Văn Nghệ

Nét độc đáo của đàn Bầu (kỳ 3)

Friday, 28/09/2018 - 08:17:27

“Chỉ có như vậy, người nghệ sĩ diễn tấu đàn Bầu mới có thể biểu đạt được chuẩn xác tư tưởng, cản xúc và phong cách quyến rũ của âm nhạc.

 


Nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, Vân Ánh Vanessa Võ độc tấu đàn Bầu. (NPR/YouTube)

Bài BĂNG HUYỀN

Vân Ánh Vanessa Võ là nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, sống tại San Francisco, chơi nhạc dân tộc đầu tiên và duy nhất gốc Việt, đã tham gia vào những giải thưởng âm nhạc quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của Hoa Kỳ

Trong đêm diễn giới thiệu nhạc dân tộc của nghệ sĩ Vân Ánh tại Viện Việt Học vào ngày 26 tháng 9, 2012, do Viện Việt Học và VA NGO Network đồng tổ chức, nghệ sĩ này cho biết các nghệ nhân khi cải tiến đàn Bầu với mục đích làm cho âm thanh to hơn, làm cho hình dáng đẹp hơn, làm cho màu âm phong phú hơn. Việc cải tiến đã làm phong phú và phát triển cây đàn Bầu.

Theo nghệ sĩ Vân Ánh, người nghệ sĩ nhạc cổ truyền nói chung và nghệ sĩ đàn Bầu nói riêng, muốn diễn tấu được tốt âm nhạc truyền thống Việt Nam, trước tiên phải hiểu được bối cảnh và phong cách của dân ca, nhạc cổ. Người nghệ sĩ cần phải hiểu được lời, nắm bắt được âm luật của giai điệu, phải học thuộc cách diễn xướng dân ca và nhạc cổ, phải chú ý đến các chi tiết nhỏ trong diễn xướng.

Cũng theo nghệ sĩ Vân Ánh, khi diễn tấu đàn Bầu, người chơi đàn với động tác gẩy tạo âm của tay phải, tay trái điều khiển cần đàn để căng lên hoặc chùng xuống sợi dây duy nhất, tạo ra những cao độ khác nhau, đồng thời cũng thể hiện các ngón kỹ thuật như, rung, luyến, láy, vỗ, chạm, giật… đã tạo nên phần hồn trong diễn tấu đàn Bầu. Vì vậy, nhiệm vụ của tay trái khi sử dụng cần đàn trong diễn tấu các bài bản truyền thống sẽ khó khăn hơn và đa dạng hơn.


Nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, Vân Ánh (Vanessa Võ) độc tấu đàn Bầu trong đêm diễn giới thiệu nhạc dân tộc tại Viện Việt Học ngày 26 tháng 9, 2012. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vì vậy cần được luyện tập công phu. Còn kỹ thuật tay phải, cũng có rất nhiều kỹ thuật như gẩy hai chiều, vê, chặn dây, gõ bồi âm, gẩy thực âm, tạo tiếng chuông...
Kỹ thuật rung khi trình tấu đàn Bầu có hai loại rung cơ bản, nhanh và chậm.
Với rung nhanh có hai loai, rung với biên độ hẹp (có thể gọi là rung êm) và rung nhanh với biên độ rộng (có thể gọi là rung gằn, gằn chỉ trạng thái tình cảm giận hờn, uất ức).
Rung chậm cũng có hai loại, rung chậm với biên độ hẹp (có thể gọi là rung êm) và rung chậm với biên độ rộng (có thể gọi là rung buồn).

Về tư thế cầm tay khi rung thì không khác gì nhưng sử dụng kỹ thuật rung nào phải tùy theo phong cách từng bài bản, tác phẩm và phong cách vùng miền.

Đối với nhạc Chèo thường rung vừa phải, êm và nhẹ, tiếng bay. Nhưng cũng có lúc rung nhanh và rung chậm, những bài vui thì có thể rung nhanh hơn và bài buồn thì có thể lại rung chậm hơn.
Đối với nhạc Huế, chia ra hai loại: Hơi Nam phải rung chậm và êm, hơi Bắc thì rung chậm và hơi mạnh.
Đối với nhạc Cải lương, hơi Bắc rung nhanh, hơi Nam cũng nhanh nhưng sâu và đầm tiếng hơn.
Còn với các tác phẩm mới, người diễn tấu đàn Bầu cần phải phân tích mới biết cách rung thế nào cho đúng với nội dung, ý tưởng mà bản nhạc muốn truyền tải. Những bài tác phẩm mang tính dân gian hoặc các dân tộc của Việt Nam thì phải ra chất rung của vùng miền đó.

Về kỹ thuật tay trái khi diễn tấu đàn Bầu

Trong một tài liệu nghiên cứu “Tiếng Việt trong âm nhạc cổ truyền và phương pháp diễn tấu đàn Bầu” của tác giả Sun Jin (Tôn Tiến) có giới thiệu kỹ thuật tay trái của đàn Bầu khá chi tiết.
Xin được trích lại trong bài viết này:

“Cây đàn Bầu trong khi tay phải gẩy ít tiếng, thì tay trái lại có thể tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Các cụ nghệ nhân cao tuổi ở Việt Nam gọi đó là tiếng gió. Khi sử dụng tiếng này vào trong những bài bản nhạc truyền thống Việt Nam thì nên thận trọng, bởi nếu lạm dụng sẽ làm mất tính chất và bản sắc của cây đàn. Cùng với động tác gẩy tạo âm của tay phải, tay trái điều khiển cần đàn để căng lên hoặc chùng xuống sợi dây duy nhất tạo ra những cao độ khác nhau, đồng thời cũng thể hiện các ngón kỹ thuật như rung, luyến, láy, vỗ, chạm, giật…, tạo nên phần hồn trong diễn tấu đàn Bầu. Bởi vậy, nhiệm vụ của tay trái, khi sử dụng cần đàn trong diễn tấu các bài bản truyền thống sẽ khó khăn hơn và đa dạng hơn.

“Nhấn là kỹ thuật cơ bản của đàn bầu, tay trái kéo cần đàn theo một đường thẳng từ phải sang trái hoặc ngược lại, làm căng hoặc chùng dây đàn xuống với một lực vừa phải, cùng một lúc với tay gẩy, sẽ được một âm như ý muốn.

“Rung cũng là một trong những kỹ thuật không kém phần quan trong diễn tấu đàn bầu. Kỹ thuật rung có nhiều loại: rung nhanh, rung chậm, vừa gẩy vừa rung và gẩy xong mới rung… Về mặt ký hiệu chỉ có rung nhanh và rung chậm, khi tay phải gẩy, tay trái lay nhẹ cần đàn lên và xuống sẽ tạo ra âm thanh tựa như làn sóng. Rung nhanh là do tần số rung cần đàn nhanh biên độ hẹp, rung chậm thì chậm hơn và nhẹ nhàng hơn.
“Luyến: là kỹ thuật mà người chơi đàn chỉ gẩy ở nốt đầu tiên, sau đó uốn cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống, từ đó tạo ra các nốt khác trong vòng dấu luyến.

“Láy là kỹ thuật dùng ngón cái và ngón trỏ của tay trái liên tiếp làm dây căng lên và chùng xuống. Kỹ thuật này được sử dụng trong vòng 2 âm liền bậc làm âm thanh ngân lên thành làn sóng. Láy nhanh hay chậm tùy thuộc vào phong cách của từng bài bản.

“Vỗ là kỹ thuật dùng tay trái đập nhẹ, nhanh và dứt khoát vào cần đàn, làm âm thanh phát ra nghe đứt đoạn tựa như tiếng nấc, diễn tả những tình cảm đau khổ, uất ức. Kỹ thuật vỗ thường được dùng trong các nốt bồi âm cơ bản và ở các âm trong thế căng hoặc chùng dây với các quãng gần.

“Vuốt là kỹ thuật khi sử dụng phải kết hợp giữa căng dây lên và chùng dây xuống, đồng thời với việc dùng ngón cái và ngón trỏ miết vào cần đàn để cao độ được trượt qua tất cả các âm rồi dừng lại ở âm nốt nào đó.
“Giật là kỹ thuật căng dây từ nốt thấp lên nốt trên, vừa đến cao độ của nốt trên thì chặn dây lại ngay, tạo cảm giác đau xót, uất ức.”

Liên hệ giữa phát âm của con người với diễn tấu đàn Bầu

Cũng trong tài liệu này, tác giả Sun Jin (Tôn Tiến) có nêu ra sự liên hệ giữa phát âm của con người với diễn tấu đàn Bầu. Tác giả Sun Jin (Tôn Tiến) ghi: “Trong quá trình phát âm của tiếng Việt, nếu chỉ phân tích từ khía cạnh vật lý và tâm sinh lý, cho dù là phụ âm hay nguyên âm trong mỗi tiếng (hoặc là mỗi âm tiết) thì nó đều do phần cản trở dây thanh quản đẩy dòng khí mạnh yếu không đồng đều dẫn đến phát ra chấn rung. Điều đó khiến cho các bộ phận cơ của khí quản phát âm căng ra, qua miệng, lưỡi, môi, mũi hình thành lên vùng khoang biến hóa không đồng đều mà phát ra âm thanh.

“Nhạc cụ diễn tấu, tuy không phát ra các loại phụ âm và nguyên âm như giọng người, nhưng về cơ bản việc phát ra âm thanh của chúng có những nét tương đồng. Âm thanh phát ra đều là thông qua chấn động vật thể hoặc cơ quan phát âm của con người. Trong diễn tấu đàn Bầu, độ nhanh chậm, mạnh yếu trong lúc gẩy của tay phải tương tự như độ nhanh chậm, mạnh yếu của dòng khí phát ra khi con người phát âm.
“Các kỹ xảo tạo âm thanh trầm bổng phát ra do tay trái rung, vuốt và luyến láy cũng giống như lúc phần cơ của bộ phận có liên quan đến khí quản và thanh quản phát âm tiếng nói của con người. Điểm khác biệt là hộp cộng hưởng của đàn bầu phát ra âm thanh, là bộ phận duy nhất và cố định không thay đổi.
“Trong khi đó, cơ quan phát âm của con người lại phân thành nhiều khoang cộng hưởng, có thể điều chỉnh được. Trong quá trình diễn tấu, kỹ thuật của tay phải nằm ở chính cách thay đổi vị trí điểm gẩy, cường độ, điểm tiếp xúc dây đàn của que gẩy. Khi đó, tay trái là cường độ, phương hướng cầm cần của các ngón ở bàn tay để tạo nên sự thay đổi bản chất của âm thanh.”

Theo tác giả Sun Jin (Tôn Tiến), “Hầu hết các phong cách diễn tấu nhạc cụ dân tộc đều chịu ảnh hưởng của các nhân tố thanh điệu của ngôn ngữ bản địa, từ đó hình thành nên một hình thái âm nhạc truyền thống đặc trưng. Trong đó, cụ thể được thể hiện ở phong cách giai điệu vốn có của nhạc cổ và dân ca, tức là đặc điểm tổ hợp liên kết giữa hướng đi âm cao của điệu ca và sự biến hóa của nó với âm thanh của khí nhạc. Loại kỹ thuật diễn tấu này lấy chính xu hướng cao độ và sự biến hóa của nó làm trạng thái âm nhạc chủ thể, chịu sự ảnh hưởng và chi phối của xu hướng 6 thanh điệu trong tiếng Việt.”

Tác giả Sun Jin (Tôn Tiến) nhận xét, “Thông qua việc nghiên cứu ảnh hưởng của tiếng Việt đối với âm nhạc dân tộc truyền thống và kỹ xảo diễn tấu đàn bầu, không khó có thể nhận thấy: ngôn ngữ không chỉ có ý nghĩa quan trọng với diễn xướng thanh nhạc, mà còn ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới diễn tấu nhạc cụ. Bởi vậy, muốn diễn tấu tốt dân ca và nhạc cổ, đầu tiên phải nghiên cứu kỹ các kỹ xảo sau: hiểu đại ý của lời ca, nắm bắt được phong cách, thuộc được lời ca, nắm rõ được quy luật vật động của ngữ điệu, học cách diễn xướng…

“Chỉ có như vậy, người nghệ sĩ diễn tấu đàn Bầu mới có thể biểu đạt được chuẩn xác tư tưởng, cản xúc và phong cách quyến rũ của âm nhạc.

Giữa tiếng Việt, âm nhạc cổ truyền Việt Nam và phương pháp chơi đàn Bầu có sự gắn kết chặt chẽ mật thiết với nhau.

Thông qua những ví dụ và phân tích ở trên, tác giả Sun Jin (Tôn Tiến) kết luận, “Xu hướng cao độ của thanh điệu tiếng Việt ảnh hưởng đến sự biến hóa cao độ của giai điệu. Sự biến hóa thanh điệu của ngôn ngữ lại là yếu tố cơ bản cấu thành phong cách âm nhạc của các vùng miền khác nhau tại miền Bắc Việt Nam.
“Diễn tấu đàn Bầu cũng phải tuân thủ phép tròn vành rõ chữ. Trong diễn tấu, tuy không trực tiếp biểu lộ và chi phối về câu nhạc, nhưng cũng giống như nguyên tắc tròn vành rõ chữ, thể hiện trong khi gặp ca từ, tay phải cần phải gảy ra những nốt nhạc này, thậm chí vận dụng những kỹ xảo đàn bầu, có nhấn mạnh và biểu đạt ý nghĩa của câu chữ được rõ ràng. Khi gặp một số từ đệm thông thường không gảy mà chỉ dùng một số kỹ xảo luyến láy, nhấn nhá của tay trái là được.

“Diễn tấu nhạc cổ bằng đàn Bầu cần phải chú ý nắm bắt được các kỹ thuật chi tiết trong diễn xướng thanh nhạc. Nẩy hạt là một trong những điểm nhấn quan trọng trong dân ca Việt Nam. Nó có sự khác biệt rõ ràng nhất trong sự so sánh với kỹ thuật rung của ca kịch phương Tây. Tần suất và biên độ rung của nẩy hạt không cố định, nó dựa theo đặc điểm của dân ca mà được vận dụng linh hoạt. Chỉ một phương pháp nẩy hạt này, đàn Bầu cần tới 3 loại kỹ thuật: rung, vỗ, láy để biểu đạt. Bởi vậy, cần phải tập trung lắng nghe từng âm tiết nhỏ trong diễn xướng, mới có thể diễn giải được chân thực và chuẩn xác cái linh hồn trong dân ca.
“Trong rất nhiều nhạc cụ dân tộc, âm sắc và kỹ xảo của đàn Bầu thể hiện được cái riêng nhất trong phong cách ca nhạc truyền thống Việt Nam. Nó thường đảm nhận trọng trách diễn tấu giai điệu chính trong dàn nhạc. Bên cạnh việc dựa theo phương pháp diễn xướng của nhạc cổ và dân ca, nó còn phải căn cứ theo phong cách diễn tấu của đàn Bầu, để phát huy tối đa chức năng diễn tấu, nhằm đạt được mục tiêu, nghệ thuật hóa dân ca và nhạc cổ, khiến cho lời ca được diễn giải trên nhạc cụ một cách hoàn mỹ.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT