Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nét độc đáo của Guitare phím lõm trong dàn nhạc tài tử cải lương (kỳ 1)

Saturday, 12/07/2014 - 02:30:01

Nếu các nốt đàn trong nhạc Tây Phương có 7 nốt: Do, Ré, Mi , Fa, Sol, La, Si và nốt thăng (sharp), giảm (flat), thì cổ nhạc Miền Nam cũng có bảy nốt là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liếu, Ú. Nhưng trên thực tế thường chỉ có năm nốt gọi là “ngũ âm”. (Liếu và Ú là nấc trên của Hò và Xự). Nốt nhạc ngũ cung Việt Nam không có nốt

Băng Huyền/Viễn Đông



Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh đang đệm đàn guitare phím lõm cho nghệ sĩ Thành Đạt ca. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh đang đệm đàn guitare phím lõm cho nghệ sĩ Thành Đạt ca.
(Băng Huyền/Viễn Đông)



Đàn điện Guitare phím lõm. (Internet)



Đàn thùng Guitare phím lõm. (Internet)



Đàn thùng Guitare phím lõm. (Internet)


Đàn điện guiatre phím lõm. (Internet)



Đàn thùng Guitare phím lõm. (Internet)



Đàn điện guiatre phím lõm. (Internet)
 
Nếu các nốt đàn trong nhạc Tây Phương có 7 nốt: Do, Ré, Mi , Fa, Sol, La, Si và nốt thăng (sharp), giảm (flat), thì cổ nhạc Miền Nam cũng có bảy nốt là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liếu, Ú. Nhưng trên thực tế thường chỉ có năm nốt gọi là “ngũ âm”. (Liếu và Ú là nấc trên của Hò và Xự). Nốt nhạc ngũ cung Việt Nam không có nốt thăng và giảm, nhưng có vô số tiếng “ngân”, đặc biệt là ở vào cuối nhịp hay cuối câu. Vì vậy không thể nào dùng một nhạc khí Tây phương không có ngân để diễn tả cổ nhạc Miền Nam (chẳng hạn như đàn dương cầm). Còn muốn dùng nhạc khí có dây Tây Phương như Mandoline hay Guitare thì trên cán đàn phải “khoét lõm” ở chỗ bấm nốt để có thể ấn” mạnh, nhẹ” xuống dây đàn hầu thay đổi sự căng thẳng của nó để tạo tiếng ngân.

Không như nghệ thuật ca trù, ca Huế, tiếng hát của người ca nương là chánh, tiếng đàn chỉ là phụ, trong nghệ thuật đàn ca tài tử, tiếng đàn quan trọng hơn cả tiếng ca. Giàn đờn của Đờn Ca Tài Tử gồm có đờn kìm (nguyệt) giữ tiếng đờn chân phương và cho nghe âm thanh trầm ấm, các nghệ sĩ hòa đờn đàn ca tài tử gọi đó là tiếng “Thổ”; đàn tranh nhờ dây sắt có tiếng đàn lánh lót nên phát thành tiếng “Kim”; đàn cò có cung kéo vuốt ve thành tiếng dịu ngọt; đàn bầu nỉ non như xoáy vào tim. Và khoảng sau năm 1930 giàn đờn của Đờn Ca Tài Tử có thêm đàn guitare phím lõm, dù guitare là một nhạc khí có nguồn gốc từ Tây Ban Nha nhưng các nghệ nhân cổ nhạc Việt Nam đã khoét cần giữa 2 phím để người đờn có thể nhấn - rung thể hiện được nét nhạc truyền thống Việt Nam.

Sự ra đời của guitare phím lõm:

Không có tài liệu nào cho biết đàn guitare đã xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ, nhưng có giả thuyết cho rằng, “Đàn guitare đã theo chân các cố đạo Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 19. Nhưng phải đến năm 1920 mới bắt đầu xuất hiện những người Việt Nam chơi guitare. Những người chơi guitare đầu tiên ở Việt Nam chính là các nghệ sỹ cải lương. Với óc sáng tạo của mình, họ đã tạo ra cây guitare phím lõm, đưa đến một dòng guitare mới là guitare cải lương. Đây là dòng guitare rất phổ biến trong nhạc tài tử miền Nam trước năm 1945 với những tên tuổi nổi tiếng như Tư Chơi, Ba Kéo, Bảy Cây, Chín Hòa, Năm Phỉ, Văn Vĩ... Guitare phím lõm là guitare du nhập vào Việt Nam, được khoét lõm phím đàn và lên dây theo âm giai ngũ cung để đàn các bài bản cải lương.”

Đàn guitare phím lõm đã có một quá trình dài trong lịch sử được các nghệ nhân của cải lương cải tiến, sửa đổi và biến thành nhạc cụ của dân tộc, đây là một nhạc cụ tham gia tích cực vào sự phát triển của nghệ thuật tài tử cải lương. Guitare phím lõm đã được các nghệ sĩ cũng như đông đảo khán giả mộ điệu yêu thích. Vai trò của guitare phím lõm không còn là một nhạc cụ màu sắc mà là nhạc cụ không thể thiếu vắng của các ban nhạc tài tử cải lương và hiển nhiên nó được xem như là nhạc cụ của dân tộc Việt, vì thể hiện được ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc Việt.

Theo nhạc sĩ cổ nhạc đàn tranh và đàn guitare phím lõm Huy Thanh cho biết, vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, đàn guitare từng xuất hiện trong nhạc tài tử cải lương rồi chìm vào quên lãng. Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh cho rằng đàn guitare xuất hiện ngay ngày đầu thế kỷ 20 trong dàn nhạc tài tử cải lương nhưng phải vài chục năm sau (mãi đến những năm cuối thập niên 30), nó mới được chấp nhận như một thành viên, là nhờ chặng đường sáng tạo đầy thú vị trong việc chinh phục tiếng đàn phương Tây vào cổ nhạc Việt của các tay đàn lão luyện của âm nhạc tài tử cải lương khoét lõm phím và thổi vào nó những “chữ đờn” mê hoặc lòng người, khi đó giới tài tử cải lương mới công nhận guitare phím lõm là nhạc cụ không thể thiếu trong các ban nhạc của mình và guitare phím lõm được sủng ái từ đó cho đến ngày nay. Vì nhạc tài tử miền Nam dựa trên ngũ cung (Hò Xự Sang Xê Cống) khác với 7 nốt của Tây Phương. Trong đó, có những nốt phải chơi “già” hoặc “non”, giống như hơi thăng hoặc giáng trong nhạc Latin. Chính vì vậy, các nghệ nhân Việt Nam đã khoét sâu thành đàn guitare phím lõm để giải quyết những kỹ thuật này, để có thể nhấn nhá, luyến láy. Để rồi khi nhắc đến đàn guitare bên cổ nhạc, người ta không đơn thuần gọi nó là đàn guitare nữa, mà luôn gắn theo cụm từ guitare phím lõm để phân biệt với guitare bên tân nhạc.”

Cũng theo nhạc sĩ Huy Thanh, đàn guitare phím lõm trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi địa phương lại có những phong cách đàn khác nhau. Đã có nhiều kiểu so dây ra đời, mỗi vùng có một chữ đờn và hệ thống dây khác nhau. Ví dụ như dây Xề Bóp [Sòl, Đô, Sol, Rế]; dây Sài Gòn [(Rề), Sol, Rê, Sol, Rế]; dây Ngân Giang [Sòl, Rê, Sol, Si, Rế, hoặc Rề, La, Rê, Fa#, La]; dây bán Ngân Giang [Rê, Sol, Rê, Si, Rế]; dây Tứ Nguyệt [(Rề), La, Rê, La, Rế]; dây Lai [Rê, Sol, Rê, La, Rế; có khi 6 dây: (Sol), Rê, Sol, Rê, La, Rế], hoặc gọi thẳng tên người cải biên ra cách so dây như: “dây Văn Vĩ”, “Văn Giỏi”, “Hoàng Thành”... Đặc biệt, có một kiểu so dây từ cây đàn octavina được đặt là “Dây Rạch Giá” [(Rề), Sol, Rê, Sol, La, Mí ]... Tuy nhiên, tất cả đều dựa trên những nguyên tắc chung và hiện nay hệ thống dây Lai là hệ thống dây phổ biến nhất, với hệ thống dây này, guitare phím lõm có thể đờn tất cả các bài bản.

Sự đa diện của guitare phím lõm

Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng thì cho rằng dù đàn guitare khi được các nghệ nhân cổ nhạc miền Nam cải tiến bằng cách đã khoét lõm phím rồi thì những người chơi đàn vẫn còn phải giải quyết mâu thuẫn trong cao độ giữa nhạc cụ này với dàn nhạc. Do âm nhạc tài tử là ngũ cung, âm thanh của đàn guitare so với nhạc ngũ cung thì hơi cứng. Chẳng hạn nốt si hay si giáng ở guitare khác, bên ngũ cung lại thấp hơn nốt si và cao hơn si giáng, vì vậy ban đầu người đàn chưa cân đối được. Thậm chí nhiều nốt khác nữa, nên khi nghe cảm thấy nó không cùng mạch. Đây cũng chính là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi trong việc nên hay không nên sử dụng guitare phím lõm trong dàn nhạc tài tử. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, những người chơi guitare phím lõm cân đối được vấn đề này thành ra hòa âm được.

Theo nhạc sĩ Văn Hoàng việc đàn hay hay dở còn tùy vào mỗi người sử dụng nhưng sở dĩ các nghệ sĩ tài tử thích đưa guitare vào dàn nhạc là bởi ưu thế của cây đàn này rất lớn.

Xét về màu sắc, guitare phím lõm thuộc đàn dây sắt, dù trong dàn nhạc đã có đàn tranh, nhưng đàn guitare phím lõm vẫn rất cần thiết bởi khả năng về quãng âm của cây đàn phát ra rộng; quan trọng hơn, khi không có nó thì âm nhạc tài tử thiếu mất phần trầm, vì đàn kìm và đàn tranh đều từ trung trở lên; đàn cò cũng cao nên không có trầm. Rõ ràng việc đưa guitare phím lõm vào dàn nhạc tài tử của các nghệ sĩ thế hệ trước phải nói là rất giỏi. Đặc biệt guitare phím lõm còn có thể hòa hợp được với tất cả các tiết tấu, màu sắc của âm nhạc tài tử cải lương. Sự phổ cập của guitare phím lõm ngày càng rộng. Cây đàn đã trở thành nhạc cụ chủ lực cho dàn nhạc tài tử và cả vọng cổ, cải lương. Nó rất “rộng xài”, có thể “bao thầu” tất cả, làm cho người ca cảm thấy yên tâm. (bh)

(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT