Đạo và Đời

Nam mô và sát na

Wednesday, 07/11/2018 - 07:36:36

“Mô Phật” cũng là hình thức rút gọn của “Nam Mô Phật,” hay “Nam Mô A Di Đà Phật”. Có lẽ thói quen này xuất phát từ sự lớn mạnh của nhánh Tịnh Độ Tông trong Phật giáo, hình ảnh đức A Di Đà đồng nghĩa với sự cứu vớt, và người ta đọc danh hiệu của ngài khi khốn khó, cần sự trợ giúp.


Một chú tiểu đang lễ Phật tại Thái Lan. (Chadchai Rangubpai/Getty Images)

Bài GOKURAKU SHUJO

Phàm là người Á châu, thì bất kể theo tôn giáo nào, thì ai cũng đều biết đến câu “Nam Mô A Di Đà Phật,” dù câu này được đọc khác nhau trong các thứ tiếng khác nhau. Đây gần như là câu biểu tượng của Phật giáo, là câu nổi tiếng nhất của Phật giáo.

A Di Đà Phật, là danh hiệu một trong số rất nhiều vị Phật, theo quan niệm Phật giáo. Điều này có lẽ nhiều người biết. Nhưng còn “Nam Mô” nghĩa là gì?

Từ Nam Mô hay Nam Vô là cách phiên âm từ tiếng Phạn (Sanskrit) “Namas” hay “Namo”. Hai chữ Hán đọc theo âm Hán Việt là “nam mô,” theo âm Hán Nhật là “Namu”. Phái Tịnh Độ Chơn Tông (Jodo Shinsho), Bổn Nguyện Tự (Hongan-ji) ở Nhật lại đọc là “Namo.”

Từ “Namas” hay “Namo” trong tiếng Phạn là từ tán thán, thể hiện sự cung kính, kính ý và thường được dịch ý là đảnh lễ, kính lễ, thường được dùng đồng nghĩa với từ “quy y” trong Phật giáo.

Trong cuộc sống thường ngày, người Ấn Độ thường nói “Namaste” như một câu chào hỏi, mang ý nghĩa là cảm tạ/tôn kính ông/bà. Từ “Namas” có nghĩa là “cảm tạ,” “tôn kính” và “te” là ngôi thứ hai, ông/bà.
Theo thói quen, người Việt có lối nói “Mô Phật!” khi gặp sự ngoài ý, bất ngờ, cầu được an ổn. Đây là một thán từ đồng nghĩa với “trời ơi!”

“Mô Phật” cũng là hình thức rút gọn của “Nam Mô Phật,” hay “Nam Mô A Di Đà Phật”. Có lẽ thói quen này xuất phát từ sự lớn mạnh của nhánh Tịnh Độ Tông trong Phật giáo, hình ảnh đức A Di Đà đồng nghĩa với sự cứu vớt, và người ta đọc danh hiệu của ngài khi khốn khó, cần sự trợ giúp.

Điều tương tự cũng có thể thấy trong ý thức của người Nhật Bản. Tiếng Nhật có thán từ “Namu-san” (Nam mô tam) là cách nói tắt của “Namu-sampo” (Nam mô tam bảo). Người ta thốt lên câu này từ trong tiềm tàng ý thức, khi gặp nghịch cảnh bất ngờ, không như ý và cầu mong sự giúp đỡ, trấn an. Người Nhật dùng thán từ (câu) này cùng tánh cánh với “Mô Phật” của người Việt.

Tư tưởng Phật giáo và đời sống: sát na

Trong Phật giáo có từ chỉ khái niệm thời gian là “sát na” (tiếng Phạn ksana). Đây là đơn vị thời gian nhỏ nhất, cũng gọi là “niệm.” Vốn ban đầu chỉ là thuật ngữ Phật giáo, nhưng về sau từ này lan rộng trong đời sống văn hóa của dân các nước Á Đông.

Về độ dài của 1 sát na thì có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng trong 1 cái búng tay (đạn chỉ) có 65 sát na. Theo kinh “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận” (Abhidharma-mahavibhasa-sastra) thì 24 giờ = 30 mâu hô lật đa = 900 lạp phược = 54,000 đát sát na = 6,480,000 sát na. Như vậy độ dài của sát na tương đương với 1/75 giây.

Tuy vậy, tổ Long Thọ (Nagarjuna) của Duy Thức Học thì phủ định tư tưởng thiết lập độ dài thời gian cụ thể cho sát na. Theo đó thì khoảng thời gian cực ngắn gọi là “niệm,” mỗi niệm có 1, 60, hay 90 sát na.
Theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) thì ý thức (tâm) của con người là một chuỗi vận động liên tục mà trong 1 sát na lặp đi lặp lại nhiều lần sinh diệt.

Trong ngôn ngữ các dân tộc, thường thấy những từ ngữ ví von sự nhanh nhẹn như: nhanh như gió, nhanh như cắt, nhanh như chớp mắt, nhanh như (tia) chớp. Nhưng so với sát na thì những từ ngữ kia vẫn còn chậm hơn rất nhiều. Khái niệm về sát na cũng như cách hoạt động của tâm theo Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ rất giống với nguyên tắc hoạt động của cái tivi ngày nay.

Năm 1829, nhà vật lý Joseph Plateau phát hiện ra rằng dù “thực tượng” đã không còn tồn tại ngay khoảnh khắc đó nữa, nhưng trong khoảng 0.1 giây thì mắt người vẫn còn nhìn thấy hình ảnh của “thực tượng” đó. Phát hiện này được ứng dụng trong điện ảnh, làm phim hoạt hình, làm TV, làm game, v.v..

Trong điện ảnh, sau 0.04 giây (hay 1/24 giây) thì người ta cập nhật một hình ảnh mới. Do vậy ta hay nghe nói cụm từ “24 hình/giây” trong phim ảnh, và dù cả cuốn phim chỉ là một tập hợp những khung hình rời rạc, nhưng trong mắt người thì đó là những chuyển động liên tục.
(Trích từ Blogspot của Gokuraku Shujo)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT