Hoa Kỳ

Ngày Cuối Cùng Ở Việt Nam đang được chiếu ở Quận Cam

Tuesday, 30/09/2014 - 01:00:21

Phim “The Last Days in Vietnam” (Ngày Cuối Cùng Ở Việt Nam) được khởi chiếu vào hôm thứ Sáu tuần qua tại Quận Cam, nơi có đông người Việt tị nạn nhất trên thế giới.

(Hugh Doyle American Experience)


WESTMINSTER – Bà Rory Kennedy là con út của cố nghị sĩ liên bang Robert F. Kennedy. Bà là thành viên đầu tiên trong gia đình chính trị nổi tiếng này đã trở thành một nhà làm phim tài liệu thuộc đẳng cấp quốc tế. Đa số giới phê bình phim đều nói rằng đây có thể là phim tài liệu hay nhất của bà Kennedy trong những phim có giá trị mà bà đã thực hiện.
Phim “The Last Days in Vietnam” (Ngày Cuối Cùng Ở Việt Nam) được khởi chiếu vào hôm thứ Sáu tuần qua tại Quận Cam, nơi có đông người Việt tị nạn nhất trên thế giới.
Phim đang được chiếu tại rạp Edwards University Town Center 6, số 4245 đường Campus Drive, ở Irvine, ít nhất là đến hết thứ Năm tuần này, 2 tháng 10. Rạp có thể chiếu thêm ngày nếu có nhu cầu. Xuất chiếu mỗi ngày là 1:30 p.m., 4 p.m., 6:30 p.m. và 9 p.m.. Cần thêm chi tiết, gọi (949) 854-8818.
Đối với những ai nghĩ rằng không có gì nữa để xem hoặc nói về cuộc chiến Việt Nam, họ sẽ khám phá phim tài liệu mới này rất đáng chú ý và đáng xem. “Ngày Cuối Cùng Ở Việt Nam” nói về cuộc di tản năm 1975 ở Sài Gòn. Tuy đây là một phim tài liệu nói về một kết cục đáng buồn, nhưng phim cũng mô tả khí phách anh hùng của những con người có thật, gây xúc động mạnh cho khán giả.
Bà Kennedy không quan tâm đến việc tạo điểm chính trị hoặc tỏ bày cảm xúc. Bà đem lại một cái nhìn rõ ràng về thất bại của Mỹ trong việc thực hiện kế hoạch di tản người Việt Nam trong lúc quân cộng sản Bắc Việt đang chuẩn bị xâm lăng và đánh chiếm thành phố này. Đây là một thời điểm nguy hiểm nghiêm trọng cho các viên chức tòa đại sứ Mỹ lẫn các công dân của Sài Gòn thân với Mỹ.
Phim ghi lại theo thứ tự thời gian tình trạng hỗn loạn xảy ra vào chương cuối cùng của cuộc chiến. Trong lúc Sài Gòn sắp rơi vào tay cộng sản miền Bắc, các nhà ngoại giao và các quân nhân Mỹ đã được chính phủ Hoa Kỳ ban chỉ thị rằng họ chỉ đưa các công dân Mỹ ra khỏi nước này mà thôi. Liệu họ sẽ bỏ qua chỉ thị ấy và tìm cách giúp đỡ những người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa đang tuyệt vọng muốn thoát khỏi hay không?
Bà Kennedy đã sử dụng các đoạn phim lịch sử, trong đó có một số hình ảnh đáng chú ý của những chiếc máy bay trực thăng trống rỗng đang bị xô xuống biển, để cho phép những chiếc trực thăng chở đầy những người tị nạn đáp xuống trên một chiếc tàu thủy của Mỹ. Bằng cách ấy, bà Kennedy nhìn lại một chương lịch sử của cuộc chiến Việt Nam, với tất cả sự đau đớn, khí phách anh hùng cá nhân và những vấn đề đạo đức u ám của toàn bộ cuộc xung đột ấy.
Nhà làm phim pha trộn những thước phim lưu trữ làm say mê lòng người, và hầu hết những đoạn phim tài liệu này ít được biết đến trước đây, cộng với những hoài niệm của những người Mỹ và một số người Việt Nam được bà cho xem những đoạn phim ấy. Những người này đã trực tiếp chứng kiến “ngày cuối cùng” của Sài Gòn. Tuy nhiên, có một hình ảnh sẽ được nhận ra ngay lập tức: đó là một chiếc trực thăng Mỹ chơi vơi bên trên một tòa nhà ở Sài Gòn, với một đám đông tuyệt vọng xô lấn nhau để leo vào chiếc máy bay.
Trước đây, đa số những ai từng thấy hình ảnh ấy đã cho rằng biến cố xảy ra tại Tòa Đại Sứ Mỹ. Thế nhưng bộ phim này cho thấy rằng tòa nhà ấy thực ra là nơi cư trú của trưởng trạm CIA.
Có lẽ nhân vật hấp dẫn nhất ở đây là Đại Sứ Mỹ Graham Martin. Phim này dường như lúc đầu mô tả ông như là một nhân vật phản diện. Ông Martin thuộc trường phái cũ, có con trai riêng của vợ ông bị giết chết ở Việt Nam. Đại Sứ Martin gần như kiên trì chống lại ý tưởng cho rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ thất thủ, ngay cả khi chuyện sụp đổ đã trở nên hiển nhiên đối với tất cả những người khác.
Ông Martin sau đó chuộc lại chính mình khi ông trì hoãn việc ông rời khỏi Tòa Đại Sứ, để nhìn thấy được càng nhiều người Việt Nam càng tốt có thể được di tản ra ngoài thành phố đang rơi vào tay cộng sản.
Phim cung cấp những cuộc phỏng vấn với một số anh hùng chân chính. Họ là các quân nhân Mỹ, chẳng hạn như Đại Tá Bộ Binh Stuart Herrington. Họ đã đánh liều sự nghiệp, và có lẽ đánh liều cả tự do của họ nữa, để giúp cho nhiều người miền Nam Việt Nam lên được những chiếc máy bay trực thăng chở họ ra tới các tàu Mỹ đang chờ ở ngoài khơi.
Khán giả cũng được nghe Richard Armitage kể chuyện. Ông là một sĩ quan hải quân rất dễ mến, sau này sẽ trở thành thứ trưởng ngoại giao.
Trong số những người này, có một ít phi công thủy quân lục chiến. Họ đã cứu được vô số sinh mạng, nhưng một số vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh của hàng trăm người Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ lại phía sau trong sân tòa đại sứ.
Một trong những người không dễ mến lắm được ghi nhận trong phim tài liệu là Henry Kissinger. Ông là cựu bộ trưởng ngoại giao và là người từng lãnh giải Nobel Hòa Bình. Cách hai năm trước đó, ông tham gia đàm phán Hiệp Định Hòa Bình Paris, để cho cộng sản lợi dụng hiệp định này và thôn tính miền Nam Việt Nam.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT