Người Việt Khắp Nơi

Ngày Văn Hóa Việt Nam Năm 2016

Thursday, 24/03/2016 - 08:38:24

“Từ hơn mười mấy năm qua, chúng tôi đều tổ chức Ngày Văn Hóa hằng năm để cổ võ việc nghiên cứu và phát triển về những vấn đề sinh hoạt văn hóa trong xã hội Việt Nam. Nhưng văn hóa là cái gì?

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Chiều Thứ Bảy ngày 19.3.2016, Hội Lê Văn Duyệt Foundation đã tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam tại hội trường Việt Báo ở Westminster nhằm mục đích cổ võ việc nghiên cứu và phát triển văn hóa của dân tộc Việt tại hải ngoại.

Hội trường Việt Báo đầy ắp người tham dự , trong đó có Hiền Tài Phạm Văn Khảm (Cao Đài), ông Huỳnh Kim (PG Hòa Hảo) và nhiều vị giáo sư, trong đó có Thầy Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, các Giáo Sư Nguyễn Lộc Thọ, Dương Ngọc Sum, Trần Huy Bích, Vũ Ngọc Mai, Trần Văn Chi, Trần Văn Châu, Đàm Trung Pháp... ;phu nhân Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm; niên trưởng Vũ Trọng Mục, Chủ Tịch Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Nam Cali; các vị Đốc Sự Hành Chánh như ông Lê Ngọc Diệp và phu nhân, Đốc Sự Đỗ Văn Minh, bà Trúc Minh; kỹ sư Nguyễn Mai (Tổng Thư Ký Hội Liên Trường) và phu nhân, ông Lâm Mỹ Hoài Anh (Hội Trưởng Hội Petrus Ký), ông Nguyễn Văn Cất, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Kiến Hòa, ông Đoàn Ngọc Đa (Hội Trưởng Quảng Nam - Đà Nẵng) và phu nhân Nha Sĩ Kim Loan; các thành viên trong Hội Lê Văn Duyệt Foundation, Hội Hoàng Hạc Khí Công, ông Hội Trưởng Hội Bến Tre Kiến Hòa, CLB Tình Nghệ Sĩ, Mục Sư David Huỳnh và các đồng hương cũng như các cơ quan truyền thông.

            GSTS Nguyễn Thanh Liêm và quan khách tham dự ngày Văn Hóa (Thanh Phong/Viễn Đông)

Giáo Sư Cao Minh Châu điều hợp chương trình với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Sau đó, Đốc Sự Châu Văn Đễ, Trưởng Ban Tổ Chức lên chào mừng và giới thiệu thành phần tham dự. Tiếp đến, cô Cao Minh Châu mời Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm lên nói về ý nghĩa Ngày Văn Hóa Việt Nam.
Giáo Sư TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, năm nay tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm sau khi bị tai biến vào năm ngoái, và mới cách đây một vài ngày, bác sĩ khuyên ông nên nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với nhiều người vì sức đề kháng trong cơ thể đã quá yếu, Nhưng, với một tinh thần trách nhiệm của một người Thầy, một nhà trí thức nắm giữ vai trò quan trọng của Bộ Giáo Dục VNCH, GS. Nguyễn Thanh Liêm đã cố gắng tổ chức Ngày Văn Hóa, hiện diện và lên nói về ý nghĩa Ngày Văn Hóa:

“Từ hơn mười mấy năm qua, chúng tôi đều tổ chức Ngày Văn Hóa hằng năm để cổ võ việc nghiên cứu và phát triển về những vấn đề sinh hoạt văn hóa trong xã hội Việt Nam. Nhưng văn hóa là cái gì?

Một số người Việt Nam cho rằng văn hóa có nghĩa là thanh cao, lịch sự, nhã nhặn, khoan dung, khác với sự tầm thường, lỗ mãng, cục mịch, ác độc. Với ý nghĩa đó, người ta nói người Việt tự do, nhân bản, lịch sự là người có văn hóa. Ngược lại người Việt cộng sản, độc tài toàn trị, ngu đần, bất lịch sự, tàn bạo, không có văn hóa. Thật ra chúng tôi không chủ trương văn hóa theo ý nghĩa đó.

Theo chúng tôi, một cách tổng quát, văn hóa là nếp sống của con người trong xã hội. Nói khác đi văn hóa là tất cả những sinh hoạt của con người trong một xã hội. Học hành, làm việc, cưới vợ, sanh con, tôn sùng, lễ bái, tôn giáo, chính trị, kinh tế, nghệ thuật v.v.. đều thuộc sinh hoạt xã hội của con người, nghĩa là văn hóa cả. Chúng tôi theo đúng môn văn hóa nhân loại học, cultural anthropology, một ngành khoa học chú trọng về các phần học thuật liên hệ tới ngôn ngữ, tôn giáo, hôn nhân, kinh tế, chính trị, nghệ thuật, nhân cách, giá trị v.v..Theo ý nghĩa đó, người Việt Nam dù là tự do hay là cộng sản cũng là người có văn hóa cả. Cái khác biệt là văn hóa nhân bản, tự do của người Việt Nam rất khác biệt với văn hóa vô nhân bản, độc tài toàn trị, hẹp hòi của cộng sản. Trong sinh hoạt văn hóa có hai chức vụ trọng yếu không thể thiêu được là xã hội loài người và giáo dục. Không có một cộng đồng, không có một nhóm người sống chung thì không thể là một sinh hoạt văn hóa. Có một cộng đồng, có một nhóm người sống chung với nhau mà không có giáo dục thì cũng không thành văn hóa. Sinh hoạt bẩm sinh (instinct) không thuộc về văn hóa. Phải có giáo dục như xã hội loài người mới có văn hóa...”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm cũng nhấn mạnh rằng, để trở thành một con người trong xã hội, nói riêng về giáo dục, chúng ta có ba cách, một là giáo dục trong gia đình, hai là giáo dục ở học đường và ba là giáo dục ngoài xã hội tức là ở trường đời. Sau khi phân tích ba phương cách giáo dục đó, GS cho biết, Ngày Văn Hóa hôm nay sẽ đề cập đến vấn đề tôn giáo, và sau đó là vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng cho con người. Đây là một số trong những chương trình hoạt động của Ngày Văn Hóa Việt Nam. Ông cũng cho biết, tương lai sẽ mời các vị khoa bảng, học giả, những chuyên viên và các bậc cao thâm đức trọng đến thuyết trình cho các thính giả chọn lọc như hôm nay.

Sau đó, Đốc Sự Hoa Thế Nhân, thuyết trình về đề tài “Tinh Thần Dung Hợp Tâm Linh Ở Đạo Cao Đài” và tiếp theo là bài thuyết trình về “Đời Sống Và Sức Khỏe Của Người Cao Niên” do Bác sĩ, Võ Sư Phạm Gia Cổn, Chưởng Môn Khí Công Hoàng Hạc, trình bày. Cả hai bài thuyết trình được soạn thảo công phu và hữu ích cho mọi người. Rất tiếc, khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi không đăng hết hai bài thuyết trình được. Trong tương lai, nếu có dịp, Viễn Đông sẽ đăng tải để cống hiến quý độc giả.

Chương trình bước qua phần thứ ba là Văn Nghệ do CLB Tình Nghệ Sĩ và các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt cũng như thân hữu trình bày gồm cả tân, cổ nhạc, và giới thiệu tuyển tập “Nguyễn Thanh Liêm” do GS Trần Văn Chi, và sau cùng, Đốc Sự Châu Văn Đễ, thay mặt ban tổ chức ngỏ lời cám ơn quan khách, đồng hương và tuyên bố bế mạc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT