Bình Luận

Nai Oăn Oăn: Trận chiến 15 năm

Monday, 12/09/2016 - 10:49:05

Nhận xét của ông Ibish chỉ đúng có một nửa; cái nửa không đúng là tám chữ 'Tổng Thống Obama không chủ trương đánh lớn', vì thật ra ông Obama không chủ động chiến trường đến độ muốn đánh lớn là quân khủng bố phải chấp nhận bị đánh lớn.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Tính từ ngày 9/11/2001 đến nay, Hoa Kỳ đã lâm chiến đúng 15 năm -5,475 ngày; ngày thứ nhất đã tổn thất gần 3,000 sinh mạng, nhưng tổng số tổn thất tính cho đến nay cũng chỉ mới lên tới 10,008 người bị giết -kể cả 7,008 quân nhân tử trận trên các chiến trường ngoại biên và thường dân bị giết trong những cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

So với tổng số tổn thất 58,209 người chết trên chiến trường Việt Nam (trong đó có 47,424 quân nhân tử trận) thì chiến tranh chống khủng bố quả không ác liệt bằng 1 phần 5 chiến tranh Việt Nam. Con số tổn thất lớn lao này có thể khiến người Việt Nam thông cảm cái tội của Quốc Hội Mỹ bỏ rơi đồng minh Nam Việt trên chiến trường để chạy thoát thân.

Tổng số địch quân bị giết trên cả 5 chiến trường Afghanistan, Iraq, Yemen, Syria và Somalia tính đến ngày mùng 7 tháng Chạp 2015 là từ 65,800 đến 88,600 người; trong đó từ 30,000 đến 33,000 chết dưới tay Tổng Tư Lệnh Obama. Một thành tích xương máu dễ nể -giết trên 3 vạn người- của vị triết gia Hòa Bình Nobel.

Tổng số chiến phí không rõ rệt -khoảng $1,600 tỉ Mỹ kim chi phí trong 13 năm đầu của cuộc chiến (2001-2014) trên hai chiến trường Iraq and Afghanistan -$123 tỉ mỗi năm, $4 triệu mỗi ngày; con số được nhóm Soufan Group công bố vào tháng Bảy 2015 là $9.4 triệu mỗi ngày chỉ riêng cho hai mặt trận Syria và Iraq.

Trừ gần tám tháng đầu trong nhiệm kỳ thứ nhất -từ 20 tháng Giêng đến 11 tháng Chín 2001- Tổng Thống George W. Bush lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố trong suốt bảy năm bốn tháng còn lại, rồi để di sản sắt máu đó lại cho Tổng Thống Obama.

Tháng Giêng sang năm, ông này lại trao chức vụ tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ và dĩ nhiên trao cả cuộc chiến tranh chống khủng bố cho vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ -bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump. Không có nhiều hy vọng là nhân vật đắc cử đó chấm dứt được cuộc chiến tranh chống khủng bố trong bốn năm cầm quyền.

Bà Tamara Cofman Wittes, giám đốc Center for Middle East Policy của viện Brookings Institution tại Washington viết trên mạng World Economic Forum, "áp lực của khủng bố Hồi Giáo buộc tổng thống Obama phải làm ngược với sở thích của ông ta: bắt ông phải đưa quân trở lại Iraq, rồi sau đó còn tham chiến tại Syria và Libya. Những mặt trận này và những cuộc tấn công khủng bố vào các thành phố Mỹ và Âu Châu tạo ra một hình thức mới của chiến tranh, rất khó kết thúc, mặc dù đã dài đến 15 năm."
Một học giả khác -ông Hussein Ibish, thuộc viện nghiên cứu Arab Gulf States Institute, nói với phóng viên hãng tin AFP, "Tổng thống Obama không chủ trương đánh lớn; ông ta cho là càng đánh lớn, chiến tranh càng tác hại hơn, mà vẫn không giải quyết được nhanh hơn."

Nhận xét của ông Ibish chỉ đúng có một nửa; cái nửa không đúng là tám chữ 'Tổng Thống Obama không chủ trương đánh lớn', vì thật ra ông Obama không chủ động chiến trường đến độ muốn đánh lớn là quân khủng bố phải chấp nhận bị đánh lớn.


Bà Tamara Cofman Wittes


Ông Hussein Ibish

Ông Ibish ca tụng việc Obama sử dụng drones, dùng lực lượng đặc biệt và đặt nặng nỗ lực huấn luyện lực lượng địa phương để tác chiến chống quân IS hầu giảm thiểu tổn thất của Hoa Kỳ; ông cũng khen Obama đột kích với một lực lượng rất nhỏ vào tháng 5/2011 để hạ sát trùm khủng bố bin Laden; tuy nhiên Ibish vẫn chỉ trích thái độ cam chịu, thụ động của Obama qua câu nói, "Tác chiến khôn khéo, không sử dụng nhiều tài nguyên lại là thái độ đành phải chấp nhận đặc tính kinh niên của chiến tranh. Có thể Obama quan niệm chiến tranh chống khủng bố không thể nào chấm dứt được."

Có thể Obama chấp nhận một thật tế mới là khủng bố sẽ vĩnh viễn tồn tại như nhiều hình thức tội ác khác -trộm cướp, sát nhân, côn đồ, chống đối pháp luật, ... mà giải pháp chỉ có thể là pháp luật và cảnh sát để đối phó với những cuộc tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ và những nước khác; đi đôi với những cuộc hành quân quân sự trên những chiến trường ngoại biên để tiêu diệt tận cái gốc Trung Đông của lực lượng khủng bố Hồi Giáo.

Sự khác biệt giữa tội ác khủng bố Hồi Giáo với những tội ác khác là tính tập thể của đám đông khủng bố IS và tính cuồng tín của họ; hai đặc tính này đòi hỏi một chính nghĩa mới và một chiến lược mới để đối phó.

Chiến tranh chống khủng bố sẽ thay đổi khi Hoa Kỳ thay đổi vị tổng tư lệnh quân đội; tuy nhiên điều chắc chắn không thay đổi được là chiều dài của chiến tranh.

Hôm thứ Bảy 9/10/2016 vừa rồi -một ngày trước ngày kỷ niệm NAI OĂN OĂN- trong bài diễn văn truyền thanh đọc hàng tuần, tổng thống Obama nói sau 15 năm, nguy cơ khủng bố tại Hoa Kỳ đã đổi khác; ý ông muốn nói năm 2001 toàn bộ 19 tên khủng bố đều từ ngoại quốc đến Hoa Kỳ để thực hiện cuộc phá hoại quy mô bằng hình thức không tặc.


19 tên khủng bố Ả Rập tội phạm tấn công thường dân ngày 9/11/2001

Nhưng hôm nay, khủng bố là những công dân Mỹ gốc Ả Rập, nhiều người sinh đẻ trên đất Mỹ, bị ảnh hưởng tuyên truyền của bọn khủng bố sử dụng bom và súng để giết người Mỹ, như hai anh Omar Mateen và Syed Rizwan Farook cùng cô vợ Tashfeen Malik


Omar Mateen


Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik

Obama vạch ra phương thức giải quyết chiến tranh chống khủng bố, "Tại A Phú Hãn, Iraq, Syria và tại bất cứ chiến trường nào khác chúng ta sẽ ráo riết truy kích bọn khủng bố như Al-Qaeda và ISIL, sẽ tiêu diệt chúng; trong lúc tại quốc nội chúng ta sẽ tận lực bảo vệ an ninh."

Cô Amy Greene -một học giả Mỹ làm việc tại viện Institute of Political Studies tại Paris (Sciences-Po) nhận định, "Thật ra ngoài hai hình thức tấn công khủng bố trên chiến trường ngoại biên, và nghiêm túc bảo vệ an ninh quốc nội, tổng thống Obama cũng không còn sáng kiến nào khác để thắng trận; tuy nhiên, ông cũng thành công qua việc giới hạn không cho những vụ khủng bố tại Hoa Kỳ không lớn như tại Pháp;" ý cô nói là số những tên khủng bố tại Mỹ không đông như tại Pháp, tuy nhiên số nạn nhân bị giết cũng đáng kể, như tại Orlando, tên khủng bố Omar Mateen đã giết chết 49 người, hay trong vụ nổ súng tại San Bernardino, vợ chồng Rizwan Farook - Tashfeen Malik cũng làm 14 người thiệt mạng.
Được như vậy nhờ tổng tư lệnh Obama biết gia và giảm: trong lúc giảm chiến phí, đặt nhẹ hình thức hành quân quân sự, Hoa Kỳ tăng đôi ngân sách CIA, FBI và nha An Ninh Quốc Gia (National Security Agency).

Nhu cầu an ninh quốc nội được giám đốc FBI Jame Comey nhận định, "từ hôm nay trách nhiệm của FBI sẽ là đập tan tổ chức Caliphate trong kỳ hạn 5 năm sắp tới." Caliphate là một tổ chức khủng bố Hồi Giáo đang bành trướng hoạt động tuyển dụng người Mỹ gốc Hồi sinh sống tại Hoa Kỳ.

Theo kết quả cuộc thăm dò của Pew Research Center, thì khoảng 40% người Mỹ cho là khả năng của quân khủng tái diễn một cuộc tấn công quy mô như ngày 9/11, hiện nay lớn hơn 15 năm trước. Góc nhìn bi quan này bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử sắp tới.

Hôm Chủ Nhật 9/11/2016, Nữu Ước -lần thứ 14- làm lễ kỷ niệm 'NAI OĂN OĂN' với sự hiện diện của cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump, cùng với ông nguyên thị trưởng Nữu Ước Rudy Giuliani và Dân Biểu Peter King.

Bình địa Zero đã trở thành cao ốc World Trade Center mới, vĩ đại hơn, tối tân hơn.


Cao ốc World Trade Center mới trong ngày NAI OĂN OĂN

Chủ tịch lễ kỷ niệm NAI OĂN OĂN -ông Joe Daniels- nhận định, "Ý niệm về sự đổi thay ngoại cảnh vật chất quả là vô cùng rõ rệt." Thay đổi không chỉ là kiến trúc, mà người Mỹ cũng thay đổi góc nhìn về chiến tranh, khủng bố, và an ninh.

Tổng thống Obama đến dự lễ tưởng niệm NAI OĂN OĂN tại Ngũ Giác Đài để nhắc nhở đến 180 nạn nhân bị giết tại đây ngày 9/11/2001, và nhắc nhở nhu cầu phải duy trì một chiến thuật tác chiến vừa đủ lớn để kiến hiệu mà không quá lớn, phung phí tài nguyên quốc gia.


Tổng Thống Obama đến dự lễ tưởng niệm NAI OĂN OĂN tại Ngũ Giác Đài

Di sản 9/11 sẽ được người thừa kế của ông đối phó như thế nào là điều chưa ai dám phỏng đoán, nhưng nhiều người đang nhận xét thành quả ông đạt được trong 8 năm cầm quân; dư luận cho là ông chỉ thành công trong nỗ lực bóp nhỏ hiểm hoạ khủng bố, chứ chưa đán tan quân IS được.
Obama chỉ đủ sức làm ngần đó việc trong hai nhiệm kỳ tổng thống, mưu tìm sự tan rữa của đại hoạ khủng bố cần một thời gian đủ dài để chờ sự thức tỉnh của tín đồ Hồi Giáo.
Tan và rữa như bức tường ô nhục Bá Linh bị đập tan ngày tín đồ cộng sản thức tỉnh -nhưng họ thức tỉnh cũng chỉ để chứng kiến cảnh lột xác chối bỏ vai trò ác quỷ ngày xưa, để rồi lại trở thành một loại hung thần khác, chỉ khác, nhưng vẫn ác.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT