trong kỳ tập trận chung năm nay, là rất dễ hiểu. Ông nói rằng sự biểu dương ít ỏi của Nga là vì “không cần một cuộc diễn tập quy mô lớn” trong vùng Baltic, “chỉ là một cuộc diễn tập có tính cách biểu tượng mà thôi.”
Ông Shepovalenko nói, “Ngay cả hải quân Nga cũng không tổ chức tập trận đại quy mô lớn. Và đối với Hải Quân Trung Quốc, đây chỉ là một cách để cho họ nếm thử hương vị của tầm vươn ra toàn cầu.”

Cuộc tập trận sẽ kéo dài một tuần, và sẽ có những đợt diễn tập chống tàu ngầm, chống máy bay, và chống tàu thủy. Hai bên cũng sẽ thực tập chống hải tặc, cũng như tập tìm kiếm và cứu nạn. Hạm đội hỗn hợp này nằm dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc Alexander Fedotenkov của Nga và Phó Đô Đốc Điền Trung của Trung Quốc.

Trung Quốc đã mở rộng phạm vi tiếp cận quân sự, bằng cách tăng cường lực lượng hải quân và thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của nước này trong năm nay, tại Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở miền Đông Phi.
Các cuộc thao diễn trên biển Baltic đang được các chuyên gia Trung Quốc coi là sự biểu dương lực lượng, sau khi diễn ra các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và hai đối thủ chính của Bắc Kinh ở Á Châu, là Ấn Độ và Nhật Bản, tại Ấn Độ Dương trước đó trong tháng này.

Các quan sát viên cũng nói rằng những cuộc thao diễn ấy là hướng về khối NATO, và làm nổi bật những ước vọng của Trung Quốc muốn trờ thành một sức mạnh lớn trên biển xanh, và là một đối thủ của hải quân Hoa Kỳ.

Một văn bản từ Bộ Tư Lệnh Âu Châu Hoa Kỳ nói, “Chúng tôi theo dõi chặt chẽ những cuộc diễn tập của Nga với những nước khác tham gia, như Trung Quốc.

Văn bản ấy nói thêm, “Chúng tôi ủng hộ quyền họ tập luyện trong những vùng hải phận quốc tế. Tuy vậy chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia đều tuân thủ các quy phạm và luật pháp quốc tế,” theo trang web tin quân sự Star and Stripes cho biết.

Cuộc tập trận này đánh dấu lần đầu tiên các chiến hạm Trung Quốc thực hiện những cuộc thao diễn ở Biển Baltic quan trọng về mặt chiến lược, và sau những cuộc thao diễn mới đây ở Địa Trung Hải.

Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng nước Anh sẽ cảm thấy bị mất thế giá vì các cuộc tập trận của Trung Quốc, với lịch sử của nước Anh là một sức mạnh hàng hải.

Một mục bình luận có nêu tên, trong tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) hôm thứ Sáu, nói rằng những cuộc tập trận ấy là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn, nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc trong các đại dương trên thế giới.”

Mục bình luận của Cui Heng nói, “Trung Quốc không nên rút lui khỏi lập trường hiện thời của họ, khi gặp phải những lời chỉ trích từ các nước NATO. Cui Heng là một ứng sinh bậc tiến sĩ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nga, thuộc Đại Học Sư Phạm Miền Đông Trung Quốc. “Một chuyến thích hợp đi vào trong 'sân sau' của các nước NATO, như Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Biển Baltic, sẽ phản ảnh lòng tin tưởng và sức mạnh của Trung Quốc.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT