Văn Nghệ

Nét đẹp Giỗ Tổ Sân Khấu của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang

Friday, 13/09/2019 - 05:38:30

Tối thứ Sáu tuần qua, ngày 6 tháng 9, 2019 tại rạp hát Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang đã tổ chức lễ giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu...


Cô Mai Chân, thứ nhì từ trái qua, cùng các nghệ sĩ chào tạm biệt khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Bài BĂNG HUYỀN

Tối thứ Sáu tuần qua, ngày 6 tháng 9, 2019 tại rạp hát Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang đã tổ chức lễ giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu (ngày giỗ Tổ nhằm ngày 12 tháng Tám âm lịch hàng năm).
Giỗ Tổ sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống Việt Nam, là một tập tục cúng bái có tầm vóc quan trọng tương tự như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam. Đây là dịp để các nghệ sĩ cùng thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với Tổ nghiệp, với những vị sáng lập đã mở mang tri thức ngành nghề, gầy dựng nên những bộ môn nghệ thuật ý nghĩa, tri ân những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành sân khấu.


Soạn giả Trần Văn Hương, GS Trần Văn Chi, nghệ sĩ Phượng Liên, ông Trần Dũ trước bàn tờ Tổ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Đây cũng là dịp các nghệ sĩ sắm sửa lễ vật, trang trọng đến dâng hương trước bàn thờ Tổ, cầu mong sự may mắn, bình yên trong công việc, ca hay, diễn giỏi… để tiếp tục đứng trên sân khấu phục vụ các khán giả gần xa. 

Trên sân khấu do đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức tối thứ Sáu tuần qua, nhiều nghệ sĩ tài sắc vang danh một thời như Phượng Liên, Ngọc Đáng, Cẩm Thu… và những nghệ sĩ như Phượng Hồng, Thanh Kim Mỹ, Ngân Linh, Minh Hùng, Philip Nam… nghệ sĩ trẻ Xuân Mỹ… đã cùng nhau dâng lên vị Tổ nghiệp những vật phẩm quý giá, những nén hương ngát thơm, những lời nguyện cầu thành tâm và những tiết mục ca vũ nhạc kịch đặc sắc.


Cô Mai Chân, trưởng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang gửi lời chào khai mạc chương trình giỗ Tổ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đây còn là dịp để những nghệ sĩ ly hương thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn,” tri ân những vị “Tổ”, những lớp nghệ sĩ tiền phong có công sáng lập, bồi đắp nghệ thuật sân khấu, và tri ân khán giả - những người đã “nuôi sống” nền sân khấu hải ngoại. Dẫu nền sân khấu ấy vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn chưa phát triển rực rỡ, nhưng những tiếng hát, lời ca của quê hương, vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc, vẫn được các nghệ sĩ đi trước lưu giữ, truyền lại cho các nghệ sĩ trẻ tiếp nối giữ gìn.

Ý nghĩa và tâm tình ngày giỗ Tổ


Các nghệ sĩ thành tâm trước bàn thờ Tổ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Để giúp các khán giả hiểu thêm vài điều về ý nghĩa ngày giỗ Tổ sân khấu, ngay sau nghi thức khai mạc trang trọng và lần lượt các nghệ sĩ, soạn giả lên thắp nhang trên bàn thờ tổ, giáo sư Trần Văn Chi (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại và là cố vấn nghệ thuật cho đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang) đã có vài phút chia sẻ những hiểu biết của ông đến với mọi người về Tổ sân khấu.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, cô Mai Chân, là trưởng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang xúc động nói, “Kính thưa quí vị, cải lương là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền văn hóa nước nhà, là một cuộc đời ngắn trên sân khấu, bằng những lời ca tiếng hát rất điêu luyện qua những vai diễn khóc cười, mà nghệ thuật cải lương đã để lại dấu ấn sâu đậm cho nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trong mục đích xây dựng nền tảng đạo đức mà triết lý của nhà phật đã rèn luyện chúng sanh, nhân loại vào những hành động thiện ác và nghiệp báo của con người qua thuyết luân hồi, sanh tử mà chúng ta đã nhìn thấy qua những tấn tuồng ngắn trên sân khấu.”


Nghệ sĩ Ngọc Đáng và Cẩm Thu hát Tầm Vương Tơ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Kết thúc phần phát biểu khai mạc, cô Mai Chân bày tỏ, “Kính xin quí vị hãy giúp chúng tôi để hô hào phong trào, để song hành với chúng tôi đi nốt đoạn đường dài còn dang dỡ trong công cuộc bảo tồn nền văn hóa cổ truyền dân tộc qua bộ môn cải lương mà thầy tổ đã trao lại cho chúng tôi… trong ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Còn vọng cổ cải lương thì còn tiếng Việt, còn văn hóa Việt, còn tinh thần dân tộc Việt.”

Trong tâm tình mong khán giả luôn ủng hộ các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ thuật cổ nhạc, cải lương, là nghệ thuật mang tính đặc thù của Việt Nam, nghệ sĩ Phượng Liên đã có 59 năm gắn bó với sân khấu cải lương, chia sẻ với phóng viên Viễn Đông, “Ngày giỗ Tổ với nghệ sĩ cải lương, hát bội giống như ngày tết vậy. Đối với nghệ sĩ chúng tôi, tổ nghiệp linh thiêng lắm.Trước khi ra hát, nghệ sĩ nào cũng đứng nguyện trước bàn thờ tổ, khấn tổ để có vững niềm tin, thì hát mới hay.Có lúc tôi khan tiếng, nghĩ ra không hát được, vậy mà khi ra sân khấu vẫn hát được. Có khi xỉu mệt, đến màn mình ra ca vẫn ca diễn được, hát xong vào cánh gà, nằm xỉu tiếp. Tổ độ cho mình lên tinh thần, và cũng vì yêu nghệ thuật, nên ráng hát, dù gục ở sân khấu cũng được.”

Nghệ sĩ Phượng Liên bồi hồi nhớ lại ngày giỗ Tổ thưở vàng son của cải lương, “Ngày giỗ tổ ở Việt Nam hồi trước vui lắm. Mỗi đoàn cải lương đều làm giỗ một lượt cùng ngày. Vào tối 11 tháng 8 âm lịch sau khi vãn hát rồi, sân khấu mỗi đoàn hát dọn bàn thờ Tổ cúng chay như bánh ngọt, trái cây, bánh trung thu chay. Sau đó các nghệ sĩ, thầy đờn về nghỉ ngơi.


Nghệ sĩ Ngân Linh và Thanh Kim Mỹ trong trích đoạn cải lương Đêm Lạnh Chùa Hoang. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

“Hôm sau đúng ngày 12 tháng 8 âm lịch thì các nghệ sĩ tề tựu về đoàn hát cúng thực phẩm mặn như heo quay, gà… lên bàn thờ Tổ. Vì cùng ngày, các đoàn hát cùng cúng Tổ, nên nghệ sĩ đoàn này cúng Tổ ở trong gánh hát của mình xong, sẽ qua gánh hát của nghệ sĩ bạn cúng Tổ. Ngày cúng Tổ này các nghệ sĩ cùng ca hát trước bàn thờ Tổ để dâng tặng Tổ.”
Nghệ sĩ Phượng Liên nói, hồi xưa cứ đến ngày giỗ Tổ, bà rất vui, nhưng nay mỗi lần giỗ Tổ bà lại ngậm ngùi. Vì thấy sân khấu cải lương buồn và ảm đạm quá. Nhất là ở Việt Nam, là cái nôi cải lương mà cải lương không còn sống nổi thì nói chi ra hải ngoại. Hải ngoại có làm xuất hát cải lương, thì cũng chỉ để bảo tồn thôi, chứ không phát triển nổi.


Nghệ sĩ Xuân Mỹ và Ngân Linh trong trích đoạn cải lương Hồ Quảng “Lưu Kim Đính” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Bà nói, “Tôi nghĩ hết đời của chúng tôi và thêm lớp nghệ sĩ trẻ hơn một chút thì có lẽ cải lương sẽ mất luôn. Là người Việt Nam, hầu hết chúng ta đều ghét Tàu, vì Tàu đã đô hộ chúng ta trong quá khứ, nhưng phải phục họ vẫn giữ được Hí kịch phát triển, là bộ môn sân khấu truyền thống của Trung Hoa đến ngày nay. Chính phủ đã bỏ tiền ra phát triển nghệ thuật này. Vẫn có khán giả đi xem và ủng hộ. 

“Trong khi ở Việt Nam, chính phủ không bảo tồn những bộ môn truyền thống như cải lương. Tôi thấy thương Mai Chân đã cố gắng duy trì vẻ đẹp truyền thống của sân khấu cải lương qua việc tổ chức lễ cúng Tổ, duy trì đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang. Năm nay tôi 73 tuổi rồi, nhìn thấy có những nghệ sĩ trẻ ở hải ngoại rất dễ thương, mà vẫn chưa tạo được chỗ đứng, cũng lo lắm. Vì tre già rồi, mà măng thì bị đèo đọt quá, không phát triển được. Nên tôi thấy buồn quá. Tôi rất mê làm nghệ sĩ cải lương, nguyện rằng có kiếp sau cũng tiếp tục trở thành nghệ sĩ cải lương. Nhưng chẳng biết cải lương còn sống bao lâu nữa.”


Nghệ sĩ Phượng Liên và Tuấn Châu hát tân cổ giao duyên Rừng Lá Thấp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc

Nghệ thuật cải lương luôn ẩn giấu tâm tình của người nghệ sĩ, trong nó chứa đựng cả nghĩa khí và tinh thần của người miền Nam: giản dị, phóng khoáng, đa sầu, đa cảm. Những lời ca tiếng hát không chỉ là lối thoát cho những nỗi niềm tâm sự, mà còn nuôi dưỡng lòng thiện trong con người. Kể chuyện đạo lý thì khô khan, nhưng hát cải lương để kể một câu chuyện có tình tiết, để giáo dục về nghĩa nhân, chữ hiếu, thủy chung... thì không cần đề cao đạo, mà cái đạo sẽ tự nhiên đi vào lòng người thật nhẹ nhàng, nhưng cũng ngấm sâu vô cùng.
Dù khán giả đến dự chương trình cúng Tổ của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức không đông và còn rất nhiều ghế trống, nhưng hầu hết họ đều là những người yêu cải lương thật sự, đã nhiệt tình vỗ tay ủng hộ các nghệ sĩ, nhiều người ở lại đến tận cuối chương trình.
Chương trình văn nghệ cúng Tổ của đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang đa dạng màu sắc, bên cạnh vài tiết mục tân nhạc, nhiều nhất và giữ chân khán giả đến giờ cuối vẫn là các tiết mục trích đoạn cải lương, tân cổ giao duyên.


Các nghệ sĩ thành tâm trước bàn thờ Tổ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Mở màn cho đêm diễn là Làn điệu: Khốc hoàng thiên, soạn lời Trần Văn Hương qua phần trình diễn ngọt ngào của Phượng Hồng, Minh Hùng và Lâm Phương.
Ngày nay cải lương nói chung và cải lương tuồng cổ nói riêng, đã qua thời vàng son rực rỡ. Ngay trong nước là nơi có nhiều điều kiện để phát triển, các nghệ sĩ cải lương cũng gặp không ít khó khăn. Sân khấu cải lương ở hải ngoại còn khó khăn gấp bội. Nhưng người nghệ sĩ, vốn sinh ra là “kiếp tằm,” thì dẫu “đến thác sẽ vẫn còn vương tơ,” vẫn luôn cố gắng “giữ ngọc cho nghề,” với ước mong những người Việt trẻ xa xứ sẽ biết đến một nền nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê cha đất tổ.

Đây là điều mà người viết cảm nhận được qua tiết mục “Tầm Vương Tơ” với phần trình diễn đặc sắc của nghệ sĩ Ngọc Đáng, Cẩm Thu và Philip Nam. Tiết mục này nhận được những tràng pháo tay khen ngợi của các khán giả, bởi tài ca, diễn và y trang rực rỡ của các nghệ sĩ. Tiết mục này đã được nghệ sĩ Ngọc Đáng và Cẩm Thu tái hiện lại cho khán giả xem vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương tuồng cổ qua cách ca diễn nhà nghề, lối diễn có chiều sâu, động tác vũ đạo điêu luyện và giọng hát ngọt ngào. Mỗi lời nói, mỗi cách nhấn nhá, mỗi nét mặt, mỗi cái liếc mắt, đảo tròng mắt, mỗi cái phẩy tay đã là một tâm trạng, một sắc thái biểu cảm khác nhau. Khi diễn tuồng cổ bộ tịch phải chuẩn, lời ca, động tác vũ đạo phải có sự hòa nhịp để bật lên tâm trạng nhân vật.


Nghệ sĩ Phượng Hồng trong vai Đơn Hùng Tín trong trích đoạn cải lương Tống Tửu Đơn Hùng Tín. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Trích đoạn cải lương Hồ Quảng “Lưu Kim Đính” của tác giả Bạch Mai với phần trình diễn của nghệ sĩ Ngân Linh và nghệ sĩ trẻ Xuân Mỹ từ tạo hình cho đến cách ca, diễn, đã đem lại hài lòng cho các khán giả có mặt.
Trích đoạn cải lương “Tống Tửu Đơn Hùng Tín”của soạn giả Viễn Châu và Phượng Hồng, kể lại câu chuyện Đơn Hùng Tín đi hành thích vua nhà Đường Lý Thế Dân, bị bắt và xử tử bởi chính người anh em kết nghĩa mà ông đã từng một thuở cưu mang. Người trực tiếp chém đầu Đơn Hùng Tín lại là võ tướng La Thành, người mà trước đây Đơn Hùng Tín vất vả cưu mang nhiều nhất. Lúc chém Đơn Hùng Tín, thì một trong số những người anh em kết nghĩa là Tần Quỳnh có việc công cán ở xa, nên khi trở về thì Đơn Hùng Tín đã bị giết rồi.

Trích đoạn này với các nghệ sĩ Phượng Hồng, Quốc Hải, Nguyễn Thanh và Lâm Phương, đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Đặc biệt là nữ nghệ sĩ Phượng Hồng trong vai Đơn Hùng Tín. Từ cách hóa trang cho đến cách ca diễn của cô thật xuất sắc. Đây là một vai diễn nam nhi, là một võ tướng, thì phải hóa thân từ ca, diễn, để toát lên uy vũ của nhân vật kép võ. Từng động tác như gặt tay, bước chân… của nghệ sĩ Phượng Hồng để khán giả nhìn mà không nghĩ đây là phụ nữ đang hóa trang thành đàn ông. Cách Đơn Hùng Tín bước đi trên sân khấu, rung tay, đảo mắt , từng điệu bộ của nhân vật, lối ca diễn mạnh mẽ rất oai phong.


Nghệ sĩ Xuân Mỹ và Minh Hùng hát tân cổ giao duyên Duyên Quê. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Để tưởng nhớ cố soạn giả Yên Lang đã có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương nói chung và với riêng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, ban tổ chức đã chọn trích đoạn “Đêm Lạnh Chùa Hoang” của soạn giả Yên Lang để trình diễn. Nghệ sĩ Thanh Kim Mỹ trong vai nàng quận chúa Mông Cổ lụy tình Hồ Bảo Xuyên, dành trọn tình yêu cho chàng dũng tướng Trung Nguyên Tần Lĩnh Sơn (Nghệ sĩ Ngân Linh) trong trích đoạn Đêm Lạnh Chùa Hoang đã nhận được những tràng pháo tay khen ngợi của các khán giả.
Xen kẽ các trích đoạn cải lương là những ca khúc tân nhạc qua tiếng hát của ca sĩ Tony Ngô với nhạc phẩm Con Đường Xưa Em Đi sáng tác của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương, Phố Đêm sáng tác của Tâm Anh.
Đặc biệt là phần trình diễn của nghệ sĩ tài danh Phượng Liên và Tuấn Châu qua bài tân cổ giao duyên Rừng Lá Thấp đã nhận được những tràng pháo tay vang dài tán thưởng của khán giả. với Chất giọng “đồng” có dấu ấn riêng của Phượng Liên, xuất sắc diễn trong ca, trong phần xử lý hơi - giọng với những thanh điệu nhuần nhuyễn và những âm sắc ca ngâm mềm mại, cùng cách buông hơi và ngân giọng lạ, có một nét riêng chinh phục người yêu cổ nhạc.

Bằng kỹ thuật rung, luyến, ngân nga kéo dài hơi một chút thì nghe như âm sắc dặt dìu rất “đã tai,” kết hợp với giọng ca Tuấn Châu có làn hơi, cách ca hao hao nghệ sĩ Hùng Cường. Nhưng cách thể hiện có những nét chấm phá riêng, không chỉ bằng khả năng biểu cảm mà chính nghệ thuật ca trong diễn, diễn trong ca của nghệ sĩ Tuấn Châu với chất giọng cao, hơi rộng và cách ca chân phương, có chút gì đó nghèn nghẹn ở cuối câu, khiến người nghe cảm thấy xốn xang trong dạ. Nghệ sĩ Tuấn Châu cũng làm thổn thức trái tim người nghe khi anh hát Phận Tơ Tằm (sáng tác Hồ Tịnh Tâm).

Phần trình diễn ngọt ngào, dễ thương của Xuân Mỹ và Minh Hùng, qua bài tân cổ giao duyên “Duyên Quê” (lời nhạc của Minh Ngọc, vọng cổ của Anh Kiệt). Tiết mục nồng đượm ý tình của Phillip Nam và Cẩm Thu với bài tân cổ giao duyên “Giọng ca dĩ Vãng” (sáng tác của Minh Ngọc và Hoàng Song Việt.). Giọng ca của nghệ sĩ Quốc Hải với bài vọng cổ Nhớ Mẹ (sáng tác của Viễn Châu). Bài Vọng Cổ “Sông Quê” của tác Giả Hoàng song Việt do Nghệ sĩ Nguyễn Thanh trình bày. Nghệ sĩ Bách Thanh với ca khúc “Lòng Mẹ 2” sáng tác của Ngọc Sơn.

Mặc dù Tổ sân khấu là một truyền thuyết, nhưng qua việc cúng Tổ của nghệ sĩ, nói lên được tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam rất hay. Là nét văn hóa rất đẹp, vì người nghệ sĩ là những người làm nên những công trình văn hóa, và những người nghệ sĩ xây dựng ban đầu của sân khấu như nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há… luôn được các lớp nghệ sĩ đi sau tri ân, tưởng nhớ. Văn hóa là tải đạo, mà sân khấu là cuộc đời thu gọn, nhiều tấm gương rất hay về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Chính vì vậy, sân khấu là bộ môn văn hóa. Mà những người Việt tại hải ngoại là những người lưu vong, nên càng phải giữ gìn nền văn hóa dân tộc cho con em sau này.


Trích đoạn cải lương Tống Tửu Đơn Hùng Tín. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tại hải ngoại, dù điều kiện hạn chế, không có nhiều đoàn hát như trong nước, nhưng cứ vào ngày giỗ Tổ, các nghệ sĩ tại hải ngoại lại rộn ràng, trang nghiêm tổ chức ngày giỗ Tổ thật thành tâm. Buổi lễ giỗ Tổ sân khấu do đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức mà người viết bài có duyên tham dự, chỉ là một trong số những giỗ Tổ của các nghệ sĩ. Từ những giỗ Tổ trong phạm vi nhỏ như tại gia của nghệ sĩ, của soạn giả, bầu show, hay những tổ chức quy mô hơn tại các nhà hàng, nhà hát, trực tiếp phát hình trên đài truyền hình để phục vụ khán giả với chương trình văn nghệ đặc sắc...

Lễ giỗ Tổ đã kết thúc, nhưng tinh thần và ý nghĩa của ngày giỗ Tổ vẫn vang vọng trong trái tim các nghệ sĩ và khán giả. Với họ, vị ân sư, Tổ thầy vẫn luôn luôn huyền diệu, mãi mãi giúp đỡ những nghệ sĩ tâm huyết trót ăn cơm Tổ nghiệp, nên vẫn nặng nợ với “nghiệp tằm.” Dẫu thăng trầm, khó khăn, nhưng vẫn luôn luôn dâng vẻ đẹp của nghệ thuật đến muôn người. Và với họ, nếu có kiếp tái sinh, vẫn xin chọn “nghiệp tằm,” để đến thác vẫn còn vương tơ!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT