Thế Giới

Nga xác nhận Su-57 xuất hiện ở Syria

Thursday, 01/03/2018 - 11:02:51

Điều này gây ra nhiều đồn đoán xung quanh mục đích Nga đưa loại chiến đấu cơ tối tân này tới Syria. Nhiều người cho rằng Nga đem Su-57 tới Syria để “thử nghiệm,” trong khi một số ý kiến khác cho rằng đây là lời khuyến cáo của Nga gởi đến liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Syria.



MOSCOW - Bộ Quốc Phòng Nga hôm thứ Năm xác nhận, hai chiến đấu cơ hiện đại Su-57 đã tham gia tập trận 2 ngày ở Syria. Đây là xác nhận đầu tiên của Moscow sau khi truyền thông xôn xao về sự xuất hiện của Su-57 tại Syria. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu nói: “Các chiếc Su-57 thực sự đã xuất hiện ở đó, nhưng không lâu, chỉ 2 ngày. Trong thời gian đó, các chiến đấu cơ này đã thực hiện một chương trình thử nghiệm, và tôi có thể nói rằng cuộc thử nghiệm đã thành công.”
Ông Shoigu cũng thêm rằng, các ảnh vệ tinh của Israel lan truyền trên mạng, được cho là Su-57 của Nga ở Syria, hoàn toàn là giả. Ông cho biết, các chiếc Su-57 đậu trong các hangar, và không bao giờ đậu cạnh nhau. Đầu tuần này, truyền thông phương Tây đưa tin, Nga dường như đã điều 4 chiến đấu cơ Su-57 tới Syria. Các máy bay này được nhìn thấy hạ cánh xuống căn cứ Không quân Khmeimim của Nga ở tỉnh Latakia của Syria. Điều này gây ra nhiều đồn đoán xung quanh mục đích Nga đưa loại chiến đấu cơ tối tân này tới Syria. Nhiều người cho rằng Nga đem Su-57 tới Syria để “thử nghiệm,” trong khi một số ý kiến khác cho rằng đây là lời khuyến cáo của Nga gởi đến liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Syria.

Venezuela hoãn bầu cử tổng thống tới cuối tháng 5
CARACAS – Venezuela vào thứ Năm đã thông báo hoãn cuộc bầu cử tổng thống đến ngày 20 tháng 5, theo sau một thỏa thuận giữa chính phủ của Tổng Thống Nicolas Maduro và một số đảng đối lập. Đảng đối lập chính tại Venezuela đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu, gọi đây là “âm mưu khôi hài” nhằm hợp pháp hóa “một nhà độc tài.” Hai đối thủ mạnh nhất của ông Maduro, gồm ông Leopoldo Lopez và ông Henrique Capriles, đều bị cấm ra tranh cử.
Các nước phương tây và hàng chục nước Mỹ La-tinh đã chỉ trích chính phủ Maduro vì các điều kiện không công bằng của cuộc bỏ phiếu, và Hoa Kỳ hiện đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu hỏa của Venezuela. Một lãnh đạo đối lập, ông Henri Falcon, 56 tuổi, đã ra tranh cử sau khi tách khỏi liên minh đối lập chính. Ông Falcon tin rằng, ông có thể thắng cử dù không có sự hỗ trợ của liên minh, bằng cách lợi dụng sự bất mãn của người dân với chính quyền xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh Venezuela đang trải qua năm suy thoái thứ 5 liên tiếp.
Những người đối lập thuộc phe của ông Lopez và Capriles đã gọi ông Falcon là “kẻ đầu hàng,” và kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc bỏ phiếu, mà họ dự đoán sẽ đem đến “một thắng lợi giả dối” cho ông Maduro.

Nam Hàn sắp gởi đặc sứ tới Bắc Hàn
SEOUL - Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm thứ Năm đã gọi điện thông báo với Tổng Thống Donald Trump rằng, Seoul sẽ gởi một đặc sứ tới Bắc Hàn, nhằm đáp lại chuyến thăm của đại diện miền bắc Kim Yo-jong. Hai vị tổng thống cũng đồng ý tiếp tục đi theo các tiến triển hiện tại trong vấn đề đối thoại liên Triều, và tiếp tục nỗ lực để tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, theo thông cáo của văn phòng Tổng Thống Moon tại Seoul.
Ông Moon Jae-in trước đây đã định dùng sự kiện Olympics Mùa Đông PyeongChang để mở ra cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, nhằm xoa dịu căng thẳng hạt nhân giữa 2 nước, vốn đã gây lo ngại về an ninh toàn cầu. Tổng Thống Moon, người lâu nay vẫn ưu tiên dùng cách đối thoại để giảm căng thẳng với Bắc Hàn, vào đầu tuần đã kêu gọi Washington nên giảm bớt các giới hạn về đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp với tướng Bắc Hàn Kim Yong-chol vào Chủ Nhật vừa qua, ông Moon cũng thúc giục Bắc Hàn nên đối thoại với Hoa Kỳ một cách sớm nhất có thể, và Chủ Tịch Kim Jong Un đáp lại rằng, nước này hiện sẵn sàng tổ chức đàm phán.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn bác bỏ mọi khả năng thương lượng, trước khi Bắc Hàn có hành động thực tế về giải trừ hạt nhân. Các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã không có tiếp xúc gì trong suốt kỳ Thế Vận Hội tại PyeongChang. Vào tuần trước, Washington đã ban hành một loạt các lệnh trừng phạt, mà Tổng Thống Trump gọi là các “hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” nhắm vào chính phủ Bình Nhưỡng.

Năm công nhân Bắc Hàn chết tại Nga
UFA – Một viên chức thuộc Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp Nga hôm thứ Năm đã thông báo với hãng truyền thông Yonhap của Nam Hàn rằng, 5 thi thể công nhân Bắc Hàn đã được tìm thấy trong một container tại một công trường xây dựng ở thành phố Ufa, cách thủ đô Moscow của Nga 1,360 cây số về phía đông. Tình trạng tại hiện trường cho thấy, các công nhân Bắc Hàn thiệt mạng do ngộ độc khí CO. Nhóm người này được cho là đã đốt than trong một cái xô để sưởi ấm, do hệ thống sưởi bên trong container, được dùng làm nơi tạm cư, đã không hoạt động.
Năm người Bắc Hàn thiệt mạng được cho là làm việc cho một hãng xây dựng Nga, có tên Salviya. Những công nhân này sống trong các container tại công trường, được sửa lại làm chỗ ở. Ước tính khoảng 35,000 đến 37,000 người Bắc Hàn đang làm việc trong các ngành xây dựng, khai thác gỗ, trồng trọt và đánh cá tại Nga. Thu nhập của họ góp một phần đáng kể vào nguồn dự trữ tài chính của Bắc Hàn. Cùng với Trung Quốc, Nga là nước có số lao động Bắc Hàn làm việc đông nhất thế giới.
Theo lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một số khu vực tại Nga hồi tháng 2 đã bắt đầu trục xuất các lao động Bắc Hàn về nước. Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga, đặc biệt ở vùng viễn đông - nơi có khoảng 12,000 công nhân Bắc Hàn đang làm việc. Liên Hiệp Quốc ước tính, khoảng 100,000 người Bắc Hàn đang làm việc ở nước ngoài, và gởi khoảng $500 triệu Mỹ kim về nước mỗi năm. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chính phủ Bình Nhưỡng thu từ 70 đến 90% thu nhập hàng tháng (khoảng từ $300 đến $1,000 Mỹ kim) của người lao động Bắc Hàn ở nước ngoài.

Úc khẳng định không có chiến tranh lạnh với TQ
CANBERRA – Vào ngày thứ Năm, viên chức ngoại giao hàng đầu của Úc thừa nhận với một ủy ban Thượng Viện nước này rằng, quan hệ song phương với Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng bà bác bỏ thông tin cho rằng hai nước đang rơi vào tình trạng đóng băng ngoại giao. Bà Frances Adamson, Bộ Trưởng Ngoại Vụ và Thương Mại, cho biết tin tức nói rằng Canberra và Bắc Kinh đang có chiến tranh lạnh là “hoàn toàn sai lầm.” Theo bà Adamson, chính phủ đang gặp phải một số vấn đề phức tạp, nhưng sẽ giải quyết được, và tòa đại sứ Úc tại Bắc Kinh vẫn hoạt động bình thường. Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop cũng ủng hộ tuyên bố của bà Adamson, khẳng định quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không hề bị đóng băng.
Trước đó, truyền thông Úc đưa tin, Trung Quốc đã đóng băng quan hệ ngoại giao với Canberra, nhằm gây áp lực lên Thủ Tướng Malcolm Turnbull, liên quan đến một số dự luật mới có nội dung ngăn chận sự can thiệp của nước ngoài tại Úc, và phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Theo truyền thông, Trung Quốc đã hoãn một chuyến thăm của bà Adamson tới Bắc Kinh vào năm ngoái, đình chỉ các chuyến thăm cấp bộ trưởng, và hủy hàng loạt các cuộc họp cấp thấp hơn.
Trung Quốc mới đây đã gởi 2 lời phản đối chính thức tới Úc, với những ngôn từ thù địch một cách khác thường. Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc lên tiếng phản đối sau khi Thủ Tướng Turnbull thông báo Úc sẽ cấm mọi sự can thiệp của nước ngoài vào chính trường, bất kể là các biện pháp gián điệp hay các hỗ trợ tài chính. Đến tháng 1, 2018, Trung Quốc lại tiếp tục phản đối, sau khi Úc nói rằng các chương trình tài trợ của Bắc Kinh tại các đảo quốc nghèo trên Thái Bình Dương không thật sự đem lại lợi ích, mà chỉ gây bất ổn kinh tế.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT