Văn Nghệ

Nét độc đáo của đàn Bầu (kỳ 2)

Friday, 13/07/2018 - 11:50:05

“Cách thứ ba ông chơi đàn bằng cách đánh vào điểm có các bồi âm. Cách này cho tiếng đàn đẹp, chơi được các bài bản có giai điệu nhiều cao độ, phức tạp.




Vân Ánh độc tấu đàn Bầu (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Âm thanh đàn Bầu rất gợi cảm, dễ mê hoặc người nghe. Vì vậy mà ông bà ta xưa thường truyền tụng câu ca dao, “Đàn Bầu ai gảy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn Bầu.” Không chỉ mang sắc thái buồn, ai oán, giai điệu trữ tình, êm dịu, đàn Bầu còn được những nghệ nhân hát Xẩm diễn những bài hát vui như Xẩm Xoan hoặc những ca khúc mới, giàu chất tươi tắn và cả nhạc ngoại.

Ngôn ngữ âm nhạc của đàn Bầu

Dù chỉ có một dây nhưng đàn Bầu có thể thực hiện được tất cả các cao độ và kỹ thuật âm thanh từ đơn giản đến phức tạp. Đàn Bầu có âm vực rộng đến 3 quãng 8, trong khi những nhạc cụ đàn dây khác như violin, guitar, mandolin… thông thường trên mỗi dây đàn chỉ có thể chứa được tối đa 2 quãng 8.
 

Nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, Vân Ánh (Vanessa Võ) độc tấu đàn Bầu trong đêm diễn giới thiệu nhạc dân tộc tại Viện Việt Học ngày 26 tháng 9, 2012. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Sở dĩ đàn Bầu có thể diễn tấu đa dạng những giai điệu cảm xúc khác nhau, vì đàn Bầu có thể thể hiện bằng nhiều kỹ thuật phong phú như: gảy, rung, nhấn, vê.Và cũng nhờ có nhiều ưu điểm, nên đàn Bầu vừa có thể độc tấu, hoặc cùng các nhạc cụ khác đệm cho ngâm thơ, đệm cho các bài hát dân ca hoặc các thể loại âm nhạc như Hát Bội, Chèo, Cải Lương, Xẩm, Ca Huế, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, là nhạc cụ có trong ban nhạc Ngũ Tuyệt cung đình Huế…

Trong đêm diễn giới thiệu nhạc dân tộc tại Viện Việt Học ngày 26 tháng 9, 2012, do Viện Việt Học và VA NGO Network đồng tổ chứ, nghệ sĩ Vân Ánh đã phô diễn tài năng của mình trên các nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn Bầu. Cô đã đưa người nghe lạc vào “mê trận” của cảm xúc, của sự thăng hoa trong âm nhạc, mang lại cảm giác mới mẻ, cuồng nhiệt, hấp dẫn. Đã thể hiện sự tươi mới của tiếng đàn Bầu mang âm hưởng dân gian đương đại.

Nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, Vân Ánh (Vanessa Võ) sống tại San Francisco, là người chơi nhạc dân tộc đầu tiên và duy nhất gốc Việt, đã tham gia vào những giải thưởng âm nhạc quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của Hoa Kỳ. Cô từng đồng sáng tác và thu nhạc cho bộ phim "Daughter From Da Nang," và phim này đạt giải nhất đại hội điện ảnh Sundance Film Festival và được đề cử cho giải Oscar 2003.

Năm 2009 cô đã đồng sáng tác nhạc nền cho phim tài liệu Bolinao 52, phim đã đoạt giải Emmy 2009 cho cả nhạc và phim. Cũng trong năm này, cô là người đồng sáng tác nhạc nền cho phim tài liệu Ngôi Làng Mang Tên Versailles (A Village Named Versailles). Phim này đã đoạt nhiều giải tại các đại hội điện ảnh ở Mỹ và trong đại hội điện ảnh phim Châu Á-Thái Bình Dương, phim đã được giải bình chọn của khán giả.
Nghệ sĩ Vân Ánh đã có hai album chơi nhạc dân tộc phát hành ở Mỹ: Twelve Months, Four Seasons và Shes Not She.

Vào tháng 7 năm 2012 tại Thế Vận Hội Olympic Luân Đôn 2012, trong đại hội âm nhạc London Olympic Music Festival, Vân Ánh là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên, duy nhất biểu diễn tại thế vận hội Olympic, đi theo nhóm tứ tấu Kronos Quartet. Trong đại hội này, 9 nước Đông Á chỉ có 45 phút để trình diễn, còn riêng một mình nghệ sĩ Vân Ánh thì được trình diễn 30 phút, gồm đàn Tranh, đàn Bầu, hát Ả Đào và đánh Trống.

Nghệ sĩ Vân Ánh cho biết cũng nhờ cấu tạo, hình dáng độc đáo và tạo nên nét ngân rung của đàn Bầu là qua cần rung biến ảo, nên âm nhạc của đàn Bầu rất hợp với tình cảm, ngôn ngữ của người Việt. Việc uốn cần đàn để làm căng hoặc chùng dây đàn nhằm tạo ra những nốt nhạc khác nhau rất hợp với lối hát luyến láy trong nhạc dân gian Việt Nam.

Tiếng đàn Bầu rất gần gũi với giọng hát của con người. Dù đàn chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, nhất là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam.

Với kỹ thuật uốn cần đàn, làm chùng dây đàn của nghệ nhân, nghệ sĩ chơi đàn, đàn bầu có thể phát ra nhiều cao độ khác nhau, tạo nên các âm thanh với âm sắc trong trẻo, quyến rũ. Thậm chí, chỉ một lần gẩy đàn, đàn Bầu có thể phát ra một âm cơ bản hoặc nhiều âm bồi với biên độ cao thấp có thể lên tới một quãng 5. Đặc trưng ngôn ngữ âm nhạc này của đàn Bầu, nếu so sánh với các nhạc cụ âm nhạc trên thế giới không có nhạc cụ nào có thể làm ra các âm bồi như vậy.

Đàn Bầu nhờ sử dụng cần đàn để tạo những cao độ khác nhau đã khiến những nốt nhạc không có cao độ tuyệt đối như các loại đàn phím hoặc piano. Vì vậy, người nghệ sĩ khi đàn có thể tạo nên những âm thanh đầy cảm hứng tùy theo cảm xúc âm nhạc trong lúc nghệ sĩ trình tấu.

Những cách trình tấu Xẩm đàn Bầu

Tác giả Đặng Hoành Loan khi viết “Tản mạn chuyện đàn Bầu” có giới thiệu chi tiết khi quan sát cách chơi xẩm đàn Bầu của nghệ nhân Thân Đức Chinh ở Bắc Giang, tác giả nhận ra có ba cách chơi đàn Bầu, “Cách thứ nhất là cách chơi dây buông, không đánh bồi âm. Âm thanh phát ra là âm thanh thật, có ba cao độ chắp bùng binh giống với tiếng trống cơm để đệm tiết tấu cho hát trống quân, cò lả. Ông Thân Đức Chinh cũng dùng cách chơi này để bắt chước giọng nói con người. Âm thanh nghe lạ tai.

“Cách thứ hai ông Thân Đức Chinh dùng một que chống, đặt vào các khoảng cách khác nhau của dây đàn để nối âm thanh dây đàn xuống mặt đàn, tạo ra hai âm có cao độ khác nhau ở hai phía đầu dây. Cách này xem gần giống với cách làm trống đất trong hát Trống quân. Khi chơi, ông dùng que gẩy đàn gõ vào hai bên dây, tạo ra các âm hình tiết tấu và cả giai điệu. Tiếng nghe lanh canh như tiếng đàn 36 dây.

“Cách thứ ba ông chơi đàn bằng cách đánh vào điểm có các bồi âm. Cách này cho tiếng đàn đẹp, chơi được các bài bản có giai điệu nhiều cao độ, phức tạp.

“Ba cách chơi đàn của ông Thân Đức Chinh dường như chỉ tập trung vào đệm cho hát xướng, chứ không chơi theo lối nhạc không lời. Đây là cách làm rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thật âm nhạc có lời của bà con nông dân –một thói quen của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.”
Tác giả Đặng Hoành Loan cho rằng, nghệ nhân Thân Đức Chinh vẫn là người duy nhất có ba cách chơi đàn Bầu, đó là cách chơi dây buông,cách chơi chống dây và cách chơi bồi âm. “Ông đúng là dấu gạch nối giữa cổ và kim, là căn cứ sống động để chúng ta có thể nghiên cứu về sự phát triển của đàn bầu Việt Nam trong tiến trình lịch sử.”

Cũng trong bài viết này, tác giả Đặng Hoành Loan kể lại, vào năm 2009, khi tác giả cộng tác với Nhà Xuất Bản Am Nhạc thực hiện đề cương bộ sách 1000 Năm Âm Nhạc Thăng Long - Hà Nội, trong quá trình thu thập tài liệu, tác giả đã nhìn thấy bức ảnh có chú thích “Một gánh hát rong ở Hà Nội là hình ảnh sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa” trong cuốn sách ảnh có tựa đề Hà Nội Xưa. “Xem kĩ lại hai bức ảnh chụp nhạc sĩ mù chơi đàn Bầu ở Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX, chúng tôi nhận thấy hộp đàn của họ bằng gỗ, cần đàn to dài ước chừng trên 60 phân (từ đất lên qua mặt), dây đàn chếch với mặt đàn khoảng 45 độ, que gẩy đàn dài ước chừng gần 30 phần. Với lối cấu trúc này, đàn bầu Xẩm những năm đầu thế kỉ 20 có rất nhiều khả năng chơi dây buông là chính. Bởi nếu chơi bồi âm thì tiếng sẽ rất nhỏ. Nguyên do vì dây đàn cách quá xa mặt đàn và vòi đàn rất cứng, không thể uyển chuyển như vòi đàn của xẩm Thân Đức Chinh cuối thế kỉ 20 đã có phần ngắn hơn, nhỏ hơn và mỏng hơn.

“Đối chiếu cách ngồi chơi đàn, cấu trúc cây đàn, của các nhạc sỹ Xẩm trong ảnh với cách ngồi và lối chơi dây buông của xẩm Thân Đức Chinh, chúng ta có thể nhận thấy : đàn bầu xẩm những năm đầu thế kỉ XX vẫn giữ lối chơi dây buông để đánh các âm hình tiết tấu đệm cho Hát Xẩm. Cách chơi dây buông gợi ra sự liên tưởng tới trống đất và cách đánh trống đất trong tục hát Trống quân được tổ chức ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ vào mùa Trung thu.”

Tác giả Đặng Hoành Loan nhận xét, “Cách chơi đàn Bầu dây buông là lối chơi đàn bầu ra đời trước nhất, có khởi đầu từ câu chuyện tổ nghề Xẩm chơi đàn một dây thời nhà Đinh (968-980). Rất có thể lối chơi này kéo dài suốt 802 năm cho tới năm 1770 thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) mới có thêm cách chơi bồi âm. Cách chơi bồi âm ra đời làm thay đổi phẩm chất và phong cách nghệ thuật đàn bầu, đưa đàn bầu xâm nhập vào một số hình thức sinh hoạt âm nhạc trong cung đình.

Sự xâm nhập này đã được các nhà làm sử thời Nguyễn để mắt đến và chép đàn bầu ra đời năm 1770 vào bộ sử Đại Nam Thực Lục. Bộ sử còn chép người sáng tạo ra đàn Nam cầm (đàn bầu) là Tôn Thất Dục. Nguyên Văn: “Dục hiếu học, giỏi thơ, càng tinh về thuật số và âm nhạc, tục truyền đàn Nam cầm là do Dục chế ra.”

Hơn một trăm năm sau, đàn Bầu (Nam cầm) đã tham gia sâu rộng vào nghệ thuật ca hát thính phòng Huế. Có lẽ điều đó đã làm cho các học giả như Hoàng Yến và G. Cordier cùng cho rằng đàn Bầu được đưa vào Huế năm 1892 đến năm 1896. Nhưng thực ra nó đã có mặt ở Huế từ những năm 1770 với sự góp sức của Tôn Thất Dục và các nghệ nhân Xẩm đàn Bầu Hà thành.”

Theo tác giả Đặng Hoành Loan, cùng với những sáng tạo về cách chơi đàn, các nhạc sĩ chơi đàn Bầu Việt Nam còn cải tiến hình dáng và kết cấu đàn Bầu. Hiện nay đàn Bầu có hai loại: Đàn Bầu điện tử và đàn Bầu hộp. Đàn Bầu hộp, thành đàn được làm bằng gỗ dầy, cần đàn làm bằng sừng có “núm bầu” bằng gỗ, khóa đàn bằng kim loại, mặt đàn làm bằng gỗ mỏng hơi cong lên, dây đàn mắc chênh với mặt đàn khoảng trên dưới 10 độ. Đàn Bầu điện tử có hình dáng tương tự như đàn bầu hộp nhưng mặt đàn làm bằng gỗ dày để chống rung, phía cuối đàn có lắp hệ thống điện tử nối với máy tăng âm.

Xét về mặt mỹ thuật, đàn Bầu cải tiến có dáng đẹp, âm thanh vang, sáng, đặt trên một giá đàn thiết kế công phu, chắc chắn, giúp cho người biểu diễn ở trạng thái thoải mái nhất, không phải ngồi bệt dưới đất như Xẩm Thân Đức Chinh và những nghệ sỉ Xẩm tiền bối của ông. Sáng tạo này đã làm cho đàn Bầu Việt Nam thoát khỏi sự nghèo nàn về cung bậc, âm sắc và trở thành cây đàn một dây muôn điệu, hiện đại mà vẫn bảo lưu được tính cổ xưa.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT