Hoa Kỳ

Mỹ vẫn cấm vận Cuba, vẫn chưa đóng cửa nhà tù Gitmo

Saturday, 01/10/2011 - 07:28:44

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã từ chối hủy bỏ lệnh cấm vận đối của Mỹ đối với Cuba, nhưng ông cũng khước từ việc đóng cửa một căn cứ quân sự của Mỹ trên hòn đảo này.

Bạch Vân/Viễn Đông

HAVANA, Cuba – Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã từ chối hủy bỏ lệnh cấm vận đối của Mỹ đối với Cuba, nhưng ông cũng khước từ việc đóng cửa một căn cứ quân sự của Mỹ trên hòn đảo này. Trong một cuộc hội nghị bàn tròn về những vấn đề Mỹ Châu La Tinh vào hôm 28-9-2011, Tổng Thống Obama tuyên bố: “Điều mà chúng tôi cố gắng làm là gởi đi một tín hiệu cho biết rằng chúng tôi cởi mở với chuyện thiết lập một mối quan hệ mới với Cuba, nếu chính phủ Cuba bắt đầu áp dụng những biện pháp thích hợp để mở cửa đất nước của họ. Cung cấp không gian và sự tôn trọng những nhân quyền sẽ cho phép dân chúng Cuba định đoạt lấy vận mệnh của mình”.

Trong năm 1960, Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận đối với Cuba, về mặt thương mại, kinh tế và tài chánh, sau khi đảo quốc này có những bước quan trọng để biến thành một nước cộng sản. Tuy nhiên, mãi đến năm 1992 thì lệnh cấm vận này mới trở thành một luật chính thức của Hoa Kỳ. Từ đó trở đi, lệnh cấm vận không cho phép các doanh gia Hoa Kỳ làm ăn với Cuba, làm cho giới kinh doanh Hoa Kỳ phật lòng vì họ tin rằng những nhà kinh doanh ở ngoài Hoa Kỳ được làm ăn với Cuba sẽ có lợi thế hơn một khi lệnh cấm vận được hủy bỏ.

Từ năm 1992 đến nay, mỗi năm Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cũng như những người chỉ trích khác, đều lên tiếng công kích Hoa Kỳ về lệnh cấm vận Cuba, tin rằng lệnh cấm vận là nguyên nhân gây ra những vấn đề về y tế và kinh tế trên hòn đảo này. Nhà báo Moisés Naím viết: “Lệnh cấm vận là một thí dụ hoàn chỉnh được sử dụng bởi những người chống Mỹ khắp nơi, để vạch trần thói đạo đức giả của một siêu cường ra tay trừng phạt một hòn đảo nhỏ, trong khi vẫn bao che cho những nhà độc tài ở những nơi khác”. Trong một bài đăng trên các phương tiện truyền thông nhà nước, ông Fidel Castro, cựu Chủ Tịch Cuba, viết: “Nhiều chuyện sẽ thay đổi tại Cuba, nhưng sẽ thay đổi do chính nỗ lực của chúng tôi, bất chấp Hoa Kỳ”. Ông Castro viết tiếp: “Có thể xảy ra trước khi đế quốc ấy sụp đổ”.

Thoạt nhìn, vì Cuba là một quốc gia chuyên chế, liệu Hoa Kỳ có nên duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba hay không ?

* Tóm tắt lịch sử Cuba
Cuba là một đảo quốc trong vùng biển Caribbean, nằm ở phía nam của Florida, phía tây của Mexico, phía bắc Jamaica và phía tây bắc của Haiti và nước Cộng Hòa Doninican. Trước thời thực dân Tây Ban Nha, Cuba là xứ sở của các sắc dân Mỹ Châu bản địa là Taino, Guanajatabey, và Ciboney. Người ta tin rằng những dân tộc này làm nông nghiệp, đánh cá và săn bắn hái lượm. Người ta nghĩ rằng tổ tiên của họ đã di cư đến hòn đảo này từ những vùng Bắc, Trung và Nam Mỹ Châu.

Đến năm 1492, ông Christopher Columbus coi hòn đảo này là thuộc chủ quyền của Vương Quốc Tây Ban Nha. Cũng giống như tại hầu hết các vùng ở Tây Bán Cầu, thực dân Tây Ban Nha đem bệnh tới cho những người thổ dân Mỹ Châu trên hòn đảo này. Nhiều người đã thiệt mạng vì không có được sức miễn nhiễm chống lại những thứ bệnh ấy.

Để bổ sung lực lượng lao động xây dựng một vùng thuộc địa, hoặc Vương Quốc, người Tây Ban Nha đã đem những người Phi Châu sang Cuba để làm nô lệ. Điều này đóng góp vào vẻ đa dạng văn hóa tạo ra nét đặc trưng cho hòn đảo.

Từ chỗ là một lãnh thổ của Tây Ban Nha, Cuba rơi vào chủ quyền của Hoa Kỳ, sau khi cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha kết thúc trong năm 1898. Tuy nhiên, đến năm 1902, Cuba chính thức trở thành độc lập tách ra khỏi Hoa Kỳ. Dù vậy, vẫn có một điều vướng mắc, đó là chiếu theo hiến pháp mới của Cuba, thì Hoa Kỳ sẽ được phép can thiệp vào chuyện nội bộ Cuba và theo dõi tài chánh và ngoại giao của đảo quốc này.

Tu Chính Án Platt Amendment, đến nay vẫn được công nhận, cho phép Mỹ thuê đất của Cuba để lập căn cứ hải quân Guantanamo Bay. Trong gần 60 năm, biến loạn nổi lên tại Cuba, khi một số công dân muốn có nền độc lập, mà không có sự can thiệp của Mỹ, trong khi một số người khác hưởng được lợi lộc từ mối quan hệ với Hoa Kỳ. Kết quả là những vụ đảo chánh, lưu đày và tham nhũng xảy ra, trong khi ấy khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn.

Đến năm 1953, ông Fidel Castro bắt đầu lãnh đạo một cuộc kháng chiến võ trang, được gọi là Cách Mạng Cuba, dẫn tới chuyện thành lập một tân chính phủ cách mạng trong năm 1959. Tài sản tư nhân bị tịch thu, và đất nước bị quốc hữu hóa. Nhà nước kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Những giáo chức nào không mạnh mẽ tin tưởng vào cách mạng đều bị mất việc, bị giam tù, và/hoặc bị đưa vào con số ước tính khoảng 15.000-17.000 người bị xử tử. Những người bất đồng chính kiến đều bị cầm tù, trong khi đó những người đồng tính, những người thực hành tôn giáo, và những thành phần khác, đều bị tống vào trong các trại “cải tạo lao động”.

Có ít nhất hàng trăm ngàn người Cuba đã chạy trốn khỏi đất nước, cố gắng thoát thân, một số chạy lọt được bằng ghe thuyền. Hiện nay có hơn một triệu người Mỹ gốc Cuba đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ông Fidel Castro trở thành người đứng đầu Đảng Cộng Sản, thoát được nhiều vụ ám sát, và cai trị hòn đảo này cho đến năm 2008, khi ông loan báo từ chức. Em trai của ông là Raul Castro được bầu làm Chủ Tịch Cuba. Trong chính phủ mới, ông Raul chống đối căn cứ hải quân Guantanamo Bay (gọi tắt là Gitmo), lập luận rằng hợp đồng thuê đất ấy là vi phạm luật quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ lại nghĩ khác. Thỏa thuận mướn đất đã được biến thành vĩnh viễn trong năm 1902, trừ khi cả hai chính phủ đồng ý kết thúc thỏa thuận, hoặc nếu phía Mỹ từ bỏ thỏa thuận này.

Bất chấp lời Tổng Thống Obama hứa đóng cửa căn cứ hải quân, Gitmo vẫn cứ mở cửa.

* Nhà tù Gitmo
Từ năm 2002, Gitmo là nơi dựng lên một trại quân lao được dùng để giam hàng trăm thường dân bị tố cáo tham gia vào những cuộc xung đột võ trang và bị quân đội Mỹ bắt giữ ở Afghanistan và Iraq.

Người ta tin rằng các tù nhân đã bị hành hạ, tra tấn nghiêm trọng, và bị ngược đãi trong trại Gitmo, thậm chí có khi còn bị sát hại nữa.

Abd al-Rahim al-Nashiri, một tù nhân ở Gitmo, đã bị tố cáo tổ chức một vụ tấn công bằng bom gây chết người trên một chiến hạm của hải quân Mỹ trong năm 2000. Nashiri đang đối diện với bản án tử hình, mặc dù ông nói rằng ông đã thú nhận tội cho nổ bom, sau khi bị tra tấn nhiều lần lúc còn bị Mỹ giam giữ.

Trong năm 2009, Tổng Thống Obama đã ban hành những sắc lệnh, chỉ thị cho cơ quan tình báo CIA trong vòng một năm phải đóng cửa nhà tù quân đội Gitmo. Tuy nhiên, ông đã triển hạn lệnh này, và có những tin tức cho biết rằng Tổng Thống Obama có thể đưa ra một sắc lệnh khác, để giam giữ một số tù nhân ở Gitmo một cách vô thời hạn.

* Mấy điều suy gẫm
Hoa Kỳ có nên tiếp tục mở cửa trại giam Gitmo hay không, trên hòn đảo Cuba mà chính Mỹ tố cáo là nơi xảy ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền, đặc biệt giữa lúc Hoa Kỳ đang bị tố cáo làm những vụ vi phạm giống như thế? - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT