Đạo và Đời

Năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan

Thursday, 05/11/2020 - 06:51:45

​Chỉ còn hai tuần nữa, chúng ta sẽ kết thúc năm phụng vụ 2020. Những ngày cuối năm là biểu tượng cho thời gian sau cùng của nhân loại.


Tranh minh họa chuyện ngụ ngôn 10 cô trinh nữ khôn và dại do họa sĩ William Blake (1757–1827) vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1822 đến 1826, trưng tại viện bảo tàng Tate Gallery. (Wikipedia)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Chỉ còn hai tuần nữa, chúng ta sẽ kết thúc năm phụng vụ 2020. Những ngày cuối năm là biểu tượng cho thời gian sau cùng của nhân loại. Do vậy phụng vụ thường nhắc nhở chúng ta chuẩn bị cho ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại. Qua dụ ngôn, “Năm Cô Khờ Dại và Năm Cô Khôn Ngoan,” Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng.

​Tập tục cưới xin của người Do Thái ngày xưa được tiến hành theo nhiều giai đoạn. Sau khi hai người nam nữ đính hôn với nhau, trên nguyên tắc họ đã là vợ chồng, nhưng vẫn chưa chung sống với nhau. Do vậy, Phúc Âm Thánh Matthêu kể lại rằng Thánh Giuse định tâm lìa bỏ Đức Maria là vì họ chỉ mới có đính hôn mà Đức Mẹ đã thụ thai, nhưng sau này trong giấc mộng thiên thần báo cho Thánh Giuse biết rằng Đức Mẹ đã thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, nên ngài đã bỏ ý định lìa bỏ, và đã đón Đức Mẹ về chung sống (Mt 1:18-25).

​Sau khi đính hôn là nghi lễ cưới. Sự việc chính trong nghi lễ này là chàng rể đến đón cô dâu về nhà mình mừng tiệc cưới. Mười cô trinh nữ được nhắc đến trong dụ ngôn không phải là cô dâu. Các cô là những người phù dâu, hân hạnh được đi cùng cô dâu vào tiệc cưới. Tuy nhiên chỉ có năm cô khôn ngoan, mang đèn và mang theo dầu, được vào trong tiệc cưới; còn năm cô khờ dại, mang đèn không mang theo dầu, nên đã lỡ mất cơ hội.

​Một vài hình ảnh trong dụ ngôn mô tả về ngày cánh chung. Trước hết là tiệc cưới. Người Do Thái từ xa xưa luôn quan niệm rằng phần thưởng Thiên Chúa dành cho con người trên thiên đàng là một bữa tiệc (Is 25:6), và chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của tiệc cưới (Mt 22:1-12) để nói về phúc của con người được Thiên Chúa ân thưởng.

Hình ảnh thứ hai là khung cảnh đợi chờ trong đêm tối mà không biết khi nào chàng rể mới tới. Cũng vậy, ngày tận thế sẽ xảy ra, nhưng không ai biết được sẽ xảy ra khi nào. Và sau cùng là số phận của những cô trinh nữ không được vào bên trong tiệc cưới. Cửa đã đóng và không ai mở cho các cô vào.

​Khi cùng đi đón chàng rể, cả mười cô đều có chung một hứa hẹn giống nhau, đó là được vào dự tiệc cưới. Điều kiện duy nhất để được vào là đèn của các cô cần phải cháy sáng. Điều đáng tiếc là chỉ có năm cô chuẩn bị chu đáo mang theo cả dầu để phòng hờ. Do vậy khi đèn hết dầu, các cô có ngay dầu để tiếp tục giữ cho đèn cháy sáng, và phần thưởng cho sự khôn ngoan này là được vào chung hưởng tiệc cưới. Các cô khờ dại, khi thấy không còn dầu, toan xin các cô kia, nhưng đã bị từ chối. Có thể các cô kia có đủ dầu để cho mượn, nhưng dụ ngôn của Chúa muốn nhấn mạnh rằng, điều kiện để vào nước trời là do tự mình chuẩn bị, chứ không thể đi vay mượn của người khác.

​Như những cô trinh nữ đi đón chàng rể, mỗi người chúng ta đang cầm đèn cháy sáng trong tay để chờ đợi ngày Chúa đến. Ánh sáng đang cháy là đời sống đạo và niềm tin đang hướng về quê trời. Những ngọn đèn này sẽ cháy sáng được bao lâu? Đến một lúc nào đó, chúng sẽ khô dầu và tắt nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn dầu để đổ vào. Dụ ngôn Chúa nói rõ là chúng ta sẽ không thể đi xin dầu của người khác. Chúng ta cũng không nên đợi đến lúc Chúa gần đến rồi đi mua dầu vì chẳng ai biết lúc nào Ngài sẽ đến. Thời gian để cho chúng ta chuẩn bị thêm dầu là ngay bây giờ. Chúng ta hãy khôn ngoan chuẩn bị cho mình một bình đầy dầu của yêu thương, tha thứ, thánh thiện, và công chính. Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và đèn chúng ta sẽ cháy sáng để đón rước Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT