Người Việt Khắp Nơi

Ngày Văn Hóa Việt Nam

Thursday, 23/04/2015 - 08:06:15

Trong chủ trương đó, hàng năm Lê Văn Duyệt Foundation có tổ chức 3 ngày lễ lớn để bảo tồn và phát huy nền văn hóa VN đó là ngày Vía Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, kế đến là ngày Tôn Sư Trọng Đạo và thứ ba là ngày Văn Hóa Việt Nam như hôm nay.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Ngày Văn Hóa Việt Nam được Hội Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức vào trưa Chủ Nhật 19 tháng Tư, 2015 tại hội trường nhật báo Việt Báo ở Westminster, Nam California.

GS Nguyễn Trung Quân thuyết trình trong Ngày Văn Hóa Việt Nam. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Hơn 100 đồng hương tham dự, đa số thuộc thành phần giáo chức và những người luôn quan tâm đến văn hóa dân tộc. Hơn nữa với hai đề tài “ Địa Vị Văn Học Trong Nền Văn Hóa Việt Nam” do Giáo sư Nguyễn Trung Quân trình bày và đề tài “ Văn Hóa Đàng Trong” do giáo sư Trần Văn Chi phụ trách đã thu hút số người tham dự khá đông đảo vào dịp cuối tuần có nhiều sinh hoạt đang diễn ra tại Little Saigon.
MC Vũ Minh Phương điều hợp chương trình và Đốc Sự Châu Văn Đễ phụ trách giới thiệu quan khách và các cơ quan truyền thông. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên VNCH, Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation và cũng là Chủ Tịch Phong Trào Đoàn Kết VNCH ngỏ lời chào mừng các bậc trưởng thượng, quý quan khách, các cơ quan truyền thông và đồng hương.
Sau đó, Giáo sư đề cập đến Lê Văn Duyệt Foundation, một tổ chức bất vụ lợi, chủ trương tinh thần bảo tồn văn hóa VN, vì theo ông văn hóa không thể tách rời khỏi chánh trị vì văn hóa gồm tất cả những sinh hoạt của con người kể cả chính trị. Vì thế Lê Văn Duyệt Foundation chủ trương tự do dân chủ, nêu cao nền văn hóa nhân bản, dân tộc và khai phóng, đó là những nguyên tắc căn bản đã được đề ra trong thể chế VNCH.
Trong chủ trương đó, hàng năm Lê Văn Duyệt Foundation có tổ chức 3 ngày lễ lớn để bảo tồn và phát huy nền văn hóa VN đó là ngày Vía Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, kế đến là ngày Tôn Sư Trọng Đạo và thứ ba là ngày Văn Hóa Việt Nam như hôm nay.
Sau đó, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm giới thiệu hai diễn giả GS. Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và Hiệu Trưởng Trung Học Nguyễn An Ninh Saigon; Giáo sư Trần Văn Chi, giáo sư Sử Địa nhiều trường trung học, Giảng viên và Phó Khoa Trưởng Đại Học Hòa Hảo tại An Giang. Nhưng trước khi hai diễn giả trình bày, GS Nguyễn Thanh Liêm nhân dịp kỷ niệm Tháng Tư Đen, ông có mời giáo sư Phan Bích Thủy diễn ngâm bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
Trình bày về đề tài “Địa Vị Văn Học Trong Nền Văn Hóa Việt Nam,” GS Nguyễn Trung Quân nói rằng Văn Học là vấn đề lớn của dân tộc nhưng Văn Hóa là một vấn đề lớn hơn, nên trước khi đi vào đề tài, giáo sư đề cập đến cuốn Khảo Luận của bình luận gia Ngô Nhân Dụng, trong đó tác giả đề cập đến vấn đề sử gia Trần Trọng Kim đã phân tích “Tại sao một nước nhỏ như chúng ta mà chịu đựng được bao cuộc xâm lấn của ngoại bang như vậy?” và một tác giả khác, nhà sử học Lê Thành Khôi, trong một cuốn sách viết bằng Pháp ngữ cũng nêu nhiều lý do và khẳng định “Việt Nam đứng vững nhờ ngôn ngữ của họ.”
Giáo Sư Nguyễn Trung Quân nói tiếp, “Nếu văn hóa được xem là toàn bộ sinh hoạt đặc thù của một quốc gia, từ cách sống, cách ăn ở, cách đối xử với nhau, cách đấu tranh giữ gìn quê hương; tất cả những sự việc đó kết hợp thành nét đặc thù của dân tộc hay là của nhóm người hoặc của một khu vực nào đó cho chùng ta thấy sử gia Trần Trọng Kim tuy không nói rõ nhưng đã đặt vấn đề là Văn Hóa Dân Tộc quan trọng vô cùng trong việc dựng nước và giữ nước. Ngôn ngữ của một dân tộc dẫn chúng ta tới một tiến trình là từ ngôn ngữ đến văn tự, từ văn tự nó sẽ giữ vững nền tảng ở trong tinh thần của mỗi dân tộc, và cái đặc biệt của dân tộc Việt Nam mà nhiều người thường nói: mỗi ông VN là một ông nhà thơ và ông nhà văn.Quả vậy, cái ngôn từ VN đưa chúng ta đến chỗ làm thơ cách dễ dàng, cho nên cái địa vị văn học có ảnh hưởng quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam.”
Diễn giả nói rằng, cuốn Văn Học Sử Việt Nam dầy trên 1,000 trang cũng vẫn chưa nói hết được văn học, văn hóa Việt Nam, hôm nay ông chỉ có hơn 20 phút trình bày đề tài nên không thể diễn giải hết những gì ông muốn nói. Do đó, GS Nguyễn Trung Quân chỉ xin tóm gọn một tiến trình để hy vọng đáp ứng được lời yêu cầu của GSTS Nguyễn Thanh Liêm.
Với một kiến thức và sự hiểu biết rộng rãi cộng với tấm lòng yêu văn hóa, luôn muốn bảo tồn văn hóa và văn học dân tộc của một nhà giáo từng được cử giữ nhiệm vụ Hiệu Trưởng một Trường Trung Học lớn nhất miền tây Nam Phần, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân đã làm cho mọi người có mặt say mê theo dõi và khâm phục trí nhớ của một vị cao niên có lẽ đã 80 tuổi đời nhưng còn minh mẫn, không cần cầm tài liệu mà nhớ từng câu thơ, từng điển tích trong lịch sử, và đưa ra những dẫn chứng rất thuyết phục để người nghe nhận thức được địa vị văn học trong nền văn hóa Việt Nam quan trọng như thế nào mà cố gắng bảo tồn và phát huy. (Vì khuôn khổ bài báo có hạn, trong dịp khác chúng tôi sẽ đăng nguyên văn bài nói chuyện của giáo sư Nguyễn Trung Quân hầu qúy độc giả)
Diễn giả thứ hai, Giáo sư Trần Văn Chi, cũng đã viết nhiều sách, báo về nhiều đề tài văn hóa, văn học, và thuyết trình đề tài “Văn Hóa Đàng Trong.” Trước tiên, GS Trần Văn Chi nêu phản biện lời trình bày của GS Nguyễn Trung Quân khi GS Quân đồng ý với GS Trần Trọng Kim và GS Lê Thành Khôi rằng “Dân tộc ta còn tồn tại là nhờ văn hóa.” Theo GS Trần Văn Chi: “Không phải nhờ văn hóa mà chính nhờ cái nhơn tài đã giữ đất nước chúng ta còn đến ngày nay.” Ông dẫn chứng rằng, không chỉ có Quang Trung, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt v.v. mà còn rất nhiều nhân tài vô danh đã gìn giữ bờ cõi như trong bài Anh Hùng Vô Danh mà GS Nguyễn Ngọc Huy đã nêu; đó chính là những nhân tài đã giữ được đất nước đến ngày nay. Sau đó, giáo sư Trần Văn Chi mới đi vào đề tài chính, ông phân tích “Văn Hóa và Đàng Trong” là gì. Qua sự nghiên cứu công phu và với kiến thức sẵn có, GS Trần Văn Chi cũng lôi kéo được mọi người theo dõi đề tài từ đầu đến cuối.


GS Trần Văn Chi trong Ngày Văn Hóa Việt Nam. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Ngoài hai đề tài trên, Ngày Văn Hóa Việt Nam còn có chương trình phụ diễn do Ban Văn Nghệ Lạc Hồng với 2 tiết mục “Bùi Kiệm Thi Rớt” (Tứ Đại Óan lớp 1) và truyện tình cải lương Lan và Điệp cũng là những nét văn hóa dân tộc.
Sau gần ba tiếng đồng hồ, Ngày Văn Hóa VN chấm dứt với niềm hân hoan của mọi người không uổng phí thì giờ tham dự để được dịp tìm hiểu thêm về Văn Học và Văn Hóa của dân tộc mình mà tự hào với câu “nước Việt Nam có hơn bốn nghìn năm văn hiến.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT