Tiêu Thụ

Nên có Medi-Cal hoặc Medicare?

Friday, 04/12/2015 - 07:26:29

Còn cô gái thì lắc đầu, không biết làm thế nào để cắt nghĩa cho người đồng hương ấy hiểu. Phải rồi, họ là đồng hương vì cùng nói tiếng Việt. Nhưng họ không hiểu nhau - bác cao niên kia không hiểu, cô gái thì đúng hơn - vì họ đang nói về những khái niệm rất “Mỹ”.

Bài ERIC TRẦN

“Ông đã có Mê-đi-ke chưa?”
“Có, tôi có Mê-đi-keo rồi”
“Như vậy là ông chưa có Mê-đi-ke!”
“Ơ, cái cô này, tôi đã bảo là tôi có rồi, có thẻ đàng hoàng đây! Tôi không cần thêm gì nữa!”
Nói rồi, người đàn ông vội vã bỏ đi, miệng lẩm bẩm, “Trông mặt mũi xinh lành như vậy mà cứ chăm chăm gạt người ta.”

Thẻ bảo hiểm Medicaid ở tiểu bang New Mexico



Còn cô gái thì lắc đầu, không biết làm thế nào để cắt nghĩa cho người đồng hương ấy hiểu. Phải rồi, họ là đồng hương vì cùng nói tiếng Việt. Nhưng họ không hiểu nhau - bác cao niên kia không hiểu, cô gái thì đúng hơn - vì họ đang nói về những khái niệm rất “Mỹ”.

Đó là sự rắc rối xảy ra sau khi bạn đã ở Mỹ khoảng… năm, bảy năm, hoặc chục năm, hơn chục năm và đã có quốc tịch Mỹ. À, cái câu này lại là một rắc rối khác, tưởng rằng người mới đến sẽ không hiểu, còn người đã ở Mỹ cả chục năm, lại có quốc tịch Mỹ hẳn hoi thì phải hiểu biết nhiều hơn chứ! Sao lại nói ngược như vậy?

Dễ dàng cho người mới đến

Thực ra khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, bạn chưa đi làm, chưa có lợi tức, thì bạn thuộc tình trạng “nô in-câm” bạn sẽ được cấp ngay một cái thẻ để đi khám sức khỏe miễn phí. Vài tháng sau, kiếm được việc làm, nhưng lương còn thấp, còn được coi là “lô in-câm,” bạn vẫn có thể tiếp tục xài cái thẻ ấy để đi khám sức khỏe, lấy thuốc miễn phí. Thậm chí, vào bệnh viện nằm mấy ngày, được săn sóc y như là “đại gia,” khi ra về còn được y công đẩy xe lăn ra trước cổng, giao tận tay cho người nhà, kèm thêm rất nhiều lời cám ơn và chúc sức khỏe. Thế không phải là dễ dàng và đơn giản là gì!

Trong khi thẻ Medicaid biến đổi theo từng tiểu bang thì thẻ Medicare chỉ có một hình dạng trên toàn
quốc Hoa Kỳ


Nhưng sự dễ dàng này lại làm bạn thắc mắc: Với tất cả những dịch vụ đó, bạn không phải trả một đồng nào! Vậy mà trước đây nghe nhiều người nói rằng dịch vụ y tế ở Mỹ đắt lắm, nhỡ ra phải vào bệnh viện vài ba ngày, xui xẻo hơn nữa là phải qua một ca mổ xẻ, là tốn vài trăm ngàn đô như chơi, bao nhiêu tiền bạc tích góp suốt mấy chục năm đi cầy phút chốc tan ra mây khói! Hóa ra thiên hạ chỉ nổ, chỉ lòe những người chưa ở Mỹ bao giờ.

Không có ai nổ, cũng không có ai lòe bạn cả. Chỉ là vì, bạn mới đến Mỹ, nên xã hội dành cho bạn nhiều ưu tiên và hỗ trợ tối đa để giúp bạn dễ “mọc rễ” trên vùng đất mới này. Ưu tiên thứ nhất là bạn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, gọi là Medi-Cal (mê- đi – keo) nếu bạn ở California và chưa có việc làm (no income) hoặc chỉ kiếm được việc làm lương thấp (low income). Đây là chương trình bảo hiểm y tế nhà nước, do chính phủ TIỂU BANG California chi trả 100%. Nếu không ở California mà lại ở tiểu bang khác, bạn cũng sẽ có một cái thẻ tương tự, gọi là Medicaid (mê-đi-kết): Ở Arizona thì do chính phủ TIỂU BANG Arizona tài trợ, ở Utah do chính phủ TIỂU BANG Utah thanh toán mọi chi phí….

Với cái thẻ Medi-Cal (hoặc Medicaid), bạn cứ việc … bịnh thả giàn, chẳng lo mất một xu teng tiền thuốc. Đó là sự nhân đạo rất Mỹ. Gọi là nhân đạo là vì thay vì “bắt nạt” người chân ướt chân ráo, nói chung là người kém tiền, yếu thế, xã hội lại dành cho họ nhiều ưu tiên hơn những người đã vững chân, hoặc những người sinh trưởng ngay tại đất nước này. Những người “vững chân” ấy không được ưu tiên như vậy, khi không ốm đau bệnh tật thì họ phải đóng tiền mua bảo hiểm hàng tháng, để rồi khi ốm đau bệnh tật lại phải đóng thêm tiền mới được gặp bác sĩ, và kiếm được viên thuốc trị bệnh, nếu không may phải vào bệnh viện, lại phải trả những món tiền deductible khổng lồ, với con số năm, bảy ngàn đô là sự thường.

Bây giờ bạn đã hiểu tại sao bảo hiểm y tế lại trơn tru dễ dàng trong nhiều năm đầu khi bạn mới đặt chân đến Mỹ. Sự khó hiểu, nếu có, chính là … kiểu bắt nạt ngược, tức là người yếu bắt nạt người mạnh chỉ vì người mạnh lấy nhân đạo ra mà xử thế. Đó là khi người ta mê những ưu tiên ban đầu và không muốn ra khỏi tình trạng “no income” hoặc “low income” nữa. Vẫn biết nhiều người không thể đi làm. Nhưng cũng có một số người không muốn đi làm để có thể tiếp tục khai báo “no income”. Bên cạnh đó, nhiều người khác có khả năng làm rất nhiều tiền, từ $5,000 đến $7,000 một tháng mà hoàn toàn là tiền mặt (cash), không để lại chứng từ gì để bất cứ ai có thể truy xét. Những công việc tiền mặt có rất nhiều trong xã hội, cơ hội kiếm được $5,000 …. $7,000 tiền mặt một tháng thì ít hơn, nhưng không phải không có. Nhưng dù ít dù nhiều, chẳng mấy ai làm cash lại khai báo mức income thực sự của mình, vì sợ rằng sẽ bị mất Medi-Cal. Những trường hợp “bắt nạt ngược” như vậy ai trong chúng ta cũng có thể kể ra vài thí dụ điển hình từ ngay người hàng xóm, thậm chí bạn bè, hoặc anh em của chính mình. Người tin nhân quả sẽ bảo rằng, làm như vậy là ăn của bá tánh, là đeo nợ vào thân, kiếp sau sẽ phải làm trâu ngựa kéo cầy để trả lại. Nhưng kiếp sau là bao giờ? Miễn là hiện giờ chưa bị luật nhà nước phát giác! Mà luật nhà nước không phải là luật nhân quả, nên khi nào còn bắt nạt được vẫn cứ bắt nạt… thấu xương!

Chúng ta hy vọng – chỉ có thể dùng chữ “hy vọng”, bởi vì chúng ta không thể thống kê thành phần có điều kiện “bắt nạt” - rằng những người thực sự yếu thế vẫn nhiều hơn. Và các chương trình bảo hiểm sức khỏe của chính phủ TIỂU BANG vẫn luôn còn đó để cung cấp sự chăm sóc y tế thuận lơi và dễ dàng cho họ cho đến ngày họ nhập quốc tịch và được 65 tuổi.

Khi đó, sự rắc rối sẽ bắt đầu. Bởi vì, luật pháp nước Mỹ qui định rằng, trách nhiệm về y tế đối với công dân Mỹ từ 65 tuổi trở lên là thuộc chính phủ LIÊN BANG trước hết. Từ đó mới phát sinh câu chuyện mà người viết nghe lóm được trên đường phố và ghi lại ở phần đầu bài: Người đàn ông vốn có MediCal và được hưởng tất cả mọi dịch vụ y tế miễn phí, nên cứ nghĩ rằng “cô ấy” chào mời để bán được một cái gì đó.

Để phân định hai lãnh vực trách nhiệm, xin nói tóm tắt như sau:

- Chính phủ TIỂU BANG có trách nhiệm tài trợ bảo hiểm y tế 100% cho những người “no income” hoặc “low income” qua chương trình Medi-Cal (tại California) hoặc Medicaid (tại các tiểu bang khác).
- Chính phủ LIÊN BANG có trách nhiệm tài trợ bảo hiểm y tế cho những công dân cao niên (có quốc tịch và trên 65 tuổi) qua chương trình MEDICARE.

- Nếu bạn có đủ ba tiêu chuẩn - là công dân, trên 65 tuổi, mà vẫn thuộc thành phần “no income” hoặc “low income” - bạn sẽ được hưởng cả hai chương trình y tế Medi-Cal và Medicare, một tình trạng mà người California vẫn gọi là “Medi – Medi”

Đã có một chương trình bảo hiểm 100%, tại sao lại còn cần đến một chương trình khác? Lần sau, chúng ta sẽ nói thêm về sự tương tác khó hiểu giữa hai chương trình Medicaid và Medicare, một sự phân công rất “Mỹ,” tưởng là khó hiểu nhưng thực sự lại rất mạch lạc đến từng chi tiết.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT