Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nét độc đáo của đàn Kìm trong Đờn Ca Tài Tử (kỳ cuối)

Friday, 08/01/2016 - 11:38:26

“Còn với các âm có sẵn trong hệ thống cung phím: để phát huy hiệu quả diễn tấu, nghệ sĩ không bấm vào cung phím chính mà bấm vào cung phím thấp hơn, nhấn lên rồi mới gảy.

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với Đờn Ca Tài Tử hay Cải Lương, nếu người ca và người đờn mà không rành nhịp, vững nhịp thì không thể nào “thành nghề” được. Nhất là với những chơi đờn Kìm (đàn Nguyệt), yêu cầu này còn đòi hỏi gắt gao hơn. Người nào đã chơi được đờn Kìm là phải vững nhịp. Vì từ xa xưa, cây đờn Kìm luôn đứng ở vị trí đầu nhóm đảm nhiệm vai trò lĩnh xướng. Thiếu cây đàn gì thì còn cho qua nhưng tuyệt nhiên không thể thiếu đàn Kìm trong dàn nhạc truyền thống Nam Kỳ. Đàn Kìm là cây đàn được người xưa ví là “quân tử cầm,” đĩnh đạc mà khoan hòa, gợi nên sự rắn rỏi, mạnh mẽ.

Độc tấu đàn Kìm “Người Ơi Người Ở Đừng Về” (biên soạn Nguyễn Châu) trình bày Alex Nguyễn với phần đệm đàn Tranh của Châu Giang trong Chiều nhạc thính phòng Vào Hạ tại Hội Quán Lạc Hồng (đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng) vào tháng 7 năm 2014 Băng Huyền



Sau này, guitar phím lõm điện tử ra đời đã chiếm lĩnh vị trí lĩnh xướng trong dàn nhạc cải lương của đờn Kìm. Còn khi xưa (trước thập niên 1940) và những năm gần đây khi phong trào Đờn Ca Tài Tử trong nước được phát triển rộng rãi trở lại, cây đàn Kìm đã được định vị trở lại vị trí đầu nhóm của mình.
Giới Đờn Ca Tài Tử thường hay hòa đàn theo các hình thức như

-Song tấu: gồm đàn Kìm và đàn Tranh hoặc đàn Kìm – đàn Cò hay đàn Kìm – đàn Bầu
-Tam tấu: đàn Kìm – đàn Tranh - đàn Cò, hoặc đàn Kìm – đàn Cò – đàn Bầu
-Tứ tấu: đàn Kìm – đàn Tranh – đàn Cò – đàn Tam hoặc đàn Kìm – đàn Tranh – đàn Cò – đàn Tỳ Bà.
-Ngũ tuyệt: đàn Kìm - đàn Cò - đàn Tranh - đàn Độc Huyền và thêm ống tiêu (loại 5 lỗ)
So với những nhạc cụ dân tộc khác trong dàn nhạc tài tử cải lương, cây đờn Kìm là nhạc cụ rất khó đờn cho hay.

Theo giáo sư Nguyễn Châu (giám đốc nghệ thuật đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng) thì đàn Kìm là một nhạc cụ dễ học, nhưng rất khó đàn hay. Ông cho biết, “Khi tôi vào học trường Quốc Gia Âm nhạc (lúc 7- 8 tuổi), thấy đàn cò, đàn bầu học khó quá, nên khi cầm cây đàn Kìm lên đàn hò xự hò xang xự xang, thấy đàn này dễ học, nên xin học đàn Kìm. Nhưng khi học rồi mới thấy rằng học đàn Kìm rất khó đàn hay. Đàn Bầu học đánh sao cho ra nốt thì khó, nhưng khi ra được rồi thì rất dễ đàn hay. Đàn Cò (đàn Nhị) kéo sao cho thẩm âm ra, cũng rất dễ hay vì tay kéo rất nhẹ nhàng. Còn đàn Kìm, người học cần phải có sức khỏe, lực bấm của ngón tay phải mạnh, đồng thời hệ thống dây của nó đổi nhiều lắm. Đó là lý do vì sao mà đến giờ tôi vẫn mê cây đàn Kìm.”

Được biết nếu những người nào có năng khiếu thì học Guitar lõm, đàn Sến, Tranh... trong vòng 6 tháng là có thể đờn ca được, còn khi học đờn Kìm thì phải mất khoảng 12 tháng. Đờn Kìm là loại nhạc cụ đòi hỏi người đờn phải nhấn nhá, có khi chỉ một bậc phải ra nhiều âm sắc khác nhau. Nhất là dây “Tố Lan” của đờn Kìm hiếm người nào có thể đờn cho hay, vì ngón nhấn phải đạt đến điêu luyện.

Giáo sư Nguyễn Châu vừa đàn minh họa vừa giải thích để hiểu rõ hơn tại sao ông lại cho rằng muốn chơi đờn Kìm hay sẽ khó vô cùng.

Kỹ thuật trình tấu đàn Kìm
Đàn Kìm có tám thế bấm, ngón trỏ là ngón số 1, ngón giữa là ngón số 2, ngón áp út là ngón số 3, và ngón út là ngón số 4; Ngoài ra trong mỗi thế bấm có thể dùng 3 ngón tay (1, 2, 3) để bấm và cả ngón số 4 nữa. Mỗi nốt có thể bấm bằng một ngón, nhưng khoảng cách giữa mỗi phím đờn Kìm hơi rộng ở đầu đàn nên có thể sử dụng cả hai ngón bấm trên một phím khi thể hiện các kỹ thuật nhấn, nhấn luyến. Khi bấm đàn, ngón tay trái luôn thẳng góc với dây đàn, bấm đầu ngón tay và không gãy ngón.

Cũng theo lời của giáo sư Nguyễn Châu, đối với các âm không có trong hệ thống cung phím của đờn Kìm thì khi đàn, nếu muốn có âm đó, người nghệ sĩ phải mượn cung phím có âm thấp hơn âm định đánh, nhấn mạnh ngón tay vào cung phím đó làm dây đàn căng lên một độ nhất định, khi tay phải gảy âm muốn có đó. Cung phím này được gọi là cung mượn.

“Còn với các âm có sẵn trong hệ thống cung phím: để phát huy hiệu quả diễn tấu, nghệ sĩ không bấm vào cung phím chính mà bấm vào cung phím thấp hơn, nhấn lên rồi mới gảy.

Kỹ thuật bàn tay trái
Kỹ thuật bàn tay trái của đàn Kìm có những kỹ thuật trình tấu độc đáo để tạo nên âm sắc đặc biệt:
-Ngón nhún: đây là cách nhấn liên tục trên một cung phím nào đó, nhấn nhiều hay ít, nhanh hoặc chậm tùy theo tính chất tình cảm của đoạn nhạc. Nhấn dài hay ngắn tùy theo trường độ của nốt nhạc, nốt nhấn láy làm cho âm thanh cao lên không quá một cung liền bậc (điệu thức ngũ cung) rồi trở lại độ cao cũ nghe như làn sóng.

Ngón nhún là kỹ thuật thường sử dụng ở đàn Kìm, làm cho âm thanh mềm hơn, tình cảm hơn. Ở những âm cao tiếng đàn Kìm hơi đanh, khô nên cần sử dụng kỹ thuật ngón nhún cho những nốt có trường độ vừa phải, không ngân dài, chỉ nên từ một đến hai phách với tốc độ vừa phải.

-Ngón vỗ: Thường dùng ngón 1 bấm cung phím, tay phải gảy đàn, khi âm thanh vừa phát lên sử dụng ngón 2 hoặc cả hai ngón 2 và ngón 3 vỗ vào dây trên cùng một cung phím liền bậc ngay ở dưới cần đàn, âm mới sẽ cao hơn âm chính một cung liền bậc (điệu thức ngũ cung). Âm thanh ngón láy nghe gần như tiếng nấc, diễn tả tình cảm xao xuyến.

-Ngón chụp: Tay trái ngón 1 bấm vào một cung phím, tay phải gảy dây, khi âm thanh vừa phát ra, ngón 2 hoặc 3 bấm mạnh vào cung phím khác (thường là liền bậc cao) âm thanh từ cung phím này vang lên mà không phải gảy đàn. Âm luyến nghe được do một phần của dây đàn còn chấn động, một phần do ngón tay mổ vào cung phím tạo thêm chấn động. Âm luyến nghe yếu nhưng mềm mại, ở những thế bấm cao âm luyến nghe kém vang nên ít được sử dụng. Ký hiệu ngón chụp dùng dấu luyến giữa các nốt nhạc.
-Ngón láy rền: Là tăng cường động tác của ngón láy cho nhanh và nhiều hơn với sự phối hợp vê dây của tay phải. Ký hiệu ngón láy rền sử dụng chữ tắt của trille và hai gạch chéo ở trên hoặc ở dưới nốt nhạc (nếu là nốt tròn) hay trên đuôi nốt nhạc.

-Ngón giật: Ngón giật là cách nhấn trên dây như ngón nhấn luyến nhưng tính chất âm thanh khác: âm được nhấn tới vừa vang lên liền bị tắt ngay một cách đột ngột, âm thanh tiếng giật nghe như tiếng nấc, diễn tả tình cảm day dứt, thương nhớ.

-Ngón rung: Đây là ngón tạo độ ngân dài của tiếng đàn và làm tiếng đàn mềm đi ở những âm cao, âm thanh đỡ khô khan, tình cảm hơn. Dây buông cũng rung được bằng cách nhấn nhẹ ở đoạn dây sát dưới trục dây.

-Ngón nhấn: Ngón nhấn là bấm và ấn mạnh trên dây đàn làm cho tiếng đàn cao lên, có nhiều cách thực hiện ngón nhấn.

-Ngón nhấn luyến: là ngón độc đáo của đàn Kìm nên được sử dụng nhiều, đàn Kìm với phím đàn cao, phím này cách phím kia xa, dây đàn bằng dây tơ hoặc ny lông mềm mại và chùng nên dễ dàng sử dụng ngón nhấn luyến.

Ngón nhấn luyến tạo cho hai âm nối liền nhau, luyến với nhau nghe mềm mại như tiếng nói với nhiều thanh điệu, tình cảm. Khi đánh ngón nhấn luyến tay phải chỉ gảy một lần, ký hiệu ngón nhấn luyến là mũi tên đi vòng lên hay vòng xuống đặt từ nốt nhấn đến nốt được nhấn tới.
Có hai cách nhấn luyến

Nhấn luyến lên: nghệ sĩ bấm một cung phím nào đó, tay phải gảy dây, tiếng đàn ngân lên, ngón tay trái đang bấm cung phím đó lại nhấn xuống cho dây đàn căng lên nhiều hay ít tùy theo ý muốn của nghệ sĩ. Ngón nhấn luyến lên có thể trong vòng từ quãng hai đến quãng bốn. Đối với những âm ở dưới cần đàn xa đầu đàn quãng âm nhấn luyến càng hẹp hơn.

Nhấn luyến xuống: nghệ sĩ bấm và nhấn dây ở một phím nào đó rồi mới gảy, vừa gảy ngón tay nới dần ra nhưng không nhấc khỏi cung phím để sau khi nghe âm thứ nhất, còn nghe được âm thanh thứ hai thấp hơn âm thứ nhất. Âm thứ hai không do gảy mà do bấm nhấn luyến xuống, đối với âm luyến lên và âm luyến xuống không nên sử dụng liên tục với nhau vì khó đánh chuẩn xác.

-Ngón vuốt: Ngón vuốt là dùng ngón tay trái vuốt đi lên hay đi xuống theo chiều dọc của dây trong khi tay phải chỉ gảy một lần hay kết hợp với ngón vê hay ngón phi. Ký hiệu của ngón vuốt là dấu gạch nối giữa các nốt nhạc. Có 3 loại vuốt:

Vuốt lên: vuốt từ âm thấp lên âm cao. Vuốt xuống: vuốt từ âm cao xuống một âm thấp. Vuốt tự do: có 2 cách. Vuốt từ một âm chỉ định lên bất cứ âm nào (thường không quá quãng 5). Vuốt từ một âm chỉ định xuống bất cứ âm nào (thường chỉ nên vuốt xuống quãng 4). Thường thì vuốt lên âm thanh nghe rõ hơn vuốt xuống, vuốt nhanh âm thanh nghe rõ hơn vuốt chậm

-Ngón bật dây: Tay trái, ngón trỏ hay ngón giữa bấm vào một cung phím nào đó, kế tiếp dùng tay khác gảy vào dây ở ngay dưới ngón tay đang bấm để phát ra âm thanh.

Bật dây buông: sử dụng bất cứ ngón tay trái nào bật một trong hai dây buông, hay cả hai dây một lúc, ngón bật dây chỉ nên viết trong trường hợp độc tấu, không nên đưa vào bài nhạc có tốc độ nhanh hoặc nốt nhạc ở phách mạnh.

-Âm bồi: có thể đánh trên tất cả các dây nhưng chỉ nên đánh trong khoảng âm giữa, âm dưới và nên đánh những âm bồi quãng tám. Cách đánh là sử dụng ngón tay trái chặn vào đoạn dây thích hợp kể từ đầu đàn trong khi tay phải gảy dây đó.

Kỹ thuật của bàn tay phải
Những kỹ thuật kể trên là kỹ thuật của bàn tay trái khi trình tấu trên đàn Kìm, còn những kỹ thuật của bàn tay phải, gồm có

-Ngón vê: Ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm móng gảy, các ngón khác khum tròn, cổ tay kết hợp với ngón tay điều khiển móng gảy đánh xuống, hất lên đều đặn, liên tục trên dây đàn.

-Ngón gõ: Sử dụng các ngón tay phải gõ vào mặt đàn, thường được sử dụng trong lúc tất cả các nhạc khí đều nghỉ hoặc báo hiệu cho hát, cho hòa tấu hoặc điểm giữa các câu nhạc hay đoạn nhạc.

-Ngón bịt: Ngón bịt làm cho âm thanh vừa vang lên liền tắt một cách đột ngột tạo thay sự thay đổi màu âm, ngón bịt diễn tả sự u buồn, nghẹn ngào hoặc để chấm dứt một đoạn nhạc. Nếu sử dụng liên tiếp ngón bịt lại tạo hiệu quả khác : biểu lộ sự cứng rắn, dứt khoát.

Có hai cách thể hiện ngón bịt: Sử dụng bàn tay hoặc ngón tay vừa gảy chặn ngay dây đàn. Và sử dụng bàn tay, ở ngang thân ngón út chặn ngang ngựa đàn tạo ra một âm tối, đục tương tự như sử dụng hãm tiếng.

Kết luận
Nhạc sĩ Văn Hoàng (là nhạc sĩ chuyên đàn Guitar phím lõm và đàn Sến trong những chương trình cải lương, đờn ca tài tử tại quận Cam) cho rằng “Nếu trong dàn nhạc cải lương, nếu thiếu đàn Kìm, có thể thay thế bằng đàn Sến, tuy nhiên đàn Sến chỉ hay ở những giai điệu trẻ trung thôi. Còn những tình huống bi cảm, hoặc những điệu Nam oán thì sến không thể đàn hay bằng đàn Kìm được.”

Giáo sư Nguyễn Châu bày tỏ, “Vì học đờn Kìm khó đờn hay, trong nước đã ít người theo học, thì nói chi tại hải ngoại này, người theo học đờn Kìm càng hiếm hoi hơn. Những bạn trẻ theo học các nhạc cụ dân tộc tại đoàn Văn Nghệ dân tộc Lạc Hồng thường thì học guitar phím lõm, Tranh, Bầu hay đờn Cò vẫn nhiều hơn là số em theo học đàn Kìm. Dù ít ỏi, nhưng chúng tôi luôn chú ý hướng dẫn lớp trẻ học hỏi nhạc cụ này, vì chỉ có các em mới có đủ thời gian và sức lực để góp phần gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật cổ truyền tại hải ngoại này sau khi lớp tụi tui qua đời thì vẫn còn có người kế thừa chúng tôi.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT