Thế Giới

Nam Hàn vẫn nghi ngờ tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn

Saturday, 21/04/2018 - 10:29:01

Tại Nam Hàn, nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về độ chân thành của tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo quốc gia láng giềng.


Niềm vui hy vọng tiến tới thống nhất
Người Nam Hàn đang vui mừng trong một chương trình tiếp đón người Bắc Hàn tại thủ đô Hán Thành ngày thứ Bảy, 21 tháng Tư, nhân dịp đôi bên sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un diễn ra tại Bàn Môn Điếm trong vùng an ninh biên giới vào ngày thứ Sáu, 27 tháng Tư, tới đây. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, lãnh tụ Kim có thể gặp Tổng Thống Donald Trump trước cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu. Những người lạc quan nhất cho rằng đây là cơ hội tiến tới thống nhất giữa hai khối Đại Hàn tại bán đảo Triều Tiên. Còn người bi quan thì lo ngại Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ bị Trung Cộng lường gạt như kinh nghiệm Việt Nam. Xem bài bình luận của Nguyễn Đạt Thịnh trang A9. (Chung Sung-Jun/ Getty Images)

SEOUL – Sau khi Chủ Tịch Cộng Sản Bắc Hàn Kim Jong Un tuyên bố đóng địa điểm thử hạt nhân và ngưng thử hỏa tiễn, Nam Hàn và Nhật Bản vẫn tỏ ra nghi ngờ ý định của Bình Nhưỡng.

Tại Nam Hàn, nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về độ chân thành của tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo quốc gia láng giềng. Họ mong chờ chính phủ sẽ kiểm chứng việc Bắc Hàn có thật sự đóng cửa điểm thử hạt nhân và ngừng bắn hỏa tiễn hay không. "Lời nói cũng chỉ là lời nói. Tôi không hoàn toàn tin tưởng họ,” sinh viên Kim Han Nuri, 23 tuổi, nói.

Anh Yeo Young Ju, 44 tuổi, cho rằng "người hàng xóm" của Nam Hàn đã bỏ ra nhiều thập kỷ để phát triển chương trình hạt nhân và từng nhiều lần khẳng định sẽ không từ bỏ. Theo anh, thế giới chưa nên nhượng bộ và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn, trừ khi chính phủ nước này cung cấp bằng chứng về việc ngừng thử nghiệm hạt nhân. "Trong hai lần họp thượng đỉnh trước đây giữa hai miền, Bình Nhưỡng cũng nói rằng họ mong muốn phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đến giờ tình hình vẫn không có gì tiến triển,” anh Yeo nói.
Ông Lee Jeong Hyoo, 72 tuổi, cũng chỉ ra nhiều lần Bình Nhưỡng từng thất hứa trong quá khứ. "Chúng ta đừng để họ đánh lừa thêm lần nữa. Chúng ta phải theo dõi điều này một cách kỹ càng,” ông nhận xét.
Trong khi đó, chính phủ Nam Hàn lại cho rằng tuyên bố của ông Kim Jong Un "là một bước tiến đầy ý nghĩa" trong tiến trình đàm phán hòa bình và giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. "Điều này tạo không khí thoải mái cho các cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa Bắc Hàn với Nam Hàn và Hoa Kỳ,” phát ngôn viên Phủ tổng thống Yoon Young Chan nói.

Ngược lại, Nhật Bản tỏ ra không mấy mặn mà với tuyên bố của Chủ Tịch Kim Jong Un. Vào thứ Bảy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera cho biết, Nhật "không hài lòng” khi ông Kim không nhắc đến việc từ bỏ hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm thấp và tầm trung, vốn có thể bắn đến Nhật. Ông Onodera nói, chính phủ Tokyo sẽ không từ bỏ việc gây áp lực lên Bắc Hàn.

Trước đó, trong một cuộc họp của đảng Lao Động Bắc Hàn, Chủ Tịch Kim Jong Un nói rằng, vì năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân đã được xác nhận, Bắc Hàn không cần thiết phải thực hiện thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân hay phóng thử hỏa tiễn tầm trung, tầm xa, hay hỏa tiễn liên lục địa. Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA, việc ngừng thử nghiệm hỏa tiễn, hạt nhân sẽ có hiệu lực từ thứ Bảy.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT